Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Vào tháng 10/2014, chỉ khoảng một năm sau khi lãnh đạo hai nước cựu thù bắt tay đồng ý nâng quan hệ hai nước lên đối tác toàn diện, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải (người còn được biết đến là blogger Điếu Cày), được chuyển thẳng từ nhà tù nơi ông đang thi hành bản án tù 12 năm với cáo buộc “Tuyên truyền chống chính phủ” sang Mỹ. Việc trả tự do cho blogger Điếu Cày nhưng bắt ông phải sang Mỹ là một trong các thỏa thuận về các tù nhân lương tâm giữa Mỹ và Việt Nam trong các năm qua.
Chỉ trong giai đoạn từ năm 2013 đến cuối tháng 6/2023, Mỹ đã tiếp nhận tổng cộng bảy tù nhân lương tâm Việt Nam bị chuyển trực tiếp từ nhà tù sang Mỹ.
Nhận định về vấn đề nhân quyền Việt Nam vào thời điểm Mỹ - Việt Nam nâng cấp quan hệ vào năm 2013, nhà báo Nguyễn Văn Hải - Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhà báo tự do Việt Nam - nói.
Nguyễn Văn Hải: Thời điểm tôi ra tù là thời điểm rất là tốt trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngoài việc là hai bên trao đổi với nhau về vấn đề nhân quyền thì năm đó có nhiều người được ra tù. Tình hình nhân quyền của Việt Nam vào thời điểm đó khá là sáng sủa. Trong thời điểm đó Việt Nam đang vận động để được Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí và được tham gia vào Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương.
Khoảng thời gian Việt Nam trả tự do cho nhà báo Nguyễn Văn Hải, một số các nhà hoạt động khác ở Việt Nam cũng được trả tự do như Nguyễn Tiến Trung, luật sư Lê Công Định. Sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ vào tháng 5/2015, vào tháng 9 cùng năm, Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần và đẩy bà sang Mỹ.
Tuy nhiên, kể từ sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào năm 2017, tình hình nhân quyền Việt Nam đã trở nên tồi tệ như nhận định của nhà báo Nguyễn Văn Hải.
Nguyễn Văn Hải: Việc Mỹ rút khỏi TPP cùng với một làn sóng thay đổi tình hình chính trị ở Việt Nam. Vào thời điểm sau khi TPP mất đi thì những năm gần đây tình hình nhân quyền ở Việt Nam rất tồi tệ, sự đàn áp gia tăng rất nhiều. Nhiều người thất vọng về tình hình nhân quyền trong mấy năm gần đây. Giới đấu tranh chịu một sự đàn áp rất khốc liệt.
Các số liệu thống kê được các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế cho thấy, Hà Nội đang giam giữ ít nhất 150 tù chính trị. Mặc dù vậy, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định không có tù chính trị và chỉ có những người vi phạm pháp luật bị bắt giam.
Theo số liệu thống kê do RFA tổng hợp, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 32 người hoạt động trong các lĩnh vực quyền đất đai, môi trường, nhân quyền, nhà báo và luật sư. Theo Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc, Hà Nội đã rất “toan tính” về vấn đề nhân quyền trong quan hệ Việt - Mỹ.
GS. Carl Thayer: Việt Nam rất giỏi trong việc tính toán chơi trò chơi này. Họ chỉ làm đủ để thoả mãn phía Mỹ và cho thấy là dường như có tiến bộ. Việt Nam không muốn cho thấy là họ lùi bước hay chịu nhượng bộ trước các sức ép. Vì điều này sẽ dỡ bỏ những ngăn chặn mà họ muốn có trong nước được thể hiện qua việc bắt giữ các nhà hoạt động.
Nói về sức ép về nhân quyền từ phía Mỹ lên Việt Nam khi hai nước cân nhắc nâng quan hệ đối tác thành chiến lược, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải thuộc Đại học Queensland, Úc nhận định.
Nguyễn Hồng Hải: Vấn đề nhân quyền luôn được đặt ra trong quan hệ giữa mỹ và các nước vì nhân quyền là trụ cột trong quan hệ đối ngoại của mỹ rồi. Chính vì thế, đối với các nước như VN khi quan hệ với Mỹ thì không nên ảo tưởng là mỹ sẽ từ bỏ vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, tôi phải nói là đối với vấn đề nhân quyền, bản thân các chính quyền Mỹ sẽ có các ưu tiên khác nhau tùy theo lợi ích chiến lược của Mỹ.
Nhà báo Nguyễn Văn Hải thì cho rằng Mỹ nên gây sức ép mạnh mẽ hơn lên Việt Nam về vấn đề nhân quyền, thay vì tìm cách lôi kéo Việt Nam trong các vấn đề địa chính trị vào khi có những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung.
Nguyễn Văn Hải: Tôi nghĩ Mỹ cần phải cương quyết hơn trong một số vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trong khi tình hình địa chính trị quốc tế như vậy thì Mỹ vẫn đặt mục tiêu lớn hơn là lôi kéo, vận động để có liên minh địa chính trị lớn hơn, bàn cờ lớn hơn cho nên vấn đề nhân quyền đôi khi nó được đặt xuống thấp hơn mục tiêu chung của chính quyền Mỹ.