banner.jpg

Những nhà báo RFA
bị Hà Nội giam cầm



Các nhà báo, blogger và cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do (RFA) là những nạn nhân của những xách nhiễu, bắt bớ của những chính quyền độc tài, nơi tự do ngôn luận, tự do báo chí bị bóp nghẹt. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi Hà Nội đang giam giữ nhà báo Nguyễn Văn Hóa, blogger Trương Duy Nhất và blogger Nguyễn Tường Thuỵ của Ban Việt ngữ, Đài Á Châu Tự Do.

Báo cáo về Tự do Báo chí Thế giới 2020 xếp Việt Nam vào hạng thứ 175 trong số 180 quốc gia, tức là không có tự do báo chí.

Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (RSF) cho biết Việt Nam hiện là một trong những quốc gia cầm tù nhiều nhà báo nhất trên thế giới. Thống kê được đưa ra vào cuối năm 2020 của RSF cho thấy hiện chính phủ Việt Nam vẫn giam giữ ít nhất 28 nhà báo, là những người dám lên tiếng chỉ trích chính phủ, lên tiếng về các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị ở Việt Nam. Họ cũng là những người thường xuyên bị đối xử tàn tệ trong tù, như bị biệt giam, đánh đập, không được tiếp xúc với gia đình và luật sư.

Nguyễn Lân Thắng

Ông Nguyễn Lân Thắng, một cộng tác viên lâu năm đóng góp bài cho mục blog của Ban Tiếng Việt- Đài Á Châu Tự do về các vấn đề chính trị, xã hội, vào tháng tư năm 2023 bị kết án sáu năm tù giam và hai năm quản chế.

Ông bị bắt vào tháng 7/2022 theo cáo buộc đăng lên Facebook và Youtube những video bị cho “chống” Đảng cộng sản Việt Nam.

Ông là một trong bốn cộng tác viên cho Đài Á Châu Tự do đang bị giam tù; và cáo buộc đối với ông là mới nhất trong chuỗi những phán quyết chống lại những nhà bất đồng chính kiến theo Điều 117, Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Đây là điều luật thường xuyên được cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng để hạn chế quyền tự do biểu đạt, bày tỏ ý kiến mà chế độ cho là chỉ trích họ.

Vợ ông Nguyễn Lân Thắng, bà Lê Thị Bích Vượng, viết “Tuy không đồng ý (nếu không muốn nói là phản đối) với cách xét xử cũng như bản án, nhưng chúng tôi thấy rất ấm lòng vì tình người vẫn còn đó.” Bà viết thêm gia đình bà vẫn tin rằng Nguyễn Lân Thắng là “một người yêu nước chưa bao giờ làm gì sai với đất nước và lương tâm.”

Biện pháp bắt giữ và kết án đối với ông Nguyễn Lân Thắng bị lên án khắp nơi bởi các tổ chức cổ xúy cho nhân quyền và tự do báo chí với lập luận rằng vụ án này đầy rẫy những sai phạm và bất công.


Nguyễn Tường Thuỵ

Phó chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJAV), blogger của RFA, nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ (71 tuổi) bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vào ngày 23/5/2020 với cáo buộc “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.

Vào ngày 10/11/2020, Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tống đạt cáo trạng dài 12 trang, truy tố 3 lãnh đạo của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam bao gồm Chủ tịch hội Phạm Chí Dũng, Phó chủ tịch hội Nguyễn Tường Thuỵ và Biên tập viên Lê Hữu Minh Tuấn với tội danh theo Điều 117. Nếu bị toà xử có tội, các nhà báo này có thể phải đối mặt với án tù từ 10 đến 20 năm.

Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/1/2021 tuyên án blogger Nguyễn Tường Thuỵ 11 năm tù với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Blogger Nguyễn Tường Thuỵ sau khi bị bắt tại nhà riêng ở Hà Nội đã bị di lý vào TP Hồ Chí Minh và bị giam ở trại tạm giam của Cơ quan An ninh Điều tra, số 4 Phan Đăng Lưu. Ông không được gặp gia đình và luật sư trong suốt thời gian bị tạm giam điều tra.

Bài blog cuối cùng ông viết cho RFA trước khi bị bắt là bài đăng hôm 17/5/2020 về vụ án giết người ở Bưu điện Cầu Voi gây tranh cãi khi bị cáo là Hồ Duy Hải bị tuyên án tử hình dù có nhiều tình tiết của vụ án chưa được làm sáng tỏ và bị cáo một mực kêu oan.



