MIẾN ĐIỆN




Dân số: 53,7 triệu
Tăng trưởng GDP: 6,5% năm 2019; 1,8% dự báo vào năm 2020
Tuổi thọ: 66,9 năm
Tuổi trung vị: 29 tuổi

Sự mở cửa một nền dân chủ tại Miến Điện trong thập niên qua mang theo hứa hẹn về sự thịnh vượng đã nằm ngoài tầm với của người dân nước này trong 5 thập niên dưới sự thống trị đàn áp của quân đội. Miến Điện nằm ở vị trí chiến lược bên cạnh các cường quốc Trung Quốc và Ấn Độ, có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và dường như sẵn sàng để nổi lên thành một trung tâm thương mại lớn trong khu vực.

Cuộc bầu cử lịch sử vào tháng 11 năm 2015 đã ra đời một chính phủ dân sự mới do cựu tù nhân chính trị và biểu tượng dân chủ Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Nhưng sự mở cửa chính trị này, mặc dù nó có mang lại quyền tự do báo chí, quyền biểu tình và ân xá cho tù nhân, đang chao đảo.


myanmar map

Tiến trình dân chủ bị lùi bước phần nào, và chính quyền đã thất bại trong việc mang lại thanh bình cho quốc gia đa sắc tộc Miến Điện mặc dù đặt trọng tâm vào việc này. Vị thế quốc tế của Miến Điện đã bị xấu đi bởi những cáo buộc về tội ác diệt chủng từ phía quân đội vẫn còn hùng mạnh của Miến Điện đối với dân thiểu số Hồi giáo Rohingya. Khoảng 750.000 người Rohingya đã vượt biên sang Bangladesh trong cuộc đàn áp năm 2017.

Khi các cường quốc Tây Phương muốn lánh xa Miến Điện, chính phủ nước này đã tăng cường quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của họ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã viếng thăm Miến Điện vào tháng 1 năm 2020, chuyến công du quốc tế đầu tiên trong thập niên mới của ông, mở ra một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ giữa hai nước láng giềng. Trung Quốc đã bao che cho Miến Điện trước những nỗ lực của quốc tế nhằm buộc nước này phải chịu trách nhiệm trước những hành động tàn bạo nói trên.

Chuyến thăm của ông Tập đã củng cố các dự án hạ tầng dọc theo Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Miến Điện, một kế hoạch quan trọng trong “Sáng kiến Một vành đai, Một con đường”. Dự án bao gồm một cảng nước sâu, trị giá 1,3 tỷ USD tại Kyaukphyu ở bang Rakhine với lối vào Ấn Độ Dương. Dự án có khả năng tạo cho Trung Quốc một tuyến đường biển trực tiếp hơn đến Châu Âu, Châu Phi và các điểm khác ở Châu Á.

Tuy nhiên, đã có phản ứng dữ dội đối với các dự án của Trung Quốc tại Miến Điện vì lý do các hộ dân bị di dời và vấn đề ô nhiễm. Tai tiếng nhất là trường hợp đập Myitsone, một dự án thủy điện lớn có thể làm thay đổi dòng chảy của sông Ayeyarwaddy, sông mẹ của các con sông ở Miến Điện. Dự án đã không triển khai được do bất ổn, và người dân tại địa phương và trên cả nước không hoan nghênh.



Video - Myanmar: Giao điểm của hai con sông

Daw ja khom - Nhà hoạt động bang Kachin: Nếu chính phủ cho phép dự án này mà không lắng nghe người dân, một nửa bang Kachin sẽ thành một cái hồ. Và tất cả người dân Myanmar ở bang Kachin sẽ phải ngủ dưới một khối lượng nước cao 500 feet, đó là con đập.

Trung Quốc đang đối mặt với phản ứng khi nước này cố gắng nối lại dự án đập Myitsone trị giá 3,6 tỷ đô la đang bị dừng lại. Là một phần của sáng kiến vành đai con đường, đập Myisone là con đập lớn nhất trong số 7 đập được lên kế hoạch dọc sông Irrawaddy, thường được coi là cái nôi của nền văn minh Myanmar. Dự án đã bị ngưng trệ lại từ năm 2011 vì những phản đối tại địa phương ở bang Kachin đối với dự án đập khổng lồ này.

Daw ja khom - Nhà hoạt động bang Kachin: Công ty TQ đến làng chúng tôi, Tam Phe, vào năm 2007 ở khu vực Myitsone. Chúng tôi nghe nói là họ sẽ xây đập. Vào lúc đó, không có tự do báo chí. Mọi người không được nói gì.

Người dân địa phương như nhà hoạt động xã hội ở bang Kachin, Daw Ja Khom sống bên bờ sông Irrawaddy, phần lớn sống dựa vào dòng sông. Vào năm 2011, làng của Daw Ja Khom là một trong nhiều làng bị bắt phải dời nhà cửa của họ và đến các trại để nhường đường cho đập Myitsone.

Daw Ja Khom: Họ doạ chúng tôi phải dời nhà vì đó là khu vực dự án của họ. Vì thế, chúng tôi phải dời làng hôm 6 tháng 4 năm 2011

Khoảng 8 năm sau và các cư dân vẫn trong tình trạng sống không ổn định, U Mura Thee là một cư dân ở khu vực Myitson thấy rằng nơi đến mới đang tàn phá cuộc sống của ông.

