Bài học trách nhiệm bị bỏ quên

Sáng 22/2, UBND và Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ninh đã bàn giao tài sản, vật dụng và tiền hỗ trợ cho thân nhân các nạn nhân của vụ chìm tàu du lịch tại vịnh Hạ Long hôm 17/2, khiến 12 người thiệt mạng.
Khánh An, phóng viên RFA
2011.02.22
000_Hkg4588567-305.jpg Một nhân viên cảng vụ tại Cảng tàu du lịch Bãi Cháy ở Vịnh Hạ Long vào ngày 18 tháng 2 năm 2011.
AFP PHOTO / HOANG DINH Nam

Vụ tai nạn đã khiến cho nhiều du khách quan ngại về mức độ an toàn của các tour du lịch ở vùng biển nổi tiếng này.

Nguyên nhân nhỏ, thiệt hại lớn

Khánh An hỏi chuyện ông Ngô Văn Hùng, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long và được ông cho biết thêm về nguyên nhân vụ tai nạn:

Nếu thủy thủ trên tàu làm đúng chức năng của họ là đóng các van lại, cử người trực đêm trên tàu để xem xét tình trạng của tàu liên tục thì chắc chắn sẽ không xảy ra việc đáng tiếc.

Ô. Ngô Văn Hùng

Ông Ngô Văn Hùng: Sơ bộ thì nguyên nhân là do các thủy thủ trên tàu không chịu đóng các van xả nước ra, cả đêm hôm đó không chịu kiểm tra, giám sát và trực, dẫn đến chuyện nước vào cả đêm, đến gần sáng, nước vào nhiều quá thì nó chìm xuống. Tai nạn đáng tiếc xảy ra đã gây thiệt hại rất lớn nhưng nguyên nhân thực sự lại quá giản đơn. Nếu thủy thủ trên tàu làm đúng chức năng của họ là đóng các van lại, cử người trực đêm trên tàu để xem xét tình trạng của tàu liên tục thì chắc chắn sẽ không xảy ra việc đáng tiếc. Hiện nay, công an sơ bộ đánh giá là tàu vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối, riêng chỉ có các van là không đóng lúc tàu nghỉ nên nước vào mới xảy ra chuyện.

Khánh An: Như vậy đối với các nạn nhân thì có hình thức nào bồi thường cho họ không?

Ông Ngô Văn Hùng: Hiện nay theo quy định của Việt Nam, những người trên vịnh Hạ Long thì có bảo hiểm. Bảo hiểm mức độ rất thấp thôi, những người mất thì được 20 triệu đồng. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng trích một khoản kinh phí 20 triệu đồng nữa để hỗ trợ cho mỗi nạn nhân thì mỗi nạn nhân mất được 40 triệu đồng.

000_Hkg4602416-250.jpg
Thuyền du lịch "Dream Voyage" (phải) được nâng lên từ dưới nước bởi thuyền cứu hộ trên Vịnh Hạ Long hôm 18/02/2011. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Khánh An: Thưa ông, sau tai nạn rất đáng tiếc này, phía cơ quan quản lý sẽ làm gì để không xảy ra một tai nạn như thế trong tương lai?

Ông Ngô Văn Hùng: Trước hết là chúng tôi phải rà soát lại hết các phương tiện để xem lại điều kiện kỹ thuật như thế nào. Anh nào đủ điều kiện kỹ thuật thì cho tiếp tục hoạt động, anh nào không đủ điều kiện thì yêu cầu phải tu sửa làm sao để đủ điều kiện hoạt động. Thứ hai, phải rà soát lại tất cả những đối tượng hoạt động trên tàu, cần phải giáo dục cho họ biết rõ chức năng, nhiệm vụ và thậm chí phải kiểm tra, giám sát họ thường xuyên để họ thực hiện việc này cho nghiêm túc hơn.

Ảnh hưởng ngành du lịch

Khánh An: Hiện nay nhiều khách nước ngoài họ e ngại về vấn đề an toàn, họ cho rằng việc tổ chức tàu trên vịnh Hạ Long hiện nay chưa chuyên nghiệp. Ông đánh giá thế nào về nhận xét này?