Blogger chính trị Nguyễn Tường Thụy (R) cầm hoa có dòng chữ "Hoàng Sa-Việt Nam", trong cuộc tụ họp kỷ niệm 40 năm Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông, tại Hà Nội, ngày 19/1/2014. Hình: Reuters



Phiên toà xử 3 lãnh đạo Hội Nhà báo VN Độc Lập ở TP Hồ Chí Minh hôm 5/1/2021. Hình: Công An TP HCM



Nguyễn Văn Hóa

Nhà báo Nguyễn Văn Hóa (sinh năm 1995) cộng tác với RFA, cung cấp các video về những vụ biểu tình của người dân miền Trung phản đối công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường năm 2016. Nguyễn Văn Hóa bị tòa tuyên án 7 năm tù với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước trong một phiên tòa ngắn ngủi vào tháng 11/2017. Nguyễn Văn Hóa cũng là nạn nhân của việc bức cung, đánh đập trong tù.

* Nguyễn Văn Hóa bị bắt giam vì lên tiếng vụ Formosa – 11/1/2017

* Phóng viên Nguyễn Văn Hóa bị kết án 7 năm tù giam – 27/11/2017

Ngày 17/11/2017, Tòa án Nhân dân Hà Tĩnh đã tuyên án 7 năm tù và 3 năm quản chế đối với nhà báo Nguyễn Văn Hóa với cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước Xã hội Chủ nghĩa. Bản án đã gặp phải sự phản đối của các tổ chức nhân quyền quốc tế.

* Bị công an đánh vì phản cung

Ngày 24/10/2018, gia đình Hóa công bố bức thư của Nguyễn Văn Hóa viết hôm 19/9/2018, thông báo Hóa bị Phó giám thị trại giam công an tỉnh Nghệ An đánh đâp tại phòng cách ly của tòa án khi ra làm chứng tại phiên tòa một nhà hoạt động môi trường khác là ông Lê Đình Lượng tại Nghệ an hôm 16/8/2019. Lý do vì Hóa đã phản cung.



* Nguyễn Văn Hóa tuyệt thực

Nguyễn Văn Hóa tuyệt thực từ ngày 22/2/2019 để phản đối việc đối xử của trại giam đối với Nguyễn Văn Hóa. Gia đình cho biết Nguyễn Văn Hóa ngưng tuyệt thực vào ngày 6/3/2019


* Bị tra tấn và biệt giam

Ngày 12/5/2019 Nguyễn Văn Hóa bị đánh trong trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam và bị cùm chân 10 ngày. Sau đó tiếp tục bị biệt giam 6 tháng.




Trương Duy Nhất

Blogger Trương Duy Nhất (sinh năm 1964) nổi tiếng với trang blog “Một góc nhìn khác”, đã cộng tác viết blog với Đài Á Châu Tự Do từ năm 2015 sau khi ông ra tù. Ông từng bị tuyên án 2 năm tù vào năm 2014 với cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Ông bị bắt cóc khi đang ở Bangkok, Thái Lan hồi tháng 1/2019. Đến ngày 20/3, gia đình blogger cho biết công an xác nhận blogger đang bị giam giữ ở Hà Nội. Trong nhiều tháng trời từ khi bị bắt, ông vẫn không được tiếp xúc gia đình và luật sư của mình.

* Những nghi vấn về khả năng blogger Trương Duy Nhất bị bắt cóc ở Thái Lan

Hôm 26/1/2019, blogger Trương Duy Nhất đột ngột mất tích khi đang xin quy chế tỵ nạn với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn ở Bangkok, Thái Lan. Nhiều nghi nghờ cho rằng ông đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc với sự giúp đỡ của cảnh sát Thái. Sự mất tích đột ngột của blogger Trương Duy Nhất đã khiến các tổ chức nhân quyền quốc tế và dân biểu Mỹ kêu gọi chính phủ Thái Lan phải mở cuộc điều tra.

* Con gái Trương Duy Nhất xác nhận blogger đang bị giam ở Hà Nội

Ngày 20/3, con gái của blogger Trương Duy Nhất xác nhận với Đài ACTD rằng blogger này đang bị giam giữ tại trại T16 ở Hà Nội. Gia đình được gửi đồ thăm nuôi nhưng không được gặp mặt.

Ngày 25/3, Bộ Công an cho biết blogger Trương Duy Nhất đang bị tam giam để điều tra liên quan đến vụ án của một cựu sĩ quan Công an là Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘nhôm’, người bị tố cáo là lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. 3 tháng kể từ ngày bị bắt, blogger Trương Duy Nhất vẫn không được gặp luật sư và gia đình bất chấp những đề nghị từ phía gia đình và luật sư.

* Bị truy tố tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn

Ngày 10/6 Bộ Công an cho biết blogger Trương Duy Nhất đã bị truy tố về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" theo điều 355 Bộ Luật Hình sự 2015. Trong cùng ngày, công an đã tiến hành khám xét nhà ông Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, Bộ Công an vẫn không nói gì đến việc tại sao blogger đột ngột biến mất ở Bangkok khi đang xin quy chế tỵ nạn, liệu có phải ông đã bị bắt cóc khi đang ở Thái Lan.