Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 31-8-2006)


2006.08.31

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Đã 13 ngày trôi qua từ khi Trương Quốc Huy bị bắt, thân nhân và bạn bè của Huy vẫn chưa có tin tức gì. Phản ứng của thính giả trẻ tên Dân về vụ bắt bớ mà tổ chức “Phóng viên không biên giới” gọi là “một vụ bắt cóc”.

HonPhuTuOld200.jpg
Hòn Phụ Tử khi chưa bị sụp.Photo courtesy Tuoi Tre Online.

Anh Trương Quốc Huy bị “bắt cóc”

“Bắt cóc người dân nước mình! thật chẳng khác gì du đãng đường phố. Tôi biết ở Saigon, khi có những cuộc biểu tình của nông dân, rất nhiều người đã không dừng lại nhìn nhưng sau đó, đã lên Internet để thông báo ngay cho thế giới bên ngoài biết.

Bắt bớ, đánh đập, giam giữ, ... là sách lược cuối cùng của kẻ nắm quyền đang thấy mình yếu dần. RFA cho nhóm sinh viên chúng tôi gửi lời thăm hỏi đến gia đình và anh em Quốc Tuấn, Quốc Huy. Sự dũng cảm của các anh và hành động của nhà cầm quyền đã khiến chúng tôi thêm sát cánh bên các anh.”

Sau khi nghe về những vụ bắt bớ, tra vấn, thính giả họ Tạ viết: “Giới cầm quyền đàn áp càng thô bạo thì phản kháng của người dân càng dâng cao. Xin cám ơn các chú bác, các anh tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam, đã nói lên tiếng nói của người dân trong cũng như ngoài nước.”

Cảm nghĩ của thính giả Thục (hay Thức): “Những vụ bắt bớ, câu lưu những người bất đồng chính kiến đang nói lên rằng đất nước Việt Nam không còn gì tự do. Bây giờ thì tất cả mọi người đều muốn có sự thay đổi. Tôi mong là anh Trương Quốc Huy sẽ sớm được thả …”

Bắt bớ, đánh đập, giam giữ, ... là sách lược cuối cùng của kẻ nắm quyền đang thấy mình yếu dần. RFA cho nhóm sinh viên chúng tôi gửi lời thăm hỏi đến gia đình và anh em Quốc Tuấn, Quốc Huy. Sự dũng cảm của các anh và hành động của nhà cầm quyền đã khiến chúng tôi thêm sát cánh bên các anh.

Du sinh Q.L. cảm nghĩ: “Tôi rất bức xúc về cách đối xử của nhà cầm quyền với thành viên khối 8406. Mới thành lập nên 8406 bị đàn áp như thế. Thử hỏi, thành viên 8406 tăng lên nhiều thì giới cầm quyền sẽ xử lý ra sao?

Tôi thiết nghĩ giờ đây là thời điểm thích hợp để những người ủng hộ tự do dân chủ đoàn kết lại, tạo sức ép lớn đối với chính quyền. Tôi luôn là người yêu chuộng đa nguyên đa đảng và tự do dân chủ. Tôi nhất quyết đấu tranh tới cùng cho Tự do Dân chủ.”

Những nhà dân chủ

Email của thính giả Ken Nguyễn: “Cám ơn Ðài Á Châu Tự Do đã đem đến cho thính giả những thông tin trung thực và quý báu để mọi người Việt trên thế giới được nghe sự thật về sự chà đạp nhân quyền và luật pháp của Công an trong nước. Ðây là bằng chứng hùng hồn và trung thực nhất cho một mai có phiên toà quốc tế xét xử tội ác Cộng sản Việt Nam.

Cám ơn các anh Phạm Bá Hải, Nguyễn Ngọc Quang và rất nhiều những chiến sĩ dân chủ mà tôi không có dịp biết đến, đã dấn thân vào cuộc tranh đấu vô cùng cam go và gian khổ với những kẻ độc tài, điêu ngoa.

Họ độc ác tới độ bao vây kinh tế, y tế, giáo dục, xã hội đối với gia đình của các chiến sĩ dân chủ, hòng các anh phải đầu hàng. Tôi trân trọng sự hy sinh của người vợ chiến sĩ Dân chủ. Các Chị phải hãnh diện về việc làm dũng cảm của chồng mình, và các Chị xứng đáng với sự biết ơn của đồng bào vì một ngày mai tự do dân chủ, nhân quyền, và công bằng xã hội.”

