Cái giá Việt Nam phải trả cho việc xin gia nhập WTO


2004.12.20

Phạm Điền, phóng viên đài RFA

Việc Việt Nam xin gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO rất có lợi trong dài hạn, do đó mới theo đuổi việc này một cách kiên trì trong 10 năm qua. Nhưng trong ngắn hạn, cái giá mà Việt Nam phải trả cho việc xin gia nhập WTO cũng khá lớn. Điều này được nhật báo International Herald Tribune đề cập đến mới đây.

Chính quyền Việt Nam muốn hội nhập vào sinh họat kinh tế, mậu dịch toàn cầu càng sớm càng tốt. Mười năm trước, sau khi cân nhắc lợi hại, Việt Nam đã đầu đơn xin gia nhập tổ chức WTO và theo đuổi việc này liên tục trong thời gian đó. Có 25 quốc gia trên thế giới hiện đang cùng theo đuổi một mục tiêu, xin vào WTO. Và ai cũng hiểu rằng, muốn được làm hội viên WTO, các nước cần thanh thỏa một số điều kiện mà vài nước ứng viên xem là rất khắt khe.

WTO plus

Đối với một số những nước nhược tiểu hay nói cách khác hơn là những nước thèm muốn vào Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế nhiều quá thì những nước khác có thể đặt một số điều kiện nhiều hơn là những điều kiện bắt buộc Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới đặt ra thì những điều kiên thêm đó gọi là WTO plus...

Ngoài việc buộc phải tôn trọng mọi qui luật của WTO, một trong những thử thách đầu tiên của các nước ứng viên là phải đương đầu là các cuộc thương lượng phức tạp đối với những thành viên hiện hữu có thế lực của tổ chức, phãi có thêm nhượng bộ trong một số lãnh vực, để nhận được sự hậu thuẫn hay tán đồng qua công thức được gọi là “WTO plus”.

Về khái niệm của ngữ thuật “WTO Plus” ông Lê Mạnh Hùng, một chuyên gia kinh tế đã cho biết rõ hơn: "Thường thường khi một quốc gia muốn xin gia nhập vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO thì phải thỏa mãn một số những điều kiện mà người ta gọi là những điều kiện căn bản, tức là phải hạ thấp mức quan thưế, đến một mức nào đó, bãi bỏ những biện pháp bảo vệ mậu dịch, mở cửa thị trường cho hàng nước ngoài.

Thế nhưng mà đối với một số những nước nhược tiểu hay nói cách khác hơn là những nước thèm muốn vào Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế nhiều quá thì những nước khác có thể đặt một số điều kiện nhiều hơn là những điều kiện bắt buộc Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới đặt ra thì những điều kiên thêm đó gọi là WTO plus.

Ta lấy tỉ dụ như là vừa qua khi mà Trung Quốc phải đặt ra thuế sưất đối với hàng dệt may của họ chẳng hạn thì đó là một trong những điều kiện. Những điều kiện đó đối với lại Việt Nam thì đã được ở trong cái Thỏa Hiệp Mậu Dịch Song Phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chẳng hạn thì có nhiều điều kiện khắc khổ hơn là bình thường so với các cái nước ở trong WTO phải chịu thì những điều kiện đó là những điều kiện WTO plus.”

Những thiệt hại

Không qua nổi các điều kiện của các nước đã là hội viên chính thức và nòng cốt, các nước có nền kinh tế mạnh mẽ nhất thì các nước ứng viên khó lòng được lọt vào WTO.

Điều nguy hiểm là khi hành động nhượng bộ Việt Nam phải mở ngỏ nền kinh tế một cách rộng rãi hơn, nhanh chóng hơn ý muốn, do đó có thể tác hại đến các ngành sản xuất nội địa hoặc gây khó khăn cho những chiến lược phát triển đất nước. Chẳng hạn như các sản phẩm nông nghiệp.

Nông nghiệp là địa hạt quan trọng nhất của người dân Việt Nam, nước mà 80 triệu dân phần lớn lợi tức chỉ có khỏang 1 đô la một ngày, nhưng lại bị đòi hỏi phải mở cửa thị trường các sản phẩm nông nghiệp của nước này so với các nước láng giềng.

Chẳng hạn như Australia đòi Việt Nam mở cửa thị trường nhập mía đường của họ, hay Hoa Kỳ đòi mở cửa cho thị trường bắp mà nông dân Mỹ trợ cấp để trồng. Cả hai chủng lọai này là thứ mà hàng triệu nông dân nghèo của Việt Nam trồng trọt và sự thặng dự của sản phẩm rẻ tiền từ các nơi khác tới có thể đẩy họ vào tình cảnh nghèo khổ hơn.

Về vấn đề này, Việt Nam đã chịu một số thiệt hại đáng kể tức là theo các hiệp định song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được chuẩn y năm 2001 thì có nhiều sự nhượng bộ trong khuôn khổ WTO plus để được hậu thuẫn cho gia nhập WTO. Đó là Việt Nam cam kết đổi mới thêm các chính sách, trong đó có luật lệ xuất nhập khẩu, mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ Mỹ tiến vào và có sự thay đổi trong chế độ bảo vệ tài sản trí tuệ và đầu tư.

Cân nhắc hơn thiệt

Nhà cầm quyền Việt Nam chắn chắn cũng đã tính kỹ những điều thiệt hơn trong vấn đề xin gia nhập WTO.

Đương nhiên là vào WTO nó có rất nhiều những cái lợi. Cái lợi quan trọng thứ nhất tức là khi vào trong đó họ đã được một số các điều lợi mà các nước hội viên khác phải dành cho mình.

Về điểm này, chuyên gia Lê Mạnh Hùng cho hay: "Đương nhiên là vào WTO nó có rất nhiều những cái lợi. Cái lợi quan trọng thứ nhất tức là khi vào trong đó họ đã được một số các điều lợi mà các nước hội viên khác phải dành cho mình. Tỉ dụ như là điều mà Việt Nam mong muốn nhất trong cái việc gia nhập, đã cố gắng để vào cuối năm nay nhưng không được đó tức là cái vấn đề hàng dệt may.

Cho đến bây giờ Việt Nam muốn bán hàng dệt may cho Mỹ thì phải chịu một số cái định mức, tức là chỉ được bán đến một mức nào đó thôi, trên đó là không được, nếu bán trên mức đó thì chịu thuế rất nặng, thế nhưng bắt đầu từ đầu năm tới thì tất cả những nước hội viên của WTO sẽ không bị giới hạn bởi cái quota đó.

Nếu mà Việt Nam không vào được trong Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới thì Việt Nam bị giới hạn bởi những định mức trong khi đó Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ là những nước thành viên của WTO thì họ không bị giới hạn và như vậy Việt Nam sẽ bị thiệt thòi rất nhiều trong việc cạnh tranh với các nước đó.”

Bài báo của tờ International Herald Tribune khi đề cập đến vấn đề này đã cho rằng nếu WTO muốn giữ lời hứa trong các vòng thảo luận phát triển mậu dịch toàn cầu, thì tổ chức này cần đổi mới tiến trình cho gia nhập WTO của những xứ nghèo như Việt Nam, Ethiopia, Sudan.

Thay vì cố bắt họ nhượng bộ thêm theo kiểu WTO plus mới cho gia nhập, thì nên làm nhẹ bớt các quy luật hiện hành, và ấn định một thời khóa biểu phù hợp với nhu cầu phát triển của họ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.