Cạn tín dụng trong lạm phát


2008.02.27

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA

Trong những ngày qua, Việt Nam đã như lên cơn sốt về giá cả với quyết định tăng giá xăng dầu quá đột ngột. Lồng bên dưới nỗi bất an đó còn có một hiện tượng nhất thời đáng lo ngại là nhiều ngân hàng lại thiếu tiền mặt để kinh doanh do những quyết định điều chỉnh lãi suất và tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

AtmBanking150.jpg
Nhiều ngân hàng thiếu tiền mặt để kinh doanh do những quyết định điều chỉnh lãi suất và tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. AFP PHOTO.

Trong không khí đầy bất trắc ấy, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vì sao lại có hiện tượng ngân hàng thiếu bạc mặt và tác động của nó tới tình hình kinh tế nói chung. Cuộc trao dổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ do Việt Long thực hiện sau đây hầu quý thính giả.

Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, người ta cứ tưởng rằng sau cơn sốt giá cả nhân mùa Tết nhất vào đầu năm thì tình hình kinh tế có thể tạm lắng đọng đôi chút. Sự thật lại không được như vậy, đây đó đã có triệu chứng của sự hốt hoảng khi giá cả vẫn tăng vọt và lồng bên dưới là những lao đao của một số ngân hàng bị thiếu bạc mặt đến nỗi hết tiền cho thân chủ vay. Chúng tôi xin đề nghị là trong chương trình tuần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về hiện tượng đầy nghịch lý này.

Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là vì sao thị trường đang bị ứ đọng tiền bạc đến nỗi giá cả tăng vọt vì hiện tượng lạm phát tiền tệ trong khi có ngân hàng lại thiếu tiền cho vay và có thể bị phá sản nếu thân chủ rút tiền ký thác để gửi tiền qua nơi khác kiếm lời cao hơn?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đây chỉ là một vấn đề nhất thời do những điều chỉnh cần thiết của các ngân hàng, với hậu quả là nhiều ngân hàng quản ký kém có thể phá sản và sự hốt hoảng có thể còn lan rộng hơn nữa.

Chúng ta không quên là vào cuối năm ngoái, sau vụ khủng hoảng vì loại tín dụng thứ cấp sub-prime, nhiều ngân hàng của Hoa Kỳ và Âu châu cũng đã gặp hoàn cảnh đó là tạm ngưng cấp phát tín dụng đưa đến nạn can kiệt tín dụng khiến các ngân hàng trung ương đã phải đột ngột can thiệp vào thị trường, cụ thể là bơm vào nền kinh tế tới 200 tỷ đô la để đối phó với tình trạng này trong khi vẫn chưa đẩy lui được nguy cơ lạm phát. Tại Việt Nam thì tình hình còn phức tạp và đáng ngại hơn vì khả năng quản lý và ứng phó rất kém của các cơ quan hữu trách lẫn các ngân hàng thương mại xảy ra từ nhiều năm nay.

Việt Long: Nếu như vậy, xin đề nghị là chúng ta sẽ phân tích lại từ đầu, từ vấn đề quản lý và chính sách, là vì sao lại có biện pháp thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát rồi tình trạng các ngân hàng lại thiếu tiền mặt?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trên diễn đàn này, chúng ta đã nhiều lần nói tới một nhược điểm của Việt Nam là quá chú trọng vào đà tăng trưởng biểu kiến của sản xuất mà bất kể tới phẩm chất, và tập trung nỗ lực vào xuất khẩu bằng mọi giá, lại lồng trong tâm lý lạc quan với triển vọng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Bây giờ là lúc phải điều chỉnh thì nếu không khéo lại gây ra nguy cơ bị lật thuyền khi bắt đầu hội nhập vào dòng sinh hoạt kinh tế thế giới.

Trước hết, trong nhiều năm liền, Việt Nam đã vì yêu cầu tăng trưởng cao mà mở rộng vòi nước tín dụng, cụ thể là cung cấp quá nhiều tiền cho nền kinh tế, với đà gia tăng tín dụng bình quân là 25% một năm trong năm năm liền. Hệ thống ngân hàng trong chức năng huy động và phân phối tín dụng của một máy bơm và máy hút lại chỉ làm có một việc là bơm tiền, với lãi suất thực tế là số âm, nghĩa là thấp hơn mức lạm phát. Vì tiền bơm ra quá nhiều làm kết số dư nợ tín dụng đã cao gần bằng tổng sản lượng nội địa của toàn năm, người ta thực tế thổi lên nhiều trái bóng đầu cơ, nổi bật nhất là trong thị trường chứng khoán và lớn hơn gấp bội là trong thị trường gia cư địa ốc, thị trường bất động sản.

Cũng cần nói thêm là vì trình độ nghiệp vụ kém, người ta không có khả năng thẩm định rủi ro tín dụng cho chính xác mà cứ cho vay theo kiểu chọn mặt gửi vàng, theo quan hệ. Mà trong hệ thống ngân hàng, các ngân hàng thương mại của tư nhân cho vay rất mạnh so với các ngân hàng thương mại quốc doanh, nên đang bị rủi ro phá sản cao nhất.