Đồng lúc, thính giả Mạnh Tuấn ở Đức viết: “Tôi xin nói lên đây lòng cảm kính đối với những người hy sinh bản thân và gia đình mình để tranh đấu cho tự do dân chủ, cho tương lai một nước Việt Nam phú cường. Họ đã nói lên nguyện vọng của người dân trong và ngoài nước. Xin chúc toàn thể “chân cứng, đá mềm”.

Rất nhiều thính giả RFA viết đến đài, bày tỏ cảm nghĩ tương tự, là thán phục những người ở dưới chế độ trong nước mà can đảm đứng lên đòi hỏi dân chủ, và gửi lời chúc sức khỏe cùng nghị lực đến các vị ấy.

Vào sáng hôm qua, ban Việt ngữ RFA nhận được điện thoại như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Cám ơn Ðài Á Châu Tự Do đã đem đến cho thính giả những thông tin trung thực và quý báu để mọi người Việt trên thế giới được nghe sự thật về sự chà đạp nhân quyền và luật pháp của Công an trong nước. Ðây là bằng chứng hùng hồn và trung thực nhất cho một mai có phiên toà quốc tế xét xử tội ác Cộng sản Việt Nam.

Từ lòng Hà Nội, bạn H.T. chuyển cho RFA Việt ngữ tin về các nhà báo Hoàng Tiến và Nguyễn Khắc Toàn vẫn phải “làm việc” với Công an:

“Ngày nào được Công an “mời lên” thì đều “làm việc” từ sáng đến chiều tối. Trong các ngày đó, Công an Hà Nội in hầu hết tài liệu lưu trong các máy vi tính của hai ông, đa số là những bài về dân chủ từng phổ biến trên Internet, và có cả các bài viết của hai ông. Chưa hiểu hai ông sẽ còn phải “làm việc” tới bao giờ?

Có trong tay 600 tờ báo của mình thế mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn quyết không chấp nhận cho một vài tờ báo có chủ trương dân chủ ra đời. Điều này nghĩa là gì? đất nước ta đã có tự do ngôn luận hay chưa?”

Trong số các lời nhắn, có lời của (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Các quyền căn bản của người dân

Liên quan đến các quyền căn bản của người dân, sau khi nghe loạt bài về Trưng cầu ý dân, thính giả họ Huỳnh định cư ở Tây Bá Linh bên Đức, viết:

“Chắc rằng ai nghe chuyện Nhà nước Việt Nam đang soạn luật về Trưng cầu ý dân cũng mừng và hy vọng là đất nước sẽ có dân chủ trong một ngày không xa. Trong giây phút ban đầu thì cảm tưởng của tôi cũng như thế, nhưng ... cảm giác đó trong tôi không được lâu vì chợt nhớ rằng … rồi đây, họ sẽ trưng cầu ý kiến những người của họ (như họ đã từng dàn cảnh trong các trại tù cải tạo khi phái đoàn quốc tế đến thăm) rồi họ sẽ hợp thức hóa rằng đó là ý kiến của toàn dân Việt Nam.”

Từ Sacramento, Hoa Kỳ, thính giả T.N. nhận định: “Một chế độ lúc nào cũng rêu rao là “vì dân, do dân” mà không dám đáp ứng ý nguyện của người dân sao?” Về bài vở trong chương trình, liên quan đến những kiếu kiện đất đai, RFA Việt ngữ nhận được lá email từ trong nước của thính giả Q.T. mang tựa đề “Lợi dụng quy hoạch”:

“Chỉ là cướp đất một cách trắng trợn. Cán bộ lợi dụng quy hoạch để chiếm đất của dân, phân lô bán nền, chẳng xây dựng khu công nghiệp gì cả.”

Quý vị thính giả nghĩ sao về việc này: Nên hay Không nên phục chế Hòn Phụ Tử? Xin email về vietweb@rfa.org

Nên hay Không nên phục chế Hòn Phụ Tử

Ý kiến của thính giả Phạm Minh về việc Nên hay Không nên phục chế Hòn Phụ Tử: “Tôi nghĩ là không nên, vì nếu dựng lại Hòn Phụ thì là giả tạo. Không phải của Thiên nhiên, không quí hóa gì, người ta vẫn nuối tiếc cái gì xưa cũ.

Một lẽ nữa là có vô số vật thể đã tự mất đi theo qui luật Thiên nhiên. Liệu ta có phục dựng lại hết được không? và như thế thì còn gì gọi là Lịch sử? Điều này cũng điên cuồng chẳng khác gì điều ước “thời gian hãy ngừng trôi, trái đất hãy dừng lại, đừng quay".

