Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 16-8-2007)


2007.08.16

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Xin kính chào quý vị thính giả. Hôm nay, Trà My hân hạnh được đến với quý vị và các bạn qua mục Trao Ðổi Thư Tín Hàng Tuần. Trên nguyên tắc anh Việt Long là người đặc trách chuyên mục này, nhưng tuần này anh Việt Long đi công tác, do đó Trà My được chọn để tạm thay thế.

BushTienTrungHoangLan200.jpg
Nguyễn Tiến Trung và Hoàng Lan chụp hình lưu niệm với vợ chồng Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush. Hình do Tiến Trung cung cấp. >> Xem hình lớn hơn

Phải thưa trước với quý vị đây là công tác tưởng dễ mà không dễ, đặc biệt là Trà My được chỉ định thưa chuyện cùng quý thính giả chỉ có vài phút đồng hồ sau khi được đọc một lá thư gửi đến, trong đó khen anh Việt Long nói chuyện “dí dỏm và duyên dáng”.

Cả 2 điểm anh Việt Long được ngợi khen đều là những điểm mà Trà My không có. Dù vậy, với trách nhiệm được trao phó, Trà My xin cố gắng hết sức và bây giờ, mời quý thính giả cũng với Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do bước vào Mục Trao Ðổi Thư Tín Hàng Tuần cho buổi sáng Thứ Năm, ngày 16 tháng Tám năm 2007.

Không biết có phải là may mắn cho Trà My hay không, nhưng trong bảy ngày qua, số lượng thư gửi cho Ban Việt Ngữ qua đường bưu điện hoặc bằng e-mail không nhiều như những tuần trước. Do đó Trà My không mất nhiều thì giờ để soạn những lá thư cần phải trả lời, nhưng cũng phải nói là thư đến ít thì các anh chị phát thanh viên trong Ban và cá nhân Trà My lại thấy buồn.

Khi còn đặc trách chuyên đề này, Chị Thanh Trúc có bảo rằng thư của thính giả khắp nơi gửi về -bất kể là khen ngợi hay phê bình, chỉ trích- đã trở thành một phần không thể thiếu của Ban Việt Ngữ.

Sáng nay, Trà My xin nhắc lại điều đó để nhắn gởi đến tất cả quý thính giả và các bạn nghe Ðài là Ban Việt Ngữ luôn luôn mong chờ nhận thư của tất cả quý vị, vì qua những lá thư gửi về, chúng tôi nhìn thấy được chân tình mà quý thính giả dành cho Ban, những chia sẻ, phê bình thật thẳng thắn của quý vị đã giúp chúng tôi phát huy nghiệp vụ, để có thể phục vụ tốt hơn.

Về người Việt sống ở Lào

VietnameseLaos200e.jpg
Người Việt định cư ở Lào đã hai ba thế hệ hoặc sang Lào sau 1975 đều là những người giỏi giang, khéo mua bán, căn cơ và thành đạt. Photo RFA/ Thanh Trúc.

Lá thư đầu tiên Trà My xin gửi đến quý thính giả là thư của một thính giả xin đừng nêu tên, nhận xét về loạt bài Chị Thanh Trúc thực hiện sau khi tiếp xúc được cộng đồng người Việt sinh sống ở Lào. Trong thư có đoạn viết như sau:

“Tôi là một người đàn ông cao 1 mét 85, nămg 93 kílô. Tôi cứ tưởng như mình lúc nào cũng cứng rắn từ thể chất lẫn tinh thần.

Nhưng khi nghe bài của Chị Thanh Trúc viết về “Những Cảnh Ðời Tương Phản” của người Việt sống ở Lào, có đoạn “Khổ tâm vì nhiều khi thấy con người mình ngó không ra răng hết, thấy con người mình ngó tồi lắm. Nhiều khi đi mời đi mời như ri, người ta bán quán trong tê người ta nói,người ta kêu người Việt lên đây, kêu người Việt này nọ… Buồn …

Tôi nghe mà như trăm ngàn mũi tên nhói đau vào tim mình, và nhưng giọt nước mắt tôi bỗng chảy dài để chia sẻ nỗi đau tinh thần của các chị ấy nói riêng và những người Việt đau khổ nói chung.”

Xin cám ơn anh bạn dấu tên đã chia sẻ tâm tình của anh sau khi nghe một bài phóng sự của Ban Việt Ngữ. Ðể đáp lại cảm tình nồng hậu đó, chính Chị Thanh Trúc dù rất bận việc trong chuyến đi công tác ở Bangkok nhưng vẫn bỏ thì giờ nhận lời giúp Trà My để trả lời bạn. Xin nhường lời cho Chị Thanh Trúc.

