Quốc phòng và an ninh
Hợp tác về quốc phòng và an ninh được lãnh đạo hai nước khẳng định tiếp tục hợp tác và thực hiện các đối thoại về chính sách quốc phòng và đối thoại chính trị - an ninh - quốc phòng.
Vào ngày 30/3 vừa qua, tại Washington DC, hai nước đã tổ chức đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 12. Tại đối thoại lần này, phía Việt Nam khẳng định luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong khi phía Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải Đại học Queensland, Úc, trụ cột quốc phòng và an ninh cùng với trụ cột kinh tế thương mại là hai trụ cột quan trọng nhất trong quan hệ hai nước, đặc biệt vào khi hai nước đang cân nhắc nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược.
Nguyễn Hồng Hải: Nếu được sắp xếp thứ tự ưu tiên, các trụ cột tiếp theo trong quan hệ chiến lược việt mỹ thì kinh tế thương mại là trụ cột tiếp theo, rồi vấn đề an ninh quốc phòng. Đây là hai vấn đề tôi nghĩ là hai trụ cột quan trọng trong quan hệ việt mỹ đặc biệt trong bối cảnh an ninh khu vực và thế giới ngày càng có những biến động phức tạp, rõ ràng là vn đang chịu một áp lực rất lớn về an ninh chủ quyền ở mọi khía cạnh. Chính vì thế mà an ninh quốc phòng rất quan trọng với vn.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ: “quan hệ an ninh giữa Mỹ và Việt Nam tiếp tục được mở rộng và hai nước có tầm nhìn chung về tương lai của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do”.
Năm 2018, tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đến cảng Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam kể từ sau chiến tranh Việt Nam. Vào tháng 9/2020, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã đến thăm Đà Nẵng năm ngày.
Vào tháng 7 năm ngoái, tàu sân USS Ronald Reagan dự kiến đến Việt Nam nhưng chuyến thăm đã đột ngột bị huỷ bỏ vào khi có những căng thẳng ở Biển Đông.
Từ ngày 25 đến 30/6, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã ghé thăm Đà Nẵng và trở thành tàu sân bay thứ ba của Mỹ đến Việt Nam kể từ sau chiến tranh Việt Nam.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, từ năm 2015 đến năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê chuẩn việc xuất khẩu vĩnh viễn các thiết bị quốc phòng trị giá 32,3 triệu USD với Việt Nam thông qua chương trình Giao dịch Thương mại Trực tiếp (DCS).
Cũng trong các năm này, ba hạng mục trong chương trình DCS được xuất khẩu nhiều nhất là: hệ thống điều khiển hỏa lực, laser, hình ảnh và thiết bị dẫn đường (USML hạng mục XII); thiết bị điện tử quân sự (hạng mục XI); súng và các thiết bị liên quan (hạng mục I). Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã thực hiện các hoạt động trị giá hơn 162 triệu USD trong Giao dịch Quân sự Nước ngoài với Việt Nam.
Trong các tài khóa 2017 đến 2021, Việt Nam đã tiếp nhận các khoản hỗ trợ an ninh song phương trị giá khoảng 60 triệu USD do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ thông qua chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài (FMF), và hơn 20 triệu USD qua Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á (SAMSI) thuộc chương trình FMF khu vực của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Cũng từ chương trình FMF, Việt Nam tiếp nhận thêm 81,5 triệu USD trong tài khóa 2018 để hỗ trợ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Chương trình FMF chủ yếu hỗ trợ an ninh biển cho Việt Nam và xây dựng năng lực biển của Việt Nam.
Để hỗ trợ xây dựng năng lực biển cho Việt Nam, Mỹ đã chuyển giao ba tàu tuần tra loại biên cho Việt Nam. Hồi tháng 12 năm 2021, Chính phủ Mỹ thông báo đồng ý bán cho Việt Nam 12 máy bay huấn luyện T - 6 Texan. Dự kiến 5 - 6 chiếc sẽ được bàn giao vào năm 2024 và số còn lại bàn giao vào năm 2027.
Từ năm 2018 đến 2019, Mỹ đã bàn giao cho Việt Nam 18 xuồng tuần tra cao tốc Metal Shark.
Hãng tin Reuters trích thông cáo của Đại sứ quán Hoa Kỳ hồi tháng 4/2019 nhân lễ bàn giao sáu xuồng tuần tra cho Việt Nam cho biết: “Việc chuyển giao các xuồng tuần tra này thể hiện sự hợp tác ngày càng sâu rộng của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực thực thi pháp luật trên biển, tìm kiếm cứu nạn hàng hải và các hoạt động hỗ trợ nhân đạo hàng hải trong vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”
Mặc dù vậy, cho đến lúc này, Việt Nam vẫn chưa mua các vũ khí được cho là có tính răn đe và chiến lược từ Mỹ dù Hoa Kỳ đã chính thức dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vào năm 2016. Nhận định về vấn đề này, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nói.
GS. Carl Thayer: Hoa Kỳ đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí. Khi mua vũ khí bạn phải nhìn vào chi phí và sự phù hợp. Vũ khí của Mỹ dường như là có giá cao hơn. Đã có những nhà bán vũ khí Mỹ tìm đến Việt Nam. Quốc hội việt Nam đang xem xét dự luật cho phép các tập đoàn tư nhân ký hợp đồng với các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài. Khi bạn hỏi về một loạt các vũ khí, công nghệ và hệ thống bao gồm các hạng mục lớn như máy bay và tàu chiến thì tôi nghĩ là chỉ có loại thấp hơn. Việt Nam lo ngại, và đây là vấn đề lòng tin, rằng bất cứ hợp đồng nào được ký cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề quan ngại về nhân quyền và sự can thiệp từ quốc hội Mỹ.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải cân nhắc vấn đề tích hợp hệ thống khi phần lớn vũ khí mà Việt Nam mua từ trước tới nay là từ Liên Xô cũ và Nga. Hiện Nga là nước cung cấp đến 80% nhu cầu vũ khí cho Hà Nội.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, cái Việt Nam cần nhiều hơn từ Mỹ chính là công nghệ quốc phòng.
Nguyễn Hồng Hải: Trong thời điểm hiện nay, Việt Nam cần nhiều hơn là công nghệ vũ khí, hơn là vũ khí. Việt Nam đang muốn phát triển ngành công nghiệp quốc phòng tức là Việt Nam muốn có công nghệ sản xuất vũ khí để tự chủ được về vũ khí, hơn là phụ thuộc vào Nga hay Mỹ hay bất cứ nước nào. Trong thời gian qua, trong quan hệ quốc phòng Việt nam và Mỹ, điều mà Việt Nam mong muốn nhiều hơn đó chính là có được những công nghệ quốc phòng từ phía Mỹ.
Hiện Việt Nam đang xem xét một bộ luật về công nghiệp quốc phòng và an ninh - một khung khổ pháp lý có thể mở đường cho các công ty nước ngoài thâm nhập vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đang phát triển nhanh chóng của quốc gia này.