Ông Ngô Văn Hùng: Tôi cũng chưa biết các ông ấy khẳng định thế nào là chưa được chuyên nghiệp, có thể có những cái như là các anh các chị cũng thấy, ý thức trách nhiệm của những công nhân làm việc trên tàu nhiều khi cũng chưa cao. Đúng là nó cũng thể hiện tính chuyên nghiệp chưa cao, ý thức chưa cao thì tính chuyên nghiệp chưa cao. Cái đó thì hoàn toàn chuẩn xác rồi, tại vì Việt Nam là một nước mà ngày xưa gọi là XHCH thì chuyện đào tạo và nâng cao ý thức làm việc cũng chưa được cao lắm, dẫn tới ý thức của họ chưa cao, thì sắp tới đây phải đào tạo nâng cao trách nhiệm cho họ thôi. Nếu nói trực tiếp vào tai nạn này thì đây là một cái có tính quyết định cao, mặc dù sơ xuất cực kỳ nhỏ. Chỉ mỗi một động tác là một ông thuyền viên nào đó xuống đóng lại các van thì không thể xảy ra tai nạn. Hoặc suốt đêm đó, các thủy thủ cắt phiên nhau canh gác từng 2 người một để xem lại các điều kiện kỹ thuật an toàn phương tiện trong quá trình cả một đêm đấy thì chắc chắn là không xảy ra việc này.

Khánh An: Dạ vâng, một cái giá khá đắt! Như vậy trong tương lai có lẽ phải xem xét lại việc nâng cao ý thức cho người vận hành kỹ thuật…

Việt Nam là một nước mà ngày xưa gọi là XHCH thì chuyện đào tạo và nâng cao ý thức làm việc cũng chưa được cao lắm, dẫn tới ý thức của họ chưa cao.

Ô. Ngô Văn Hùng

Ông Ngô Văn Hùng: Vâng, trước hết là người chủ tàu thuê họ, trả lương cho họ làm sao đảm bảo để họ có thể thực hiện công việc của mình cho tốt. Thứ hai, phải tìm những đối tượng có kinh nghiệm, ngoài bằng cấp ra phải có kinh nghiệm, có ý thức.

Khánh An: Thưa ông, ông có nhắc đến vai trò của chủ tàu, trong tai nạn như thế này thì trách nhiệm của chủ tàu như thế nào?

Ông Ngô Văn Hùng: Hiện nay, chủ tàu cũng là người chưa cao bởi vì anh tuyển những đối tượng chưa có trách nhiệm. Ví dụ lẽ ra ông phải tuyển những người có trình độ rồi phải có kinh nghiệm, có ý thức trách nhiệm. Hiện nay ông ấy tuyển những người trình độ cũng thấp thôi, 22 tuổi thì kinh nghiệm trong việc vận hành và thực hiện nhiệm vụ chắc chắn cũng chưa tốt lắm.

Khánh An: Có một số khách nước ngoài được nghe nói rằng chiếc tàu này có giá tour khá thấp so với những tour khác có giá cao hơn và họ cho rằng những tour này thì không bảo đảm an toàn. Điều này có đúng không?

Ông Ngô Văn Hùng: Cũng không phải, thực ra đấy cũng là do tính chưa chuyên nghiệp. Thứ hai nữa là những khách đi cũng không chuyên nghiệp, đi theo kiểu “dân dã”. Họ trả tiền cũng “dân dã” nên vào những tour, những hãng du lịch, những chủ tàu cũng không phải... Chứ còn nếu những khách kia thì họ phải tìm mọi cách để đảm bảo hoạt động của họ tốt hơn. Bản thân khách lại quá “dân dã”, nó tạo cho tính chuyên nghiệp, ý thức của chủ tàu hay những người phục vụ cũng thấp đi.

Khánh An: Vâng, cảm ơn ông đã dành thời gian cho đài RFA.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.