Nông dân ‘ba ngày xuân bốn ngày Tết’

Gắn bó quanh năm với ruộng đồng, hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam ở ba miền đất nước vui xuân đón Tết như thế nào?
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2010.02.14

Tết là truyền thống của người Việt Nam, sang hèn giàu nghèo, mọi người đều coi trọng những ngày đầu năm mới với nhiều tập tục để lại từ thời xa xưa.

70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn trong đó những người làm nông chiếm đa số. Nông nghiệp ngày nay rộng cửa với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng trọt những loại cây giá trị cao kể cả cây công nghiệp, nhưng làm lúa vẫn là nguồn lợi và nghề nghiệp chính của đại đa số.

VN_Farmer_250.jpg
Quanh năm ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’, nông dân vẫn là thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội Việt Nam. AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam.
Nông dân Việt Nam làm lúa ở cả ba miền Nam Trung Bắc, dù rằng đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất, xuất khẩu gạo của cả nước trông chờ vào bàn tay của nông dân 13 tỉnh thành Tây Nam Bộ.

Đi ngược từ Nam ra Bắc, nông dân đồng bằng sông Cửu Long được xem là sung túc nhất so với các miền khác, dù rằng người nông dân vẫn là tầng lớp nghèo nhất nước.

Dĩ nhiên ở đây miễn trừ các đại nông gia thời @, ở biệt thự, sắm xe hơi đi thăm nhà vườn trang trại của mình. Họ là những thiểu số quá ít ỏi trong hàng chục triệu nông dân Việt Nam chân lấm tay bùn.

Ăn trước trả sau

Qua giọng nói thẫm đậm tính chất đồng quê Tây Nam Bộ, một người làm lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long nói về câu chuyện Tết của nông dân, những người mà sự lao động cật lực của họ đã góp phần vào thành tựu đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới:

“Ăn Tết nôm na tập quán của Việt Nam mình hay lắm, ví dụ lúa anh chưa làm qua Tết mới làm, các doanh nghiệp buôn bán nhỏ lẻ họ cho mình mua trước ăn Tết, ăn rồi trả sau, sửa nhà sửa cửa ăn Tết tới chừng anh làm lúa thu hoạch anh trả.

Ăn Tết như tập quán mình xưa nay, Tết thì bánh mứt thèo lèo, sơn sửa nhà cửa, mua sắm vật dụng trong nhà. Bánh mứt thì mình mua, bánh chưng bánh tét mình tự sản, gà vịt heo, thì mình đã mua về nuôi ai cũng thủ cho cái Tết.”

... các doanh nghiệp buôn bán nhỏ lẻ họ cho mình mua trước ăn Tết, ăn rồi trả sau, sửa nhà sửa cửa ăn Tết tới chừng anh làm lúa thu hoạch anh trả.

Một nông dân vùng ĐBSCL

Về chuyện nông dân dự trù chi phí bao nhiêu cho ngày Tết, từ trung nông cho tới những hộ nghèo chỉ có 7-8 công ruộng, người làm lúa miền Tây tiếp lời:

“Ví dụ những người chỉ làm 7-8 công, 5-10 công lúa, người ta tạo phương tiện khác để có thu nhập, giăng lưới bắt cá cắm câu, thì cũng có thêm thu nhập.

Thứ hai nữa họ tiết kiệm, dân mình có tập quán dành dụm cả năm để ‘ba ngày xuân bốn ngày Tết’ mình ăn vui vẻ một ngày hai ngày rồi xuống ruộng làm tiếp.

Còn ví dụ người thợ lúa làm năng suất cao thì ăn Tết xôm xôm một chút, còn thí dụ năm nào làm lúa hơi thất mùa sâu bệnh nhiều thì mình ăn Tết ít một chút. Hộ bốn người trong nhà xài Tết cho con cái đi chơi cũng phải hết 5-6 triệu đồng.”

