Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 29-6-2006)


2006.06.29

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Theo dõi chương trình Việt ngữ RFA, thính giả nhiều vị đã sốt sắng đáp ứng lời kêu gọi của chúng tôi, viết đến đài để góp ý. Như chủ trương, RFA hoan nghênh mọi ý kiến (miễn là lời lẽ nhã nhặn) để có cái nhìn vấn đề dưới tất cả khía cạnh.

LandReform200.jpg
RFA PHOTO

Anh em chúng tôi cũng hiểu rằng người Việt mình vốn ít phát biểu thành ra số “thính giả thầm lặng” nghĩa là nghe RFA thường xuyên và từ nhiều năm nay nhưng chẳng cho biết ý kiến gì cả, còn rất nhiều. Vì thế, xin quý vị trong khối này “chịu khó” viết cho chúng tôi nhé, để chương trình có sự tham gia đông đảo từ phía thính giả.

Trong mục “Thư tín” kỳ rồi, chúng tôi có trích đọc bài “Hỏi ông Luật sư Maurizio Liberati” do thính giả Thuyên Đoàn gửi đến, đề tên phía dưới là “Bút bi”. Chúng tôi cho đây là do chính ông Thuyên Đoàn viết, ký bút hiệu là “Bút Bi”. Sau đó thì chúng tôi lại đọc thấy bài “Hỏi chuyện ông luật sư” của tác giả Bút Bi đăng trên “Tuổi trẻ Online”.

Không rõ “Thuyên Đoàn” và “Bút Bi” là một người? hay là hai người? nếu là hai người thì chúng tôi xin lỗi tác giả Bút Bi và báo “Tuổi trẻ Online” về sự sơ xuất này, cũng như xin đính chính cùng quý thính giả.

Để tránh trường hợp tương tự xảy ra, RFA Việt ngữ yêu cầu quý vị nào gửi bài vở, tài liệu đến chúng tôi, xin cho biết là chính tác giả? hoặc chỉ chuyển và tác giả là người ký bút hiệu đề theo bài đó. Cũng xin ghi rõ xuất xứ để chúng tôi nói cho đúng, cám ơn quý vị.

Nhân đây, RFA Việt ngữ cũng nhắc lại là quý vị nào nhắn chúng tôi trong Hộp thư thoại, xin cho biết tên và gọi từ đâu, vì như thế mới có tính thuyết phục và sử dụng được. Nếu không muốn chúng tôi nêu tên thì hãy căn dặn như vậy, chúng tôi sẽ theo lời chứ xin đừng nói trống không, như nhiều lời nhắn để lại trong “Hộp thư thoại”. Điều nữa mà chúng tôi thấy cần phải nhắc lại rằng “Hộp thư thoại” như tên gọi của nó, là máy ghi lời nhắn, không phải là điện thoại thường để có người ở bên kia đầu giây tiếp chuyện. Xin quý vị cứ nhắn vào máy, chúng tôi sẽ phúc đáp sau.

Tiếp viên Vietnam Airlines

Đã nghe RFA được vài tháng nay, về vấn đề tự do dân chủ, tự do tôn giáo, em cảm thấy rất bực mình vì những điều mà Nhà nước nói một đàng nhưng lại làm một nẻo. Sao đài không trực tiếp hỏi chuyện ông Thủ tướng Khải hoặc một quan chức nào đó trong chính quyền, về những vụ mà người dân bị khuấy nhiễu và bị đánh đập, xem các ông trả lời thế nào?

Nghe bài nói về cung cách làm việc của tiếp viên Vietnam Airlines, thính giả Phùng Mai thuật lại chuyến mà bạn sử dụng dịch vụ này. Bạn Phùng kể là trên chuyến bay quốc tế ấy, có hành khách ngoại quốc bấm chuông gọi tiếp viên mấy lần mà các cô mải nói chuyện với nhau, không tới hỏi hành khách cần gì, mặc dù ông đã phải gọi nhiều lần. Và một số chuyện khác nữa cho thấy là trong đội ngũ tiếp viên, có nhiều nhân viên thiếu tính cách chuyên nghiệp cũng như thiếu nhã nhặn trong việc tiếp hành khách.

