One Belt One Road


Đây là con đường “đôi bên cùng có lợi” hay là con đường dẫn đến sự thống trị toàn cầu? “Một vành đai, Một con đường” là một mạng lưới thương mại và cơ sở hạ tầng giao thông khổng lồ nối Trung Quốc với cả Châu Á, Châu Âu, Trung Đông, Mỹ Latin và Châu Phi. Bắc Kinh đang tài trợ cho các dự án đường bộ, đường sắt, bến cảng, đường ống dẫn năng lượng và công nghiệp ở các quốc gia khao khát phát triển với các khoản đầu tư lên tới hàng trăm tỷ USD.

Nhưng Trung Quốc thiếu minh bạch về các dự án mà họ hỗ trợ, và sự phụ thuộc kinh tế vào cường quốc Châu Á này mang lại rủi ro. Các chuyên gia cảnh báo rằng các quốc gia đang phát triển có thể mắc vào bẫy nợ với một chính phủ độc tài, khắt khe với bất kỳ tiếng nói bất đồng chính kiến nào ở trong và ngoài nước.

Đài Á Châu Tự Do khảo sát mức độ quy mô dự án đặc trưng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và những vấn đề sâu xa mà nó tạo nêni. Loạt video này cung cấp cái nhìn về phạm vi tiếp cận của Trung Quốc tại Đông Nam Á và xa hơn.

Chúng tôi chú trọng vào tình cảnh của ngư dân ở Philippines; nỗ lực Bắc Kinh thúc đẩy xây dựng một con đập lớn ở Miến Điện; việc thuộc địa hóa thực sự của một khu nghỉ mát bên bờ biển ở Campuchia; và những đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia Tây Phi Senegal và đảo quốc Vanuatu nhỏ bé ở Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng phân tích về đại dịch COVID-19, xảy ra trong quá trình Đài Á Châu Tự Do sản xuất loạt video này, đã tác động đến “Một vành đai, Một con đường” như thế nào.

Để thiết lập bối cảnh, chúng tôi cung cấp tổng quan về “Một vành đai, Một con đường”. Nó thường được gọi là “Sáng kiến Vành đai và Con đường” và được nhiều người coi là kế hoạch phát triển toàn cầu lớn nhất trong lịch sử hiện đại.



Trung Quốc đã tiến hành một sự chuyển đổi kinh tế lớn chỉ trong một thế hệ. Từ một nền kinh tế phải vật lộn để lo ăn cho người dân của mình, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc về công nghiệp và lực lượng thống trị trong thương mại thế giới.

Vào cuối năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố một kế hoạch phát triển toàn cầu lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Dự án Vành đai Con đường, thường được gọi là Sáng kiến Vành đai Con đường, là một mạng lưới thương mại và hạ tầng giao thông rộng lớn bao gồm các tuyến đường trên bộ nối Trung Quốc với Châu Âu, trung và nam Mỹ, và Trung Đông, cũng như các tuyến đường nối Trung Quốc với đông Phi và vùng Địa trung hải.

Theo truyền thông Trung Quốc, hiện có 71 quốc gia tham gia Sáng kiến này với các dự án đường bộ, đường sắt, giao thông, đường ống dẫn năng lượng và cảng biển. Khu vực này đại diện cho hơn 1/3 GDP của thế giới và 2/3 dân số toàn cầu.

Các báo cáo gần đây ước tính hơn 900 tỷ đô la thuộc các dự án này đã được triển khai. Mặc dù Trung Quốc luôn nhấn mạnh về một kết quả mà tất cả các bên đều có lợi đối với tất cả những nước tham gia sáng kiến, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng Sáng kiến Vành đai Con đường có thể là một cái bẫy nợ đối với các quốc gia đang phát triển.

Các khoản nợ mà Trung Quốc cung cấp đang trở thành những khoản vay không trả nổi đối với nhiều nước, khiến họ phải từ bỏ quyền kiểm soát của mình đối với các công ty nhà nước quan trọng và đất đai của mình để đổi lấy việc Trung Quốc cho gia hạn hoặc xoá nợ.

Trong các năm gần đây, cả Sri Lanka và Tajikistan đã phải từ bỏ quyền kiểm soát của họ đối với vùng đất thuộc chủ quyền của mình cho Trung Quốc sau khi không trả nổi nợ. Gần đây nhất, Sáng kiến Vành đai Con đường ở Kenya và Tanzania đã phải dừng lại vì các điều khoản tài chính được mô tả là “bóc lột và khó khăn”.

Mặc dù vậy, phạm vi của Sáng kiến Vành đai Con đường vẫn liên tục được mở rộng với các kế hoạch mới cho một tuyến thương mại xuyên qua vùng Bắc Cực, và mở rộng đến Tây Phi và Mỹ Latin. Điều này cho thấy một thực tế là Sáng kiến Vành đai Con đường là một con đường tiến tới sự thống trị toàn cầu.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Sáng kiến Vành đai Con đường là một dự án của thế kỷ và nó sẽ mở rộng ảnh hưởng về chính trị và kinh tế của Trung Quốc bằng cái giá phải trả của các nước khác. Sáng kiến Vành đai Con đường là sự bắt đầu của một kỷ nguyên Trung Quốc mới.


oneBeltOneRoad map




Philippines

Philippines là đồng minh lâu năm của Mỹ đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, cho dù đang có những tranh chấp cơ bản về các yêu sách ở Biển Đông khiến ngư dân Philippines rơi vào tầm ngắm.

VIEW

Vanuatu

Đảo quốc nhỏ bé ở Thái Bình Dương, Vanuatu, đã được Trung Quốc ve vãn bằng viện trợ và cơ sở hạ tầng, nhưng người dân địa phương cảnh giác rằng sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc có thể phá hủy lối sống của họ.

VIEW

MIẾN ĐIỆN

Miến Điện có mối quan hệ ngày càng mật thiết với Bắc Kinh, nhưng kế hoạch của Trung Quốc về một dự án thủy điện lớn ở đầu nguồn sông Ayeyarwady hùng vĩ đã làm dấy lên sự giận dữ.

VIEW

Campuchia

Campuchia là một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc và Sihanoukville, một thành phố nghỉ mát một thời quyến rũ đã trở thành trung tâm cho khách du lịch và những người đánh bạc Trung Quốc, khiến người địa phương bị đẩy ra khỏi ngoài thị trường bất động sản.

VIEW

Senegal

Senegal trông đợi vào Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển hạ tầng, nhưng các nhà phê bình cảnh báo rằng quốc gia Tây Phi này đang rơi vào bẫy nợ.

VIEW

Tác động do COVID-19

Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” bị lùi bước trước dịch COVID-19, tuy nhiên tác động to lớn của đại dịch này cũng cho thấy kinh tế của các quốc gia gắn bó chặt chẽ như thế nào với Trung Quốc.

VIEW


Web page produced by: Minh-Ha Le
-------------
Videos & Photos: Radio Free Asia
-------------
Editing: H. Leo Kim, Mat Pennington
-------------
Produced by Radio Free Asia

© 2020 RFA All Rights Reserved.