ĐB Dương Trung Quốc nói về những kiến nghị tại quốc hội

Phiên họp quốc hội vừa qua được dư luận cho là tích cực nhất từ trước tới nay, bên cạnh đề xuất của Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết về việc lập Ủy ban lâm thời của quốc hội để thanh tra chính phủ.
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010.11.05
090328111136-397-944-305.jpg Đại biểu QH Dương Trung Quốc phát biểu tại một phiên họp quốc hội.
Photo courtesy of na.gov.vn


Đại biểu Dương Trung Quốc cũng có bài phát biểu về vấn đề bô-xít cũng như thay đổi cách mà đại biểu quốc hội bấm nút biểu quyết trong nhiều năm qua. Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn ông chung quanh vấn đề này.

Phản ứng từ nghị trường

Mặc Lâm: Xin cảm ơn Đại biểu Dương Trung Quôc ạ. Thưa ông, trong kỳ họp Quốc Hội vừa qua ông là một trong những người lên tiếng mạnh mẽ nhất về vụ chính phủ cần phải xem xét lại dự án bô-xít. Thưa ông, qua phát biểu của ông tại Quốc Hội thì có những phản ứng nào từ nghị trường hay không?

Tôi nghĩ rằng là cách đặt vấn đề của tôi là vấn đề bô-xít chưa phải là câu chuyện "ván đã đóng thuyền", mặc dầu sau cuộc thảo luận năm ngoái thì chính phủ rất quan tâm.

ĐB Dương Trung Quốc

ĐB Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng là cách đặt vấn đề của tôi là vấn đề bô-xít chưa phải là câu chuyện "ván đã đóng thuyền", mặc dầu sau cuộc thảo luận năm ngoái thì chính phủ rất quan tâm, có rất nhiều giải pháp, nhưng mà sự cố Hungary xảy ra cách 10 ngày trước khi Quốc Hội triệu tập thì có thể nói là dư luận hết sức sôi động trên báo chí, cho nên cách đặt vấn đề của tôi trong cái thư gửi Chủ Tịch Quốc Hội, cũng như trong phát biểu ở hội trường khi đóng góp ý kiến cho báo cáo lên chính phủ, tại sao vấn đề đó không được phản ánh trong nội dung kỳ họp này, để một lần nữa từ sự cố Hungary chúng ta phải xem xét lại, cân nhắc lại một lần nữa về dự án này cho thận trọng. Thì báo cáo của tôi, thì phát biểu của tôi, sau khi Bộ Trưởng Tài Nguyên và Môi Trường trình bày như một lời trấn an rằng chính phủ rất quan tâm, thì chúng tôi nghĩ rằng lời trấn an ấy vẫn chưa đủ sức nặng và rất mong là chính phủ cũng tiếp tục quan tâm việc này. Và trước mắt, nếu như phải lựa chọn thì phải tạm dừng lại để bàn bạc thêm, thì điều đó cũng không trái với ý kiến, với mong muốn của người dân.

Sau phát biểu của tôi thì phải nói tất cả dư luận công khai ở trong nước và báo chí cũng phản ánh lại. Tôi cũng nhận được nhiều hồi âm rất là thuận lợi, tán thành cách đặt vấn đề thận trọng nhưng không cực đoan của tôi. Tại vì sao? Tôi nghĩ rằng là dẫu sao thì ta phải bàn cho kỹ đã.

Mặc Lâm: Thưa ông, một vấn đề nổi cộm khác nữa là vấn đề Vinashin thì Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã có đưa ra đề nghị là thành lập một ủy ban lâm thời để điều tra vụ này. Và trong thời gian điều tra thì ông ấy cũng đề nghị là tạm thời ngưng chức những vị có thẩm quyền trong vấn đề này. Ông nghĩ thế nào về đề nghị khá táo bạo này, thưa ông?

ĐB Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ nếu mà căn cứ vào luật thì điều đó cũng là quyền của đại biểu đặt vấn đề thôi, nhưng rồi cái thực tiễn của việc vận hành của Quốc Hội Việt Nam vẫn chưa có tiền lệ nào, và cái thứ hai nữa theo ý kiến cá nhân tôi là đánh giá cái vai trò và trách nhiệm của mỗi một cá nhân. Ở Việt Nam thì tôi nghĩ có lẽ cũng khác ở quốc gia khác, mà dẫu sao thì ở đây cái gọi là trách nhiệm tập thể. Chính cái cơ chế nó cũng phần nào tạo ra những cái vướng mắc kiểu như thế này, bởi vậy cho nên tôi nghĩ rằng cần có sự thận trọng hơn cá nhân trong đánh giá con người, còn cái việc mà thực hiện đúng như cách đặt vấn đề của anh Thuyết thì tôi nghĩ rằng là có thể thể hiện được một cái ý chí nhưng nó chưa thích hợp lắm trong hoàn cảnh như thế này.