Đó là nhận xét của người Việt hải ngoại, còn người ở trong nước thì nghĩ sao về tiếp viên Vietnam Airlines? quý vị đã nghe bài chúng tôi ghi lời nhận xét của một hành khách hay di chuyển cho công việc nên thường phải sử dụng các chuyến bay nội địa và quốc tế của Vietnam Airlines.

Một số thính giả khác ở trong nước cũng email đến đài, nói rằng dịch vụ của Vietnam Airlines tệ lắm, nhiều tiếp viên kém ngoại ngữ nhưng lại thừa tài mua hàng mang về bán.

Chính quyền Việt Nam

Thính giả mà chúng tôi xin gọi là “Mặt trời” cho rằng việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước khiến tài sản của người dân lao động làm nên do mồ hôi nước mắt, có thể mất vào tay một số người có chức có quyền. Theo ông thì “trong việc này, Nhà nước nghiêng về giới chức lãnh đạo, bỏ mặc quyền lợi của nhân dân lao động.”

Trong một lá email dài, thính giả Hoàng Minh nhận xét về chủ thuyết Hồ-chí-Minh, về guồng máy chính trị của Cộng sản Việt Nam. Ông viết rằng đất nước gì mà lứa trẻ chỉ nghĩ tới phấn đấu vào Đảng Cộng sản để làm giàu?

Trong khi ấy, thính giả trẻ mà chúng tôi xin gọi tắt là C.K. email như sau: “Đã nghe RFA được vài tháng nay, về vấn đề tự do dân chủ, tự do tôn giáo, em cảm thấy rất bực mình vì những điều mà Nhà nước nói một đàng nhưng lại làm một nẻo. Sao đài không trực tiếp hỏi chuyện ông Thủ tướng Khải hoặc một quan chức nào đó trong chính quyền, về những vụ mà người dân bị khuấy nhiễu và bị đánh đập, xem các ông trả lời thế nào?”

Thính giả Vũ Đình thì viết rằng “Độc quyền cai trị luôn đưa đến những hệ lụy mà lịch sử đã chứng minh nhiều lần. Thành phần có chức có quyền kéo dài thời gian để hưởng lợi với nhau … Chỉ khi nào dân trí được nâng cao, cơ chế pháp lý bảo đảm đúng đắn được quyền tự do của người dân thì may ra Việt Nam mới thoát khỏi vấn nạn này.”

Phim “Chúng Tôi Muốn Sống”

Phim và âm thanh rõ, có giá trị, đánh dấu một trang sử thảm họa lớn của dân tộc Việt Nam … Tội ác này, lịch sử Việt Nam ngàn đời không quên. Cần thông tin rộng rãi về thảm họa ấy cho thế hệ người Việt khắp nơi biết rõ và có ý kiến về những tội ác tày trời đó.

Tuần này lại có nhiều email bay đến đài, bày tỏ ý kiến về cuộc “Cải cách ruộng đất” mà chúng tôi đã phát loạt bài trên làn sóng, và đăng trên Web. Chắc là vì quý vị vừa xem các đoạn phim “Chúng tôi muốn sống” đăng tải trên Web RFA Việt ngữ. Từ trong nước, thính giả ký tên là S.D. viết:

“Phim và âm thanh rõ, có giá trị, đánh dấu một trang sử thảm họa lớn của dân tộc Việt Nam … Tội ác này, lịch sử Việt Nam ngàn đời không quên. Cần thông tin rộng rãi về thảm họa ấy cho thế hệ người Việt khắp nơi biết rõ và có ý kiến về những tội ác tày trời đó.”

Từ Đức, thính giả Hữu Dũng “cầu xin Thượng Đế cho những thảm cảnh như vậy đừng xảy ra nữa, ở bất cứ nơi nào trên thế giới … Sự thực lịch sử phải trả lại cho Lịch sử, việc phổ biến cuốn phim “Chúng tôi muốn sống” là việc phải làm và nên làm. Trước kia, người ta cho rằng cuốn phim đó là tuyên truyền và không tin.

Nhưng sau 30 tháng Tư 75, qua những sư kiện Cộng Sản làm, dân trong Nam mới nhớ lại, mới tin. Chúng ta không cần phải chứng minh ai đúng ai sai, nhưng chúng ta phải nói lên những sự thực của lịch sử và phán xét. Xin cám ơn quí vị đã giúp làm sáng tỏ và hồi tưởng lại một sự kiện lịch sử, tuy đau thương, của người dân Việt.”

