Phỏng vấn ông Samuel Jutzi, Giám đốc bộ phận Thú y của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc


2005.10.01

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ giúp đỡ các quốc gia tại Châu Á đối phó với dịch cúm gia cầm, kèm theo lời cảnh báo rằng khó khăn về tài chính đang đe doạ những nỗ lực khống chế virus H5N1 ngay tại nguồn.

BirdFluVaccine150.jpg
Việt Nam đang thực hiện các chương trình tiêm chủng toàn quốc. AFP PHOTO/HOANG DINH Nam/FILES

Để tìm hiểu thêm, Trà Mi đã trao đổi với ông Samuel Jutzi, Giám đốc bộ phận Thú y của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, trụ sở chính tại Italy. Ông Jutzi cho biết thêm chi tiết.

Ông Samuel Jutzi: Từ tháng 5 vừa qua, chúng tôi đưa ra lời kêu gọi rằng các nước Châu Á đang chịu ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm cần khoản viện trợ tổng trị giá 102 triệu đô la để đối phó hữu hiệu với dịch cúm gia cầm. Nhưng cho tới nay, những quốc gia này vẫn chưa có được khoản kinh phí đó.

Cho nên, chúng tôi đã nhiều lần tái kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước giàu nên nhanh chóng tiếp tay cho chiến dịch tận diệt virus H5N1 ngay tận nguồn, để ngăn chặn sự lây lan của nó. Trong 1 hội nghị cấp vùng được tổ chức tại TPHCM hồi giữa năm, chúng tôi ước lượng là cần khoản đó để thực hiện các mục tiêu đề ra.

Thực tế chúng ta thấy rằng virus cúm gia cầm đang ngày một phát tán từ nơi này sang nơi khác, mà bằng chứng là nó đã xuất hiện ở Mông Cổ, Siberia, Kahzastan. Điều này cho thấy các nước thiệt hại cần được giúp đỡ càng sớm càng tốt để có thể kịp thời khống chế tầm lan toả của H5N1.

Trà Mi: Nếu có đủ số tiền cần thiết, thì nó sẽ được sử dụng như thế nào?

Ông Samuel Jutzi: Sẽ có nhiều cách. Thứ nhất là để đảm bảo rằng ngành y tế quốc gia có đủ phương tiện để chẩn đoán bệnh dịch, phân tích dữ liệu, trang bị các phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn, đào tạo nhân lực chuyên môn. Kế đến là tăng cường tiêm chủng gia cầm để giảm thiểu dịch. Những điều vừa kể đòi hỏi sự nỗ lực của các quốc gia trong cuộc và sự hỗ trợ của quốc tế.

Sự chuẩn bị của Việt Nam

Từ tháng 5 vừa qua, chúng tôi đưa ra lời kêu gọi rằng các nước Châu Á đang chịu ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm cần khoản viện trợ tổng trị giá 102 triệu đô la để đối phó hữu hiệu với dịch cúm gia cầm. Nhưng cho tới nay, những quốc gia này vẫn chưa có được khoản kinh phí đó.

Trà Mi: Ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của Việt Nam trong cuộc chiến chống cúm gia cầm?

Ông Samuel Jutzi: Việt Nam lâu nay phải đương đầu với dịch bùng phát trên diện rộng, và chính quyền đã có những nỗ lực đáng kể dựa trên nguồn ngân sách nội địa. Hiện nay, chính phủ Việt Nam đang thực hiện các chương trình tiêm chủng toàn quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam cần nhiều sự hỗ trợ từ bên ngoài hơn nữa, và đó cũng là điều mà chúng tôi đang kêu gọi. Cần phải đặc biệt quan tâm đến việc chủng ngừa virus H5N1 cho các đàn vịt vì số lượng này ở Việt Nam là khá lớn, mà vịt cũng là một yếu tố phân tán dịch đáng kể.

Nếu tính tới việc tiêm vaccine cho vịt thì khoản tiền cần có không chỉ dừng lại ở con số 102 triệu mỹ kim như ước lượng, mà sẽ lên tới hàng triệu hàng triệu đô la như không, vì việc tiêm chủng phải được thực hiện trên diện rộng và lập lại nhiều lần.

Trà Mi: Cho tới nay, Việt Nam là một trong những quốc gia bị dịch cúm gia cầm tác động nặng nề nhất. Theo ông, nguyên nhân vì sao?

Ông Samuel Jutzi: Có lẽ do kém may mắn thôi. Cũng có thể vì các yếu tố về môi trường sinh thái. Những quốc gia khác như Indonesia thì có thể là do chính quyền có thái độ phản ứng chậm trễ, thế nhưng ở Việt Nam thì vấn đề này đã được chính phủ quan tâm và theo dõi sát. Cho nên đối với trường hợp Việt Nam thì tôi nghĩ là nhà nước Việt Nam đã có cách ứng phó đúng đắn. Theo tôi Việt Nam nên tiếp tục duy trì những chính sách và chiến lược đang thực hiện.

Trà Mi: Trở lại với việc Tổ chức lương nông Liên hiệp quốc yêu cầu quốc tế tiếp tay viện trợ cho các nước đang bị cúm gia cầm hoành hành, cho tới nay, đã có tổ chức hay quốc gia nào đáp lại lời kêu gọi này chưa, thưa ông?

Ông Samuel Jutzi: Vâng sự đáp ứng còn chậm, nhưng dần dần cộng đồng quốc tế mà nhất là các cơ quan viện trợ đã bắt đầu có dấu hiệu quan tâm. Cho nên chúng tôi rất kỳ vọng rằng sự ủng hộ sẽ ngày một gia tăng.

Trà Mi: Một khi thu nhận đủ khoản kinh phí cần thiết thì nó sẽ được phân phối như thế nào, thưa ông?

Ông Samuel Jutzi: Các nhà tài trợ có thể đề nghị giúp đỡ những quốc gia nhất định nào đó theo sự chọn lựa của họ. Cơ quan lương nông Liên hiệp quốc có nhiệm vụ xem xét và bảo đảm rằng nguồn tài trợ sẽ được phân phối đến từng quốc gia có nhu cầu một cách cân bằng và hợp lý.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn ông vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.