Nhiều người thất vọng trước tin các cầu thủ đội U23 bán độ tại Sea Games 23


2005.12.14

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Trong những ngày này tại Việt Nam không chỉ những người hâm mộ bóng đá lại một lần nữa thấy nản lòng về nền bóng đá nước nhà, mà rất nhiều người dân ái ngại trước tình trạng chạy theo đồng tiền đến độ đánh mất phẩm giá; cụ thể là của một số cầu thủ bóng đá nói riêng và cũng là một hiện tượng phổ biến trong đời sống xã hội nói chung.

SoccerSG200.jpg
Hội tuyển U23 Việt Nam đã đá thắng Malaysia 2-1 tại trận bán kết SEA Games 23 tổ chức tại Philippines. AFP PHOTO

Báo Thanh Niên là cơ quan ngôn luận đầu tiên vào ngày 12 tháng 12 cho đăng bài về nghi án bán độ của một số cầu thủ tham gia vòng chung kết bóng đá Sea Games 23 vừa qua tại Philippines.

Theo báo này thì chính những cầu thủ của đội U23 Việt Nam gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo một số đồng đội của họ có dấu hiệu bán độ mà cụ thể là trong trận gặp Miến Điện ở vòng đấu bảng hôm 24 tháng 11 và trận bán kết gặp Malaysia vào ngày 2 tháng 12.

Một ngày sau khi có bài đăng trên báo Thanh Niên về cáo giác đó thì vào ngày hôm sau, 13 tháng 12, đồng lọat nhiều báo trong nước đăng tin là Cục Điều tra tội phạm về trật tự xã hội có quyết định triệu tập khẩn cấp khoảng chục người liên quan nghi án bán độ của đội tuyển bóng đá nam U23 tại Sea Games 23; trong số này có bốn cầu thủ là Văn Quyến, Lê Văn Trương, Lê Bật Hiếu và Trần Hải Lâm. Một phóng viên thể thao làm vai trò môi giới giữa các cầu thủ và một số trùm cá độ trong nước.

Cú sốc

Trước tin này chúng tôi liên lạc cùng đội trưởng Phan Văn Tài Em của đội U23 tại Sea Games 23 và được anh cho biết cảm tưởng lúc này cũng như nhận định khi có bất thường: “Buồn. Lúc đó có thấy nghi nhưng sau khi thắng thì quên đi.”

Còn huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng của Đội Sông Lam Nghệ An, đơn vị chủ quản của một nghi can là cầu thủ Văn Quyến thì phát biểu: “Chưa thể có ý kiến khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra; nhưng nếu thật vậy thì quả là một cú sốc cho chúng tôi.”

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Nhiều người dân trong nước không lạ gì trước những thông tin về tình trạng tiêu cực trong nền bóng đá nước nhà. Chuyện bán độ liên quan đến một số trọng tài và cầu thủ trước đây vẫn còn trong vòng điều tra; thế nhưng việc bán độ trong những trận thi đấu quốc tế như Sea Games mà nhiều người dân và giới hâm mộ cho là vì ‘màu cờ, sắc áo’, là danh dự dân tộc thì không thể nào tin được.

Một bạn nữ trong nước cho biết về điều này như sau: “Thua tại Sea Games thì người ta cho là vì khả năng thôi chứ không ai nghĩ có bán độ.”

“Màu cờ sắc áo”

Theo lẽ thường được đại diện cho đất nước tham dự bất cứ cuộc thi nào cũng phải vì dân tộc trước tiên. Trong thời gian diễn ra Sea Games thì một đại diện Việt Nam cũng tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 2005 tại Hải Nam Trung Quốc, đó là Vũ Hương Giang, và cô cho biết về lòng tự hào dân tộc khi dự thi dưới danh vị đất nước: “Em luôn tâm niệm vì dân tộc mà vượt qua mọi khó khăn.”

Ngược với điều mà Vũ Hương Giang vừa phát biểu thì nay bốn cầu thủ đang bị tra vấn đề nghi án bán độ khi đi thi đấu trong màu cờ sắc áo nước nhà. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là vì sao lại có thể làm chuyện đó. Phải chăng họ thiếu thốn tiền bạc?

Phan Văn Tài Em, người cầu thủ đội trưởng của U23, cho biết: “Nếu đá vì mình và vì màu cờ sắc áo cũng đủ trang trải cuộc sống.”

Bạn nữ tại Sài Gòn thì cho rằng đúng là những cầu thủ Việt Nam không giàu có khi theo nghiệp bóng tròn và công sức của họ chưa được đền bù đúng mức: “Cầu thủ không giàu và công sức của họ chưa được bồi thường xứng đáng.”

Tuy vậy trước tin về nghi án bán độ bóng đá tại Sea Games 23, nhiều người lên tiếng phẩn nộ về tình trạng đó. Có ý kiến nói chính bản thân họ bị phản bội và danh dự tổ quốc đã bị bán rẻ.

Cần xử lý nghiêm khắc

Mong muốn của mọi người là phải xử lý đến nơi đến chốn để có thể có được một nền bóng đá trong sạch. Cầu thủ Phan Văn Tài Em bày tỏ về mong muốn đó: “Cần xử lý nghiêm để bóng đá phát triển không tiêu cực.”

Một viên chức thể thao của Việt Nam là ông Hòang Vĩnh Giang trong trả lời cuộc phỏng vấn của Đài chúng tôi trước khi đội U23 ra quân ở trận bán kết với Malaysia cũng đã nói đến việc phải xây dựng một nền bóng đá chuyên nghiệp, không tiêu cực:

“Trong khi xây dựng nền bóng đá chuyên nghiệp thì còn có tiêu cực; nhưng nay chính phủ cương quyết với những trường hợp đó; nếu cần thì làm lại từ đầu. Tuy nhiên để được trong sạch 100% thì còn dài dài.”

Lâu nay tại Việt Nam chuyện ‘giơ cao, đánh khẻ’ vẫn thường diễn ra. Nhiều viên chức sai phạm bị xử lý kỷ luật chưa tương ứng với tác hại mà họ gây nên; thậm chí nhiều trường hợp được ‘hạ cánh an tòan’. Người dân cho rằng nếu mọi vi phạm không được xử lý nghiêm thì chuyện sai trái trong mọi lĩnh vực vẫn tiếp diễn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.