Ba mươi năm kinh tế học


2005.04.19

Nguyễn Xuân Nghĩa

Trong dịp ghi nhớ 30 năm ngày 30 tháng Tư 1975, Diễn đàn Kinh tế có một chủ đề đặc biệt về những bài học kinh tế trong ba mươi năm qua tại Việt Nam qua phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa.

Một góc đường Hà Nội. AFP PHOTO

Hỏi: Trong loạt chủ đề đặc biệt về biến cố 30 tháng Tư 1975, xin ông trước hết cho biết một số cảm nghĩ chung về các bài học kinh tế thu thập được trong ba mươi năm qua. Nói cụ thể, ông có những kinh nghiệm gì về kinh tế học trong thời gian đó?

Ba mươi năm thăng trầm

Đáp: Ba mươi năm thăng trầm của đất nước sau một cuộc chiến dai đẳng và oan uổng mất mấy chục năm tất nhiên đã để lại nhiều suy tư thấm thía sau rất nhiều phát giác kinh hoàng. Tôi chỉ xin ngắn gọn nói đến hai kinh nghiệm nhỏ vì muốn hướng về tương lai hơn là kể chuyện cũ. Kinh nghiệm thứ nhất là vụ đổi tiền, vì nhà tôi khi đó bị trưng dụng làm nơi đổi tiền trong đợt đầu.

Là một công chức về kinh tế tài chính, tôi đã lần đầu tiên hiểu được vì sao ta gọi kinh tế học là "khoa học u ám". Kinh nghiệm thứ hai là cùng với nhiều công chức và chuyên gia của miền Nam, tôi đã phải qua 18 tháng học tập về lý luận Mác-Lênin, trong đó, kinh hoàng nhất là nghe giảng dạy về kinh tế chính trị học tư bản chủ nghĩa - một bản cáo trạng hàm hồ- rồi kinh tế chính trị học xã hội chủ nghĩa - một chương trình hoang tưởng chết người.

Hỏi: Lúc đó, ông suy ngẫm ra sao về những kinh nghiệm này?

Đáp: Từ mấy bài học ấy, tôi không ngạc nhiên là sau đó, kinh tế Việt Nam bị khủng hoảng, lạm phát vượt 700% và xếp hàng cả ngày trở thành nếp sống. Lúc ấy, tôi có rút kết luận, rằng nói về kinh tế học cho các nhà lãnh đạo chính trị nhiều khi là vô ích vì họ bất chấp kinh tế học; hoặc tệ hơn thế, còn dựng lên lý luận phản kinh tế để biện minh cho các quyết định chính trị rồ dại của họ.

Sau 15 năm đòi tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã mất 15 năm học tập đổi mới với một thế hệ kinh tế gia mới. Chúng ta đã hết dần loại kinh tế gia sở trường về triết học Mác-Lênin mà mù tịt về kinh tế, nhưng giới kinh tế gia mới vẫn chưa đủ đông và tiếng nói chuyên môn của họ chưa đủ mạnh.

Loại thí dụ như vậy có rất nhiều, từ Bước nhảy vọt vĩ đại của Trung Quốc đến Cải cách ruộng đất hay chính sách "giá lương tiền" của Việt Nam. Tôi thiển nghĩ là chỉ có một cách ngăn được tai họa ấy là người dân phải có những hiểu biết cơ bản về kinh tế học.

Trình độ dân chủ của quốc gia tùy thuộc vào trình độ dân trí, trong đó có trình độ hiểu biết về kinh tế học để khỏi bị chính quyền lường gạt bằng vẻ thông thái giả tạo và lý luận ngoa ngụy.

Những tiến bộ

Hỏi: Nhưng, ông có cho rằng từ đó đến nay tình hình cũng có thay đổi và nhận thức về kinh tế của nhà cầm quyền cũng đã có tiến bộ?

Đáp: Hiển nhiên là có, khi họ đã đụng vào bức vách cứng đầu của thực tế kinh tế. Sau 15 năm đòi tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã mất 15 năm học tập đổi mới với một thế hệ kinh tế gia mới. Chúng ta đã hết dần loại kinh tế gia sở trường về triết học Mác-Lênin mà mù tịt về kinh tế, nhưng giới kinh tế gia mới vẫn chưa đủ đông và tiếng nói chuyên môn của họ chưa đủ mạnh.

