Mô hình Đại học tầm cỡ quốc tế cho Việt Nam (phần 2)


2007.06.29

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vừa qua phái đoàn của Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết có gặp gỡ các nhà giáo dục của trường đại học Harvard để bàn về dự án thành lập trường đại học đẳng cấp cho Việt Nam. Trong một bài trước Mặc Lâm phỏng vấn Giáo Sư Hoàng Tụy, một người có quan tâm đến dự án này trong nhiều năm qua để chia sẻ quan điểm của ông.

RmitSchoolEducation200.jpg
Thư viện trường RMIT International University Vietnam ở Sài Gòn hôm 20-12-2006. AFP PHOTO

Kỳ này Mặc Lâm mời quý vị tiếp tục theo dõi bài viết về vấn đề này qua những ý kiến khác nhau của những trí thức hải ngoại đang giảng dạy tại Việt Nam hiện nay.

Trong bài phỏng vấn trước đây giáo sư Hoàng Tụy cho rằng một trường đại học đẳng cấp quốc tế cần phải nhanh chóng thực hiện vì đất nước đang trên đà phát triển không thể chờ đợi đến 15 hay 20 năm nữa.

Một trường đại học tầm cỡ sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, thông qua những nghiên cứu khoa học hay các đề án mang tầm thời đại chỉ có thể xuất hiện trong khuôn viên của trường đại học. Bất cứ việc trì hoãn nào đếu gây bất lợi cho việc phát triển quốc gia và do đó cần phải có quyết tâm thành lập cho bằng được dự án này.

Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Đăng Hưng, một Việt kiều Bỉ, người được xem là nhà đào tạo Tiến Sĩ, Phó Tiến Sĩ cho Việt Nam trong nhiều năm qua hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam, khi được hỏi ý kiến về vấn đề này Giáo Sư Hưng dè dặt cho biết:

“Cảm tưởng của tôi là Mỹ là một nước rất tiên tiến và có thể nói tổ chức đại học thì Mỹ là nước đang dẫn đầu thế giới nếu họ chịu giúp để thành lập một trường đại học đảng cấp thì quý cho Việt Nam ta. Tuy nhiên không phải Mỹ nào cũng như nhau cả, vấn đề là phải chọn đúng người đúng chỗ để sự giúp đỡ này là một sự giúp đỡ chân thực để đưa nền học thuật của ta gần với các nước tiên tiến.”

Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, một Việt kiều đang giảng dạy tại Đại Học Bách Khoa Hà Nội thì lạc quan hơn khi cho rằng một trường đại học đẳng cấp quốc tế sẽ giúp được rất nhiều cho sinh viên hiện nay, ông nói:

“Các ý tưởng này đã có hơn một năm nay khi thủ tướng Phan Văn Khải sang Mỹ định thành lập một cái trường đẳng cấp quốc tế nhưng ý tưởng này không thành công. Nếu mà ý tưởng này tiếp tục được Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết đẩy lên thì tôi nghĩ rất tốt, bởi vì cái nhu cầu muốn học của sinh viên Việt Nam trong một trường đẳng cấp rất cao. ”

Khi được hỏi Việt Nam hiện nay đã có một trường nào có mô hình tương tự như một trường đẳng cấp quốc tế được thành lập hay chưa tuy tầm vóc còn nhỏ và đang trong tình trạng thí nghiệm, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa nói:

“Có trường RMIT của Úc và ông Trương Gia Bình của FPT cũng đã thành lập một trường Quản Trị Kinh Doanh, tuy còn nhỏ, trước khi thành lập Đại Học FPT tư nhân. Trường đó cũng mời dược nhiều giáo sư nước ngoài và Việt kiều về giảng dạy. ”

Một lực cản mà dư luận vẫn rất quan tâm là sự can thiệp quá mạnh vào các trường đại học hiện nay có thể ngăn trở việc thực hiện trường đẳng cấp quốc tế. Nhiều năm qua Bộ Giáo Dục và Đào Tạo vẫn theo sõi sát sao những hoạt động của các trường đại học nhằm hướng những trường này vào khuôn khổ mà bộ cho rằng phù hợp với xu hướng chung.

Nhiều đề tài đã được tranh cãi gay gắt chung quanh việc nên hay không nên cho phép các trường đại học tự quản, hay nói một cách khác là có sự độc lập đối với bộ. Khi được hỏi nhằm tạo thế cân bằng giữa các trường đại học trong nước, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo có nên tham dự vào việc quản trị trường đại học đẳng cấp hay không, Tiến sĩ Nghĩa cho biết:

“Đây là một việc rất khó, hiện nay các trường đại học Việt Nam đang dành lấy cái sự độc lập nhưng chưa hoàn toàn lắm, bộ vẫn can thiệp vào chương trình, biên chế, kể cả chỉ tiêu cho đào tạo. Nếu có trường đẳng cấp quốc tế ta sẽ có mô hình như là Pilot, như một thứ để thử nghiệm. Tôi nghĩ rằng nó sẽ có vài trục trặc ban đầu nhưng chắc là một kích thích rất tốt cho Việt Nam. ”

Khi thành lập trường đại học đẳng cấp quốc tế việc trước tiên đáng bận tâm nhất là vấn đề học phí. Một trường quốc tế không thể thu phí quá thấp vì những chi phí điều hành trường không cho phép. Trong khi sinh viên Việt Nam đa số xuất thân từ những gia đình nghèo thì dù cho hiếu học đến đâu việc đặt chân vào ngôi trường lý tưởng này vẫn là giấc mơ của họ mà thôi.

Quan trọng hơn nữa, việc thu phí cao sẽ nảy sinh tình trạng phân biệt đẳng cấp trong xã hội và có thể dẫn đến tình trạng phân chia giai cấp giữa người giàu kẻ nghèo trong phạm vi giáo dục, một việc cần tránh trong khuôn viên đại học của nhiều nước trên thế giới. Ý kiến của Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng về vấn đề này như sau:

“Tôi nghĩ giáo dục đào tạo không thể đi ra ngoài cái trách nhiệm của nhà nước cho nên ngay cả trường đẳng cấp của quốc tế. Như vậy ta phải định chế cái tiền học phí không được cao lắm mà phải tính theo cái điều kiện hiện nay. Thứ hai là phải có những học bổng đặc biệt để giúp đỡ những sinh viên nghèo, học giỏi.

Quan điểm của tôi cũng đã trình bày rõ trong các bài viết của tôi vừa qua tôi cho rằng nên có một, hai hoặc ba trường đại học như vậy để thoát ra ngoài những thói quen cũ mà khó cải tiến nhanh được.

Khi có những trường mới thì những trường này sẽ có những nhà nghiên cứu, những giáo sư đẳng cấp thì đó sẽ là cái gương để gây sự cạnh tranh, và qua sự cạnh tranh này là một động lực để các trường trong nước soi đó mà cải tiến nền học thuật của mình.Cách dạy của các trường hiện nay tôi không bài bác nhưng để tạo một động lực cạnh tranh để từ đó các trường tiến mạnh hơn. ”

Chúng tôi xin mượn ý kiến của Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng để kết thúc bài viết này, mong sao việc thực hiện một trường đẳng cấp sẽ không bị cản trở như đã từng xảy ra trước đây.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.