“Cảm ơn vị thính giả đã ngậm ngùi cho những phụ nữ miền Trung đi bán mực rong bên bờ sông Mekong ở Vientiane. Thưa ông nước Lào có nhiều thắng cảnh, người Lào đẹp và hiền, còn người Việt bên đó thì vượt trội.

Điều Thanh Trúc muốn nói ở đây là ước gì đừng có những phụ nữ Việt Nam buôn xách bán bưng trên bờ sông Mekong của Lào như thế, nhưng vì họ nghèo mà chỉ họ mới là người đi kiếm miếng ăn phụ chồng con ở bên nhà. Giá mà cái nghèo đừng đeo đẳng nhiều người mình như vậy ông nhỉ. Nước Lào mà Thanh Trúc đến còn nhiều chuyện hay để tuần tự kể với quí vị trong những ngày tới.

Lúc này Thanh Trúc mong quí vị thanh thản bình an như những sáng tinh mơ ở Lào, mặt trời vừa lên thì từng đòan tăng sĩ chân đất trầm lặng đi khất thực trên những con đường vàng nắng, quì bên đường, nghiêm chỉnh và mềm mại trong trang phục truyền thống, các phụ nữ người Lào dâng phẩm vật cúng dường vào đầy bình bát của các tăng sĩ. Nước Lào với nụ cười xa vắng mơ hồ của những cô gái tóc búi. Một lần nữa xin cảm ơn sự quan tâm của quí thính giả.”

Thư gửi cho anh Nguyễn Tiến Trung

Sau khi nghe cuộc phỏng vấn của quý đài dành cho Anh Nguyễn Tiến Trung, tôi lấy làm khâm phục hành động quả cảm của Anh và muốn mượn diễn đàn của Ðài để ủng hộ quyết định trở về Việt Nam của anh Trung. Quyết định của Anh Trung tuy có nhiều người hoài nghi, nhưng theo tôi, tôi hoàn toàn ủng hộ Anh Trung.

Trong những lá thư Ban Việt Ngữ nhận được tuần này, có thư gửi cho anh Nguyễn Tiến Trung, một sinh viên vừa tốt nghiệp bên Pháp và quyết định trở về Việt Nam, cho dù biết trước sẽ gặp nhiều khó khăn vì trong lúc đang đi du học, anh đã lên tiếng đòi hỏi Chính Phủ Việt Nam phải đổi mới chính trị và lắng nghe tiếng nói của người dân. Thư của Bạn Lê Hoàng gửi cho Anh Nguyễn Tiến Trung viết như sau:

“Sau khi nghe cuộc phỏng vấn của quý đài dành cho Anh Nguyễn Tiến Trung, tôi lấy làm khâm phục hành động quả cảm của Anh và muốn mượn diễn đàn của Ðài để ủng hộ quyết định trở về Việt Nam của anh Trung. Quyết định của Anh Trung tuy có nhiều người hoài nghi, nhưng theo tôi, tôi hoàn toàn ủng hộ Anh Trung.

Chúng ta muốn đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam, thì trước hết chúng ta phải vào được Việt Nam và phải sinh sống tại Việt Nam. Chính quyền Cộng Sản Việt Nam rất muốn đưa những người chống đối chế độ ra nước ngoài sinh sống, họ không muốn thấy có sự chống đối, đòi hỏi tự do, dân chủ từ bên trong. ”

Thư viết tiếp: “Như anh Ðỗ Nam Hải, Anh Nguyễn Tiến Trung là những người trẻ, có kiến thức và có thời gian sống ở nước ngoài thì mới dễ hòa nhập với thế hệ trẻ ở Việt Nam, thế hệ làm thay đổi Việt Nam.”

Ban Việt Ngữ đã chuyển thư của Bạn về cho Tiến Trung. Xin cám ơn những tình cảm mà anh đã dành cho một người bạn trẻ đang có mặt tại Việt Nam và đang phải chấp nhận rất nhiều thử thách, kể cả chuyện bị công an liên tục làm áp lực như họ đã từng làm với Anh Ðỗ Nam Hải trước đây.

Lá thư cũng làm Trà My nhớ lại cách đây khoảng gần nửa năm khi nói chuyện với Tiến Trung, anh bạn trẻ của chúng ta có nói với Trà My rằng anh “nhất định sẽ về nước sau khi học xong”. Lúc đó, Trà My chỉ biết bảo “Trung ơi, Trung suy nghĩ kỹ lại đi”.

Câu trả lời của Tiến Trung là “Trung đã suy nghĩ kỹ rồi. Trung đâu có làm gì sai với hiến pháp, luật pháp và lương tâm mình đâu”. Thư của bạn Lê Hoàng làm Trà My nhớ lại những gì Tiến Trung đã chia sẻ, và có lẽ không bao giờ có thể quên được.

