Thử nghiệm xe máy dùng nhiên liệu "1 xăng 3 nước"


2008.01.30

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Vào hồi tháng 7 năm ngoái (2007), một số báo trong nước trích đăng bài của tác giả Diệu Hiền trên tờ Thanh Niên nói về việc cho chạy thử xe máy dùng nhiên liệu "1 xăng 3 nước". Đây là thử nghiệm của nhóm giảng viên trẻ Khoa Cơ Khí Động Lực (Trường Cao Đẳng Công Nghệ Đà Nẳng) cùng 2 sinh viên người Pháp sang thực tập tại đó.

XeMay1Xang3Nuoc200.jpg
Nhóm bạn trẻ cùng chiếc xe "nước pha xăng" - Ảnh: Diệu Hiền

Trong tình hình khan hiếm nhiên liệu như hiện nay thì tin đó làm nhiều người rất quan tâm. Tuy vậy đến nay thì công trình thử nghiệm đi đến đâu? Và tính khả thi của thử nghiệm như thế nào? Đây là đề tài của chuyên mục Sáng Kiến & Đời Sống tuần này.

Thông tin từ bài báo mà chúng tôi vừa nêu cho hay nhóm nghiên cứu cho rằng họ thành công đến 70% sau khi chạy thử một đoạn đường từ trung tâm thành phố Đà Nẵng cho đến chân Đèo Hải Vân. Một thành viên trong nhóm - anh Nguyễn Lê Châu Thành cho biết:

"Sự thật đây là có sự hỗ trợ của mấy thanh niên Pháp cho nên làm tới giờ thì công việc nó nhiều nên để đó thôi. Không có điều kiện để làm, thứ nhứt là thời gian, thứ hai là tiền đầu tư để tiếp tục nghiên cứu thì còn khó khăn.

Động cơ tỉnh tại thì dựa theo nguyên lý của động cơ Penton là người ta sử dụng phần khí thải nóng. Khí thải nóng sẽ được nạp vào trong bình chứa nước và xăng, làm cho nước và xăng đó cùng bốc hơi, hỗn hợp hơi này đi qua một bộ sấy nóng.

Cái không khí nóng có hơi nuớc và hơi xăng đó thì hơi nước này có CO2 và H2O thì nó tiếp tục tạo thành HC, cái đó sẽ tạo ra được một HC chung để tạo ra một quá trình cháy. Nói nôm na như thế chớ còn trong quá trình làm thì nó xảy ra nhiều cái phản ứng mà không thể giải thích qua lời nói được.

Cái kết quả thì chúng tôi cũng thử nghiệm nhưng có cái là nếu mà chạy ở chế độ cháy tĩnh, nghĩa là mình không thay đổi tải, không thay đổi tốc độ, thì khởi động và chạy tương đối ổn định. Khi ra đường chạy thì nó gặp nhiều khó khăn, ví dụ như đang ở chế độ bình thường mà tăng ga lên hay giảm ga xuống thì nó hay bị tắt máy. Cho nên việc thử thì cũng hơi khó."

Gia Minh : Qua thực hiện hồi tháng 7 đó thì nhóm rút ra được những kết luận gì cho nghiên cứu trong tương lai?

Niềm đam mê

Nguyễn Lê Châu Thành : Cách để nghiên cứu trong tương lai thì cũng đang gặp nhiều khó khăn bởi vì bọn em cũng chưa đăng ký đề tài gì cả. Hiện giờ tiền cũng tự bỏ ra thôi.

Sự thật đây là có sự hỗ trợ của mấy thanh niên Pháp cho nên làm tới giờ thì công việc nó nhiều nên để đó thôi. Không có điều kiện để làm, thứ nhứt là thời gian, thứ hai là tiền đầu tư để tiếp tục nghiên cứu thì còn khó khăn.

Gia Minh : Biết là vậy, nhưng mà hẳn nhiên khoa học với niềm đam mê thì cũng phải có được những cái hướng và rút ra những kết luận gì rồi?

