Viết về sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ Hiếu Anh


2005.12.05

Thy Nga, phóng viên đài RFA

“Âm nhạc cuối tuần” kỳ này dành để nói về Hiếu Anh, người nhạc sĩ vừa rời bỏ gia đình và bằng hữu, ra đi vĩnh viễn vào tuổi 64, là tuổi chưa già lắm trong thời đại này. Sau hơn 40 năm thiết tha với âm nhạc, Hiếu Anh đã soạn trên 200 nhạc bản, đa số là phổ thơ.

GiaiDieuYeuThuong200.jpg
Hình bìa đĩa nhạc Giai Điệu Yêu Thưong của Nhạc sĩ Hiếu Anh.

“Chia tay bản Boston” …

Nhạc Hiếu Anh gồm nhiều thể loại từ những tình ca tuổi học trò, đến các ca khúc dành cho thiếu nhi, cho hướng đạo, cho binh sĩ, … từ những tình khúc nồng nàn, tới các bài thánh ca. Tuy nhiên, nghệ danh “Hiếu Anh” không được phổ biến cho lắm, có lẽ do nếp sống trầm lặng của người nhạc sĩ này.

“Một thoáng buồn vui” Khắc Dũng hát …

Hiếu Anh tên thật là Nguyễn Trí Hiếu, sinh trưởng tại Hà Nội. Theo tài liệu của nhà thơ Đắc Trung thì vào thập niên 1960, Hiếu Anh tham gia hợp xướng trong ban “Phát thanh học sinh” có chương trình vào sáng Chủ Nhật hằng tuần trên làn sóng đài Phát Thanh Saigon. Chuỗi ngày thanh xuân ấy, Hiếu Anh ghi lại những rung cảm của mình thành dòng nhạc trong tập “Tình ca học trò”. Mãi sau này, khi ra hải ngoại, ông mới có điều kiện để thực hiện cuốn CD thâu 10 bài trong tập nhạc đó.

“Thư học trò” Hiếu Anh phổ từ ý thơ Tất Hanh, quý vị đang nghe Lê Thùy hát …

Năm 1967, ông gia nhập Quân nhạc, rồi trở nên nhạc trưởng ngành này. Ông cũng tham gia hội “Văn nghệ sĩ quân đội”, và viết tập nhạc “Chiến sĩ ca”.

Năm 69, ông làm việc với ban “Phát thanh học đường” của Trung tâm Học liệu thuộc bộ Quốc Gia Giáo Dục, và viết tập nhạc “Ngày xanh” dành cho học sinh tiểu học.

Mời quý vị tham gia mục Âm Nhạc Cuối Tuần. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

“Tiếng ru” qua giọng hát Hoài Nam …

Năm 71, biệt phái đi Pleiku làm giáo sư âm nhạc tại trường Thiếu Sinh Quân. Trong thời gian ở đó, Hiếu Anh phổ một số bài thơ như của Kim Tuấn, Vĩnh Trinh, … in thành tập “Tình thơ ý nhạc”

“Thuở mình quen nhau” phổ ý thơ Kim Tuấn, Hoàng Quân hát …

Cơn lốc tháng Tư 1975 kéo tới, như bao nhiêu quân nhân khác, ông bị đi cải tạo. Trong lao tù, Hiếu Anh viết bài “Ru em tình vàng” ghi ơn người vợ son sắt đợi chờ và tảo tần nuôi đàn con giữa những đảo lộn khốc liệt trong xã hội khi đó. Mang niềm u uất, Hiếu Anh đã phổ bài thơ “Về đâu trời đất vô cùng” của Vĩnh Trinh với những dòng như sau:

“Về đâu trời đất vô cùng” Quốc Thái ca …

Đầu năm 1981, ông được thả về gia đình khi đó sống ở Túc Trưng, tỉnh Đồng Nai. Ông dạy trung học tới tháng 5, 1992 thì cùng vợ con sang Hoa Kỳ định cư tại thành phố Louisville thuộc tiểu bang Kentucky. Nơi đây, Hiếu Anh sáng tác trở lại, đồng thời gom một số nhạc bản để thâu các cuốn CD như “Yêu trong kỷ niệm”, “Giai điệu yêu thương”, “Lời tình buồn”, …

Ngoài ra, ông cũng mở lớp dạy guitar và piano cho trẻ em trong cộng đồng Công giáo; và sáng tác nhiều bài thánh ca.

Tối Chủ Nhật 27 tháng 11, Hiếu Anh đang trả lời một cuộc phỏng vấn, ông nói về quê hương, về công ơn người vợ. Không một chỉ dấu hiệu nào khác lạ, bỗng nhiên ông gục xuống. Cái chết xảy tới quá đột ngột, khiến ngay cả vòng gia đình và bạn hữu cũng khó lòng tin nổi. Và trong nỗi bàng hoàng, ai nấy mới cảm nhận sâu xa hơn về sự phù du của đời người, có đó mất đó, chỉ trong phút giây.

“Tôi đi tìm tôi” phổ thơ Miên Du, giọng ca Hương Giang …

Theo vợ ông kể lại thì: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

“Buồn ơi” phổ thơ Miên Du, tiếng hát Quỳnh Lan …

Âm thanh bản “Buồn ơi” kết thúc chương trình tưởng nhớ nhạc sĩ Hiếu Anh … Xin góp lời cầu nguyện đưa tiễn Nhạc sĩ về cõi Vĩnh Hằng …

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.