Họ chỉ có thể giúp lãnh đạo bớt dần tính chủ quan duy ý chí để ra khỏi chỗ sai - hoặc ít ra là khỏi chệch hướng - nhưng tiến độ trên con đường mới còn quá chậm. Thành phần nào tiếp cận với xã hội, đời sống và quốc tế - vì phục vụ trong cơ chế nhà nước, chứ không trong cơ chế đảng - thì càng dễ có cái nhìn thông thoáng hơn.

Ta lầm lớn khi dùng cụm từ "tư bản chủ nghĩa" để nói về hình thái sinh hoạt kinh tế tự do. Cụm từ ấy hàm chứa một phê phán về đạo đức và gây ấn tượng xấu về chữ tư bản. Nói nôm na và dễ thành cực đoan, nước nào cũng muốn theo tư bản chủ nghĩa nhưng với đặc tính riêng của mình.

Bên ngoài gọi lầm họ là thành phần "đổi mới" hay "cải cách", chứ quyền quyết định tối hậu vẫn tùy vào đảng. Ta có loại doanh nghiệp mà Hội đồng quản trị thì mù mờ về quản trị mà vẫn chỉ huy Tổng giám đốc và cấp điều hành. Chỉ khi nào họ về hưu thì mới nghe thấy họ nói thật. Điều mà các ông Võ Văn Kiệt hay Phan Văn Khải nói ngày nay, phải chi họ dám nói ra và thi hành từ 10 năm trước thì Việt Nam còn thay đổi mạnh hơn và tốt đẹp hơn. Nhưng đó là chuyện cũ…

"Tư bản chủ nghĩa"

Hỏi: Thưa vâng, nói về tương lai thì ông ghi nhớ những bài học kinh tế nào trong 30 năm qua?

Đáp: Thứ nhất là Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới vẫn chưa ra khỏi cái bóng ma của Marx. Ta lầm lớn khi dùng cụm từ "tư bản chủ nghĩa" để nói về hình thái sinh hoạt kinh tế tự do. Cụm từ ấy hàm chứa một phê phán về đạo đức và gây ấn tượng xấu về chữ tư bản. Nói nôm na và dễ thành cực đoan, nước nào cũng muốn theo tư bản chủ nghĩa nhưng với đặc tính riêng của mình.

Tư bản Mỹ khác với tư bản Âu châu hay Nhật Bản hay Ấn Độ, nhưng bên dưới vẫn là tính toán lời lỗ trong luồng trao đổi tự do. Lý do khiến các nước đều theo tư bản chủ nghĩa là làm giàu nhờ trao đổi tự do là điều có lợi nhất cho đại đa số.

Việt Nam cũng thế mà chưa dám công nhận như vậy nên vẫn loay hoay trong hình thái tư bản nhà nước, là nhà nước ban phát mức độ tự do cho người dân sau khi giành tối đa đặc quyền đặc lợi cho mình. Vì vậy mà chưa giải phóng được tiềm lực của quốc dân, của người dân.

Ba mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam chưa ra khỏi lối suy nghĩ nhị nguyên ấy nên mới còn hiện tượng "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", tức là nhân danh xã hội mà làm lệch quy luật thị trường và tạo ra đặc quyền đặc lợi. Việc cải cách vì vậy mới bị trì hoãn.

"Thị trường" và "xã hội"

Hỏi: Đó là bài học thứ nhất, tức là còn nhiều bài học khác nữa?

Đáp: Thưa vâng, bài học thứ hai là ta phải ra khỏi lối lý luận sai lầm là có sự đối lập giữa "thị trường" và "xã hội". Tôi gọi đó là sai lầm vì hai phạm trù ấy bao trùm lên cùng một thực thể. Nói đến thị trường, ta nghĩ đến việc mua bán do tính toán lời lỗ của từng tác nhân kinh tế mà quên là các tác nhân kinh tế ấy - từ doanh gia đến bà già đi chợ - chính là xã hội.

Vì sự tính toán ấy người ta mới cho rằng lợi nhuận hay lòng tham trong thị trường mới phương hại đến ổn định hay công bằng xã hội. Nhân danh quyền lợi của xã hội, nhà nước bèn can thiệp vào thị trường trong khi chính sự can thiếp ấy mới gây bất công và hỗn loạn.