Nguyễn Lê Châu Thành : Hướng mà nếu mà để đăng ký một đề tài hay một cái gì đấy để tiếp tục làm thì bắt đầu lại với động cơ tĩnh tại, nghĩa là động cơ hoạt động ở một chế độ tải thôi, một tốc độ thôi. Còn trên động cơ xe máy này thì mình phải hoạt động ở nhiều chế độ, tải và nhiều tốc độ đấy, cho nên hơi gặp khó khăn. Nếu mà ứng dụng trên xe máy tiếp tục thì mình có thể phải chế tạo thêm những bộ phận để cho nó có lưu trữ về lượng khí đã được kết hợp rồi, đã tạo ra HC rồi đấy.

Có cái bộ đấy thì tương đối nó to hơn một tí để khi mình tăng ga đột ngột hay chạy thay đổi tải thì nó đáp ứng cho mỗi khoảng thời gian nào đó để mà tạo được khoảng thời gian thay đổi tốc độ đấy, với thay đổi tải đấy, để lượng khí có thể đáp ứng được cái khoảng thời gian ấy.

Tại vì trên cơ sở của cái động cơ Penton mà người ta đã nghiên cứu rồi đấy, nó cũng hoạt động trên tĩnh tại, thì mình thấy trên mạng người ta cũng đăng rất là nhiều, thì nhóm chúng tôi cũng thử xem, tại vì xe máy là xe dễ mua , dễ nghiên cứu, nhỏ, rẻ tiền, cho nên cũng mua về làm thử thấy nó rất là hay. Tụi em thử làm được mức độ như thế nào, thì việc làm như thế cũng có được một kết quả nghiên cứu tương đối như thế.

Gia Minh : Có dự trù thời điểm cụ thể đến bao giờ thì trở lại không ạ?

Nguyễn Lê Châu Thành : Cái này thì Nhóm cũng chưa có xác định thời gian rõ, nhưng mà cũng sẽ làm trong thời gian gần đây.

Gia Minh : Từ trước tới nay cũng tìm đựoc những thông tin ở trên mạng, nhưng mà đã có một nơi nào họ đã thực hiện cuộc thử nghiêm giống như thế này chưa?

Nguyễn Lê Châu Thành : Thử nghiệm trên xe máy thì chưa có, nhưng trên những động cơ tĩnh tại thì đã có. Ở Pháp người ta thử nghiệm trên động cơ người ta gọi là hoạt động theo nguyên lý Penton, thì bên nhóm mình có anh Sỹ ảnh cũng đi bên Pháp một năm, rồi có cả 2 sinh viên Pháp về, thì xem thấy một số tài liệu viết về động cơ chạy bằng một phần xăng một phần nước, thấy rất là hay.

Thì vấn đề Nhóm cũng đặt ra mục đích để làm. Nếu mà làm và hoạt động tốt thì sẽ đem cái xe chạy vòng quanh đất nước, nhưng mà nó chưa hoạt động tốt thì tụi thực tập viên cũng phải hoàn thành cái thời gian về nước, nhưng cái điều kiện nghiên cứu tiếp lại không có.

Khắc phục những trở ngại

Hiện nay tôi dùng bằng tơ. Cái này trên thế giới người ta có thực hiện những máy tĩnh tại, động cơ tĩnh tại đứng tại chỗ, như máy bơm nước chẳng hạn người ta cũng có sử dụng. Nhưng mà vấn đề xài loại động cơ di động thì người ta chưa có ứng dụng rộng rãi. Mình thí nghiệm thử trên xe Honda, xe máy thôi. Trong những ứng dụng thành công khoa học thế giới thì cái này cũng không mới lạ gì đâu.

Một thành viên khác của Nhóm là Gảng viên Đổ Phú Bá cũng có một số trình bày về thử nghiệm xe chạy nhiên liệu xăng pha nước mà họ thực hiện, như sau: "Có hai yếu tố là nhiệt độ và tốc độ chưa ổn định. Khi mà máy nguội thì nó khó nổ, còn nó nóng lên quá thì nó cũng ảnh hưởng, tại vì nó phụ thuộc vào chất lượng của khí xả của ống "bô" để hâm nóng nước mà làm bốc hơi nước.”

Gia Minh : Nhóm đã có những kế hoạch để khắc phục những điều mà anh thấy là nó đang gây trở ngại đó, ra sao ạ?

