Tương lai công nghiệp dệt may Việt Nam năm 2005


2004.12.17

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Trước ngưỡng cửa 2005, công nghiệp dệt may Việt Nam chịu nhiều thách thức bởi những tác động toàn thế giới. Liệu các nhà xuất khẩu Việt Nam có duy trì được thị phần của mình như trước.

Quota hay không quota đó là một con dao hai lưỡi, khi các nước nhập khẩu lớn còn áp dụng chế độ hạn ngạch dệt may, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam được hưởng lợi ở chừng mực nào đó. Mỗi năm qua thoả thuận, chính phủ các nước nhập khẩu sẽ ấn định mức quota dệt may cho nước xuất khẩu, vì thế các nhà nhập khẩu phải đi mua hàng hay đặt gia công ở những nước được chia quota.

Trong trường hợp này, các nước đang phát triển mong muốn chế độ quota dệt may được duy trì mãi mãi. Tuy vậy đối với các nước thành viên WTO tức tổ chức mậu dịch thế giới, chế độ hạn ngạch đối với sản phẩm dệt may xuất nhập khẩu sẽ hoàn toàn chấm dứt kể từ 1/1/2005, tức là không còn bao nhiêu thời gian nữa.

Ngành dệt may Việt Nam có khoảng hơn 700 doanh nghiệp lớn làm hàng xuất khẩu, thu dụng hơn 2 triệu công nhân. Trong năm 2004, theo lời thứ trưởng thương mại Lê Danh Vĩnh, sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam thu về khoảng hơn 4 tỷ 300 triệu đô la. Ông Vĩnh thêm rằng 70% trị giá đó tức khoảng hơn 3 tỷ đô la là hàng dệt may xuất vào các thị trường có hạn ngạch. Hai thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ và sau đó là Liên Hiệp Châu Âu EU.

Tương lai công nghiệp dệt may Việt Nam sẽ ra sao khi năm mới 2005 đã gần kề. Trong số các thị trường hạn ngạch cũ, EU và Canada chấp thuận bãi bỏ chế độ hạn ngạch dệt may cho hàng Việt Nam. Nhưng chuyện các doanh nghiệp Việt Nam có giữ được thị phần hay không là một chuyện khác, vì khi không còn chế độ hạn ngạch khách hàng thường chọn mua từ những nguồn có giá cả cạnh tranh và bảo đảm cung cấp đúng hạn.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ cố gắng để tăng được cái thị phần của mình, nhưng điều này đòi hỏi một sự cạnh tranh hết sức gay gắt, tôi cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cũng là mạnh đấy, không phải là yếu đâu, nhưng họ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Nhưng tôi tin rằng các doanh nghiệp ngày hôm nay người ta sẽ nhìn thị trường một cách khác hơn những năm trước.

Như nhận định của ông Lê Quốc Ân chủ tịch hiệp hội dệt may Việt nam: “Doanh nghiệp Việt Nam sẽ cố gắng để tăng được cái thị phần của mình, nhưng điều này đòi hỏi một sự cạnh tranh hết sức gay gắt, tôi cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cũng là mạnh đấy, không phải là yếu đâu, nhưng họ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Nhưng tôi tin rằng các doanh nghiệp ngày hôm nay người ta sẽ nhìn thị trường một cách khác hơn những năm trước.”

Cho dù các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cuộc trở về thành công với thị trường EU, thì kim ngạch xuất khẩu qua thị trường này cũng không bao giờ ngang bằng với các đơn hàng lớn lao của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Được biết, một mình nước Mỹ chi phối tới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may hàng năm của Việt Nam.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, trước khi có hiệp định thương mại Việt Mỹ, các nước EU là bạn hàng quen thuộc của doanh nghiệp Việt Nam, lúc ấy họ hết lòng chiều chuộng các khách hàng khó tính của Châu Âu. Ông Nguyễn Đức Hoan, chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, tổ chức qui tụ 160 doanh nghiệp thành viên, nhận định về tình hình khó khăn sắp tới: "Cạnh tranh phải cao hơn nhiều, thứ đến là Việt Nam không chủ động nguyên phụ liệu ngành may, cho nên mình thất thế ghê lắm. Nguyên phụ liệu so với Trung Quốc mình thua xa. Trung Quốc họ có đầy đủ và giá cả rất là thấp."

Còn đối với thị trường khổng lồ Hoa Kỳ, có nhiều dấu hiệu cho thấy là các nhà thương thuyết Việt Nam, trong số có bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển, hầu như không thuyết phục được phía Mỹ xem xét bãi bỏ chế độ quota dệt may cho hàng Việt Nam tương tự như EU.

Chắc chắn thì các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không cạnh tranh ngang bằng được với Trung Quốc. Tôi đánh giá là họ mạnh lắm, phải thẳng thắn nhìn nhận như vậy. Tôi nghĩ rằng người ta không bao giờ đặt hàng tập trung vào một nước cả…

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh phát biểu trên Thời Báo Kinh Tế rằng, sau 1/1/2005 khi chưa là thành viên WTO, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh không bình đẳng, dẫn đến nguy cơ mất dần khách hàng thị phần. Tuy vậy ông Vĩnh nhận định rằng, một số doanh nghiệp Việt Nam sẽ vẫn ký được hợp đồng xuất đi Mỹ, vì các chủng lọai bán chạy, gọi là cat nóng vốn là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, thí dụ điển hình về cat nóng là hàng sơ mi nam nữ dệt kim từ chất liệu bông, hay quần tây nam nữ, đặc biệt là quần kaki. Ngoài ra còn một số mặt hàng cao cấp chọn lọc khác như các lọai quần áo lạnh, hàng do Việt Nam gia công rất được ưa chuộng.

Ngoài ra nguyên tắc thương mại người mua không muốn mạo hiểm chỉ mua hàng từ một nhà cung cấp cũng là một cứu cánh cho các doanh nghiệp Việt Nam như nhận xét của ông Lê Quốc Ân chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Việt Nam: "Chắc chắn thì các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không cạnh tranh ngang bằng được với Trung Quốc. Tôi đánh giá là họ mạnh lắm, phải thẳng thắn nhìn nhận như vậy. Tôi nghĩ rằng người ta không bao giờ đặt hàng tập trung vào một nước cả…

Không bao giờ người ta bỏ trứng vào chỉ một giỏ, và tôi nghĩ rằng cả Hoa Kỳ lẫn Châu Âu khi bỏ hạn ngạch cho Trung Quốc và một số nước khác thì họ lại đặt ra một số rào cản mới, thí dụ như vấn đề chống phá giá, vấn đề tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn xã hội …. Những rào cản đó sẽ làm giảm bớt sự cạnh tranh về giá mà những nước sản xuất lớn như Trung Quốc… chính những chỗ đó là cơ hội cho Việt Nam chen chân vào thị trường…”

Vậy thì 2 triệu công nhân ngành dệt may Việt nam có thể vẫn còn le lói hy vọng duy trì được việc làm, không như cảnh báo trước đây của bà Brenda Jacobs,đại diện các nhà nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ đưa ra trong một cuộc hội thảo hồi tháng 7/2004 ở Saigon. Lúc đó bà Brenda nhận định rằng , có thể nhìn thấy nguy cơ nhiều nhà máy dệt may Việt Nam sẽ đóng cửa. Vì khách Mỹ sẽ quay sang hợp tác với các nước không còn hạn ngạch. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất thị trường xuất khẩu, còn nếu bánm trong thị trường nội địa sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.