Từ Tấm Lòng Những Người Làm Nghề “Đồng Nát”

Từ bao lâu rồi, ngưỡng cửa đại học trở thành nỗi lo âu của sĩ tử, thành gánh nặng của gia đình, nhưng đồng thời đánh dấu, theo ước lệ xã hội, dấu ấn thành công nhất định của một đời người?
Thiện Giao, phóng viên RFA, Bangkok
2009.07.02
Các thi sinh trong phòng thi Các thi sinh trong phòng thi
courtesy Đại học quốc gia Hà Nội

Mùa thi đại học

Ngày 4 tháng Bảy này, hàng triệu thí sinh trên cả nước bước vào mùa thi đại học, mang theo đầy đủ những âu lo ấy trong hành trang vào trường thi. Biên tập viên Thiện Giao ghi nhận một số hoạt động “tiếp sức mùa thi” do Giáo Phận Hà Nội tổ chức, xin trình bày sau đây.

Hà Nội và Sài Gòn, hai trung tâm giáo dục lớn nhất quốc gia, sẽ tiếp nhận hàng trăm ngàn con người đổ về dự thi. Có thí sinh lần đầu thử sức đại học, có sĩ tử “tự do,” thi lại lần hai, lần ba.

Có người ung dung, nhưng cũng sẽ có rất nhiều hoàn cảnh khác, vất vả lúng túng với đô thị lần đầu chạm mặt.

Và cũng từ đó, “tiếp sức mùa thi” trở thành chiếc cầu nối các sĩ tử với những người từng là sĩ tử, và với cả những tấm lòng thiện chí của người thành thị.

Nói chuyện với linh mục Nguyễn Văn Khải, thuộc giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, thì được biết ông vừa từ bến xe Giáp Bát trở về và đang có mặt tại đền Jerado bên cạnh nhà thờ.

Khoảng 700 sinh viên Công Giáo, cùng hơn 100 sinh viên không Công Giáo, kết hợp với Giáo Phận Hà Nội thực hiện một chương trình trợ giúp thí sinh dự thi đại học.

Chương trình tình nguyện trợ giúp thí sinh

Linh mục Khải cho biết: “Sinh viên tình nguyện lo đón các thí sinh từ các tỉnh đến, đưa về nhà trọ, hướng dẫn các em thi cử, chuyên chở các em từ nhà trọ đến trường thi, rồi từ trường thi về nhà, kiêm luôn công việc nấu ăn, nấu uống.”

Sinh viên tình nguyện lo đón các thí sinh từ các tỉnh đến, đưa về nhà trọ, hướng dẫn các em thi cử, chuyên chở các em từ nhà trọ đến trường thi, rồi từ trường thi về nhà, kiêm luôn công việc nấu ăn, nấu uống.
LM Nguyễn Văn Khải

“Thấy đông thí sinh, thì người góp cái này, người góp các khác, cho giảm chi phí. Có người cho mượn cả xe máy. Các giáo xứ như Hàm Long, Thái Hà, theo lời kêu gọi cho mượn xe gắn máy.

Chúng tôi nhờ đó có phương tiện đưa các em từ bến xe về, rồi từ điểm tập kết đi đến các điểm thi. Một số ân nhân khác đóng góp chút ít vào tiền xăng.”

Sinh viên Nguyễn Thành Luyện, năm thứ tư đại học Giao Thông Vận Tải, và là một trong các Trưởng Ban Tình Nguyện của Sinh Viên, cho biết: “Hôm nay sinh viên tình nguyện đón các em tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội, đưa về các nơi gần địa điểm thi nhất.”

Anh Luyện cho biết: “Công việc đưa đón thực hiện bằng nhiều phương tiện. Đa số đi bằng xe buýt. Nếu bị say xe thì đi xe máy, nhưng đa số vẫn là xe buýt.”

Hôm nay sinh viên tình nguyện đón các em tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội, đưa về các nơi gần địa điểm thi nhất.

“Cách tổ chức: chúng em lên chương trình có ban tổ chức từ Tổng Giáo Phận. Đón các em từ tất cả các miền. Miền xa nhất là Vinh, Nghệ An.

Tất cả các giáo xứ, các cha giúp liên hệ gia đình. Nếu các em muốn được giúp đỡ thì sinh viên tình nguyện sẽ liên hệ để đón tại Hà Nội.

Chương trình đã có sẵn, cộng thêm kinh nghiệm từ các năm trước. Chính yếu là giúp các em yên tâm, có tâm lý thoải mái để đi thi.”

Trong bếp ăn phục vụ nằm kế bên nhà thờ Thái Hà, một người phụ nấu ăn cho biết bà đến vào lúc 5 giờ rưỡi sáng, “Một chị khác đi chợ từ 4 giờ sáng. Những người phụ bếp đến làm rau, nấu cơm, canh cho các em. Các thí sinh ăn trước để còn nghỉ ngơi. Tiếp theo là các tình nguyện viên, rồi cuối cùng là … nhà bếp.”