Đồng lúc, một số thính giả hỏi cách để mua cuốn phim “Chúng tôi muốn sống”. Điều này đã được nói trong “Thư tín” cách nay mấy kỳ, vào ngày 1 tháng Sáu nhưng chúng tôi cũng nhắc lại địa chỉ để liên lạc mua DVD “Chúng tôi muốn sống” là: Bà Vĩnh Noãn 14362 Bushard St. #131 Westminster, CA 92683

Mục Cổ nhạc

Về các chuyên mục trong chương trình, “Cổ nhạc” là mục mà RFA Việt ngữ mở cách nay không lâu nhưng đã nhận được nhiều thư khen, như lá email sau đây bay đến từ miền Bắc Âu. Thính giả Phương Linh định cư ở Đan Mạch tâm sự “Tôi vô cùng cảm kích soạn giả Nguyễn Phương, và ban Việt ngữ đài RFA đã gây dựng mục Cổ nhạc.

Tôi xin được biết địa chỉ Chùa Nghệ sĩ, Viện Dưỡng lão của Nghệ sĩ vì con tôi đang du lịch ở Sàigòn, tôi muốn nhờ cháu thay tôi đến thăm các nơi ấy. Khi còn ở Việt Nam, thật tình tôi chưa hề ngồi xuống coi Cải lương mà chỉ nghe loáng thoáng khi Bà Nội và Má tôi coi.

Địa chỉ để liên lạc mua DVD “Chúng tôi muốn sống” là: Bà Vĩnh Noãn 14362 Bushard St. #131 Westminster, CA 92683

Qua đây, do muốn Má tôi có phương tiện giải trí, tôi đã sưu tầm mấy trăm tuồng Cải lương để bà coi, và tôi ngồi coi chung với bà cho có bạn. Từ đó, tôi có nhu cầu hiểu biết về Cải lương, về soạn giả, nghệ sĩ để có “trình độ” tán chuyện, mua vui cho má tôi. Những chuyện đọc được từ chương trình Cổ nhạc của quý Đài đã giúp cho tôi các đề tài phong phú. Thành thật cám ơn quý vị rất nhiều.”

Người lớn tuổi ở nước ngoài rơi vào hoàn cảnh rất cần sự để ý chăm nom của con cháu. Bà Linh biết chiều ý Má như thế, thật là quý. Lá thư đượm tình thương yêu mẹ làm cho Thy Nga cảm động nên tự hứa là sẽ ráng dành thời giờ thêm ra cho mẹ mình. Cám ơn bà Linh.

Bà Aung San Suu Kyi

Về “Trang Phụ Nữ” và bài mới nhất đề cập đến bà Aung San Suu Kyi, nhân vật lãnh đạo cuộc đấu tranh cho dân chủ Miến Điện, thính giả Minh ở Saigon cảm nghĩ như sau:

“Bài viết cảm động, và đề cao được tinh thần bất khuất của một phụ nữ. Bài viết ngắn, đơn giản nhưng thật xuất sắc. Chân thành cảm ơn RFA đã có nhiều cố gắng mang lại cho thính giả (trong đó có tôi) nhiều bài viết chất lượng và đề cao được tinh thần đấu tranh cho dân chủ.

Nhờ bài viết, tôi cảm nhận sâu sắc hơn về tính kiên trì, và tinh thần bất bạo động trong thực tế và thực tiễn. Chúc quý Đài luôn phát triển.”

Vào lúc ở Washington mưa bão cả tuần, lá email của ông Minh đến, đem lại tia ấm áp và sự khích lệ cho anh em chúng tôi trong công việc tại đài. Ban Việt ngữ, nhất là Phương Anh, người viết bài ấy, xin cám ơn ông đã dành cho nhiều ưu ái. Thư đã dài, Thy Nga cùng toàn ban Việt ngữ xin chào tạm biệt quý thính giả và các bạn.

Xem các trích đoạn phim “Chúng Tôi Muốn Sống”

>> Xem trích đoạn phim “Chúng Tôi Muốn Sống” phần 1.

>> Xem trích đoạn phim “Chúng Tôi Muốn Sống” phần 2.

>> Xem trích đoạn phim “Chúng Tôi Muốn Sống” phần 3.

>> Xem trích đoạn phim “Chúng Tôi Muốn Sống” phần 4.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.