Giới trẻ tại Việt Nam nghĩ gì về biến cố 30-4-1975 và tương lai đất nước?


2005.04.30

Trà Mi, phóng viên RFA

Đã 3 thập niên trôi qua kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, thế hệ "hậu 30/4" có còn quan tâm đến cuộc chiến này không? Trải qua bao thăng trầm thay đổi, Việt Nam trong mắt người trẻ bây giờ ra sao? Trà Mi ghi nhận cảm nghĩ của một doanh nhân trẻ sinh trửơng sau 1975, tại Sài Gòn.

30 năm sau chiến tranh

Truớc tiên, anh đánh giá chung về bộ mặt Việt Nam 30 năm sau chiến tranh: “Tôi thấy Việt Nam bây giờ rất phát triển. Mức đời sống nhân dân, nền kinh tế ... đều có chuyển biến rõ rệt, cả quyền tự do con người, quyền kinh doanh, cả hệ thống pháp luật ... tất cả mọi thứ đều được nâng lên hết".

Một công nhân đang sửa lại bảng quảng cáo mỹ phẩm nước ngoài ở Sài Gòn. Photo AFP

Trà Mi: Bạn có nhắc đến quyền tự do con người thì bạn có thể nói rõ hơn về lĩnh vực này?

Doanh nhân trẻ VN: Quyền tự do con người là đề tài có liên quan đến chính trị , cho nên tôi không muốn đề cập quá sâu vào vấn đề này . Đây là vấn đề mà hiện nay Hoa Kỳ nêu lên thành chuyện nóng bỏng nói rằng quyền tự do con người tại Việt Nam như thế này thế kia...

Mỗi bên có ý khác nhau, nhưng riêng cá nhân tôi thì nghĩ rằng hiện nay ở Việt Nam như thế là rất là sung sứơng rồi, chẳng có gì phải lo ngại cả. Còn vấn đề quyền tự do đó nó như thế nào thì hãy để cho các nhà chính trị gia họ tự bàn thảo với nhau.

Cảm nghĩ về cuộc chiến

Trà Mi: Sau 30 năm nhìn lại cuộc chiến thì bạn có những cảm nghĩ nào, cảm xúc gì?

Doanh nhân trẻ VN: Cảm xúc đầu tiên là từ sự kiện Mỹ mở đường bay trực tiếp của hãng United Airlines về Việt Nam. Điều này cho thấy sau 30 năm chiến tranh Việt Nam, những vết thương chiến tranh đã được hàn gắn.

Tuy nhiên, cũng từ vết thương chiến tranh đó gây ra những hậu quả như chất độc da cam thì vẫn còn ảnh hửơng nặng nề trên khắp đất nứơc. Nhưng xét về khía cạnh mối dây liên kết giữa 2 đất nứơc Việt-Mỹ thì thấy rằng bây giờ sự phát triển tình hữu nghị, mối quan hệ kinh doanh... như thế là cũng có bước phát triển rõ rệt.

Cuộc chiến giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là cuộc chiến cả thế giới đều biết đến. Theo tôi, quá khứ chỉ là một phần thôi. Nếu chỉ nhìn về quá khứ, chỉ sống với quá khứ, thì sẽ rất khó cho sự phát triển. Cho nên, cách hay nhất là mình biết quá khứ như vậy để hiện tại và tương lai mình có phương hứơng, cách thức phát triển hơn, và thay đổi suy nghĩ của nhân dân 2 nứơc.

Mình không nên quá chú trọng đến quá khứ nữa.

Trà Mi: Bạn tìm hiểu những vấn đề liên quan đến cuộc chiến tranh đó như thế nào, qua phương tiện nào?

Doanh nhân trẻ VN: Đựơc giảng dạy trong nhà trường là một phần, qua báo đài, qua internet, và mình cũng có những ngừơi bạn ở nứơc ngoài thường xuyên trao đổi thư từ với nhau, những người trứơc đây đã từng sống trong cuộc chiến đó.

Những điều mắt thấy tai nghe

Trà Mi: Nhưng những gì bạn được học trên ghế nhà trường về cuộc chiến Việt Nam so với những gì bạn được nghe người thân kể lại, người thật việc thật ở bên ngoài giống và khác nhau như thế nào?

Doanh nhân trẻ VN: Tôi cũng xem xét vấn đề cả 2 chiều, chứ không phải một bên.

Trà Mi: Khi xem xét như vậy thì bạn có sự so sánh nào không? Có gì khác và giống nhau không?

Doanh nhân trẻ VN: Theo tôi thì mình không nên so sánh vấn đề đó bởi vì chiến tranh là chiến tranh. Chết 1 người hay chết nhiều người thì đều là nỗi đau cả, khó mà so sánh được nỗi đau. Bởi vì cuối cùng, những tổn thất, những thiệt hại, những hậu quả thì khó mà so sánh, chẳng thể naò so sánh nỗi đau được.

Đâu là sự thật?