Tôi vẫn còn phải đi làm nhưng những ngày này chúng tôi nghỉ để giúp các em đi thi. Tôi làm nghề đồng nát, đi mua  bán ve chai. Hầu hết chúng tôi đây làm nghề mua bán ve chai. Những ngày các em đi thi thì chúng tôi nghỉ công việc để giúp các em để các em có tinh thần đi thi cho tốt

Bà Trần Thị Ngân nói rằng mấy ngày học sinh đi thi, bà nghỉ việc để ở nhà phụ giúp các linh mục và giới sinh viên tình nguyện.

Những đóng góp đáng kính trọng

“Tôi vẫn còn phải đi làm nhưng những ngày này chúng tôi nghỉ để giúp các em đi thi. Tôi làm nghề đồng nát, đi mua  bán ve chai. Hầu hết chúng tôi đây làm nghề mua bán ve chai. Những ngày các em đi thi thì chúng tôi nghỉ công việc để giúp các em để các em có tinh thần đi thi cho tốt.”

Có cả những người mang luôn vài em học trò về nhà “để các em có chỗ tĩnh lặng, học hành đi thi đạt kết quả tốt.” Cô Phạm Thị Yến, giảng dạy bộ môn Anh Văn tại Đại Học Kiến Trúc Hà Nội cho biết gia đình chị có sáu con đã lớn, một cháu đã thi đại học, và chị đang đợi các linh mục “phân phối” học trò về nhà mình.

Một thí sinh có mặt tại nhà thờ Thái Hà cho biết em đi thi đại học lần này là lần thứ nhì, do đó “tâm lý khá lo lắng.” Cô thí sinh từ Hà Tây, sẽ thi vào Đại Học Thương Mại, đã đón xe bus đi thẳng về Thái Hà. Tại đây, cô được các sinh viên sắp xếp cho ở tại Nhà Thờ Cổ Nhuế, được “các anh chị phục vụ cơm nước cho luôn.”

“Em sẽ quyết tâm.  Em là thí sinh thi lần thứ hai. Do đó tâm lý khá lo lắng. Nhưng em rất tự tin.”

Linh mục Nguyễn Văn Khải nhận định là “nhu cầu được giúp đỡ lớn vô cùng. Số sĩ tử đến Hà Nội, nguyên giới Công Giáo cũng đã chục nghìn nhưng số sinh viên Công Giáo chỉ có thể tiếp được 3 đến 4 ngàn người.”

Các thí sinh sẽ góp một phần nhỏ chi phí ăn uống. Phần còn lại do các cựu sinh viên, ân nhân ẩn danh, cùng nhiều nguồn đóng góp.

Linh mục Khải cho biết thêm, phần lớn thí sinh đến Hà Nội sẽ ở Nhà Thờ, Chủng Viện và các nhà dòng nhỏ. Hiện đang là thời điểm Chủng Viện nghỉ hè nên phía Công Giáo dành hẳn 5 tầng ở Chủng Viện Cổ Nhuế cho sĩ tử tá túc. Những thí sinh thi gần Cổ Nhuế thì ở trong chủng viện.

Thí sinh ở các vùng quê họ rất nghèo, gia đình làm ruộng cũng rất nghèo. Mà lối sống Hà Nội thì khác, vùng quê thì khác, nên chúng tôi kêu gọi mọi người trong thành phố này, những người đang định cư hoặc đang học tập, làm việc, giúp một tay cho các em có điều kiện tốt hơn để thi cử cho tốt đẹp

Các thí sinh thi các đại học quanh nhà thờ Thái Hà thì phần lớn ở nhà thờ Thái Hà và các nhà dân xung quanh. Các thí sinh thi ở nhà dòng Kẻ Sét thì ở một số nhà dòng nhỏ gần nhà thờ và nhà dân gần đấy.

“Thí sinh ở các vùng quê họ rất nghèo, gia đình làm ruộng cũng rất nghèo.

Mà lối sống Hà Nội thì khác, vùng quê thì khác, nên chúng tôi kêu gọi mọi người trong thành phố này, những người đang định cư hoặc đang học tập, làm việc, giúp một tay cho các em có điều kiện tốt hơn để thi cử cho tốt đẹp.

Mỗi một em thi đậu đại học thì đất nước, quê hương có tương lai hơn.”

Trong số hàng triệu thí sinh sẽ dự kỳ thi đại học năm nay, ai là người may mắn được sự trợ giúp âm thầm của các sinh viên đàn anh, của những ân nhân ẩn danh? Và ai sẽ may mắn được những người “đồng nát” nấu cho bữa ăn trong ngày quan trọng nhất?

“Mỗi một em thi đậu đại học thì đất nước, quê hương có tương lai hơn!”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
20/11/2009 04:28

Doc bai viet nay, toi rat cam dong truoc tam long cua nhung nguoi dan Viet. Giua mot moi truong dao dien luong gat nhu vay ma co nhung nguoi dan tu nguyen dua vai ra cang dang nhung cong viec dang le ra la cua chinh phu de giup do the he con em minh. That cao quy, nhung tam long nguoi Viet.