Phầm mềm mã mở tìm thị trường và đối tác Việt Nam


2007.09.30

Nguyễn Bình, thông tín viên đài RFA

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có công ty làm phần mềm bán ra thị trường giữ bản quyền, đôi lúc độc quyền khiến người tiêu dùng phải chi tiền mua với giá rất cao. Nhưng cũng có công ty làm phần mềm nhưng không giữ bản quyền, người tiêu dùng được quyền sử dụng và phân phát miễn phí, phần mềm dạng này được phát triển trên cơ sở mã nguồn mở.

AsianuxSofware200.jpg
Screeshot của nhu liệu Asianux. Courtesy wikipedia.

Phóng viên Nguyễn Bình từ Campuchia có bài tường trình về tình hình mã nguồn mở của Liên minh phần mềm Châu Á xâm nhập thị trường Việt Nam như sau.

Vào ngày 5 tháng 9 vừa qua, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Liên minh phầm mềm mã nguồn mở Châu Á, gọi tắc là Asianux chính thức kết nạp công ty phần mềm VietSoftware của Việt Nam làm thành viên thứ tư.

Giải quyết vấn đề bản quyền

Việc kết nạp VietSoftware vào thành viên của Asianux được thực hiện theo bảo nghi nhớ giữa Bộ Khoa và học Công nghệ Việt Nam và Asianux vào cuối tháng 7 vừa qua, tại Bắc Kinh. Theo đó, VietSoftware sẽ cung cấp tài chính, cử chuyên gia phát triển phần mềm làm việc tại văn phòng dự án Asianux tại Bắc Kinh.

Còn Asianux sẽ giúp Việt Nam xây dựng 2 Trung tâm hợp tác phần mềm nguồn mở (tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) để hỗ trợ kỹ thuật, triển khai các sản phẩm của Liên minh tại Việt Nam cũng như đưa các sản phẩm phần mềm Việt Nam ra thị trường châu Á (trước mắt tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc).

Asianux được thành lập vào năm 2003 với thành viên ban đầu gồm 3 công ty phần mền 3 nước Đông Á, bao gồm Hồng Kỳ của Trung Quốc, Miracle của Nhật Bản và HaanSoft của Hàn Quốc. Nay Asianux có thêm VietSoftware của Việt Nam là thành viên thứ tư, và tương lai có kế hoạch vận động thêm Singapore, Malaysia và Ấn Độ làm đối tác.

Trong Hội chợ phần mềm Softmart 2007 diễn ra vào ngày 27 tháng 9 vừa qua, công ty VietSoftware, với cương vị là một thành viên Asianux, bắt đầu giới sản phẩm mã nguồn mở của đối tác tại Việt Nam.

Sản phẩm được giới thiệu tại Việt Nam là hệ điều hành dành cho máy chủ, Asianux Server 3.0, giao diện tiếng Anh. Theo ông Tạ Quang Thái, giám đốc kinh doanh của công ty VietSoftware cho biết trong tương lai gần, khoảng quí II năm 2008, sản phẩm của Asianux sẽ có giao diện bằng tiếng Việt.

Trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của tổ chức thương mại thế giới, việc áp dụng luật sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm phần mền của công ty nước ngoài đang là vấn đề nan giải. Đặt biệt là sản phẩm của tập đoàn Microsoft, phần lớn được sao chép lậu tại thị trường Việt Nam cũng giống như nhiều nước Châu Á khác.

Hình thức kinh doanh phần mềm mã mở

Việc khiến khích sử dụng mã nguồn mở đang được giới công nghệ thông tin Việt Nam và nhiều nước trên thế giới chú ý, vì chính phủ sẽ không còn bận tâm đến nạn sao chép lậu. Bởi bản chất của mã nguồn mở là phân phối tự do, công ty phát triển phầm mềm không giữ bản quyền, người tiêu dùng được sử dụng miễn phí và được sửa đổi mã nguồn theo nhu cầu của mình.

Tuy nhiên, khái niệm mã nguồn mở vẫn còn mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Sẽ có quí thính giả ngoài chuyên môn thắc mắc rằng các công ty phát triển mã nguồn mở làm ra sản phẩm cho người tiêu dùng miễn phí, thì lấy tiền đâu phát lương cho nhân viên?

Ông Tạ Quang Thái, giải thích lối kinh doanh của công ty VietSotfware, vốn đang thành công tại thị trường Việt Nam rằng công ty cho khách hàng tải phần mềm về sử dụng miễn phí, không cần trả tiền bản quyền. Nhưng khách hàng phải trả phí dịch vụ nếu cần hỗ trợ tính năng cho phù hợp với công việc cụ thể, hoặc nâng cấp phần mềm theo định kỳ.

Theo kết quả nghiên cứu của hãng Gartner ở Mỹ, đến năm 2010, sẽ có 80% phần mềm thương mại trên thế giới được kinh doanh theo lối mã mở này. Đồng thời phần mềm có bản quyền cũng sẽ giảm giá để cạnh tranh với phần mền mã mở.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.