U Mura Thee: Chúng tôi đã phải dọn đến làng mới vào tháng 6 - 7 năm 2010. Chúng tôi mang theo đồ dùng của mình từng chút từng chút một. Tôi đã phải bỏ lại trâu bò của mình ở một khu vực cấm. Họ phá huỷ nông trại của tôi và tất cả hoa màu. Vì thế chúng tôi ở trong tình cảnh rất tệ khi mà chúng tôi không biết được là chúng tôi sẽ có thực phẩm vào ngày mai hay không. Và tình hình tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.

Vào năm 2011 Tổng thống Myanmar vào lúc đó là U Thein Sein tuyên bố dự án sẽ bị ngừng lại. Nhưng các áp lực phải xây đập vẫn tiếp tục. Người dân Kachin đã chiến đấu chống lại chính phủ trong nhiều thập kỷ và sẽ không thay đổi quyết định của mình về việc xây đập trên dòng sông vốn là trung tâm cuộc sống của họ. Điều này dẫn đến những bất ổn và những người dân địa phương phải đối mặt với các hành động pháp lý.

Daw Ja Khom - Nhà hoạt động bang Kachin: Chúng tôi tổ chức một cuộc biểu tình. Chúng cũng làm vậy vào năm ngoái. Chúng tôi lịch sự nói rằng chúng tôi, những người dân ở Myitsone không muốn dự án đập này. Cuộc biểu tình của chúng tôi đã xong và đã thành công. Nhưng sau cuộc biểu tình, tôi bị chính phủ kiện theo Luật Quốc hội. Đó là vấn đề.

Tổ chức biểu tình nơi công cộng không có nghĩa là tôi đang đòi hỏi chỉ cho bản thân mình hoặc đòi hỏi thay cho bất cứ tổ chức nào. Chúng tôi đang bảo vệ đất nước cho mọi người. Chúng tôi phản đối. Điều này không nên bị lờ đi. Vụ này đã kết thúc và tôi bị tuyên án phạt 10.000 kyats tiền phạt theo Luật Quốc hội.

Trung Quốc thấy Myanmar là một thành tố quan trọng trong sáng kiến vành đai con đường đầy tham vọng. Vào tháng 9 năm 2018 hai nước đã ký một bản ghi nhớ để kích hoạt Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar, một kế hoạch hạ tầng cơ sở trị giá hàng tỷ đô la nối miền tây nam Trung Quốc qua biển.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động ở Yangon như Daw Khon Ja thuộc Mạng lưới Hoà bình Kachin đang đoàn kết cùng với người dân làng Myitson để ngừng dự án xây dựng đập.

Daw Khon ja - Chuyên gia ở Kachin: Các dự án tương tự đang được tiến hành ở bang Shan. Vì vậy, có nhiều dự án và công việc kinh doanh của TQ đang diễn ra ở trên đất Myanmar. Chúng tôi không thể kiểm soát họ một cách hiệu quả. Và dự án lớn nhất của TQ ở Myanmar là dự án đập Myitsone. Chúng tôi không chắc nếu TQ thực sự muốn dự án đập Myitsone hay họ chỉ muốn dùng dự án này như một công cụ để đe dọa chúng tôi.

Bây giờ sức ép từ TQ đang tăng lên. Vào tháng 1, Đại sứ quán TQ ở Myanmar ra thông báo nói rằng nếu vấn đề Myitsone không được giải quyết, nó sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin của các nhà đầu tư TQ ở Myanmar. Chính trị gia địa phương Myitsone Aung Kham đã chứng kiến sức ép đòi bắt đầu xây dựng đập đang tăng

Aung Kham:Tôi nghĩ bang Kachin là nơi quan trọng cho Trung Quốc về mặt địa chính trị. Và chúng tôi có tài nguyên thiên nhiên mà họ muốn và họ cần. đó là lý do vì sao họ cho rằng đất này nên dưới sự kiểm soát của họ.

Khu vực Myitsone là điểm khởi đầu của dòng sông Irrawady nơi hàng triệu người sống nhờ vào dòng sông này mỗi ngày. Dự án đập Myitsone không chỉ bị phản đối bởi người dân bang Kachin mà còn bởi người dân trên khắp Mynamar.

Đối với TQ, Myanmar vẫn là vùng trắng quan trọng trong sáng kiến vành đai con đường và họ cần Myitsone để chứng tỏ myanmar là một đối tác ổn định. Vấn đề của Myitsone đã được đẩy vào lịch trình của Liên đoàn toàn quốc vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi nhưng vẫn chưa có quyết định. Sau khi bà Suu Kyi thăm TQ vào tháng 4/2019, phán ngôn nhân của bà là Zaw Htay nói rằng chính phủ rất nghiêm túc đối với các quan ngại của công chúng về con đập cũng như tôn trọng những thoả thuận với TQ. Ông bỏ ngỏ khả năng dự án sẽ tiếp tục.

Zaw Htay: Chúng tôi sẽ không bao giờ động chạm đến trường hợp này một cách bí mật và ký bất cứ thoả thuận nào giữa hai chính phủ mà không thông báo cho người dân. Chúng tôi sẽ đưa mọi thứ ra cho công chúng xem một cách hoàn toàn minh bạch nếu chúng tôi quyết định tiếp tục dự án.

Đối với Myanmar đó có thể là một trận chiến về chủ quyền. Đối với người Kachin sống ở Myistone, đó là cuộc chiến sống còn.

U Mura Thee: Nó sẽ ko những chỉ gây hại cho chúng tôi mà còn cho cả nước. Đó là lý do chúng tôi tiếp tục phản đối vì nó không tốt cho mọi người.




Web page produced by: Minh-Ha Le
-------------
Videos & Photos: Radio Free Asia
-------------
Editing: H. Leo Kim, Mat Pennington
-------------
Produced by Radio Free Asia

© 2020 RFA All Rights Reserved.