Đỗ Bá Phú : À, nhờ có bố trí một số "van" tự động nó phụ thuộc, đo giống như đo nhiệt độ, tự động đóng mở xả bớt khí ra ra nếu khi mà khí xã lớn quá thì cho xả bớt ra ngoài, ảnh hưởng tới cái nhiệt độ. Có một số "van" điều khiển đó. Giờ phải chế thêm một số "van" điều khiển bằng điện từ.

Hiện nay tôi dùng bằng tơ. Cái này trên thế giới người ta có thực hiện những máy tĩnh tại, động cơ tĩnh tại đứng tại chỗ, như máy bơm nước chẳng hạn người ta cũng có sử dụng. Nhưng mà vấn đề xài loại động cơ di động thì người ta chưa có ứng dụng rộng rãi. Mình thí nghiệm thử trên xe Honda, xe máy thôi. Trong những ứng dụng thành công khoa học thế giới thì cái này cũng không mới lạ gì đâu.

Gia Minh : Bây giờ những máy hoạt động trong điều kiện tĩnh như là máy bơm nước, ngưòi ta đã nghiên cứu thành công, vì sao mình không ứng dụng để giúp cho người dân ở Việt Nam họ bớt được cái nhiên liệu khi họ sử dụng nhũng máy bơm nước?

Đỗ Bá Phú : Máy đó người ta không sử dụng thuờng xuyên lâu dài. Thí dụ như sử dụng máy cắt cỏ thì người ta sử dụng trong 1 tiếng, 2 tiếng thôi chứ đâu có đi suốt. Ví dụ vấn đề xe máy Việt Nam mình, cái phướng tiện đi lại thông dụng nhứt. Họ đi hàng ngày. Còn ví dụ bơm nước, cắt cỏ thì người ta lâu lâu mới sử dụng.

Nói đi về nông thôn thì rõ ràng cũng khó khăn về vấn đề kiến thức, chuyên môn. Thị hiếu người Việt là xài những gì đã biết qua rồi chứ còn những gì mới lạ thì người ta hơi bở ngở. Anh hỏi như thế chứ còn nhiều vấn đề lắm, mà vấn đề thứ nhứt là vấn đề kinh phí, chi phí nghiên cứu đó. Với lại thứ hai nữa là kiến thức bây giờ cũng còn hạn chế.

Cái vấn đề hoá-lý-tính, thí dụ phải kết hợp với những người về hoá học, về các hoá chất, thí dụ tính hàm lượng khí xăng với lại nước khi bốc thì nó thay đổi như thế nào chứ. Mình tính toán được cái đó. Chứ còn đây mới gọi là thực nghiệm, còn trên mặt lý thuyết thì người ta chưa xác định. Ở đây số lượng ô nhiễm môi trường, nó có ô nhiễm không, ô nhiễm bao nhiêu,. tại vì quan trọng nhứt là vấn đề ô nhiễm môi trưòng thôi.

Thứ hai, về kinh tế, tức là 3 xăng 7 nước tức là tính sau.Trong thời gian nếu 3 xăng 7 nước hoàn thiện, nếu 3 xăng không được thì 2 xăng hoặc 4 xăng, theo tỷ lệ 3/7, 4/7 hoặc 5/7 v.v. Với lại có một số tại vì xe thì nó chỉ thực tế thôi chứ còn xe thử nghiệm qua những màn kiểm định,. thí dụ như thử phải như thế nào thì người ta thử phải thì tốc độ ra sao. Hiện nay tốc dộ 40 cây số một giờ chứ mấy.

Nếu nó lên 50-60 thì thay đổi như thế nào? Nói chung, về mặt cơ tính lý tính của máy thì bọn tôi chưa kiểm định được vấn đề đó, tại vì nó cũng phải thời gian nghiên cứu chứ đâu phải đơn giản. Đâu phải một hai tháng mà có thể một hai năm, tạị vì cơ tính máy tính có thay đổi như thế nào chứ.