Ăn Tết trong lo âu

Nếu đồng bằng sông Cửu Long người làm lúa ăn Tết theo kiểu ăn trước trả sau khá dễ dàng, thì có lẽ nông dân miền Trung cũng không đến nỗi trừ những người không có ruộng, hoặc sắp mất ruộng trong tiến trình đô thị hóa.

Cồn Dầu ở cửa ngõ tây nam Thành Phố Đà Nẵng là một thôn nông nghiệp, 2.000 nông dân cũng là giáo dân của giáo xứ Cồn Dầu, canh tác trên đồng ruộng diện tích tổng cộng 100 ha. Khu vực này sắp bị giải tỏa trong kế hoạch của chính quyền.

Nông dân ở Cồn Dầu năm nay ăn Tết trong lo âu vì nhà cửa ruộng vườn vừa qua đợt kiểm tra kiểm định theo kế hoạch giải tỏa.

Nông dân ở Cồn Dầu năm nay ăn Tết trong lo âu vì nhà cửa ruộng vườn vừa qua đợt kiểm tra kiểm định theo kế hoạch giải tỏa. Ông Thái Văn Liên một đại diện của giáo dân Cồn Dầu nói với chúng tôi:

“Toàn bộ người dân Cồn Dầu làm nghề nông là chính, thu nhập của nông dân chúng tôi một năm làm hai vụ lúa đông xuân và hè thu.

Bình quân một sào ruộng là ba trăm kg thóc cho nên lương thực họ không phải mua gạo, lúc nông nhàn họ nuôi gà, nuôi vịt làm các nghề như thợ mộc thợ nề, hoặc buôn bán rau củ…. Giải tỏa thì không có tiền họ sợ đói nên không dám đi.”

Nơi Tết không ghé qua

thach-ban-250.jpg
Thạch Bàn - nơi Tết không ghé qua. Hình chụp từ trang web “Báo Nông nghiệp Việt Nam”.
Miền Trung càng ra phía Bắc càng nhiều khó khăn, báo Nông Nghiệp điện tử mô tả một xã cách thành phố Hà Tĩnh vài chục cây số là ‘Nơi Tết không ghé qua’.

Thạch Bàn quá nghèo chỉ có một số ít nông dân có đất canh tác, và nhà nào nhiều nông sản nhất khi được mùa cũng không quá 1 tạ lạc (100kg đậu phọng).

Làng xã Thạch Bàn nghèo xác xơ, người dân không dám chi tiêu cho ngày Tết quá 100 ngàn đồng mỗi gia đình. Vì thế ở đây khó có mâm ngũ quả, hoa cảnh đón xuân. Ngày Tết chỉ khác ngày thường là mỗi nhà đều có cái bánh chưng.

Tự sản tự tiêu

Tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nông dân miền Bắc ít đất canh tác nhưng họ đã quen vượt qua khó khăn, tận dụng lúa lai tuy gạo không ngon nhưng năng suất cao, trồng các loại khoai củ, rau màu và chăn nuôi.

Cũng như nông dân Nam Bộ, họ tự sản tự tiêu một số sản phẩm ngày Tết, như gói bánh chưng, làm nem chả, nhà nào cũng nuôi bày gà, đàn vịt, còn lợn nếu không tăng gia thì có thể chia phần với xóm giềng, tất cả sẵn sàng cho thực phẩm ngày Tết.

Hôm 29 Tết Canh Dần, Bộ Nông nghiệp Phát Triển Nông Thôn cảnh báo nguy cơ mất mùa vụ đông xuân 2009-2010 ở đồng bằng sông Hồng.

Nguyên do ảnh hưởng thời tiết khô hạn, cây lúa lép hạt giảm năng suất đồng thời sâu bệnh dễ phát triển.

Tuy vậy, người nông dân miền Bắc vẫn ăn Tết đón xuân như bao nhiêu năm qua, trước khi trở lại ruộng đồng để tiếp tục gieo cấy 60% diện tích còn lại của vụ đông xuân.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.