Việt Long: Trong giai đoạn ấy, Ngân hàng Nhà nước giữ chức năng gì và làm gì để điều tiết hay kiềm chế khối tiền tệ lưu hành?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thực tế là chẳng làm gì để điều tiết mà năm ngoái còn thi hành chính sách của nhà nước là bơm thêm tiền vào kinh tế đến hơn 110 tỷ đồng Việt Nam để thu về bảy tỷ Mỹ kim hầu hỗ trợ cho mục tiêu xuất khẩu nhờ tỷ giá đồng bạc rất thấp. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã chẳng ngăn ngừa mà còn gây nên lạm phát, cho tới giữa năm mới lật đật điều chỉnh với hàng loạt biện pháp cấp cứu có sức công phạt quá nặng cho nền kinh tế, và trước tiên là các ngân hàng thương mại cổ phần. Nguyên do chính ở đây là Ngân hàng Nhà nước không có khả năng độc lập và chỉ làm công cụ cho Nhà nước để vì mục tiêu tăng trưởng biểu kiến mà áp đặt một thứ thuế vô hình và vô cảm là lạm phát đánh trên những người ký thác tiết kiệm, thành phần có lợi tức cố định và nhất là các thành phần nghèo túng.

Việt Long: Thưa ông, một cách cụ thể thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã làm những gì?

BankWTO150.jpg
Cơn sốt tín dụng tại Việt Nam. AFP PHOTO.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ giữa năm, Ngân hàng Nhà nước đã trước tiên tăng tỷ lệ dự trữ pháp định lên gấp đôi, tới đầu năm nay thì nâng hàng loạt lãi suất cơ bản và đến tháng tới thì bắt các ngân hàng phải mua vào hơn hai chục nghìn tỷ đồng tín phiếu với lãi suất rất thấp. Trong có vài tháng mà các ngân hàng phải đồng loạt hút bớt tiền trong lưu thông nên bị hạn thiếu hiện kim, hay thanh khoản, nôm na là bạc mặt. Một vài ngân hàng có cơ cấu tài chính tương đối vững thì còn khả năng nâng lãi suất trả cho trương chủ ký thác, là lãi suất huy động; nhiều ngân hàng khác thì đành bó tay và còn bị khủng hoảng nhanh hơn khi các trương chủ rút tiền qua ký thác vào ngân hàng khác để hưởng "siêu lãi suất" như người ta đang gọi trong nước.

Trong hoàn cảnh mà trái bóng đầu cơ chứng khoán đang bị bể, trái bóng bất động sản bắt đầu bị đình đọng, người ta chỉ còn một khả năng thủ thân là gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, hoặc đi mua vàng để tài sản khỏi bị mất giá. Trong khi ấy, vật giá vẫn gia tăng, bình quân là 3% mỗi tháng trong hai tháng đầu năm. Rồi cú sốc về giá xăng dầu vừa tăng cách đây hai ngày sẽ còn gây nhiều điêu đứng cho thị trường, mà hậu quả chỉ được thấy trong vài tháng nữa. Chúng ta đang chứng kiến sự hốt hoảng sẽ dẫn tới khủng hoảng.

Việt Long: Chúng tôi không hiểu vì sao biện pháp chống lạm phát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại có vẻ gây phản tác dụng như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Cơ chế này không có độc lập như nhiều ngân hàng trung ương của thế giới văn minh và phải thi hành chính sách của nhà nước với những hậu quả gây phản tác dụng như ông nói.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đòi các ngân hàng thương mại phải hút tiền ra khỏi thị trường với lãi suất huy động rất cao để trả cho trương chủ tiết kiệm; trong khi ấy từ tháng tới thì lại phải mua tín phiếu của nhà nước với lãi suất thấp và lập tức bị thiếu hiện kim để kinh doanh. Thứ hai, hậu quả của sự can thiệp quá trễ và quá nặng này, là vòi tín dụng bơm vào sinh hoạt kinh tế cũng bị khoá, ngân hàng và doanh nghiệp sẽ nhất thời thiếu vốn kinh doanh, "nhất thời" ở đây là trong vài ba tháng. Thứ ba, để ứng phó với nạn thiếu vốn ấy, Ngân hàng Nhà nước lại phải mở vòi bơm tiền vay ngắn hàng trên thị trường liên ngân hàng, là nơi các ngân hàng thiếu hiệm kim phải vay tạm của nhau trong ngắn hạn.

Đâm ra Ngân hàng Nhà nước vừa muốn hút về hai chục ngàn tỷ thì đã phải bơm ra ba chục ngàn tỷ, nghĩa là bơm ra gấp rưỡi con số định thu về. Rốt cuộc thì biện pháp chống lạm phát đang gây ra lạm phát. Dân chúng, tức là thị trường, đã kết luận như vậy và mặc nhiên chuẩn bị tăng giá hoặc phải tăng chi trong tương lai...

