Hoa Kỳ lên án tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam


2005.03.01

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Hai tại Washington, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố bản phúc trình thường niên về tình trạng nhân quyền trên khắp thế giới trong năm 2004. Theo sự ghi nhận của Hoa Kỳ thì Việt Nam vẫn còn nằm trong số những nước mà nhân quyền chưa được tôn trọng và bảo vệ đúng mức.

Bà Paula Dobrianski, Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Toàn cầu Sự vụ. Photo courtesy of state.gov

Bản phúc trình thường niên về tình trạng nhân quyền trên thế giới là một quy định do Quốc hội Hoa Kỳ đặt ra đối với Chính phủ từ giữa những thập niên 70, theo lời ông Michael Kozak, quyền Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động.

Mục tiêu của bản phúc trình

Theo ông cho biết thì mục tiêu là nhằm cung cấp cho các đại biểu Quốc hội những thông tin chính xác về tình trạng nhân quyền từng nước để làm cơ sở khi hoạch định chính sách của Hoa Kỳ đối với các nước đó.

Mục tiêu đó được thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Toàn cầu Sự vụ, bà Paula Dobrianski nhấn mạnh. Bà nói rằng trong những tháng sắp tới sẽ chứng kiến các nỗ lực mạnh mẽ của chính quyền Bush nhằm tiến tới mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của phong trào dân chủ tại từng quốc gia và từng nền văn hóa.

Năm nay, bản phúc trình về tình trạng nhân quyền ở 196 quốc gia đã nhấn mạnh đến những vụ vi phạm tại Trung Quốc, Miến Điện, Cambodia, Lào, Việt Nam và Bắc Hàn, cùng với những nước nổi cộm khác là Nga, Iran, Belarus, Zimbabwe, Cuba, Syria, Ảrập Xê-út và Sudan.

Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam

Trong phần phúc trình về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2004 dày 33 trang giấy, người xem có thể nhận thấy những sự ghi nhận khá chi tiết về những tiến bộ bên cạnh những vi phạm.

Chẳng hạn như về thành quả kinh tế phát triển, xóa đói giảm nghèo, về một số sinh hoạt tôn giáo được mở rộng, vai trò dân chủ hơn của Quốc hội và nỗ lực minh bạch hóa nhiều hoạt động của nhà cầm quyền.

Bản phúc trình của bộ Ngoại giao Mỹ về nhân quyền Việt Nam ghi nhận chính quyền đã có các nỗ lực cụ thể chống nạn buôn người, nhưng việc phụ nữ và trẻ em bị buôn bán vào đường mại dâm trong nước và ra nước ngoài vẫn còn là tệ nạn nghiêm trọng. Ngoài ra còn có tình trạng buôn phụ nữ Việt Nam sang buộc lấy chồng Trung Quốc hay Đài Loan.

Quyền tự do tín ngưỡng

Bản phúc trình nhấn mạnh nhiều đến tình trạng quyền tự do tín ngưỡng vẫn chưa được tôn trọng đúng mức tại Việt Nam. Điển hình như việc các Hòa thượng thích Huyền Quang, thích Quảng Độ bị ngăn cản đi lại, giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tiếp tục bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Bên cạnh những tổ chức tôn giáo được nhà cầm quyền công nhận, vẫn còn vô số tổ chức tôn giáo khác bị cấm đoán như những hệ phái Tin Lành Baptist, Menonite, Nhân chứng Jehovah, Mormon, các hệ phái Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi giáo Sunni và Ấn giáo Chăm.

Tình trạng ngược đãi người Thượng Tây nguyên cũng được bản phúc trình về Nhân quyền của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc tới. Điển hình như về cuộc biểu tình hồi tháng Tư năm 2004, đã có nhiều tin tức cho biết có rất nhiều người Thượng tham gia biểu tình đã bị giết chết, một số trốn vào rừng cũng chết sau đó vì thương tích không được cứu chữa. Một số khác bị bắt và mất tích từ đó đến nay.

Tù chính trị

Về tù chính trị, bản phúc trình đưa ra các trường hợp nhiều nhà báo và vận động dân chủ đã bị xử kín về các tội "gián điệp" hay "lợi dụng dân chủ". Dù nhà cầm quyền Việt Nam không công nhận là có tù chính trị, nhưng bản phúc trình nêu rõ là có ít nhất 9 người bị giam cầm vì lý do chính trị và 22 người khác vì lý do tôn giáo.

Với tất cả những người mà các quyền tự do cơ bản của họ không được tôn trọng, thứ trưởng Ngoại giao Paula Dobrianski khẳng định trong phần giới thiệu bản phúc trình rằng "các bạn sẽ không bị bỏ qua và không bị bỏ quên. Thêm vào đó, Hoa Kỳ sẽ không tha thứ cho những kẻ chịu trách nhiệm về việc áp bức các bạn".

Vi phạm ngiêm trọng

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn bị tuyên án 13 năm tù vì tội "gián điệp".

Để kết luận, bản phúc trình về nhân quyền tại Việt Nam năm 2004 của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho là vẫn còn kém và nhà cầm quyền tiếp tục nhiều sự vi phạm nghiêm trọng.

Trong một diễn tiến khác, cũng hôm thứ Hai, tổ chức quốc tế bảo vệ Nhân quyền Human Rights Watch đã gởi một thư ngỏ cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleeza Rice yêu cầu Washington có biện pháp cụ thể để buộc Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng đúng mức.

Hồi tháng Chín năm ngoái, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xếp Việt Nam vào danh sách những nước cần đặc biệt quan tâm do những sự vi phạm Công ước Tự do Tín ngưỡng 1998.

Cho đến thời hạn chót là ngày 15 tháng Ba sắp tới, tức chỉ còn khoảng 2 tuần lễ, phía Việt Nam sẽ phải trình bày sao cho thuyết phục rằng đã có những cải thiện đáng kể về mặt này, trước khi Hoa Kỳ phải đưa ra những biện pháp trừng phạt theo luật.

Biện pháp trừng phạt

Trong thư ngỏ gởi Ngoại trưởng Mỹ, ông Brad Adams, giám đốc vùng châu Á của tổ chức Human Rights Watch, viết rằng "bất chấp vài cử chỉ bày tỏ thiện ý, như việc trả tự do vài tù nhân tôn giáo hồi gần đây, Việt Nam trong mọi mặt khác vẫn tiếp tục các chính sách đàn áp khắc nghiệt. Việt Nam nổi tiếng về việc truy tố, bắt giam tín đồ các tôn giáo chỉ do họ muốn thờ phượng một cách độc lập và trong hòa dịu".

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Trong các biện pháp mà tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch đề xuất với Ngoại trưởng Mỹ có ba điểm đáng lưu ý nhất. Đó là Việt Nam cần cho phép tất cả những tổ chức tôn giáo dù ngoài hệ thống, cũng được tự do hoạt động. Thứ nhì, Việt Nam nên thêm vào Pháp lệnh về Tín ngưỡng và Tôn giáo điều khoản cấm quan chức nhà nước tổ chức các buổi lễ cưỡng bức dân chối bỏ niềm tin của họ.

Sau cùng là Việt Nam nên mời các phúc trình viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tín ngưỡng, về Tra tấn và Bắt giam Tùy tiện đến điều tra về những vi phạm mà nhiều tín đồ các tôn giáo không được công nhận đã nêu lên trước công luận quốc tế.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.