Trà Mi: Những nguồn thông tin bạn biết được có sự khác nhau thì bạn có muốn đi tìm hiểu sự thật về cuộc chiến này, về nguyên nhân, nguồn gốc, hay là về những mất mát hay không?

Doanh nhân trẻ VN: Nguồn gốc sự thật như thế nào thì tôi xin dành cho các nhà sử học. Về vấn đề quan tâm đến chiến tranh Việt Nam và tìm hiểu xem nó đúng hay không, theo tôi, không quan trọng. Điều quan trọng là tôi đã được chứng kiến tận tai, tận mắt những hậu quả của chiến tranh.

Còn việc xác định nguyên nhân thật hay không thật, theo tôi không có ý nghĩa. Bởi lẽ chiến tranh là vô nghĩa, thì việc gì mình phải xác định nó đúng hay không.

Trà Mi: Tức là bạn không quan tâm gì lắm đến sự kiện cuộc chiến đã diễn ra và bạn cũng không muốn tìm hiểu về nó nữa?

Doanh nhân trẻ VN: Tôi rất quan tâm, đặc biệt là hậu quả của cuộc chiến, cho đến bây giờ vẫn còn đó, như chất độc da cam cùng những vết thương chiến tranh khác. Đương nhiên quan tâm thì rất quan tâm, nhưng cuộc sống không chỉ dừng lại ở đó.

Quá khứ & hiện tại

Trà Mi: Có nghĩa là bạn vẫn quan tâm nhưng hướng tới tương lai nhiều hơn.

Doanh nhân trẻ VN: Đúng vậy. Hiện tại và tương lai vẫn hơn . Không phải là không muốn quay lại tìm hiểu lịch sử . Phải quay lại tìm hiểu lịch sử chứ, để có thể thông cảm với thế hệ cha anh trứơc đó, thứ hai là thấy được hiện nay mình đang ở đâu.

Nếu không có quá khứ thì chắc chắn sẽ không có hiện tại, nhưng tôi muốn nói rằng tôi đi tìm sự thật không phải để xác định nó đúng hay sai mà là để xác định bứơc tiếp theo trong hiện tại và tương lai tôi phải làm gì.

Trà Mi: Vậy thì sự kiện 30/4 đối với thế hệ trẻ hiện nay có ý nghĩa như thế nào? Với bản thân bạn và gia đình của bạn , nó mang ý nghĩa gì?

Doanh nhân trẻ VN: Đương nhiên, đối với mọi người dân Việt Nam, nó mang một ý nghĩa gì đó không thể diễn tả hết bằng lời, nếu như người đó là ngừơi yêu nứơc. Còn riêng bản thân tôi là một nhà kinh doanh, giả sử cuộc chiến đó không chấm dứt vào ngày 30/4 mà kéo dài tới hiện nay, thì liệu tôi có kinh doanh được hay không? Ba mẹ tôi, bạn bè tôi có còn hay không? Nghĩ đến điều đó mới thấy được ý nghĩa của ngày này như thế nào.

Làm gì khi hướng tới tương lai?

Trà Mi: Theo bạn, hướng tới trong tương lai, Việt Nam phải như thế nào?

Doanh nhân trẻ VN: Theo tôi, cách hay nhất vẫn là hội nhập vào thế giới về kinh tế, và cả văn hoá, xã hội... Bắt tay với Hoa Kỳ chẳng hạn để bình thừơng hoá quan hệ Việt-Mỹ. Đã làm được bứơc khởi đầu thì tại sao bây giờ không tiếp tục phát triển mối quan hệ đó?

Giữa Việt Nam và các nứơc thì mối quan hệ Việt-Mỹ, theo tôi đánh giá, thì đến bây giờ cho dù có phát triển nhưng vẫn còn cái gì đó gọi là nhạy cảm nhất. Tôi muốn sự nhạy cảm đó không còn nữa. Tôi muốn mối quan hệ Việt Nam –Hoa Kỳ giống như với những quốc gia khác.

Ví dụ như Việt Nam và Pháp. Pháp cũng là một nước trứơc đây xâm chiếm Đông Dương. Nhưng cho đến giờ thì tình hữu nghị Pháp-Việt rất thân thiết. Thì tôi muốn rằng Việt Nam và Mỹ cũng vậy.

Phát triển của Việt Nam

Bạn nghĩ gì về những nhận định này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Trà Mi: Là ngừơi thuộc thế hệ trẻ, thế hệ đang làm chủ đất nước, bạn nhìn thấy sự phát triển của Việt Nam trong tương lai sẽ ra sao?

Doanh nhân trẻ VN: Nếu theo đà này thì sự phát triển của quốc gia sẽ rất là tốt. Đương nhiên, quốc gia nào cũng có những cái mặt yếu của nó, nhưng mà với đà này thì Việt Nam phát triển tốt thôi, không có gì cả.

Trà Mi: Rất cảm ơn bạn vì thời gian dành cho cuộc trao đổi hôm nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.