Nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh được Bộ quốc phòng Hoa Kỳ vinh danh


2007.09.24

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Hàng năm, tại Hoa Kỳ, để vinh danh những người đã có công đóng góp công sức và đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia, một tổ chức phi chính phủ mang tên “The Service to America Medals” – Xin tạm dịch “Tổ Chức Trao Tặng Huy Chương Hoa Kỳ” đã bầu chọn thật kỹ lưỡng những công dân nào cho thật xứng đáng để trao tặng huy chương phục vụ cao quí này.

Xem video clip Dương Nguyệt Ánh 2007 National Security Medal (courtesy Nhan Vo)

Năm nay, vào ngày 19 tháng 9 vừa qua, một phụ nữ Việt đã được tổ chức này bình chọn để trao huy chương phục vụ quốc gia về an ninh. Người đó là khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, một phụ nữ được hầu hết mọi người biết đến về thành quả trong việc chế bom Áp Nhiệt cho chiến trường Afghanistan. Trang Phụ Nữ kỳ này xin mời quí vị và các bạn nghe những thông tin lý thú về nữ khoa học gia nổi tiếng này.

Đến Mỹ lúc 15 tuổi

Nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh cùng với gia đình di tản vào thời điểm 30-4 năm 1975. Lúc bấy giờ bà vừa đúng 15 tuổi. Đến Mỹ, bà vào trường trung học ở Maryland với vài chữ tiếng Anh lõm bõm.

Với tinh thần tự ái dân tộc, chỉ vài năm sau đó, bà tốt nghiệp kỹ sư Hoá Học, Điện Toán, rồi Cao Học Quản Trị với hạng danh dự. Ngay sau khi rời ghế nhà trường, bà được nhận vào làm cho Hải Quân Hoa Kỳ và từng lãnh đạo toàn bộ chương trình nghiên cứu và chế tạo chất nổ của Hải quân. Trong suốt 24 năm đóng góp về khoa học và kỹ thuật cho quốc phòng Hoa Kỳ, bà liên tiếp gặt hái nhiều thành quả lớn lao và từng được Hải quân trao tặng giải thưởng cao quí.

Hai tháng sau biến cố 911, Bộ quốc phòng Hoa Kỳ quyết định tìm một vũ khí mới có khả năng huỷ diệt hang động nơi quân khủng bố trú ẩn, và phải làm sao đề tránh tổn thất nặng nề cho binh lính Hoa Kỳ. Nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh đã có sáng kiến chế tạo loại bom Áp Nhiệt này và lãnh đạo gần 100 khoa học gia, kỹ sư để hoàn thành công trình này trong vòng 67 ngày.

Năm 2002, bà được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Giám Đốc Khoa Học và Kỹ Thuật của Trung Tâm Nghiên Cứu và Chế Tạo Vũ Khí Hải Quân tại Maryland. Kể từ tháng 11 đến nay, bà về làm cho Ngũ Giác Đài và đảm nhận chức vụ Cố Vấn Khoa Học Kỹ Thuật cho Tư Lệnh Phó Hải Quân, đặc trách về kế hoạch và chiến lược, và cho Tổng Giám Đốc, chỉ huy trưởng Cơ Quan Điều tra tội phạm và phản gián của Hải Quân.

Một điều không đơn giản

Tôi rất vui mừng và hân hạnh được huy chương cao quí như thế. Và đồng thời tôi cũng tự nhắc mình là không nên kiêu ngạo và không được vô ơn. Vì mỗi khi mình làm việc gì, nhất là việc to lớn như thế, thì không ai có thể làm một mình được…Trong trường hợp của tôi đã có rất nhiều người làm việc với tôi, bao nhiêu là khoa học gia, chuyên viên trong toán của tôi, nên tôi không bao giờ quên ơn họ. Tôi không bao giờ dám nghĩ là một mình có thể làm hết những chuyện đó.

