Thêm dân chủ khi sửa Hiến pháp?

Hiến pháp hiện hành của Việt Nam có thể được sửa đổi từ cuối năm nay. Những nỗ lực để tu chính hiến pháp 1992 liệu có giúp Việt Nam có thêm dân chủ hay không. Nam Nguyên trình bày vấn đề này.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2010.06.14
The_Ba_Dinh_meeting-hall-wiki-305 Hội trường Ba Đình - nơi diễn ra các kỳ họp quốc hội cho đến năm 2007
Photo courtesy of wikipedia

Trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu với thế giới, thể chế chính trị và hệ thống pháp luật của Việt Nam có nhu cầu cải tổ sâu rộng. Tuy nhiên Hiến pháp 1992 của Việt Nam phải được tu chính thì việc cải cách mới có thể thực hiện được.

Sắp tới có đại hội đảng, đảng thì phải theo lòng dân nên cũng phải sửa đổi cho nó vui vẻ, nếu cứ giữ nguyên như cũ thì hóa ra không có hiểu biết. Quan điểm của tôi là sẽ có tiến bộ nhưng không thay đổi.

Luật sư Trần Lâm


Vấn đề sửa Hiến pháp 1992 được đặt ra từ năm 2007, nhưng đã rộ lên trong kỳ họp Quốc hội hiện nay. Ngày 9/6/2010 thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đã đề nghị sửa một cách cơ bản, căn cơ một số điều của Hiến pháp 1992 để có thể cải cách các Luật Tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Cuối năm nay, Quốc hội đương nhiệm có thể tiến hành sửa nội dung Hiến pháp liên quan đến việc thôi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường. Theo lời ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, những sửa đổi lớn sẽ do Quốc hội nhiệm kỳ sau xem xét từ sang năm 2011.

Tiến bộ nhưng không thay đổi

NongDucManh29052007-200
Tổng Bí Thư Nông Đức mạnh, người ký ban hành hiến pháp năm 1992. Photo courtesy of wikipedia
Tổng Bí Thư Nông Đức mạnh, người ký ban hành hiến pháp năm 1992. Photo courtesy of wikipedia
Trả lời chúng tôi, Luật sư Trần Lâm nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao nhận định rằng, trong nhân dân đang có hai khuynh hướng, một bên cho rằng Hiến pháp này là tiến bộ rồi, còn một bên đòi hỏi dân chủ bằng những khẩu hiệu rất ghê gớm như Hiến pháp phải bỏ điều qui định nhà nước toàn trị, đảng cộng sản lãnh đạo đất nước. Thể chế mới sẽ là nhân dân tự quyết, nhiều bên hợp tác với nhau cùng xây dựng đất nước. Vướng mắc lớn nhất là ở chỗ này và đây là vấn đề không thể động tới được.

Luật sư Trần Lâm nhấn mạnh: Cái gốc bây giờ là một đảng hay nhiều đảng, người ta đang thắc mắc ở chỗ đó. Bây giờ phải hiểu như thế này, hiện nay nhân dân đang đòi hỏi dân chủ, đòi hỏi được dễ thở hơn. Sắp tới có đại hội đảng, đảng thì phải theo lòng dân nên cũng phải sửa đổi cho nó vui vẻ, nếu cứ giữ nguyên như cũ thì hóa ra không có hiểu biết. Tôi sợ rằng chưa có triệt để, nhưng một vài khía cạnh thì có thể có. Quan điểm của tôi là sẽ có tiến bộ nhưng không thay đổi.”



Hiến pháp năm 1992:
- Do Quốc hội ban hành.
- Do Chủ Tịch Nông Đức Mạnh ký.
- Ngày ban hành: 15/4/1992.
- Ngày có hiệu lực: 15/4/1992.

Ông Cù Huy Hà Vũ, Tiến sĩ luật ở Hà Nội, một người nhiều kinh nghiệm thực tiễn, từng đề xuất nhiều ý kiến về việc luật hóa quyền khiếu kiện của người dân với chính quyền, nhấn mạnh tới vấn đề ưu tiên nhất mà bản Hiến pháp tu chính cần cụ thể hóa:

“Những ngươi không cộng sản, người dân bị áp bức và cá nhân tôi là một trong những trí thức yêu nước thì chúng tôi mong phải có sự khẳng định là Việt Nam thực hiện chế độ đa đảng, tức đảng cộng sản Việt nam cũng như các đảng khác đều có quyền tồn tại, phải được cạnh tranh một cách sòng phẳng với nhau, đó là nền tảng cho dân chủ. Cần thể chế hóa cơ chế trưng cầu dân ý, chỉ qua hình thức này mới có thể đặt ra những vấn đề lớn của đất nước.”       

Để cải cách hệ thống tư pháp sao cho hiệu quả và hợp lý hơn, bớt lạm dụng dẫn đến bản án chỉ định bản án bỏ túi, các đề án nói tới việc tổ chức tòa án khu vực thay vì theo địa giới hành chính, chuyển Viện Kiểm Sát thành Viện Công tố. Sửa Hiến pháp để cải cách tư pháp, nhưng giới chuyên gia cho rằng muốn tư pháp độc lập thực sự phải có thể chế tam quyền phân lập, nghĩa là hành pháp, lập pháp, tư pháp độc lập với nhau.

Cho rằng thuyết tam quyền phân lập là thành tựu khoa học pháp lý của nhân loại, và đến một lúc nào đó chúng ta phải chấp nhận và vận dụng nó vào thực tiễn chính trị ở Việt Nam.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm


Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định:

“Tôi hoàn toàn ủng hộ thuyết tam quyền phân lập, nhưng thể chế chính trị ở Việt Nam và truyền thống tổ chức nhà nước hiện nay có thể chưa đủ điều kiện để áp dụng thuyết tam quyền phân lập. Nhưng tôi cho rằng thuyết tam quyền phân lập là thành tựu khoa học pháp lý của nhân loại, và đến một lúc nào đó chúng ta phải chấp nhận và vận dụng nó vào thực tiễn chính trị ở Việt Nam.”

Có lẽ Việt Nam sẽ phải trải qua một chặng đường rất dài để tiến tới tam quyền phân lập. Ngay trong lúc này như lời đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thì nếu muốn sửa Hiến pháp ngay cuối năm nay, chỉ với nội dung liên quan đến bỏ hội đồng nhân dân quận huyện phường thì Quốc hội phải đồng ý, nhưng trước hết phải được sự cho phép của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.     


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.