Cộng Đồng Quốc Tế cứu trợ nạn nhân sóng thần

0:00 / 0:00

Trần Sơn Nam

Thiên tai sóng thần làm thiệt mạng trên 150.000 người tại 11 nước ven biển trong vùng Ấn Độ Dương là một biến cố lớn ngay vào lúc nhân loại từ cuối năm 2004 bước sang năm mới 2005. Một đặc điểm nổi bật trong những ngày gần đây là tinh thần liên đới trong cộng đồng quốc tế trong việc cứu trợ những nạn nhân của biến cố lớn này.

Bush_Clinton_tsunami_200.jpg
Tổng thống George W. Bush cùng với 2 cựu Tổng thống là George Bush (trái) và Bill Clinton (phải) tuyên bố chiến dịch quyên góp toàn quốc để hỗ trợ cho các nạn nhân sóng thần Châu Á. Photo: Whitehouse.gov

Giới quan sát quốc tế ghi nhận là chưa bao giờ trong thời gian những thập niên gần đây có phong trào cứu trợ được hưởng ứng rộng rãi ở khắp mọi nơi như trong lúc này. Đài Á Châu Tự Do trao đổi ý kiến với ông Trần Sơn Nam về sự trỗi dậy của tinh thần liên đới trong cộng đồng quốc tế ở vào thời điểm này.

Hỏi: Thưa ông Trần Sơn Nam, thảm họa do chiến tranh hay thiên tai gây ra không phải lúc này mới có. Trong những năm gần đây người ta đã từng thấy nội chiến ở Congo, hay Sudan ở Châu Phi, động đất ở Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Cận Đông. Con số nạn nhân thiệt mạng trong những thảm họa này không phải là ít, nhưng vụ sóng thần tại miền biển Ấn Độ đã gây xúc động tột cùng trên khắp thế giới, với ước lượng tạm thời là phải trên dưới 150 ngàn người. Theo ông thì yếu tố nào đã tạo sự xúc động mạnh này ?

Đáp: Thưa, thực ra nếu nói đền nạn nhân bị chết vì thảm họa này hay thảm họa khác thì người ta phải kể đến trường hợp những loại bệnh như sốt rét rừng hay AIDS cũng đã chôn vùi cả hàng triệu người, và nạn nhân do nội chiến hay diệt chủng ở Châu Phi cũng lên tới vài trăm ngàn người.

Riêng trong trường hợp thiên tai, thì so với con số những nạn nhân sau những vụ động đất ở Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ cách đây không lâu , trong cả 2 trường hợp không quá 50 ngàn người, thì vụ sóng ngầm dưới biển nổi lên (gọi là sóng thần) mới đây tại miền ven biển Ấn Độ Dương với con số nạn nhân lên tới hơn 150 ngàn người quả thực là một thiên tai lớn, phải nhiều thập niên mới thấy có một lần.

Do đó mà có sự xúc động mạnh trong dư luận ở khắp mọi nơi. Sự xúc động này còn được tăng lên gấp bội vì một số yếu tố khác. Nạn nhân lần này không phải chỉ ở một địa phương hay một nước nào mà là nạn nhân của tất cả 11 nước từ Đông Nam Á chạy dài ngang Nam Á rồi tới ven biển Đông Châu Phi.

Thêm vào lại còn hàng ngàn những du khách từ những nước trong khối Tây Âu và Châu Mỹ không may tới những vùng biển của những nước kể trên nghỉ mát và gặp nạn. Ngoài ra, ở vào thời đại truyền thông nhanh chóng ngày nay, những hình ảnh sống động trên TV về trường hợp những người sống sót đi tìm thức ăn, nước uống hay thân nhân mất tích lại càng làm tăng thêm tính chất bi thảm của biến cố lớn này.

Hỏi: Thưa ông, phản ứng của thế giới bên ngoài còn chậm, nhưng chỉ vài ngày sau với con số nạn nhân tăng lên gấp bội từng ngày, phong trào cứu trợ từ các nước cũng như từ phía các tổ chức tư nhân cũng được trải rộng và bao gồm cả một số nước lớn trên thế giới nhưng đây mới chỉ là sự cứu trợ trong cấp thời, còn về dài hạn thì sao ?

Đáp: Ngay trong lúc này thì sự cứu trợ nhằm vào những lãnh vực khẩn cấp như nước uống, thực phẩm và thuốc men để phòng ngừa những loại bệnh truyền nhiễm nhanh chóng, rồi tiếp đến là tìm nơi trú cho trên dưới 5 triệu người bị lâm vào cảnh không còn nhà ở hay không còn cả thân nhân nữa. Còn về những chương trình xây dựng những miền bị nạn thì giới quan sát quốc tế cho rằng có lẽ chỉ những ngành du lịch bị thiệt hại nhiều hay những nơi có người sống về nghề chài lưới bị mất việc do đó mà xây dựng lại cũng không đến nỗi quá khó khăn.

