Ba blogger lãnh án từ 4 đến 12 năm tù giam

Tòa án nhân dân TPHCM mới tuyên phạt ba bloggers Điếu Cày (tức Nguyễn Văn Hải), anh Ba Sài Gòn (tức Phan Thanh Hải) và Tạ Phong Tần mức tù giam từ 4 cho tới 12 năm.
RFA 24.09.2012
DieuCay-TPT-anh3saigon-305.jpg Ba blogger Phan Thanh Hải, Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần.
RFA files

Với kết quả của phiên xử sơ thẩm sáng nay, blogger Điếu Cày chịu mức án 12 năm tù, blogger Tạ Phong Tần 10 năm tù, còn blogger Anh Ba Sài Gòn chịu mức án 4 năm tù, ngoài ra cả 3 bloggers này cũng chịu thêm hình phạt bổ sung quản chế tại gia sau khi mãn hạn giam.

Theo kết luận của Tòa án, cả 3 bloggers này đều bị kết tội “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.”

Đây được xem như cuộc trấn áp mới nhất nhắm vào giới bất đồng chính kiến, khi việc sử dụng sức mạnh của internet đang bùng nổ và đe dọa đến quyền hành của chính phủ Cộng sản Việt Nam. Bloggers tại Việt Nam có tốc độ phát triển thuộc hàng nhanh nhất thế giới, họ lên tiếng phê phán Chính phủ ở nhiều góc độ khác nhau từ quyền sở hữu đất đai, tham nhũng, cho tới sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Hội đồng xét xử đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm an ninh quốc gia. Theo đó, Tòa án cáo buộc các bloggers trên lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do dân chủ để có các bài viết với nội dung tuyên truyền chống Nhà nước, chống đảng Cộng sản cũng như ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào chính quyền.

Tại phiên tòa sơ thẩm sáng nay, hai bị cáo là ông Nguyễn Văn Hải và bà Tạ Phong Tần không thừa nhận tội, trong khi ông Phan Thanh Hải thừa nhận sai phạm và xin được giảm nhẹ hình phạt.

Tin từ AFP cho biết, trong phiên xử sáng nay, ông Nguyễn Văn Hải cho rằng ông không bao giờ chống lại nhà nước, theo luật pháp Việt Nam, công dân có quyền tự do ngôn luận và điều này phù hợp với công ước quốc tế, ngay sau đó, phần âm thanh của ông Hải bị cắt giữa chừng.

Blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) là một trong những sáng lập viên Câu Lạc Bộ các Nhà Báo Tự Do, được biết qua những bài viết kêu gọi tôn trọng nhân quyền, cải cách dân chủ và chống tham nhũng tại Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng được biết qua những lời phê phán Trung Quốc tranh giành các đảo trên Biển Đông. Tháng Giêng năm 2008, blogger Điếu Cày cùng một số nhà hoạt động biểu tình chống Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh và bị bắt giữ.

Về blogger Phan Thanh Hải, trước khi bị bắt, ông cho đăng tải một số bài trên blog của cá nhân mình, kể cả những bài phê bình và kêu gọi hủy bỏ điều 88 trong Bộ Luật Hình Sự, còn bà Tạ Phong Tần nổi tiếng với những bài trên blog “Sự thật và công lý” về sự lạm dụng của công an và vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam.

Tại Việt Nam, các bloggers thường bị kết tội tuyên truyền chống phá Nhà nước theo điều khoản 88 của Bộ Luật Hình sự, mà một số tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cho rằng đây là điều khoản mơ hồ để kết tội các nhà đấu tranh dân chủ.

Ngay sau khi phiên xử kết thúc, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ông Phil Robertson lên tiếng cho rằng những bản án nặng nề kết tội các bloggers thật là kinh hãi và rõ ràng Việt Nam không chấp nhận những tiếng nói đối kháng. Ông Robertson cũng cho rằng bản án ngày hôm nay đã cho thấy thực sự chính phủ Việt Nam đàn áp những quyền cơ bản của con người như thế nào.

Cùng ngày, tổ chức Hành Động Cho Dân Chủ Việt Nam có trụ sở tại Paris cũng lên tiếng phản đối những bản án nói trên. Ông Võ Văn Ái, chủ tịch của tổ chức cho biết đơn giản là 3 bloggers trên chỉ là những người yêu nước, bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa, lãnh đạo Hà Nội đã không chịu lắng nghe ý kiến quốc tế và không ngừng trấn áp những tiếng nói đòi hỏi tự do và dân chủ tại Việt Nam.

Xin được nhắc lại, hồi tháng 5, chính Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama từng tuyên bố mọi người không được phép quên những nhà báo như blogger Điếu Cày, người đã bị bắt hồi năm 2008 vào khi có những cuộc đàn áp nhà báo công dân tại Việt Nam.

Tổ chức theo dõi nhân quyền HRW và Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi VN trả tự do tức khắc cho 3 bloggers. Trong báo cáo về chỉ số tự do báo chí năm 2011-2012, Tổ chức phóng viên không biên giới xếp VN nằm trong nhóm 10 nước đứng đầu của “Kẻ thù của Internet”.

ect>

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.