Bảng quảng cáo ở Bangkok cảnh giác về sự cạnh tranh của Việt Nam


2007.08.11

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Tuần qua khách đi đường ở Bangkok rất chú ý tới một tấm biển quảng cáo lớn viết bằng tiếng Thái, nói rằng "Việt Nam hôm qua còn tập đi, hôm nay họ đã chạy, và ngày mai sẽ qua mặt Thái Lan". Sự việc này ra sao ? Lê Dân tìm hiểu thêm và trao đổi cùng một doanh nhân lớn của Thái.

BillboardThaiLanVietnam200.jpg
Tấm biển quảng cáo lớn ở Bangkok viết bằng tiếng Thái, nói rằng "Việt Nam hôm qua còn tập đi, hôm nay họ đã chạy, và ngày mai sẽ qua mặt Thái Lan" chụp hôm 9-8-2007. RFA PHOTO

Cảm nhận đầu tiên của mọi người đọc tấm biển billboard lớn bên lề xa lộ Bangkok là nó phản ảnh sự băn khoăn lo lắng của Thái Lan đối với nền kinh tế và vị thế chính trị của Việt Nam ngày càng có nhiều biến chuyển.

Đặc biệt hơn là tấm biển xuất hiện trong tuần lễ các quốc gia Đông Nam Á tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập khối ASEAN.

Đây là tổ chức hậu thân của một tổ chức đa quốc khác, thành lập hồi năm 1961 gồm Thái Lan, Philippines, Malaysia mang tên Tổ chức Liên phòng Đông Nam Á có mục tiêu quốc phòng, ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trong vùng Đông Nam Á châu.

Đến ngày 8 tháng Tám năm 1967, 5 nước Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore quyết định cải tên tổ chức thành Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, viết tắt là ASEAN theo Anh ngữ.

Đến năm 1976, sau khi ba nước Đông Dương theo chủ nghĩa Xã hội, khối ASEAN càng thiên về khuynh hướng quốc phòng hơn trước. Đến năm 1984 khối này thu nhận thêm Brunei Darussalam mới được quốc tế công nhận độc lập.

Hơn 10 năm sau, khi tình hình quân sự không còn căng như trước sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới quay sang tranh đua về kinh tế thương mại thì khối ASEAN khởi sự thu nhận thêm những quốc gia trước kia là đối thủ. Đó là Việt Nam, rồi đến Lào và Miến Điện, và sau cùng là Cambodia.

Việt Nam ngày càng có vị thế quan trọng hơn, và đó là chuyện đương nhiên. Thêm vào đó, Việt Nam lại tiến vào khung cảnh toàn cầu nhờ mới trở nên thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Chính phủ Việt Nam lại chấp nhận cải tổ, mở rộng thị trường trong nước họ để thu hút đầu tư nước ngoài thêm nữa.

Cho tới nay, trong số các thành viên mới của ASEAN, Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn cả và dần dần đã mặc nhiên đứng đầu nhóm 4 nước mới và nghèo, trở thành một loại "đàn anh" nhiều thế lực trong tập thể 10 nước. Thật ra, trong những thập niên 50 và 60, chỉ riêng miền Nam Việt Nam đã là vượt trội hơn cả nước Thái Lan về kinh tế lẫn quân sự, chính trị.

Cảnh giác

Đó là điểm Thái Lan quan ngại hơn cả. Cách nay hai năm, quốc vương Bhumibol đã công khai lên tiếng cảnh giác rằng nếu Thái Lan không nỗ lực hết sức thì Việt Nam sẽ qua mặt Thái về mọi mặt.