Tính khả thi

Giáo sư Bùi Văn Ga - Hiệu Trưởng Trường Đại Học Bách Khoa và Đại Học Công Nghệ Đà Nẵng có ý kiến về thử nghiệm chạy xe máy bằng xăng pha nước của nhóm giảng viên Khoa Cơ Khí Động Lực Đà Nẵng : "Nói về cái này có một nhóm học sinh nó làm, nhưng mà nó không khả thi đâu anh, bởi vì nước không sinh nhiệt được cho nên pha vô để chạy xăng thôi chứ đâu có chạy bằng nước.

Thực ra nói về cân bằng năng lượng thì nó không có lợi. Còn nếu nghiên cứu phun nước vào để làm giảm nhiệt độ cháy để giảm ô nhiễm môi trường thì tôi ủng hộ phương án đó. Nghiên cứu này không phải riêng bên Pháp mà nhiều nước cũng đã nghiên cứu, nhưng mục đích của họ là giảm ô nhiễm môi trường chứ không phải là để sinh ra năng lượng. Hai cái khác nhau.

Nó chỉ có thể làm giảm nhiệt độ để làm giảm ô nhiễm các thứ thôi, chứ thực ra nó đâu có sinh năng lượng. Nước không sinh năng lượng. Cái này thì phun nước vào để làm giảm nhiệt độ cháy để làm giảm N8, tức là giảm ô nhiễm môi trường, chứ không phải sử dụng nước để sinh ra năng lượng giống như xăng.”

Gia Minh : Các bạn này cũng nói nếu như có điều kiện thì họ cũng sẽ trở lại tiếp tục công cuộc thí nghiêm thì Giáo Sư có khuyến cáo như thế nào để thuyết phục họ?

Giáo sư Bùi Văn Ga : Vấn đề tôi đã nói với họ là bây giờ anh muốn biến nước thành nhiên liệu thì trước hết phải biến nó thành Hydro; chế biến nó thành Hydro thì nó mới sinh năng lượng được. Mà muốn biến (nước) thành Hydro thì phải dùng một nguồn năng lượng khác và năng lượng đó có khi nhiều hơn năng lượng do Hydro đó sinh ra.

Thực ra nói về cân bằng năng lượng thì nó không có lợi. Còn nếu nghiên cứu phun nước vào để làm giảm nhiệt độ cháy để giảm ô nhiễm môi trường thì tôi ủng hộ phương án đó. Nghiên cứu này không phải riêng bên Pháp mà nhiều nước cũng đã nghiên cứu, nhưng mục đích của họ là giảm ô nhiễm môi trường chứ không phải là để sinh ra năng lượng. Hai cái khác nhau.

Gia Minh : Nếu như để giảm ô nhiễm môi trường thì phương pháp này có thể áp dụng vào các loại máy gì ạ?

Giáo sư Bùi Văn Ga : Thì trong động cơ diesel người ta cũng có dùng phương pháp ấy vì khi nhiệt độ cao thì N8, tức khí Oxyt-Nitơ nó nhiều. Khi nhiệt độ cao thì hàm lượng Oxyt-Nitơ nhiều, bây giờ người ta muốn giảm Oxyt-Nitơ thì phải giảm nhiệt độ bằng cách phun nước hoặc là hồi lưu khí thải, hoặc nhiều biện pháp khác, để giảm nhiệt dộ cháy đi cho nó giảm N8 xuống.

Phun nước cũng là một phương pháp, một cái phương án. Cài giải pháp làm giảm nhiệt độ bằng cách là phun nước hoặc hồi lưu khí thải hoặc các phương pháp khác thì trên động cơ nào người ta áp dụng cũng được, nhưng mà đến xe máy thì nó không thực tế bởi vì hệ thống đó nó cồng kềnh. Với lại thứ hai nữa là cái buồng cháy động cơ quá nhỏ. Trên động cơ cỡ lớn, động cơ tĩnh tại, dộng cơ to, người ta có thể phun nước làm giảm nhiệt dộ thì được. Chớ còn xe gắn máy thì không khả thi.

Vấn đề ở đây là mọi người tưởng dùng nước để mà sinh ra năng lượng, giống như xăng, cái này không thể có được.

Mục Sáng Kiến & Đời Sống tuần này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quý thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.