Hỏi: Về mặt nổi thì theo tin từ phía Liên Hiệp Quốc, số tiền đóng góp của các nước trên thế giới cho việc cứu trợ hiện nay đã lên tới 3 tỷ dollars và sẽ còn tăng lên nữa. Số tiền đóng góp vào việc cứu trợ dĩ nhiên là quan trọng, nhưng nổi bật hơn cả là những sự đóng góp tự nguyện của tư nhân qua hàng trăm những tổ chức thiện nguyện. Việc này có đã làm nổi bật được tinh thần liên đới của cộng đồng quốc tế mổi khi cần hành động nhân đạo hay không?

Đáp: Riêng về trường hợp những nước lớn thì trong hiện tại người ta ghi nhận sự đóng góp lớn nhất mới đây của Australia, với 765 triệu đô la, Đức Quốc (500 triệu Euro), Nhật Bản 500 triệu dollars rồi đến Mỹ (350 triệu dollars)+ với sự đóng góp về chuyển vận của 46 chiếc trực thăng, hàng chục phi cơ vận tải và hơn 20 chiến hạm của hạm đội thứ 7 của mỹ từ Thái Bình Dương tiến vào Ấn Độ Dương cùng với sự có mặt của gần 2 ngàn thủy quân lục chiến.

Còn về sự đóng góp của tư nhân thì người ta cũng ghi nhận là ở các nước Tây Âu và Bắc Âu, tinh thần đóng góp tự nguyện lên rất cao. Riêng ở Mỹ thì người ta cũng thấy là đã có hai nhân vật nổi tiếng là cựu Tổng Thống Bush (thân phụ của đương kim Tổng Thống Bush) và Clinton đứng ra để vận động sự đóng góp của tư nhân. Đây cũng là một trường hợp đặc biệt, một nghĩa cử nói lên sự quan tâm của một siêu cường quốc đối với một thảm họa mà một số những nước nhỏ khác đã phải chịu đựng.

Hỏi: Riêng về sự đóng góp của tư nhân thì phải kể đến tấm lòng nhân ái của đồng bào người Việt hải ngọai, như riêng tại quận Cam California, một cơ quan truyền thông vừa mới kêu gọi, thì đồng bào ta liền đến đóng góp ngay hơn 300 ngàn đô la, chưa kể tới các tổ chức tôn giáo và thiện nguyện khác nữa. Và theo sự ước lượng lạc quan thì dân ta ở riêng quận Cam có thể góp tới hằng triệu đô la. Xin hỏi ông về trường hợp của những nước trong vùng Châu Á và đặc biệt của những nước trong khối ASEAN. Dường như người ta ít nói đến phản ứng của những nước này ?

Đáp: Kể về sự giúp đỡ cứu trợ thì cho đến nay trường hợp nổi bật ở châu Á mới chỉ là trường hợp của Nhật Bản lúc đầu loan tin giúp 30 triệu dollars rồi đến vài ngày sau tăng lên 500 triệu dollars, còn về Trung Quốc thì giúp có 65 triệu, Việt Nam thì dường như sự đóng góp chỉ lên tới 450 ngàn dollars, thêm vào với sự đóng góp của người dân và các doanh nghiệp cũng được hơn 92 ngàn đô la, tính đến cuối tuần qua.

Tức là cả nước góp chỉ bằng độ một nửa sồ tiền mà đồng bào Việt Nam hải ngọai ở riêng quận Cam California đóng góp!

Số tiền đóng góp cứu trợ là một chuyện nhưng giới quan sát quốc tế cũng lấy làm ngạc nhiên là Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Miến Điện, những nước bị nạn, đều là thành viên của tố chức ASEAN mà tuyệt nhiên không thấy tổ chức này lên tiếng. Trong hai ngày thứ 4 và thứ 5, tại thủ đô Djakarta của Indonesia có một hội nghị quốc tế để bàn về việc cứu trợ. Hầu hết các nguyên thủ quốc gia châu Á đều dự hội nghị. Ngoại Trưởng Mỹ Colin Powell và Thủ Tướng Việt Nam Phan Văn Khải cũng tham dự. Phải chăng tại đây, 10 ngày sau khi đã có thiên tai, tổ chức này mới lên tiếng ?

Hỏi: Nhân có sự xúc động của dư luận quốc tế sau vụ thiên tai, một số người có nêu lên câu hỏi liệu tinh thần liên đới quốc tế vừa được khơi dậy có làm cho những nước giầu trên thế giới nghĩ đến việc giúp đỡ những nước nghèo một cách cụ thể hơn trước không ?

Đáp: Tinh thần đóng góp của các nước và ngay của tư nhân để giúp đỡ những nạn nhân không may trong vụ thiên tai này là điều đáng mừng chung cho tất cả mọi người, ở mọi nơi. Nhưng tôi lo ngại rằng nếu không có sự nuôi dưỡng thì tinh thần đó cũng yếu dần, vì đó cũng là bản chất của con người, nhiều khi cũng vô tình không kém gì tạo hóa.