Ba mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam chưa ra khỏi lối suy nghĩ nhị nguyên ấy nên mới còn hiện tượng "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", tức là nhân danh xã hội mà làm lệch quy luật thị trường và tạo ra đặc quyền đặc lợi. Việc cải cách vì vậy mới bị trì hoãn.

Lề thói "xin-cho"

...Nguyên ủy của lề thói "xin-cho" tại Việt Nam. Khi kinh tế phát triển và tính toán trao đổi trở thành cực kỳ phức tạp, không nhà nước nào, dù có máy điện toán tân kỳ, lại có thể thay thế được cả triệu phản ứng tính toán của người dân, của thị trường. Chức năng sản xuất không là nhiệm vụ nhà nước, đó là yêu cầu và khả năng tự nhiên của người dân, do động lực lời lỗ.

Hỏi: Nhưng, dù có gác một bên cái lẽ đúng sai của việc can thiệp ấy, phải hỏi ông là tập thể nhà nước mà tính toán lại thua từng cá nhân trên thị trường hay sao?

Đáp: Thưa đấy là bài học thứ ba, nguyên ủy của lề thói "xin-cho" tại Việt Nam. Khi kinh tế phát triển và tính toán trao đổi trở thành cực kỳ phức tạp, không nhà nước nào, dù có máy điện toán tân kỳ, lại có thể thay thế được cả triệu phản ứng tính toán của người dân, của thị trường. Chức năng sản xuất không là nhiệm vụ nhà nước, đó là yêu cầu và khả năng tự nhiên của người dân, do động lực lời lỗ.

Nhà nước đi vào sản xuất - qua ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước - thì lầm về mục tiêu và cứ thua lỗ, lại còn cản trở việc kinh doanh của người dân. Đã vậy, nhà nước còn ưa can thiệp vào chuyện phân phối, thí dụ qua chính sách giá cả hay thuế khóa. Nhà nước có gì để phân phối nếu không có sản vật do người dân tạo ra?

"Đà gia tốc"

Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, nhìn vào tương lai thì bài học nào ông cho là quan trọng nhất?

Đáp: Tôi nghĩ đến hiện tượng tạm gọi là "đà gia tốc" của quyết định kinh tế. Lãnh đạo Việt Nam trưởng thành trong chiến tranh, nhất là chiến tranh du kích, nên có một ý niệm đặc biệt về thời gian: chỉ đánh, chỉ làm khi có lợi, chưa có lợi thì chờ.

Ý niệm ấy càng được củng cố bởi nếp suy nghĩ theo lối "ngày Giời tháng Phật" của một xã hội nông nghiệp. Vì vậy thiên hạ họp bàn và lấy quyết định trong một giờ thì mình nhẩn nha đợi một tuần cũng chẳng sao.

Mời bạn tham gia mục Diễn Đàn Kinh Tế. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Nhất là khi mình đã thắng! Đó là về tập quán Việt Nam dưới bóng rợp cộng sản. Trong khi ấy, từ 30 năm qua, thế giới đổi thay quá nhiều và quá nhanh nên đòi hỏi loại quyết định tức thời. Một quyết định kinh tế vừa ban hành là cái nhân của rất nhiều cái quả nổi lên từ khắp nơi trên thế giới và lập tức gây ảnh hưởng đến những tính toán nguyên thủy.

Thông tin mà chậm lụt thì mình sẽ phản ứng chậm hơn thị trường, thậm chí lầm lẫn nhân với quả. Việt Nam đã mở ra thế giới bên ngoài và bị tác động như vậy mà tác nhân chính là nhà nước thì lại mù mờ và chậm lụt về nhận thức mà còn muốn kiểm soát thông tin nên sẽ bị động.

Và đà gia tốc của quyết định kinh tế khiến biến động sẽ xảy ra rất nhanh, trước khi mình hiểu rõ sự việc, chứ chưa nói đến việc trình bày diễn giải sự việc một cách chính xác và ứng phó sao cho có lợi cho dân. Trong một kỳ khác, tôi xin trở lại chuyện thông tin gia tốc này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.