Hôm nay, người Thái đã phải nhìn thẳng vào sự thật. Tiến sĩ Chingchai Hanchanlash, chủ tịch Hội đồng Quản trị tổ hợp Loxley, kiêm chủ tịch Diễn đàn Thương mại 6 quốc gia Tiểu vùng Mêkông, nhìn nhận:

“Việt Nam ngày càng có vị thế quan trọng hơn, và đó là chuyện đương nhiên. Thêm vào đó, Việt Nam lại tiến vào khung cảnh toàn cầu nhờ mới trở nên thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Chính phủ Việt Nam lại chấp nhận cải tổ, mở rộng thị trường trong nước họ để thu hút đầu tư nước ngoài thêm nữa.”

Tấm biển quảng cáo lớn viết bằng tiếng Thái ở Bangkok, nói rằng "Việt Nam hôm qua còn tập đi, hôm nay họ đã chạy, và ngày mai sẽ qua mặt Thái Lan", do đó không còn mang tính cách một lời đe dọa, một sự cảnh giác cho tương lai xa.

Mà nó thực sự đã là lời nhắc nhở nhau của doanh giới Thái, đặc biệt là trong tình hình kinh tế, xã hội và chính trị Thái Lan đang trong lúc nhiều biến động.

Mới đây, một quan chức bộ Thương mại Thái Lan, ông Pairoj Pathomvat, cũng nêu lên vấn đề các nhà đầu tư Thái vào Việt Nam và bị cạnh tranh gay gắt bởi ngay chính các đối tác trong liên doanh với họ.

Ông cho biết: “Tự nhiên là các nhà đầu tư Thái nay muốn tự kinh doanh tại Việt Nam. Phần lớn họ không còn tin cậy các đối tác người Việt nữa, vì có nhiều trường hợp liên doanh ăn nên làm ra được vài năm, rồi đối tác Việt Nam lập doanh nghiệp riêng và trở lại cạnh tranh với liên doanh với Thái trước kia.”

Tự nhiên là các nhà đầu tư Thái nay muốn tự kinh doanh tại Việt Nam. Phần lớn họ không còn tin cậy các đối tác người Việt nữa, vì có nhiều trường hợp liên doanh ăn nên làm ra được vài năm, rồi đối tác Việt Nam lập doanh nghiệp riêng và trở lại cạnh tranh với liên doanh với Thái trước kia.

Sự lo lắng của Thái Lan đối với một Việt Nam ngày càng tăng trưởng đã không còn được che đậy, dấu diếm. Nhiều nhà quan sát và phân tích cho rằng muốn vượt qua Thái Lan thì Việt Nam cũng cần nhiều nỗ lực hơn nữa, và nỗ lực phải cao hơn mức nỗ lực của Thái.

Cho tới nay, Thái Lan vẫn còn đi trước Việt Nam trong nhiều lãnh vực như hệ thống pháp lý của họ rõ ràng, minh bạch và phù hợp chuẩn quốc tế hơn.

Cơ chế cầm quyền của họ tinh gọn, hiệu quả, không tròng tréo lên nhau. Chủ trương, chính sách giáo dục của họ hiện đại và hiệu quả hơn là của Việt Nam, và sau cùng nhưng chưa phải là hết, là hình ảnh của Thái Lan trên trường quốc tế được quảng bá lâu đời, thân thiện hơn

Dù cảnh giác cao độ đối với Việt Nam, nhưng khi được chúng tôi trực tiếp hỏi, tiến sĩ Chingchai Hanchanlash, chủ tịch Hội đồng Quản trị tổ hợp Loxley, kiêm chủ tịch Diễn đàn Thương mại 6 quốc gia Tiểu vùng Mêkông, vẫn khéo léo tuyên bố:

“Thái Lan cũng cạnh tranh với Việt Nam, cũng như với Lào và Cambodia, nhưng trong tinh thần cộng tác của các quốc gia trong tiểu vùng Mêkông.

Dẫu sao, tấm biển quảng cáo lớn ở Bangkok viết bằng tiếng Thái, nói rằng "Việt Nam hôm qua còn tập đi, hôm nay họ đã chạy, và ngày mai sẽ qua mặt Thái Lan", cũng là một dấu hiệu đáng mừng, nhưng cũng cần phải lo cho Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.