Hãy để cho loài người chúng ta nuối tiếc những gì đã mất đi. Hãy để cho chúng ta ân hận rẳng đã không liệu trước để ngăn chặn “vật đổi sao dời". Đừng tốn công, tốn của để can thiệp vào mà nên trả lại cho Thiên nhiên những gì của Thiên nhiên.” Thư ông Minh mang triết lý sâu sắc lắm. Quý vị thính giả nghĩ sao về việc này: Nên hay Không nên phục chế Hòn Phụ Tử? cho chúng tôi biết ý kiến với nhé.

Thời kỳ cải cách ruộng đất

Trong khi ấy, ban Việt ngữ RFA vẫn nhận được thư thính giả bày tỏ cảm nghĩ về loạt bài “Cải cách ruộng đất”. Thính giả H.M. thuật lại trường hợp của gia đình mình:

“Là một người sinh ra sau khi cuộc Cải cách ruộng đất đã chấm dứt nhưng trong tôi, nỗi đau về một thời kỳ lịch sử cố tình bị lấp liếm vẫn còn nhức nhối.

Viết những dòng này, tôi thực sự mong muốn những ai có mối đồng cảm với tôi cũng như gia đình tôi, hãy mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình và đấu tranh cho chân lý, cho những oan hồn trước khi chết không nhắm mắt vì phẫn uất trước tấn bi kịch đầy máu và nước mắt.

Tôi không khỏi đau đớn khi nghe cha tôi kể về cái chết của ông Nội và những người lương thiện khác. Cha tôi đã từng đau xót thốt lên "Trời thẳm đất dày, có bao giờ lại như bây giờ?". Trong chiến tranh, người ta kêu gọi toàn dân đoàn kết, người ta kêu gọi tấm lòng hỷ xả vì kẻ nghèo đói, để rồi sau đó người ta kết án bóc lột cho những người đã từng san sẻ miếng cơm manh áo.

Bài học cha tôi dạy tôi từ thủa ấu thơ "người với người là chó sói" con à! Không đau xót sao được khi luân thường đạo lý bị đảo lộn, truyền thống đạo đức Khổng Mạnh với Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín bị đánh bật tận gốc, truyền thống gia đình Việt Nam tan hoang bởi hai chữ "cải cách".

Bài học cha tôi dạy tôi từ thủa ấu thơ "người với người là chó sói" con à! Không đau xót sao được khi luân thường đạo lý bị đảo lộn, truyền thống đạo đức Khổng Mạnh với Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín bị đánh bật tận gốc, truyền thống gia đình Việt Nam tan hoang bởi hai chữ "cải cách".

Con tố cha, vợ tố chồng, ... một chính sách dẫm đạp lên đạo đức con người, lên gia đình xã hội. Các mối quan hệ rường cột tanh bành. Bao gia đình ngay cả sau khi sửa sai, con không dám nhìn cha, vợ không dám nhìn chồng, anh em mất nhau!

Đau xót là thế, tàn nhẫn là thế, nhưng trong lịch sử, nó chỉ là một nét chấm phá điểm xuyết cho cái gọi là thành công của Cách mạng??

Tôi không có ý định chống đối, tôi chỉ muốn người ta thẳng thắn nhìn lại những sai lầm của mình. Không ai tránh khỏi sai lầm nhưng lãnh đạo đất nước mang trách nhiệm vô cùng nghiêm trọng với dân. Người ta phủi tay dễ dàng về những gì đã gây ra như vậy được sao?”

Phong cách làm việc của nhân viên Việt Nam

Về những lời than của một số người phải đến xin giấy tờ tại các sứ quán, sau các thính giả C.Đ. và Andy Phạm, tuần qua thính giả P.T. thuật lại về trường hợp của ông:

“Tôi cũng có kinh nghiệm không hay về cách làm việc của nhân viên Việt Nam tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Hồ-chí-Minh. Các cô tiếp nhận hồ sơ rất hách dịch trong khi lại vui vẻ với cấp trên người Mỹ. Lệ phí thì lúc thấy thông báo thế này, lúc lại thế khác.

Cám ơn quý đài đã nêu lên vấn đề đó, hy vọng là Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ-chí-Minh sẽ ngó chừng nhân viên Việt Nam hơn”

Cám ơn thính giả P.T. đã chia xẻ những chi tiết vừa kể, chúng tôi cũng mong vậy, không những tại sứ quán đó mà tại tất cả những cơ sở có nhân viên Việt Nam để từ “phục vụ” được đúng với ý nghĩa của nó. Chúng tôi xin cám ơn quý thính giả về những chia xẻ và góp ý cho chương trình. Thư đã dài, Thy Nga cùng toàn ban chào tạm biệt, mong nhận được nhiều lời nhắn và thư hơn nữa của quý vị thính giả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.