Bấm vào đây để nghe bản tin này
Rightclick to save target as this audio
Việt Hùng tường trình từ Âu Châu Trong tuần lễ vừa qua dân chúng tại Cộng Hòa Liên Bang Đức đã kỷ niệm 50 năm ngày nổi dậy của những người dân Đông Đức cũ, phản đối chính quyền cộng sản và chế độ chà đạp nhân phẩm. Cuộc khởi nghĩa sau đó đã bị đàn áp đẫm máu bởi xích xe tăng của hồng quân Liên Xô. Từ Âu Châu thông tín viên Việt Hùng gửi về bài tường trình....
Tháng 6 năm 1953, cách đây đúng 50 năm, một cuộc khởi nghĩa của hơn một triệu người vừụa công nhân vừa nông dân. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ những bất đồng của giới công nhân khi họ phản đối việc chính quyền đòi tăng giờ làm việc mà không tăng lương và không được đáp ứng một cách thỏa đáng.
Hơn chục ngàn thợ thuyền đã xuống đường biểu tình đình công bãi khóa và ngày hôm sau hơn 1 triệu người đã xuống đường và lúc này những người thợ thuyền và nông dân không chỉ đòi hỏi những quyền lợi cho mình mà những đòi hỏi của họ còn mang mầu sắc chính trị, đó là quyền tự do cho chính mình. Helbich, một trong những người đã có mặt ngày hôm đo trong cuộc xuống đường ngày nay nhớ lại, ông nói: “Lý do xuống đường của chúng tôi lúc bấy giờ là vì chính phủ đã nâng cao những đòi hỏi về lao động mà không tạo điều kiện cho người thợ làm việc tốt hơn, cũng như không tăng lương cho họ. Những yêu cầu này cao quá sức nên đã gây ảnh hưởng đến cả nghành nông nghiệp.”
Cuộc khởi nghĩa kéo dài chưa đầy hai ngày đã nhanh chóng bị dập tắt bởi xích xe tăng của hồng quân Liên Xô. 13 ngàn người bị bắt trong đó có cả ông Helbich với án 5 năm tù. Hàng ngàn người mất tích trong các trại giam của mật vụ Đông Đức cũ. Những người bên ngoài hoàn toàn không hay biết, thậm chí các tù nhân cũng không hề xác định được mình đang bị giam ở nơi nào. Cuộc khởi nghĩa đã có tác dụng phản hồi và càng làm cho chế độ cộng sản Đông Đức thêm vững mạnh. Trong sách sử học của chế độ cộng sản Đông Đức thì cuộc khởi nghĩa này được nhắc đến như một sự kiện phản cách mạng. Vào thời điểm đó những quốc gia phương Tây vẫn còn chưa hồi tỉnh sau bóng đen ám ảnh của thế chiến thứ hai nên vẫn lo ngại một nước Đức thống nhất hùng mạnh.
Cuộc xuống đường của người dân Đông Đức năm 1953 được coi là cuộc khởi nghĩa mở đầu cho những sự kiện sau đó tại những nước Xã Hội Chủ Nghĩa cũ như tại Hungari năm 1956, Tiệp Khắc mùa Xuân năm 1968 hay Balan tại Gdansko năm 1980.
Tất cả những cuộc khởi nghĩa hay đứng lên đòi tự do này của những người dân Đông Âu đều bị đàn áp dã man và phải chờ mãi cho tới năm 1989 mới thành công. Với dư luận, câu hỏi được đặt ra là tại sao cuộc khởi nghĩa của người dân Đông Đức vào năm 1953 lại ít được nhắc đến hơn là cuộc khởi nghĩa mùa Thu Budapest năm 56 hay mùa Xuân thành Praha năm 1968. Ông Oldrich Tuma, giám đốc Viện Sử Học Cận Đại tại Đông Âu đưa ra một giả thiết: “Có thể là do cuộc khởi nghĩa này quá ngắn, nó chỉ kéo dài có vài tiếng đồng hồ, buổi sáng mới khởi nghĩa thì buổi tối quân đội Liên xô đã làm chủ các đường phố và cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị dập tắt. Sự kiện Budapest năm 1956 kéo dài tới vài tuần và thiệt hại về nhân mạng lớn hơn nhiều.”
Tuy không được nhắc đến nhiều trong lịch sử nhưng các nhà sử học đều nhận định, rằng cuộc khởi nghĩa năm 1953 của người dân Đông Đức đã là một bước đi lớn trong cả quá trình tranh đấu đòi hỏi tự do và dân chủ của những người dân Đông Âu.
Cũng năm 1953, một cuộc khởi nghĩa khác của giới thợ thuyền tại Balan cũng bị đàn áp đẫm máu với 50 sinh mạng. Những cuộc khởi nghĩa nhiều năm sau đó của nhiều quốc gia Đông Âu cũng bị đàn áp dã man bởi quân đội khối Vác–sa-va. Thậm chí cho tới những năm của thập kỷ 80 không ai có thể tin rằng chế độ cộng sản và Liên Bang Xô Viết có thể tan rã nhưng những sự kiện năm 1989 cho thấy bánh xe lịch sử vẫn quay đều. Ông Tuma nói thêm: “Cuộc khởi nghĩa này là bước đầu, hay nói hơn là một sự kiện lớn trong những chuỗi khủng hoảng của chế độ cộng sản tại Đông Âu. Những sự kiện như vậy là một cách thức để người dân tìm ra những thỏa hiệp với chế độ và chế độ phần nào cũng bị lung lay. Nó là ngòi nổ cho Budapest 56, cho Praha 68, cho Gdansko năm 80 và nhiều sự kiện khác nữa. Nó là một bước đi trên một con đường dài và những người dân Đông Âu đã đi đến các đích của mình vào năm 1989 để bước sang một trang sử khác của dân tộc.”
Việt Hùng tường trình từ Âu Châu.