Nhưng nếu được Bạn Lê Hoàng cho phép, Trà My cũng xin được bày tỏ ý kiến riêng của mình về một điểm bạn viết trong thư. Theo Trà My nghĩ, bất kể sống trong hay ngoài nước, chúng ta đều có thể theo đuổi mục tiêu đã đặt ra.

MichaelMichalakQuan200d.jpg
Tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Michael Michalak tại buổi gặp thân mật một số báo chí và người Việt nước ngòai tại Hoa Kỳ hôm 10-8-2007. RFA PHOTO

Dĩ nhiên, không ai không ngưỡng mộ những người trẻ như Nguyễn Tiến Trung, Ðỗ Nam Hải có cơ hội ở lại nước ngoài nhưng vẫn quyết định trở về để phục vụ lý tưởng, nhưng ngay chính những người không có cơ may sinh sống, làm việc ngay tại Việt Nam cũng vẫn có thể đóng góp phần của mình cho công cuộc chung. Hy vọng Bạn Lê Hoàng đồng ý với Trà My ở điều này. Quý thính giả nghĩ sao về điều này? Xin gửi thư đóng góp với Ban Việt Ngữ.

Dân chủ, tự do và nhân quyền tại Việt Nam

Đầu tháng này, trong những lá thư Ban Việt Ngữ nhận được, có một thư gửi từ Việt Nam chia sẻ cảm nghĩ của người nghe với nội dung bài phát thanh nói về những vị đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội là những sứ giả mang thông điệp nhân quyền và dân chủ đến với Việt Nam. Xin được trích dẫn một đoạn ngắn trong thư và mời quý thính giả cùng nghe.

“Đồng ý với ông tân đại sứ Michalak rằng đối thoại nhân quyền với Hà Nội chỉ là một phương thức, và sẽ tận dụng mọi cơ hội có thể… và việc đầu tiên là các nhà tranh đấu dân chủ như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Ðài và Lê Thị Công Nhân phải được tự do.”

Đầu tuần này, một lá thư khác cũng gửi từ Việt Nam và cũng nhắc nhở đến dân chủ, tự do và nhân quyền.

“Tôi rất sung sướng được đón nhận những tin tức mới nhất do quý đài loan tải trong tuần này, toàn là những tin vui, nhất là tin Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua dự luật nhân quyền 2007.

Ðây là một tin vui cho hơn 80 triệu dân Việt. Quả là một món quà quý báu vô cùng. Lần đầu tiên tôi thấy chính phủ Mỹ đã thật sự nghĩ đến người dân Việt Nam và đang hành động để giúp đỡ người dân Việt Nam.”

Trà My chọn hai lá thư vừa rồi vì chợt nhớ giờ này, khi quý thính giả đang nghe chương trình phát thanh buổi sáng cũng là lúc ông tân đại sứ Mỹ Michael Michalak ra sân bay rời Washington để đi Việt Nam nhận nhiệm sở mới.

Ông Ðại Sứ Mỹ sẽ đến Hà Nội vào ngày mai, nơi có rất nhiều người Trà My quen và đang bị cầm tù, hoặc may mắn bước được ra khỏi một trại giam nhỏ thì họ cũng không may bước vào một nhà tù lớn hơn.

Có thể một ngày nào đó, nhà ngoại giao đại diện cho nước Mỹ sẽ đến thăm xứ Huế, quê hương của Linh Mục Nguyễn Văn Lý mà Trà My chỉ được nghe tên chưa bao giờ có dịp gặp. Cũng sẽ có lúc ông tân đại sứ Mỹ ghé đến Miền Tây là quê hương của Trà My.

Không biết lúc đó ông đại sứ có đi dọc theo giòng sông Cửu Long hay không, và nếu có, liệu ông đại sứ có được nghe một trong những bài hát mà nhiều người dân miền Nam đều biết đến không? Bài hát mở đầu như thế này “Chiều buông trên giòng sông Cửu Long như một cơn ước mơ xa vời, chiều buông trên giòng sông Cửu Long, thương đời thương lẫn nhau trong chiều”…

Tự nhiên Trà My nhớ lại bản nhạc đó, nhớ lại những buổi chiều về trên giòng sông Cửu Long và xin mượn dòng nhạc trong bản mang tên “Chiều Về Trên Sông” của Phạm Duy để thay lời chia tay cùng quý thính giả. Hy vọng gặp lại vào tuần tới cũng trong chuyên mục Trao Ðổi Thư Tín Hàng Tuần.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.