Hợp tác chính trị và ngoại giao
Trụ cột hợp tác chính trị và ngoại giao giữa hai nước trước tiên bao gồm việc Tổng thống Hoa Kỳ khẳng định “ủng hộ độc lập, chủ quyền, thịnh vượng và hội nhập quốc tế của Việt Nam”, theo tuyên bố chung.
Tuyên bố chung cũng khẳng định hợp tác chính trị và ngoại giao bao gồm đối thoại cấp cao giữa Bộ trưởng Ngoại giao và các cơ quan đảng của hai nước, ủng hộ việc tuân thủ Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS 1982), hợp tác hạ nguồn sông Mekong, xây dựng các sứ quán và cơ quan đại diện ở hai nước.
Kể từ năm 2000, sau chuyến thăm lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến Việt Nam, các Tổng thống Mỹ khác bao gồm George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump đều lần lượt đến Việt Nam. Trong đó, ba chuyến thăm của Tổng thống Obama và Trump diễn ra sau khi hai nước nâng cấp quan hệ.
Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Việt Nam đầu tiên đến Mỹ kể từ sau chiến tranh Việt Nam là Phan Văn Khải vào năm 2005. Sau đó, các thủ tướng khác của Việt Nam cũng đến Mỹ.
Đặc biệt quan trọng là chuyến thăm của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015. Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ kể từ sau cuộc chiến Việt Nam, cho thấy sự nhìn nhận của Mỹ với chế độ chính trị do Đảng Cộng sản lãnh đạo tại Việt Nam.
Giới chức hai nước hiện cũng đang thảo luận về các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ trong năm nay.
Vào tháng 3 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm. Tại cuộc điện đàm này hai bên đã gửi và chấp nhận lời mời đến thăm lẫn nhau. Theo truyền thông Nhà nước, hai vị lãnh đạo cũng đồng ý sẽ thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ hai nước.
Nói về khả năng diễn ra các chuyến thăm cấp cao này, chuyên gia về an ninh và quan hệ quốc tế, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho biết.
Carl Thayer: Theo tôi kịch bản vào lúc này là ông Nguyễn Phú Trọng có kế hoạch thăm Mỹ vào tháng 7. Không có các chuyến thăm cấp cao, theo tôi sẽ không có quan hệ đối tác chiến lược. Một trong những cái giá mà Mỹ phải chấp nhận là chấp nhận vai trò của ông Tổng bí thư trong hệ thống chính trị. Về cuối năm có Thượng đỉnh ASEAN và các cuộc gặp đa phương cấp cao ở Ấn Độ và ở Indonesia. Tổng thống Biden sẽ tham dự. Tôi nghĩ là vào tháng 9 (thường là vào tháng 11 nhưng giờ họ chuyển lên sớm hơn). Đó có thể là cơ hội cho ông ấy đến khu vực Châu Á Thái Bình Dương và thăm Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, dù là nước không tham gia trực tiếp vào tranh chấp ở vùng biển này, nhưng Hoa Kỳ vẫn khẳng định tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này và đã nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc về các hành động gây hấn, bắt nạt các nước láng giềng ở trong khu vực.
Vào ngày 15/4/2023, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã dự lễ khởi công Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội trị giá 1,2 tỷ đô la và được coi là một trong những đại sứ quán đắt nhất của Mỹ trên thế giới.
Chính trị cũng được coi là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng lòng tin giữa hai nước khi cân nhắc việc đưa mối quan hệ lên một cấp mới. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, chuyên gia về Khoa học Chính trị, nghiên cứu viên tại Trung tâm Tương lai Chính sách, Khoa Nhân văn và Xã hội học, Đại học Queensland, Úc nhận định.
Nguyễn Hồng Hải: Nếu hai nước nâng cấp lên quan hệ chiến lược thì tôi cho rằng cái vấn đề về chính trị đầu tiên vẫn phải là cái đầu tiên. Chính trị ở đây thể hiện ở lòng tin và tôi luôn nhấn mạnh một điều là lòng tin luôn là yếu tố quan trọng và quyết định trong quan hệ việt Mỹ.