Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Báo Hà Nội Mới điện tử hôm thứ tư cho hay rằng, 10 cơ quan nhà nước bị dân chúng bầu chọn là tham nhũng phổ biến nhất gồm có: địa chính, nhà đất, hải quan, quản lý xuất nhập khẩu, công an giao thông, cơ quan tài chánh, thuế, quản lý ngành xây dựng, y tế, kế hoạch, đầu tư, và công an kinh tế.

Việc khảo sát và kiểm tra thực tế được tiến hành trong thời gia gần đây tại các bộ giao thông, vận tải, bộ xây dựng, bộ công nghiệp và các thành phố Hà Nội, Saigon, Sơn La, Hải Dương, Nghệ An, Đồng Tháp và Thừa Thiên, Huế.
Báo cáo điều tra do ban Nội Chính trung ương đảng cộng sản Việt Nam phối hợp với cơ quan phát triển hợp tác quốc tế Thụy Điển vừa công bố đã đưa ra thực trạng đáng buồn là nhà nước chưa ngăn chặn và đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng, lãng phí. Tình trạng sách nhiễu người dân vẫn còn phổ biến, làm cho dân chúng bất bình.
Trắng trợn, không cần che dấu
Báo cáo cũng nói thêm là tính chất trắng trợn của nạn tham nhũng hiện giờ là người nhận hối lộ không cần che dấu, nhận tiền của cả người thân quen để giải quyết công việc. Ở bộ, ngành nào cũng có đơn, thư tố tham nhũng, nhiều người biết rõ nhưng rất ít người mạnh dạn tố cáo nên tham nhũng đã lan tràn.
Theo báo Hà Nội Mới thì báo cáo kết luận là tham nhũng ở Việt Nam như là một căn bệnh và đang cần một liều thuốc đắng.
Về mức độ tham nhũng thì các báo đều nhìn nhận rằng mọi người đều biết có tảng băng tham nhũng khắp nơi, nằm chìm dưới những lớp băng nhỏ bé bên trên, nhưng không ai thấy rõ những tảng băng đó to lớn cụ thể như thế nào, vì nó được che dấu kỹ lưỡng.
Bạn nghĩ gì về tình hình tham nhũng tại Việt Nam? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Mặt khác, khi nói về tệ nạn xã hội này thì báo Lao Động đưa ra con số trên 56% cán bộ công chức nhà nước đánh giá cấp trên của mình có hành vi tham nhũng. Cụ thể là những người có chức quyền cần phải được chi tiền hay quà biếu thì công việc mới thông suốt.
Vẫn theo tờ Lao Động thì ít người thuộc thành phần cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước tin rằng, cấp trên của mình không tham nhũng. Nói chung, thì người có hành vi tham nhũng thường có chức quyền, trình độ cao, am hiểu pháp luật nên họ có lắm phương cách tham ô vừa tinh vi lại vừa trắng trợn, nhưng lại được che đậy kín đáo và khó phát hiện.
Các hình thức nhận hối lộ nhẹ là sử dụng phương tiện của cơ quan phục vụ cho nhu cầu cá nhân và gia đình. Kế đó là, việc hưởng lợi bất hợp pháp qua sự ký kết các hợp đồng, giả mạo giấy tờ, chứng thư.
Ai cũng biết cả
Khi được hỏi cảm tưởng về tình trạng tham nhũng hiện giờ đối với người dân trong nước ra sao, một thính giả ở Miền Tây tự giới thiệu và nói thêm rằng, ông không có điều gì phải sợ khi trình bày tất cả sự thật, mà ai nấy đều công nhận.
Trong số hai trong 10 ngành bị xem là đứng đầu danh sách về tham nhũng là nhà đất và công an giao thông, ông cho biết cảm tưởng của mình như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Trong phiên họp mới đây tại Hà Nội, sau khi luật phòng chống tham nhũng được thông qua, ông Nguyễn Văn An, chủ tịch quốc hội tuyên bố rằng, tham nhũng và lãng phí đang là vấn đề rất bức xúc trong đời sống xã hội.
Báo Lao Động cũng trích thuật lời phát biểu của ông Nguyễn Văn An, xem tham nhũng chính là giặc nội xâm và là một vấn đề cực kỳ khó khăn, phức tạp, một vấn đề có ý nghĩa sống còn của chế độ.
Còn Vietnam Net thì đưa tin rằng, 1/3 cán bộ nhà nước muốn nhận hối lộ. Trước câu hỏi điều tra của nhà báo về tham nhũng, nếu có người đưa hối lộ thì ông, bà xử lý ra sao, hơn 32% cán bộ công chức nhà nước trả lời họ có thể nhận hối lộ nếu có người đưa.