Việt Long: Nếu Ngân hàng Nhà nước có quyền độc lập hơn thì liệu trường hợp éo le này có thể xảy ra không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ông nêu một câu hỏi rất lý thú mà tôi thực sự không thể trả lời được!

Trước hết vì chính nhà nước cũng không có quyền hành xử độc lập do vai trò âm thần mà quá nặng của đảng Cộng sản Việt Nam, và vì âm thầm nên đảng không lãnh trách nhiệm trước quốc dân, hay thị trường. Thứ nhì, trong cơ chế nhà nước đó, Ngân hàng Trung ương của Việt Nam cũng không thể đi ngược với quyết định của Chính phủ vốn dĩ lại chỉ là công cụ can thiệp của đảng vào sinh hoạt của xã hội. Tôi xin nêu một thí dụ dễ hiểu là một Thống đốc của Ngân hàng Nhà nước có bắt buộc phải là Trung ương Ủy viên, thậm chí Ủy viên Bộ Chính trị hay không? Nếu không có quyền hạn đó trong guồng máy đảng thì người cầm đầu cơ chế tín dụng và tiền tệ của quốc gia lại không có thực quyền nên hôm nay phải lấy quyết định này, ngày mai lại được chỉ thị phải tung ra biện pháp khác.

Hậu quả bất ngờ của tình trạng ấy là hàng loạt ngân hàng thương mại có thể lâm vào hoàn cảnh vỡ nợ ít nhất về mặt kỹ thuật vì bị giằng xé giữa những nhu cầu tương phản của chính sách ở trên đầu và của thị trường ở trước mặt. Khi dân chúng tức là thị trường phải ào ạt rút tiền ra khỏi ngân hàng để ký thác vào ngân hàng khác có lời hơn thì nhiều ngân hàng sẽ phá sản, mà đây lại là các ngân hàng thương mại cổ phần, là của tư nhân, vốn dĩ có ít vốn hơn cả. Trong khi ấy, năm ngân hàng thương mại quốc doanh thì vẫn có thể ủng hộ những quyết định này của nhà nước nhờ cấp phát tín dụng ít hơn và nay vẫn còn dư hiện kim thanh khoản để mua tín phiếu.

Kết cuộc thì cái gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đang gây khủng hoảng cho thị trường vì định hướng ấy. Cho nên câu trả lời chuyên môn ở đây là nhà nước phải được độc lập với đảng thì Ngân hàng Nhà nước mới có thể là cơ chế thực sự độc lập để thoát khỏi cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược và gây ra lạm phát vì muốn ngăn ngừa lạm phát.

Việt Long: Thưa ông, trước hoàn cảnh ngặt nghèo hiện nay thì người ta phải làm gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa tùy theo "người ta" đây là ai. Người dân thì sẽ phải nghiến răng chịu đựng những bất trắc sẽ còn dồn dập xảy ra và nhiều người sẽ đói to. Một số ngân hàng vỡ vợ có thể gây phá sàn dây chuyền vì thiếu thanh khoản và sẽ phải giải thể hay sát nhập cùng nhau. Những cơ quan hữu trách thì phải quan niệm lại vai trò của lãi suất, tức là ra khỏi tình trạng giữ lãi suất dưới số âm, kể cả lãi suất tín phiếu của nhà nước, và qua đó quan niệm lại vai trò can thiệp vào thị trường.

Khi can thiệp thì phải đi từng bước tiệm tiến theo quy luật thị trường chứ không thể hành chính hoá thị trường qua biện pháp máy móc như hiện nay. Người ta đã duy trì tình trạng dư dôi tín dụng và tiền tệ quá lâu rồi mới lập đật hãm phanh và gây sốc cho thị trường, nay lại phải châm thêm tiền như tiếp thêm máu độc cho bệnh nhân khỏi chết. Không ai quản lý kinh tế theo lối chữa bệnh cho trâu như vậy được.

Việt Long: Câu hỏi cuối, thưa ông, rồi đây tình hình sẽ ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi e rằng mình khó tránh được một vụ khủng hoảng dây chuyền, từ thị trường này qua thị trường khác theo nguyên tắc "bình thông đáy", từ cổ phiếu sụp đổ qua ngân hàng rồi nhà đất. Nhưng điều đáng lo ngại nhất không chỉ là những giao động về giá cả hay đầu tư kinh doanh ở thành phố như vậy mà là đời sống của công nhân thợ thuyền và nông dân ở thôn quê.

Đình công sẽ gia tăng và bất ổn xã hội cũng vậy. Sau trận khủng hoảng này, Việt Nam sẽ phải quan niệm lại nhược điểm trong cốt tủy của cái gọi là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Không phải ngẫu nhiên mà tại Đông Á, hai nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam đang có nguy cơ khủng hoảng cao nhất, do theo đuổi cùng một chiến lược kinh tế và chính trị có mâu thuẫn hữu cơ, ngay bên trong ruột gan của chế độ chính trị. Đây là bước đầu phá sản của mô thức phát triển kiểu Trung Quốc và Việt Nam./.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.