Tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở dạy ngọai ngữ ở Sài Gòn


2007.10.30

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Trong thời gian gần đây, tin tức trong nước đề cập tới tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở dạy ngọai ngữ tại TPHCM trong chiều hướng không có lợi cho học viên, giữa lúc phong trào dạy và học ngọai ngữ, nhất là Tiếng Anh, xem chừng như ngày càng rầm rộ. Thanh Quang tìm hiểu về tình hình này.

Cách đây vài ngày, báo Người Lao Động có bài tựa đề "Cơ sở ngọai ngữ trong cơn lốc cạnh tranh", đề cập tới "hàng loạt chiêu chiêu dụ học viên" của các cơ sở dạy ngọai ngữ, từ việc chọn địa điểm mặt tiền "bế thế", bảng hiệu "hòanh tráng", nội dung quảng cáo thật hấp dẫn, cho tới các chiêu giảm học phí, hứa hẹn tặng học viên những chương trình miễn phí… nhưng rồi thực tế không phải như vậy, mà thường là chất lượng giảng dạy không như các học viên mong đợi.

Vẫn theo bài báo thì một hiệu phó của trường ngọai ngữ D ở địa bàn TPHCM giải thích rằng trước đây vì không biết "sơn phết bộ mặt" cho cơ sở của ông, nên không thu hút được nhiều học viên, trong khi một thành viên trong Hội đồng quản trị của môt cơ sở ngọai ngữ khác cho biết nhờ địa điểm đóng đô bề thế mà trường của bà đã "đánh bạt" được mấy đối thủ cạnh tranh khác.

Trong khi đó thì một số học viên bày tỏ thái độ "ngán ngẩm" vì họ cho rằng "nhìn ngòai thấy vậy nhưng học thì chán lắm".

Khi được hỏi về "cơn lốc cạnh tranh" này, một chuyên viên Anh Ngữ thuộc một trường Đại học ở Saigòn cho biết:

“Trường ngoại ngữ bên đây cạnh tranh ghê gớm lắm. Cũng có trung tâm không uy tín nhưng thấy bây giờ ai cũng đua nhau đi học ngoại ngữ hết trơn nên họ mở ra, song thực tế không có chất lượng. Cũng có vài trung tâm như vậy, tức là không đàng hoàng thành ra người ta cũng có than phiền.” Giáo sư Lê Huy Lâm, Giám đốc Trung tâm Ngọai ngữ thuộc Đại học Quốc gia TPHCM thì nhận xét như sau:

Giáo sư Lê Huy Lâm: Thực ra tôi cho rằng những việc như vậy người ta cũng cạnh tranh thôi. Tôi không cho đó là việc gì lớn lắm, nó chỉ là một số trường hợp đơn lẻ và chủ yếu nó diễn ra ở ngoài khu vực Bình Thạnh, đường 3 tháng 2 đó. Chứ nó không phải là việc gì lớn lắm đâu.

Đôi khi báo chí người ta cũng làm quá đáng lên. Còn tôi thấy trong giới anh em làm trung tâm ngoại ngữ thì cũng không đến nỗi người ta đối xử với nhau như vậy. Tôi cảm thấy rất lạ. Tôi thấy là vì sao? Nó chỉ là hai ba cơ sở mà thường thường nằm trên đường 3 tháng 2 và nằm trên chỗ quận Bình Thạnh. Lâu nay tất cả những gì phản ánh cũng rơi vào những chỗ đó cả. Chứ còn trong số phạm vi anh em làm trung tâm với nhau thì chúng tôi biết nhau cả.

Ví dụ như chúng tôi và những anh em khác làm với các trường đại học khác hay các anh làm bên Hội Việt Mỹ chẳng hạn, thì chúng tôi rất là tôn trọng mọi người.

Khi có một ai, một anh phóng viên nào đó hỏi tôi rằng "anh nhận xét thế nào? hay "thầy nhận xét thế nào về chất lượng giảng dạy của những cơ sở A, B.C ?" thì tôi vẫn luôn luôn trả lời thế này: Chất lượng giảng dạy thì nên để học viên người ta nhận xét. Chúng tôi là những người đồng nghiệp với nhau, chúng tôi không thể nói là người này dở, người kia hay được.

Thanh Quang: Thế còn dư luận trong nước có nhận xét như thế nào về hoạt động của các cơ sở dạy ngoại ngữ này không?

Giáo sư Lê Huy Lâm: Tôi thấy hiện tại có lẽ do sự hội nhập nên rât đông đảo người muốn học ngoại ngữ. Như vậy là nhu cầu rất lớn nên các trung tâm mở ra rất nhiều. Và đôi khi người ta cũng đến nơi này nơi khác để thử. Nếu không hài lòng thì người ta cũng có những tiếng nói. Có những người nói và cũng có những người không, nhưng thường thường những người đã phản ánh không hài lòng thì người ta lại đưa lên báo chí nên trở thành một dư luận.

Bản thân tôi, tôi cho rằng tình hình dạy ngoại ngữ nói chung vẫn đóng góp hữu ích cho việc đất nước hội nhập. Đó là sự nhìn nhận mặt hữư ích của các cơ sở ngoại ngữ. Còn thực ra người đi học thì có thể người ta hài lòng hoặc người ta không hài lòng thì thị trường người ta tự chọn lựa. Nghĩa là nếu người ta không hài lòng chỗ này thì người ta đi học chỗ khác, vậy thôi.

Thanh Quang: Nhưng trong thực tế, nói chung, ban giảng huấn và các phương pháp dạy ngoại ngưc có giúp học viên đạt kết quả cụ thể sau khi hoàn tất những khoá học về mặt giao tiếp hay nghiên cứu chuyên môn, thì kết qảu này theo kinh nghiệm của Giáo Sư thì như thế nào?

Giáo sư Lê Huy Lâm: Tôi thì tôi vẫn nghĩ là họ có vai trò tích cực của họ. Nó theo nguyên tắc thị trường cả. Nếu như học viên bỏ tiền ra theo học mà người ta cảm thấy chất lượng không được hài lòng như ý thì người ta sẽ không tín nhiệm cơ sở đó nữa. Và từ trước tới giờ chúng tôi thấy người học viên khi mà học ngoại ngữ thì một phần tôi có thấy là nó chưa tốt trong việc dạy ngoại ngữ ở Việt Nam, đó là cách giao tiếp chưa được mạnh.

Nhưng điểm tích cực của họ là về kiến thức hàn lâm, ý tôi muốn nói là ngữ pháp nền tảng và khả năng đọc hiểu thì rất tốt. Chỉ có điều hơi yếu là về kỹ năng nghe - nói của họ thì chưa được tốt lắm. Cách dạy về nghe - nói ở Việt Nam chưa được hiện đại lắm.

Thanh QUang: Vừa rồi là ý kiến của GS Lê Huy Lâm, Giám đốc Trung tâm Ngọai ngữ của trường Đại học Quốc gia TPHCM.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên thuộc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết sở đang chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở ngọai ngữ, và sẽ nhắc nhở hoặc xử phạt những cơ sở nào quảng cáo không trung thực.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.