t9171-305.jpg
Một phiên họp Quốc hội khóa XII. Photo courtesy of hatinh.vn

Đại biểu QH thể hiện trách nhiệm

Mặc Lâm: Trong vấn đề mà ông đặt vấn đề với đại biểu Quốc Hội thì ông yêu cầu là kể từ nay những vị nào bấm nút để mà chấp thuận hay phản đối đều phải ghi tên mình, ông hướng về ý nghĩ như thế nào mà đưa ra đề nghị này, thưa ông?

Nguyên lý "của dân, do dân, vì dân" và quyền giám sát của dân, thì không gì bằng các đại biểu quốc hội thể hiện trách nhiệm của mình qua việc công khai biểu quyết.

ĐB Dương Trung Quốc

ĐB Dương Trung Quốc: Đây là vấn đề tôi nếu ra từ lâu rồi chứ không phải lần này. Tức là ở Việt Nam cách đây trong vòng hai nhiệm kỳ gần đây thì do cái ứng dụng công nghệ thông tin nên thay vì cái việc cầm mã số của mình giơ lên biểu quyết thì người ta sử dụng công nghệ bấm nút, thì phải nói cách bấm nút này thì nó có thể rất nhanh, lưu trữ hồ sơ tốt, nhưng nó không công khai danh tính được người bày tỏ quan điểm của mình. Theo quan điểm của tôi thì như thế nó làm mất đi quyền giám sát của người dân, của cử tri đối với người đại biểu quốc hội do họ bầu ra. Họ rất muốn biết ý kiến của cá nhân đại biểu ấy vào thời điểm quyết định như thế này là như thế nào. Thì tôi nghĩ đây cũng là thông lệ khá phổ biến trên thế giới, cho nên tôi đề nghị, nhất là luôn luôn người ta nói đến nguyên lý "của dân, do dân, vì dân" và quyền giám sát của dân, thì không gì bằng các đại biểu quốc hội thể hiện trách nhiệm của mình qua việc công khai biểu quyết.

images544569_thuyet_qh250.jpg
Đại biểu Quốc Hội, GS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại một kỳ họp quốc hội. Photo courtesy of na.gov.vn
Nhưng mà câu trả lời của phía Văn Phòng Quốc Hội thì họ cho rằng là cái tập quán quốc tế là mỗi quốc gia có sự khác nhau trong cách biểu quyết này. Tôi thì nghĩ rằng là vẫn nên có hình thức công khai, bởi càng công khai bao nhiêu thì các đại biểu quốc hội càng phải có trách nhiệm bấy nhiêu, trách nhiệm không phải chỉ trong thời gian mình làm đại biểu quốc hội mà với những vấn đề quan trọng có ý nghĩa lâu dài, thì dụ như vấn đề bô-xít chẳng hạn thì có thể là chuyện của nhiều năm sau, người ta có thể ghi nhận được thái độ của mỗi con người đối với quyết định ấy là có lợi cho đất nước hay có hại cho đất nước. Và điều quan trọng nhất mà tôi nghĩ là nó làm cho đại biểu quốc hội thể hiện được cái trách nhiệm công khai trước các cử tri.

Mặc Lâm: Tuy nhiên cũng có một số đại biểu trong Quốc Hội lại nói là thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính Trị, của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng là đã đủ rồi, nên Quốc Hội không cần phải lập ủy ban hay đưa ra ý kiến thế này thế kia gì nữa. Ông nghĩ sao về những ý kiến có vẻ tiêu cực như vậy, thưa ông?

ĐB Dương Trung Quốc: Có lẽ đấy là cái đặc điểm của thể chế chính trị Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngay trong Quốc Hội cũng đến hơn 90% đại biểu là đảng viên, thì đương nhiên đấy cũng là phương thức thường thấy trong sự vận hành của đường lối chính trị là cái vai trò quan trọng của Đảng được quan niệm là quan trọng nhất, cao nhất, đặc biệt là vấn đề nhân sự, cho nên thay vì vai trò của Quốc Hội cần phát huy thì có lẽ họ cho rằng chỉ cần cơ quan kiểm tra của Đảng cũng đã tạo ra được một cái đánh giá chính xác để mà có cách ứng xử.

Mặc Lâm: Một lần nữa xin cảm ơn nhà sử học kiêm đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã cho chúng tôi cơ hội nói chuyện với ông về vấn đề này trong ngày hôm nay.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.