Với thành tích như thế, năm nay, bà đã được đề cử trao huy chương cao quí Phục Vụ Quốc Gia về An Ninh. Cũng xin nói thêm là để được bình chọn, không phải là điều đơn giản vì năm nay, trên toàn quốc Hoa Kỳ, trong số 1 triệu chín trăm ngàn công chức của các cơ quan nhà nước, chỉ có 600 người được đề nghị. Nhưng tổ chức phi chính phủ Service to America Medals chọn lọc lại 31 người mà thôi.

Và cuối cùng, sau khi duyệt xét thật kỹ lưỡng, danh sách chỉ còn lại 10 người, trong đó có hai người được lãnh chung một giải. Như vậy, chỉ còn lại có 9 huy chương cho tất cả các lãnh vực khác nhau mà thôi. Điều đáng nói thêm là trong buổi lễ trao tặng huy chương, nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh đã được vinh danh như một vị anh hùng thật sự của Hoa Kỳ.

Bà cũng đã đọc một bài diễn văn ngắn để cảm ơn đất nước đã cưu mang mình và cho bà có cơ hội thăng tiến bản thân. Đồng thời, bà cũng nói lên ý muốn của bà là dành tặng tấm huy chương cho 58 ngàn chiến binh Hoa Kỳ mà tên đã được khắc vào bức tường Đài Tưởng Niệm và 260000 chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam. Nhân dịp bà được trao tặng huy chương cao quí này, Phương Anh đã hỏi thăm bà về cảm nghĩ của mình và được bà cho biết: “Tôi rất vui mừng và hân hạnh được huy chương cao quí như thế. Và đồng thời tôi cũng tự nhắc mình là không nên kiêu ngạo và không được vô ơn. Vì mỗi khi mình làm việc gì, nhất là việc to lớn như thế, thì không ai có thể làm một mình được…Trong trường hợp của tôi đã có rất nhiều người làm việc với tôi, bao nhiêu là khoa học gia, chuyên viên trong toán của tôi, nên tôi không bao giờ quên ơn họ. Tôi không bao giờ dám nghĩ là một mình có thể làm hết những chuyện đó.”

Khi được hỏi về vai trò của người phụ nữ ngày nay như thế nào đối với sự phát triển của các quốc gia, trên toàn thế giới nói chung, bà cho rằng:

“Có thể nói là phụ nữ ngày nay đang sinh vào lúc đúng thời. Đó là nói đến những nước tân tiến như Hoa Kỳ, Gia nã đại…Nhưng còn những nước khác Hồi giáo thì đàn bà còn bị đàn áp nhiều lắm.

Nhưng nói đến lý do tại sao tôi lại nói là sinh đúng thời vì hiện nay, với trào lưu mới sau này, nhất là các chính phủ như chính phủ Hoa Kỳ chẳng hạn, có những chương trình để cố gắng khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn trong lãnh vực mà xưa nay chỉ có nam giới là nắm, thí dụ như khoa học chẳng hạn, vì họ nhận ra rằng không nên dồn người phụ nữ vào vai trò tiêu biểu mà xưa nay người ta hay nói đến, tức là ngườ đàn bà chỉ biết nuôi dậy con cái và quản trị gia đình.

Xin nói là việc đó không có gì là xấu, vì đó là thiên chức của người phụ nữ. Ngược lại, có những người nam nuôi dậy con cái còn giỏi hơn là phụ nữ, vì thế, mình không nên gán ghép vai trò nào trong một giới mà để cho người ta tự phát triển theo khả năng thiên phú. Chính Hoa Kỳ cũng nhận thấy rằng mình đàn áp phụ nữ hay chỉ cho phụ nữ vai trò ở nhà lo cho con cái thì có thể đã làm mất đi một nửa tiềm năng của mình.

