Dân biểu Frank Wolf trả lời phỏng vấn RFA về việc yêu cầu Đại sứ Mỹ tại VN từ chức


2007.03.29

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Trong 24 giờ qua, một trong những tin được chú ý đến có liên quan trực tiếp đến Việt Nam là lời phát biểu của Dân Biểu Frank Wolf trước diễn đàn Hạ Viện Liên Bang Mỹ, yêu cầu Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội là ông Michael Marine từ chức vì không làm đúng trách nhiệm phải lên tiếng đòi hỏi chính phủ Việt Nam cải thiện nhân quyền.

FrankWolf150.jpg
Dân biểu Hoa Kỳ Frank Wolf hôm 30-3-2006. AFP PHOTO

Ban Việt Ngữ chúng tôi đã được vị Dân Biểu thuộc Ðảng Cộng Hòa dành cho một cuộc phỏng vấn ngắn và chúng tôi xin gửi đến quý thính giả sau đây. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện.

"Không làm điều cần phải làm"

Nguyễn Khanh: Cám ơn ông Dân Biểu đã đồng ý dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt này. Ông vừa lên tiếng đòi Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội từ chức?

Dân biểu Frank Wolf: Tôi nói là nếu ông Ðại Sứ Mỹ ở Việt Nam không để hết tâm trí vào các nỗ lực để buộc Việt Nam phải cải thiện nhân quyền, đặc biệt là sau vụ Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị bắt giữ cách đây mấy tuần lễ, thì theo tôi ông ta nên từ chức.

Lý do là tôi thấy ông Ðại Sứ Marine không làm điều cần phải làm, là mở cửa Ðại Sứ Quán để đón những người tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền, để đón những tu sĩ, những vị linh mục Công Giáo, các nhà sư Phật Giáo, trong khi Ðại Sứ Quán là biểu tượng của nhân quyền, tự do, và là nơi tạm trú cho những người bị đàn áp vì lý tưởng đó.

Lý do là tôi thấy ông Ðại Sứ Marine không làm điều cần phải làm, là mở cửa Ðại Sứ Quán để đón những người tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền, để đón những tu sĩ, những vị linh mục Công Giáo, các nhà sư Phật Giáo, trong khi Ðại Sứ Quán là biểu tượng của nhân quyền, tự do, và là nơi tạm trú cho những người bị đàn áp vì lý tưởng đó.

Tôi cũng không thấy ông Ðại Sứ lên tiếng đủ mạnh để bênh vực cho những người bị đàn áp, và ngay cả khi Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush sang thăm Việt Nam, vấn đề nhân quyền cũng được đặt ra rất ít, mà chỉ chú tâm vào chuyện buôn bán, thương mại thôi.

Tôi có dịp nói chuyện với rất nhiều người Việt đang sinh sống ở Mỹ và qua thông tin từ thân nhân còn ở Việt Nam, những người này cho tôi biết là tình trạng đâu có khả quan gì.

Trở lại với câu hỏi của ông, nếu ông Ðại Sứ Mỹ ở Hà Nội không có thái độ quyết liệt hơn, không là người hết lòng tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam thì cách hay nhất ông ta nên từ chức hay đi làm việc khác.

Chính sách của Hoa Kỳ

Nguyễn Khanh: Nhưng thưa ông Dân Biểu, theo chỗ tôi hiểu thì ông Ðại Sứ Michael Marine chỉ là người thi hành chính sách của chính phủ…

Dân biểu Frank Wolf: Điều đó đúng, và trên nguyên tắc, chính sách của chính phủ Mỹ là phải lên tiếng bênh vực cho nhân quyền, cho tự do tôn giáo. Với cương vị của một Ðại Sứ Mỹ ở Việt Nam mà không làm điều đó thì cách tốt nhất là ông ta phải ra đi.

Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Việt Nam phải là biểu tượng cho tự do, như Ðại Sứ Quán của Hoa Kỳ tại Maxtcơva đã làm ở thời chiến tranh lạnh ở thời của Tổng Thống Ronald Reagan. Lúc đó, những người tranh đấu cho dân chủ, những người tranh đấu cho tự do tôn giáo nếu bị đàn áp đều có quyền vào Ðại Sứ Quán Mỹ xin giúp đỡ.

Nếu một vị đại sứ lại không lên tiếng bênh vực cho những người bị đàn áp, không lên tiếng phản đối chuyện nhân quyền bị vi phạm thì ông ta nên từ chức. Ðơn giản như vậy thôi.

Tôi không hài lòng. Tôi tin là chính phủ Mỹ đã không quyết liệt đủ với chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền.

Nguyễn Khanh: Tháng 11 năm ngoái, trước khi Tổng Thống Bush sang Hà Nội, ông Dân Biểu cho chúng tôi biết là ông có nói chuyện với Bà Ngoại Trưởng Rice để trình bày quan điểm của ông về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Từ đó đến giờ, ông có dịp nói chuyện lại với Bà Ngoại Trưởng chưa?

Dân biểu Frank Wolf: Có. Cách đây 2 tuần lễ tôi có dịp đặt câu hỏi với Bà Rice khi bà ra điều trần trước Hạ Viện. Bà Rice trả lời tôi, nói rằng nhân quyền vẫn giữ một chỗ đứng quan trọng trong quan hệ hai nước. Nhưng nhìn vào thực tế thì tôi không thấy có nhiều hành động cụ thể…

"Không hài lòng"

Nguyễn Khanh: Và ông không hài lòng?

Dân biểu Frank Wolf: Tôi không hài lòng. Tôi tin là chính phủ Mỹ đã không quyết liệt đủ với chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền.

Nguyễn Khanh: Ông từng hướng dẫn đoàn đại diện Quốc Hội đi thanh sát ở Sudan, liệu ông có ý định sang Việt Nam để quan sát tình trạng nhân quyền ngay tại chỗ không?

Dân biểu Frank Wolf: Tôi không có chương trình sang Việt Nam để thanh sát, nhưng tôi biết một vài bạn đồng viện đang bàn thảo chuyện một vài tuần nữa sẽ sang Việt Nam. Nhưng cá nhân tôi thì không.

Nguyễn Khanh: Làm sao để đẩy chính phủ Mỹ đến chỗ phái có thái độ quyết liệt hơn đối với Việt Nam như lúc nãy ông vừa nói?

Dân biểu Frank Wolf: Trong một hoặc hai ngày nữa, chúng tôi sẽ gửi cho Bà Ngoại Trưởng Rice một lá thư, trong đó nhấn mạnh rất rõ những điểm mà Quốc Hội chúng tôi thấy cần phải làm.

Nguyễn Khanh: Liệu Quốc Hội có mở một cuộc điều trần khác về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam không?

Bạn nghĩ gì về quan điểm của Dân biểu Frank Wolf? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

Dân biểu Frank Wolf: Tôi chưa rõ có buổi điều trần khác về Việt Nam hay không, nhưng khoảng một tháng rưỡi nữa, chúng tôi sẽ có buổi điều trần về tình hình nhân quyền thế giới, và đương nhiên vấn đề Việt Nam sẽ được đặt ra.

Nguyễn Khanh: Thay mặt quý thính giả, Ban Việt Ngữ xin cám ơn ông Dân Biểu.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.