Dịch vụ y tế có đến với người nghèo?

Mới đây Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, trên thế giới có khoảng 1 tỉ người dân không nhận được các dịch vụ chăm sóc y tế mà họ cần vì không có đủ khả năng để chi trả tiền khám chữa bệnh.
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011.02.21
000_HKG2004012882254-305.jpg Các bác sĩ sử dụng siêu âm để kiểm tra phụ nữ mang thai tại Hà Nội.
AFP PHOTO

Trong khi chi phí khám chữa bệnh ngày càng gia tăng tại các nước, nhất là ở các quốc gia đang phát triển. Tình trạng này đã đẩy hơn 100 triệu người trên thế giới lâm vào cảnh cơ cực.

Còn tại Việt Nam, thực trạng việc khám chữa bệnh của người nghèo ở đó ra sao. Quỳnh Như hỏi chuyện một số người quan tâm.

Không đủ tiền chi trả

Thực tế bây giờ nếu mình quá nghèo, không có đủ tiền bạc thì cũng không thể nào vào một bệnh viện nào điều trị cho dứt bệnh được.

Hà Minh Đức

Một cuộc khảo sát do Chương trình Phát triển của cơ quan Liên Hiệp quốc (UNDP) thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cuối năm 2010 cho thấy: 1,47% trong số những người được hỏi ở Hà Nội trả lời rằng họ không đến bệnh viện khám bệnh vì không có tiền để chi trả, còn ở Thành phố Hồ Chí Minh thì con số này hơn gấp đôi 3,77%.

Thêm vào đó, lý do khiến những người này khi ốm đau không đi bệnh viện hoặc đến bác sĩ khám bệnh là vì họ chủ quan, cho rằng bệnh của họ nhẹ nên không cần phải mất tiền khám bệnh.

Trong Hội nghị Khoa học Kinh tế Y tế lần thứ nhất tổ chức vào tháng 12 năm 2010, các chuyên gia đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến người nghèo và dịch vụ khám chữa bệnh. Tiến sĩ Lý Ngọc Kính, nguyên Cục Trưởng Cục Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết về sự nghịch lý trong xã hội hiện nay là, người nghèo thường hay mắc bệnh nhiều, nhưng khả năng tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh lại thấp hơn, so với các đối tượng khác. Theo người từng đứng đầu Cục Khám Chữa bệnh này, có khoảng 40% người nghèo khi bệnh không được điều trị chỉ vì họ không có đủ tiền để chi trả cho các chi phí chăm sóc y tế.

DSC03277-250.jpg
Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn. RFA PHOTO.
Ông Kính cũng đưa ra một vài số liệu đáng lưu ý như, người nghèo đi khám bệnh khoảng 2,9 lượt/năm, trong khi đối với những người có đủ điều kiện về vật chất là 4,7 lượt/năm; 40% người có tiền sử dụng dịch vụ y tế ngoại trú tại tuyến tỉnh, nhưng người nghèo chỉ khoảng 12%. Lý do chính là vì người nghèo không có đủ khả năng về tài chính.

Đặc biệt đối với người nghèo sống ở miền núi thì tình hình càng tồi tệ hơn vì quá nhiều “rào cản” như các thủ tục rườm rà, nhiều quy định phức tạp. Thêm vào đó việc đi lại cũng gây tốn kém không ít cho họ.

Anh Hà Minh Đức làm việc tại một bệnh viện tư; anh Đức cũng đã từng thăm nuôi người nhà tại các bệnh viện. Anh đưa ra nhận xét như sau:

“Theo tôi thấy việc chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo ở Việt Nam cũng có những bước phát triển so với những năm trước, nhưng thực tế bây giờ nếu mình quá nghèo, không có đủ tiền bạc thì cũng không thể nào vào một bệnh viện nào điều trị cho dứt bệnh được.
Ngay những bệnh viện như Bệnh viện Chợ Rẫy, mặc dù đó là một bệnh viện công hoàn toàn, nhưng khi vào đó thì tất cả những hoạt động liên quan đến việc khám chữa bệnh đều phải có tiền hết, từ việc chụp X-quang, cho đến việc khám bệnh đều phải có tiền hết. Cứ đóng tiền thì sẽ khám bệnh, sẽ chụp X-quang, còn không có tiền là thấy mệt. Rồi sau đó, nếu người nào có bảo hiểm y tế thì sẽ được hoàn trả lại, còn đối với những trường hợp không có bảo hiểm y tế thì sẽ phải trả nguyên cả số tiền đó. Hoặc khi mới vô nhập viện thì phải đặt tiền cọc trước, ví dụ khoảng 2 triệu hay 5 triệu đồng gì đó, nếu trường hợp có chỉ định mổ, tuỳ theo. Rồi sau đó sẽ trừ dần cho các khoản lệ phí, nếu vượt quá thì khi xuất viện sẽ phải đóng thêm cho đủ số, nếu còn dư sẽ thối lại số tiền còn thừa. Chỉ có những người có bảo hiểm y tế thì tiền viện phí tương đối thấp, còn đối với những người không có bảo hiểm thì phải đóng tiền rất nhiều. Thành ra nếu nghèo thì chắc cũng khó mà hy vọng được chữa bệnh một cách đầy đủ, hoàn thiện.”

Chỉ có những người có bảo hiểm y tế thì tiền viện phí tương đối thấp, còn đối với những người không có bảo hiểm thì phải đóng tiền rất nhiều.

Hà Minh Đức

Anh Đức nêu lên một ví dụ mà anh đã chứng kiến:


“Anh Nhâm ở tỉnh Đồng Tháp, khi bị tai nạn vào bệnh viện phải cưa mất một cánh tay, trong thời gian điều trị ở bệnh viện anh này phải vay mượn tiền từ những người hàng xóm, và khi về nhà thì anh thiếu nợ khoảng cả chục triệu, phải làm lụng để trả lại. Nhưng kẹt một nỗi là bây giờ chỉ còn một tay. Thành ra, từ người lái xe bây giờ anh chỉ bưng cà phê bán phụ vợ để từ từ trả lại số tiền nợ.”  


Chi phí bất hợp lý

Một điều bất hợp lý khác là các bệnh viện không xem xét để tận dụng các kết quả xét nghiệm của những bệnh viện khác, nếu có thể. Khi bệnh nhân được chuyển từ một bệnh viện này sang bệnh viện khác thì phải làm lại hết các xét nghiệm từ đầu đến cuối, mặc dù có những cái vừa mới làm xong ở bệnh viện cũ trước khi chuyển đi. 

Như vậy các bệnh viện có cách nào để giúp đỡ các bênh nhân nghèo. Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

tam-duc-hospital-250.jpg
Bệnh viện Tâm Đức tại TPHCM. Photo courtesy of Wikipedia.
“Ở Việt Nam, người ta có quy định những người thuộc diện nghèo nếu được địa phương cấp giấy chứng nhận thì bệnh viện sẽ xét miễn giảm viện phí, tuỳ theo từng tỉ lệ. Những diện đó là những thành phần được quy định miễn giảm.
Có những người khác không thuộc diện đó một cách chính thức, mà họ nghèo, thì khi bà con đóng góp mình gom lại thành Sổ vàng, thì mình sẽ dùng tiền đó để giúp cho những người bệnh có nhu cầu cần mua thuốc, hay cần dùng vào chuyện gì đó. Đối với các loại thuốc điều trị đắt tiền, các nhà thuốc, các công ty thuốc cũng đặt ra những chương trình hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo, tùy theo bệnh nhân thuộc diện nào thì sẽ bớt bao nhiêu phần trăm.”

Cũng tương tự Bệnh viện Ung bướu Thành phố, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh ngặt nghèo. Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện này cho hay các chính sách hỗ trợ bệnh nhân nghèo:

“Tất cả các bệnh viện không phải là bệnh viện tư ở đây, đều có quy chế về miễn giảm viện phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Một là những bệnh nhân có giấy chứng nhận của chính quyền điạ phương thuộc diện nghèo khó. Thứ hai là những bệnh nhân không có đủ tiền đóng viện phí. Thật ra phải nói, viện phí ở đây cũng chưa hẳn là viện phí hoàn toàn, mà chỉ là một phần chi phí. Ban Giám đốc của Bệnh viện sẽ cứu xét và sẽ miễn giảm số tiền viện phí đó. Nhưng mà cũng phải nói thêm là vấn đề đó sẽ làm sau, chứ còn lúc vào bệnh viện, nhất là cấp cứu thì tất cả các bệnh nhân đều được điều trị giống nhau.
Sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, lúc xuất viện thì khi đó sẽ làm các thủ tục đóng viện phí. Những bệnh nhân nào không có đủ điều kiện trả tiền thì có những chính sách như vậy để miễn giảm viện phí cho bệnh nhân. Ở một số bệnh viện còn có thêm Quỹ Nhân đạo, từ đóng góp của các nhà hảo tâm, thì bệnh viện giữ lại những số tiền ấy để chi cho những người không đủ điều kiện đóng viện phí.”

Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng đề cập đến một hình thức hỗ trợ khác dành cho các bệnh nhân thuộc diện chính sách hay thuộc diện cần xoá đói giảm nghèo là bảo hiểm y tế. Theo ông, mặc dù bảo hiểm y tế ở Việt Nam chưa được như ở nước ngoài, nhưng cũng giải quyết được phần nào khó khăn cho các bệnh nhân có khó khăn về tài chính. Ông nói:

“Sau này các loại thuốc mắc tiền cũng được bảo hiểm y tế nhà nước giảm, có khi đến 50%, 75%, khi người ta có đóng bảo hiểm y tế. Thành ra bây giờ cũng có khác so với ngày xưa, nó có nhiều hình thức để giúp cho người nghèo. Dĩ nhiên cũng không thể nào giúp đúng hết mức được, nhưng nó cũng giúp cho người nghèo được rất nhiều, khác hẳn những năm về trước.”

Bảo hiểm y tế rất quan trọng nhưng ý thức của người dân về vấn đề này không cao. Họ đóng một vài trăm ngàn một năm vẫn cảm thấy tiếc.

Hà Minh Đức

Cũng theo Cựu Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu từ vài năm gần đây, những người thuộc diện chính sách hay diện nghèo có thể được các cơ quan đặc trách về thương binh xã hội hay chính quyền điạ phương mua bảo hiểm y tế cho họ, nếu những người này không có khả năng tự mua bảo hiểm y tế.        

Bác sĩ Trần Tịnh Hiền cũng giải thích thêm:

“Trẻ em dưới 6 tuổi thì có chính sách miễn giảm hoàn toàn, không phải đóng viện phí. Một số đối tượng đặc biệt, ví dụ như những người thuộc dân tộc thiểu số thì theo quy định cũng được miễn giảm viện phí.”   

Tuy vậy, hiện nay các hộ nghèo ở điạ phương chỉ có thể được miễn giảm một phần viện phí khi đi khám chữa bệnh trong điạ bàn tỉnh, thành phố. Nếu phải điều trị ở các bệnh viện thuộc tuyến trung ương thì các dạng ưu tiên, miễn giảm không có giá trị thanh toán.

Một vấn đề khác về mặt tâm lý, người dân trong nước vẫn còn lơ là với bảo hiểm y tế. Mặc dù hiện nay chưa thể so sánh được với các nước khác, và cần cải tiến nhiều hơn nữa nhưng dẫu sao những trường hợp bệnh nhân có bảo hiểm y tế vẫn được gánh bớt một phần chi phí điều trị, thuốc men. Anh Đức nói thêm:

“Tôi cũng biết rằng bảo hiểm y tế rất quan trọng nhưng ý thức của người dân về vấn đề này không cao. Họ đóng một vài trăm ngàn một năm vẫn cảm thấy tiếc, nhưng khi thực tế đụng với bệnh, phải vào bệnh viện rồi thì mới thấy bảo hiểm y tế là có giá trị.”

Vấn đề chăm sóc sức khoẻ, và chữa bệnh cho người nghèo được nhắc đến nhiều kể từ khi khoảng cách về thu nhập giàu-nghèo càng lúc càng tăng, nhưng nó vẫn là bài toán khó cho ngành y tế và lãnh đạo chính quyền các cấp. Nhìn chung người nghèo hiện đang gặp nhiều khó khăn khi đau ốm cần đến các cơ sở y tế để điều trị. 

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
28/10/2013 13:49

Các quan chức lãnh đạo hưởng lương hệ số tren 5 mới được khám điều trị ở các bệnh viện có dịch vụ y tế cao còn các nhân viên không chức quyền dù đã đóng bảo hiểm trên 30 năm thì cũng phải điều trị ở các tuyến có dịch vụ kém huống chi người dân nghèo thì chỉ có tự sát nếu không có tiền