Ngư dân miền Trung, nạn nhân của công tác dự báo thời tiết kém cỏi


2006.05.25

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Cho đến lúc này những đoàn tàu thóat nạn từ vùng tâm bão Chanchu hay bão số 1 tiếp tục đi về đất liền với những thuyền viên sống sót hay thi thể của những người xấu số. Trong khi đó thì các cơ quan chức năng vẫn cố tìm cách 'chạy tội’ trong việc dự báo không đến nơi đến chốn; đến nổi bao nhiêu tàu thuyền của ngư dân Việt Nam không thể thóat hiểm. Gia Minh trình bày vấn đề liên quan trong phần sau.

ChanchuTyphoonVictims150.jpg
Bà Vo Thi Lai, 65 tuổi, than khóc sau khi nghe tin 2 người con trai thiệt mạng trong trận bão ChanChu. AFP PHOTO

Rút kinh nghiệm qua sự việc đã rồi là họat động cần thiết. Thế nhưng đối với thảm họa như thiên tai, động đất, dịch bệnh thì thông thường phải có biện pháp dự báo trước để phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Chức năng của cơ quan dự báo bão

Việt Nam cũng có trung tâm dự báo thời tiết đặt tại trung ương và các khu vực. Qua đợt bão Số 1 hay tên quốc tế là bão Chanchu thì trung tâm dự báo trung ương cũng đã đưa ra thông báo bão.

Thế nhưng theo các báo trong nuớc vừa loan tin thì có ý kiến cho rằng việc dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn VN quá chậm và có sự khác biệt đáng kể so với các đài khí tượng trong khu vực.

Điều đáng nói nữa là không có chuyện bão Chanchu đột ngột chuyển hướng như phát biểu của các chuyên gia khí tượng tại Việt Nam.

Bà Dương Liên Châu, phó giám đốc Trung tâm Dự Báo Khí tượng thủy văn Trung uơng, trong trả lời phỏng vấn mạng Tin nhanh Việt Nam khẳng định rằng công tác dự báo bão mà trung tâm của bà thực hiện đối với cơn bão số 1 vừa qua hòan tòan đúng quy chế báo bão lũ của thủ tướng Việt Nam qui định, và thông tin kịp thời cho các cơ quan có trách nhiệm.

Ông Lê Huy Ngọ, trưởng ban chỉ huy Phòng chống lụt bão trung ương, hẳn là một trong những người đuợc thông báo nên ông cũng cho biết thông tin về bão như phía Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương: Dự báo đúng đuờng đi của bão nhưng do chuyển hướng quá đột ngột.

Quốc tế một đàng, Việt Nam một nẻo

Báo Tuổi Trẻ trên mạng ngày thứ năm công bố bản đồ dự báo huớng đi của bão Chanchu truớc khi có thảm họa xảy ra của trung tâm dự báo khí tương thủy văn trung ương Việt Nam và của Đài khí tượng Hong Kong để làm cơ sở cho kết luận là có sự khác biệt giữa dự báo của cơ quan trong nuớc và nuớc ngòai.

Vấn đề về việc dự báo đuờng đi của bão Chanchu của Trung tâm dự báo khí tuợng thủy văn trung ương Việt Nam là do tiến sĩ Ngô Đức Thành hiện là nghiên cứu sinh tại Đại học Tokyo nêu ra. Ông này thắc mắc vì sao có sự khác biệt.

Bà Duơng Liên Châu trong trả lời phỏng vấn của Mạng Tin nhanh VN khi đuợc hỏi là trung tâm có biết nhận định của các trung tâm dự báo bão thế giới là bão Chanchu sẽ dịch chuyển về phía bắc hay không và nếu biết thì tại sao không đưa ra dự báo sớm hơn.

Bà Châu nói là những dự báo của các trung tâm khác thay đổi từng 6 giờ một. Khỏang thời gian bão đổi huớng ở vị trí góc thước thợ- ngoặt lên hướng bắc- chưa đầy một ngày. Nhưng truớc đó hướng bão ổn định tới 7 ngày.

Chính vì thế trung tâm của Việt Nam chỉ có thể đưa ra những dự báo có xác xuất xảy ra lớn nhất. Theo bà Dương Liên Châu nếu đưa ra tất cả các khả năng có trong tay e rằng các cơ quan có trách nhiện không biết xử lý ra sao.

Đổ lỗi cho ngư dân

Thế rồi khi bão quét qua nơi mà nhiều ngư dân thuộc ba tỉnh miền trung đang đánh cá xa bờ; thì có ý kiến đổ lỗi là do ngư dân quá chủ quan vì đã có thông báo rồi.

Ông Lê Huy Ngọ, truởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương còn cho biết là nhờ có thông báo mà nhiều tàu thuyền đã lánh nạn kịp: Hơn 2000 tàu đã vào bờ.

Tuy nhiên chính những thành viên thuộc Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn của thành phố Đà Nẵng, nơi có số nạn nhân nhiều nhất qua cơn bão số 1, thì lại nói họ không biết có tàu của dân mình tại vùng bão đi qua.

Thế rồi thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi truờng, Nguyễn Công Thành, phát biểu bên lề lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống chống thiên tai Việt Nam hôm 22 tháng 5 thì cho rằng bão ngòai lãnh hải mà gây thiệt hại lớn như bão số 1 vừa qua thì chưa thấy, ý ông muốn nói là bão gây thiệt hại khi ở cách đất liền đến 1000 cây số.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

Giới khoa học lên tiếng

Vừa qua, ông Đinh Văn Ưu, giáo sư thuộc khoa Khí tượng Thủy Văn và Hải dương học thuộc Đại học Khoa học Tự Nhiên ở Hà Nội có bài viết đăng trên mạng Vnnet cho rằng tính khoa học của phương pháp và qui trình dự báo ở Việt Nam đang có vấn đề.

Ông Ưu nhắc lại là từ ngày 11 tháng 5 trên mạng điện tử quốc tế đã có bản đồ dự báo đuờng đi của bão Chanchu cho thấy là đến gần kinh tuyến 115 độ đông sẽ đổi hướng về phía bắc, vậy mà bốn ngày sau, tức đến này 15 tháng 5 các thông tin của Việt Nam vẫn còn dự báo là bão sẽ di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc.

Theo ông Đinh Văn Ưu, kiểu dự báo như thế khiến ngư dân trên biển xa cũng như gần bờ không biết tìm hướng nào an tòan và khi nào thì nên tránh. Ông Đinh Văn Ưu nói về hai vấn đề của họat động dự báo tại Việt Nam: Không dự báo xa và thiếu phối hợp.

Trong thực tế, người dân đi biển chỉ biết trông chờ vào bản tin dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam qua những máy ICOM và bộ đàm trên tàu. Đối với ngư dân như thế là hiện đại lắm rồi so với thời ông cha họ chỉ đi biển nhờ vào kinh nghiệm nhìn sao, nghe ngóng gió mây.

Những ngày này ai đến quận Thanh Khê tại Đà Nẵng hay dọc ven biển xã Bình Minh, Thăng Bình, rồi Quảng Ngãi đều phải nao lòng truớc nỗi đau mất mát của ngư dân. Rút kinh nghiệm là một chuyện nhưng làm thế nào để công tác dự báo được cập nhật và khoa học hơn là mong mỏi bức thiết của người dân.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.