Google đề nghị Hoa Kỳ trừng phạt thương mại các quốc gia cấm đoán Internet


2007.07.03

Ðỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Công ty cung cấp internet Google của Mỹ đề nghị chính phủ Hoa Kỳ cần có biện pháp trừng phạt thương mại đối với một số quốc gia trên thế giới vì nhà cầm quyền đã tìm đủ mọi cách để ngăn cản công dân của họ truy cập vào trang Web của tập đoàn doanh nghiệp khổng lồ này.

Internet200.jpg
Bản quảng cáo một website ở Trung Quốc. AFP PHOTO/LIU Jin

Chủ trương phong tỏa mạng internet từ các chế độ độc đoán nhằm ngăn cản các phong trào đấu tranh cho dân chủ ôn hòa, đang ngày càng bộc phát mạnh tại những quốc gia đó.

Google là một công ty hàng đầu thế giới chuyên cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin trên mạng lưới internet toàn cầu mới đây đã chính thức đưa ra đề nghị với Bộ Thương Mại Hoa Kỳ yêu cầu cơ quan này ban hành quy định đối những nước có chủ trương hạn chế việc sử dụng internet, mà Hoa Lục là quốc gia đứng đầu danh sách.

Các quốc gia vi phạm việc cấm đoán internet sẽ bị Mỹ trừng phạt thông qua biện pháp kiểm soát mậu dịch, tương tự như việc áp dụng hàng rào quan thuế đối với các đối tác trong lĩnh vực mậu dịch và ngoại thương.

Những đề nghị này được đưa ra sau khi có một số nước kiểm duyệt công dân của họ trong việc truy cập internet thông qua các dịch vụ viễn thông và điện toán của Google. Những nước áp dụng biện pháp này tập trung phần lớn tại khu vực Châu Á và Trung Đông. Trong số những nước ngăn cấm dân chúng tự do sử dụng internet, người ta thấy có Trung Quốc, Ả Rập Xê út, Ấn Độ, Iran, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Gây thiệt hại kinh tế

Lập luận của Google đưa ra là những cấm đoán vừa nói gây thiệt hại cho những trang quảng cáo trên trang web của đại công ty này. Thiệt hại kinh tế đáng kể do sự kiểm duyệt internet gây ra cần phải được xem xét dưới khung pháp lý của những đạo luật thương mại quốc tế mà Hoa Kỳ là một nước thành viên có đầy đủ quyền hạn để bênh vực quyền lợi kinh doanh chính đáng của mình.

Trước đây Google đã bắt tay chặt chẽ với nhà nước Trung Quốc để kiểm duyệt và phong tỏa việc dân chúng Hoa Lục truy cập internet hầu tìm hiểu về vấn đề dân chủ và nhân quyền.

Trước đây trong câu chuyện với phóng viên Ban Việt Ngữ chúng tôi, ông Julien Pain thuộc Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới tức RSF bày tỏ sự thất vọng về quyết định mà hãng Google đã chọn để giúp phương tiện hữu hiệu cho nhà cầm quyền Trung Quốc nhằm ngăn cản người dân của họ truy cập internet trong việc tìm hiểu tin tức về dân chủ và nhân quyền.

Ông cho biết thêm là bất cứ một ai ở Hoa Lục muốn tìm kiếm những tin tức vô tư, trung thực, độc lập về sinh hoạt chính trị gò bó và cuộc sống khắc nghiệt hiện giờ tại Tây Tạng, hay vấn đề người dân Đài Loan ráo riết vận động độc lập, thì sẽ không còn cách nào làm được điều ấy nữa, vì những web site nói lên tất cả sự thật, xét thấy bất lợi cho chế độ cầm quyền Bắc Kinh sẽ bị các hãng cung cấp internet của Mỹ như Google hay Yahoo gạn lọc, ngăn cản, phong tỏa, khóa chặt.

Ðược biết với kỹ thuật tân tiến do các hãng Google, Cisco hay Yahoo cung cấp internet cho chế độ cầm quyền độc đoán thì một khi người dân ở Hoa Lục đánh vào máy computer của mình những chữ như. nhân quyền, tự do, dân chủ, Tây Tạng, Đài Loan, Pháp Luân Công…thì chắc chắn họ sẽ thất bại hoàn toàn, vì chỉ có những gì mà Bắc Kinh chấp nhận hay cho phép mới hiện lên màn hình mà thôi.

Một chiến thuật

Lúc đó, đại diện của RSF còn nói trong trường hợp các công ty Google, Microsoft hay Yahoo không chịu thay đổi lề lối làm ăn của họ hiện đang bị công luận quốc tế phê phán mạnh mẽ thì RSF sẽ vận động quốc hội Hoa Kỳ ban hành những luật lệ nhằm ngăn cấm các hãng đó tiếp tay với Bắc Kinh để thực hiện chính sách đàn áp dân chủ và nhân quyền.

Sau khi có tin tức nói rằng công ty Google đã lên tiếng yêu cầu chánh phủ Washington có biện pháp nhằm chống lại sự kiểm duyệt và phong tỏa internet từ phía các chánh quyền độc đoán trên tòan cầu, thì ông Julien Pain cho rằng đây không phải là một chuyển biến tích cực hay một thiện chí của Google, mà dư luận nên xem đó là một chiến thuật, một chiêu bài trong lề lối làm ăn của họ.

Theo RSF thì Google muốn đứng sau lưng chánh phủ Hoa Kỳ để biện minh cho mánh lới kinh doanh từng bị thế giới chỉ trích và phê phán mạnh mẽ vì đã vô tình tiếp tay cho Bắc Kinh truy tìm những ai muốn cất cao tiếng nói đòi hỏi dân chủ và nhân quyền.

Được biết, tại Hoa Lục hiện nay mỗi ngày số người truy cập vào trang nhà của Goole ở Trung Quốc lên đến vài chục triệu lượt người, chỉ đứng sau công ty nội địa Baidu.com.

Về phương diện thuần túy kỹ thuật và thương mại thì kỹ sư Nguyễn Hà, chuyên viên về computers phục vụ cho một đơn vị thuộc quân lực Hoa Kỳ cho biết, nếu muốn thì Google có thể thành công trong việc vận động chánh phủ Hoa Kỳ làm áp lực với các quốc gia hiện vẫn cấm đóan tự do sử dụng internet, nhưng về phương diện chính trị thì là vấn đề khá phức tạp.

Theo kết quả nghiên cứu của công ty OpenNet Initiative thì trong tổng số 41 quốc gia là đối tượng được thăm dò thì có 25 nước áp dụng chính sách kiểm soát hay hạn chế việc sử dụng internet.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.