Vì thế, phải để cho phụ nữ có vai trò như là nam giới để có thể phục vụ quốc gia và phục vụ xã hội. Với những phụ nữ không thích vai trò đó thì đừng cảm thấy rằng mình xấu hổ hay ngại ngùng, vì mình không đi ra ngoài hay không nắm những trách vụ quan trọng... Mỗi người có một quan niệm khác nhau, ưu tiên khác nhau, không thể nói rằng người ở nhà lo cho gia đình, là một người thua kém. Những người ở nhà nuôi dậy con cái, làm tròn bổn phận gia đình thì chính người đó đóng góp rất thành công cho chồng con của họ.”

Một người mẹ, người vợ đảm đang

Thực ra nó không có gì là ghê gớm cả, nếu gọi là bí quyết thì tôi cũng không dám gọi là bí quyết., vì đó chỉ là quan niệm thôi. Nói theo kiểu người Hoa Kỳ là “ you can have the cake and eat that too, but not eat the same time” tức có nghĩa là mọi thứ mình đều có thể có được, mình vừa có nghề nghiệp vững chãi, mình có thể bung ra ngoài xã hội và tiến thật nhanh.

Được biết, ngoài việc đi làm và luôn đảm nhiệm trọng trách vô cùng quan trọng, bà còn là một phụ nữ đảm đang, luôn chu tòan trách nhiệm làm vợ, làm mẹ theo đúng tinh thần của người Á Đông. Nhân đây, Phương Anh cũng hỏi thăm bà làm thế nào để giữ quân bình giữa công việc và duy trì mái ấm gia đình như thế, bà nói:

“Thực ra nó không có gì là ghê gớm cả, nếu gọi là bí quyết thì tôi cũng không dám gọi là bí quyết., vì đó chỉ là quan niệm thôi. Nói theo kiểu người Hoa Kỳ là “ you can have the cake and eat that too, but not eat the same time” tức có nghĩa là mọi thứ mình đều có thể có được, mình vừa có nghề nghiệp vững chãi, mình có thể bung ra ngoài xã hội và tiến thật nhanh.

Trong khi đó, mình cũng muốn có một gia đình êm ấm, đầy đủ, hạnh phú thì người phụ nữ có thể có được những thứ đó. Nhưng có điều là không có thể có cùng một lúc được, thành ra, có những giai đoạn mình dồn hết nỗ lực vào chuyện đó, rồi sau đó, có những giai đoạn mình dồn nỗ lực vào phương diện khác trong gia đình. Vấn đề chính là mình biết quân bình. Có nghĩa là mình biết lúc nào mình cần dồn nỗ lực của mình vào việc gì, rồi khi xong việc đó mình lại quay sang việc khác.

Chẳng hạn như đời sống riêng của tôi, có những lúc tôi phải đi vắng cách xa cả mấy tuần liền, có hôm làm việc đến 10 giờ đêm mới về đến nhà, weekend cũng vắng mặt luôn. Nhưng xong việc đó rồi thì tôi tự biết lúc mình phải dẹp công việc cuả mình tạm thời sang một bên, làm vừa thôi, để lúc đó làm việc gia đình. Tôi có 4 cháu, đến mùa hè, khi các con tôi được nghỉ học, thì đó là lúc tôi dồn nỗ lực cho gia đình.

Sở của tôi đều biết là mỗi mùa hè tôi đều đi nghỉ 3 tuần liên tiếp, tôi vắng mặt hoàn toàn, không ai đụng tới tôi, không ai gửi email, cell phone. Tôi quan niệm rằng đó là thời gian nhiều để tôi nói chuyện với con mình. Trong mùa hè là lúc tôi không làm việc cật lực như là trong năm. Vì trong năm thì các cháu đi học, tối về thì giúp các cháu về bài vở.”

