Hiệp Định về lãnh hải trong vịnh Bắc Bộ và hậu quả lâu dài trong tương lai


2004.06.18

Theo báo Nhân Dân và người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam thì ngày 15 tháng 6 vừa qua Quốc Hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp Định giữa Việt Nam và Trung Quốc về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ. Hiệp định này đã được ký kết từ tháng 12 năm 2000 nhưng nay mới được phê chuẩn. Việt-Long trao đổi về đề tài vừa kể với ông Trần Sơn Nam, ký giả về ngọai giao của Đài Á Châu Tự Do.

Bấm vào đây để nghe cuộc trao đổi này
Rightclick to download this audio

Việt Long: Vì sao dư luận trong và ngoài nước lại xôn xao từ khi biết chính phủ Việt Nam ký kết những hiệp định biên giới và lãnh hải với Trung Quốc?

Trần Sơn Nam: Đối với nhà cầm quyền đương thời của một nước độc lập, vấn đề quan trọng tối thượng là làm sao bảo vệ được chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Vì những lẽ đó mà ngay sau khi được tin là nhà nước Việt Nam đã ký với Trung Quốc một bản Hiệp Ước về biên giới đường bộ cuối năm 1999 và một bản Hiệp Định để phân định lãnh hải trong Vịnh Bắc Bộ cuối năm 2000, dư luận trong nước cũng như ngoài nước rất xôn xao?

Người ta muốn biết trong hoàn cảnh nào những bản Hiệp Ước và Hiệp Định đó đã được ký kết. Đặc biệt hơn cả, người ta muốn biết những chi tiết rõ rệt về những điều đã được thỏa thuận và ký kết để đo lường đúng mức hậu quả tốt hay xấu của sự việc đối với quyền lợi của dân tộc trong tương lai.

Hỏi: Theo ông thì hoàn cảnh nào đã thúc đẩy Việt Nam ký kết những hiệp định về biên giới với Trung Quốc?

Ðáp: Về hoàn cảnh nào đã thúc đẩy việc ký kết những bản Hiệp Ước và Hiệp Định thì thực sự với thái độ bưng bít của những chế độ Cộng Sản nói chung, người dân trong nước ít khi được biết những tin tức xác thật. Trong trường hợp của Việt Nam thì người ta chỉ nghe được những tin đồn là vào thời tướng Lê Khả Phiêu còn làm Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam, trong một chuyến viếng thăm Trung Quốc thời đó của nhân vật này, nhà cầm quyền Trung Quốc đã làm áp lực mạnh buộc Việt Nam phải sớm hoàn tất việc điều đình về những vấn đề biên giới đường bộ và trên mặt biển trước cuối năm 2000.

Và kết quả là như người ta đã thấy cả hai bản Hiệp Ước và Hiệp Định đều được ký kết trước hạn định. Còn về bối cảnh thì cũng rõ rệt đây là mối quan hệ phức tạp giữa hai chế độ Cộng Sản tuy bề ngoài gọi là anh em nhưng bề trong vẫn là đối kháng. Cái khó cho nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội là mặc dầu luôn luôn bị chèn ép, vì những lý do địa dư cũng như ý thức hệ, họ không dám cưỡng lại ý muốn của nước bạn đàn anh. Và tình trạng này đã được thể hiện qua việc ký kết những bản Hiệp Ước và Hiệp Định như mọi người đã thấy.

Hỏi: Trong những bối cảnh như vậy thể thức ký kết vả phê chuẩn các hiệp ước có điều gì đặc biệt hay không, theo như cái nhìn của ông, là một nhân vật thuộc giới ngọai giao quốc tế?

Ðáp: Vể thể thức theo đó việc ký kết được thực hiện thì đây lại là một tình trạng hết sức lúng túng của nhà cầm quyền Việt Nam. Những bản Hiệp Ước và Hiệp Định được ký kết tất nhiên là những văn bản quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng đến tương lai của dân tộc, nhưng trên thực tế người dân chỉ được biết một cách sơ sài về nội dung những sự thỏa thuận giữa hai bên.

Đến khi một vài chi tiết được lọt ra ngoài (như trường hợp Ai Nam Quan không còn trên lãnh thổ Việt Nam nữa) thì người trả lời thay mặt chính phủ chỉ là một vị Thứ Trưởng (ông Lê Công Phụng) và tuyệt nhiên không thấy một nhân vật nào cao cấp hơn đứng ra trình bầy sự việc trước quốc dân và dư luận. Dường như cầm quyền chỉ muốn cho vấn đề lặng lẽ trôi qua.