Nặng lòng với quê hương

Tuy là một phụ nữ rất thành đạt ở xứ người và cho đến nay, bà chưa có dịp trở về thăm Việt Nam, nhưng nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh vẫn luôn trăn trở về thân phận của phụ nữ Việt Nam ở trong nước hiện nay, nhất là tệ nạn buôn bán phụ nữ hay lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, bà nói:

“Mặc dù Việt Nam ngày nay đã thống nhất, đáng lẽ là Việt Nam phải tiến rất nhanh, nhưng tại sao Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo đói? Câu trả lời hiển nhiên là vì Việt Nam vẫn còn ở chế độ độc tài, cái lối quản trị quốc gia quá sức tồi tệ, không có lương tâm, thiếu đạo đức.

Nói đến những phụ nữ Việt Nam bị buôn bán thì lại có những điểm lạc quan khác như trường hợp của cô Lê Thị Công Nhân, nhìn số tuổi của cô rất trẻ, sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản, vậy mà nhờ cha mẹ giáo dục hay đọc sách vở sao đó, mà cô đã có những tư tưởng tiến bộ và cách mạng như chúng ta đã nhìn thấy như lời tuyên bố của cô. Nếu có một Lê Thị Công Nhân như thế thì tôi tin chắc rằng có nhiều Lê Thị Công Nhân khác mà chúng ta không biết đến.

Nhà cầm quyền CSVN ưu tiên của họ vẫn là củng cố quyền lực, không cần nghĩ tới quĩ phúc lợi xã hội, điều đó thật là bất hạnh cho dân tộc VN. Trong cái bất hạnh chung đó thì người phụ nữ Việt Nam chịu nhiều bất hạnh nhất vì họ phải lo đủ mọi mặt, từ chuyện nuôi dậy con cái trong gia đình, đến chuyện lo đi làm, vừa làm cha, vừa làm mẹ, vì kinh tế nó quá thấp kém, nên phải bươn chải kiếm sống ngoài xã hội nữa…

Mà cái xã hội nghèo đói như Việt Nam nên càng lúc càng băng hoại, nên xảy ra những chuyện buôn bán phụ nữ ra nước ngoài, người ta làm đủ mọi thứ cũng chỉ vì đồng tiền. Nhìn lại lịch sử Việt Nam đã có bao nhiêu lần chúng ta bị đô hộ bởi Tàu, bởi Pháp, bởi Nhật, đã có lần 2 triệu người Việt Nam bị chết đói, vậy mà trong lịch sử VN chưa bao giờ có chuyện phụ nữ Việt Nam đi ra ngoài làm đĩ điếm, làm vợ người nước ngoài chỉ vì đồng tiền.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mấy ngàn năm của Việt Nam có chuyện như vậy. Chính chính quyền CS đã tiếp tay cho chuyện đó vì muốn lợi lộc cho riêng họ, chứ đừng đổ lỗi cho họ là nghèo đói. Đó là điều rất đáng buồn.”

Tuy nhiên, theo bà, mặc dù có những điều rất bi quan cho phụ nữ ở trong nước, nhưng bên cạnh đó, bà cũng cho biết rằng vẫn còn có những điểm son rất đáng khâm phục khác như trường hợp của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân, nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh phát biểu:

“Nói đến những phụ nữ Việt Nam bị buôn bán thì lại có những điểm lạc quan khác như trường hợp của cô Lê Thị Công Nhân, nhìn số tuổi của cô rất trẻ, sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản, vậy mà nhờ cha mẹ giáo dục hay đọc sách vở sao đó, mà cô đã có những tư tưởng tiến bộ và cách mạng như chúng ta đã nhìn thấy như lời tuyên bố của cô. Nếu có một Lê Thị Công Nhân như thế thì tôi tin chắc rằng có nhiều Lê Thị Công Nhân khác mà chúng ta không biết đến.” Quí vị và các bạn vừa theo dõi những chi tiết lý thú về nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, người vừa được trao tặng huy chương Phục Vụ Quốc Gia về An Ninh. Phương Anh xin ngừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.