Hỏi: Thế còn việc phê chuẩn thì có điều gì đáng lưu ý không?

Ðáp: Việc Quốc Hội Việt Nam thông qua bản Nghị Quyết phê chuẩn bản Hiệp Định về Vịnh Bắc Bộ những ngày vừa qua thì cũng vậy. Người dân Việt Nam không được những cơ quan thông tin của nhà nước cho biết là từ hai tuần lễ nay, những đại biểu Quốc Hội đã thảo luận ra sao về bản Hiệp Định này. Tất cả những điều người dân được biết là vào phiên họp chót trước khi bế mạc, Chủ Tịch Quốc Hội, ông Nguyễn Văn An, loan báo là bản Hiệp Định đã được phê chuẩn với 424 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 8 đại biểu không bỏ phiếu.

Sự kiện bản Hiệp Định được toàn thể Quốc Hội phê chuẩn dĩ nhiên không phải là điều mới lạ vì ai cũng biết hầu hết những Đại Biểu Quốc Hội đều là người của Đảng hay đã được Mặt Trận Tổ Quốc, tổ chức ngoại vị của Đảng, giới thiệu. Nhưng dường như Đảng cho rằng việc tối thiểu mang bản Hiệp Định ra mổ xẻ công khai trước khi chấp thuận cũng không phải là việc cần vì trước sau gì tất cả các Đại Biểu đều bỏ phiếu thuận.

Trong một chế độ độc đảng toàn trị, mỗi khi Đảng quyết định điều gì thì điều đó được thực hiện một cách dễ dàng. Tuy nhiên theo chiều dài của lịch sử, tất cả những quyết định đó, lớn hay nhỏ, đều đưa đến những hậu quả lâu dài cho đất nước, huống hồ đây lại là những vấn đề liên quan đến chủa quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Hỏi: Được biết là , người phát ngôn của Bộ Ngoai Giao Việt Nam khi trả lời báo chí về việc Quốc Hội phê chuẩn Hiệp Định lãnh hải có nêu rõ ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, có nhấn mạnh rằng "Lần đầu tiên trong Vịnh Bắc Bộ có một đường biên giới có giá trị pháp lý quốc tế rõ ràng phân định rõ phạm vi và chế độ pháp lý lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước trong Vịnh, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982". Ông có nhận định ra sao về những lời tuyên bố đó?

Ðáp: Tôi không chuyên môn về những vấn đề pháp lý quốc tế, cho nên không đi sâu vào những lập luận pháp lý, vì luật biển năm 1982 cũng chứa đựng nhiều điều có thể được giải thích khác nhau. Tuy nhiên đứng về mặt thực tế thì ai cũng phải nhìn nhận là so với Thỏa Ước ký kết giữa Pháp và nhà Thanh năm 1885 và Công Ước phân chia Vịnh năm 1887, mà theo đó Việt Nam được 62% diện tích phía Đông của Vịnh Bắc Việt và Trung Quốc được 38% diện tích còn lại, thì ngày nay Việt Nam chỉ còn có hơn 53 % diện tích Vịnh và Trung Quốc được gần 47 %. Như vậy có nghĩa là tỷ lệ đã thay đổi từ 62/38 xuống 53/47.

Nhìn vào con số thì trên mặt biển mênh mông, hơn 10 ngàn cây số vuông lãnh hải có lẽ không là điều quan trọng, nhưng nếu nghĩ tới khả năng lớn lao của thềm lục địa chứa đựng ngư sản, khoáng sản dưới đáy biển cùng với những tiềm năng dầu khí trong Vịnh thì nhượng 9% lãnh hải cho Trung Quốc chắc chắn phải là một sự thiệt thòi nặng nề cho quyền lợi của dân tộc. Ngoài ra việc nhượng bộ lại còn có ảnh hưởng lớn đến vấn đề đòi lại chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng và giữ vững được chủ quyến của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa hiện còn đang trong vòng tranh chấp.

Việt Long: Như thế thì Đảng Cộng Sản và Nhà Nước Việt Nam có trách nhịêm ra sao trong việc ký kết này?

Trần Sơn Nam: Dầu muốn lập luận thế nào chăng nữa, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cũng khó lòng bênh vực được quyết định nhượng bộ Trung Quốc trong những vấn đề biên giới đường bộ và lãnh hải vì rõ ràng quyền lợi của dân tộc trong tương lai đã bị hy sinh trong những hoàn cảnh không được rõ rệt và trách nhiệm này thuộc về Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.