Phòng chống dịch gia cầm gia súc còn nhiều khiếm khuyết


2007.09.15

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Cùng với đà phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi ở Việt Nam bắt đầu gánh chịu nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc gia cầm. Sự thiệt hại không chỉ về mặt kinh tế mà còn là mối đe doạ cho sức khoẻ và tính mạng con người.

BirdFlu150.jpg
Dịch cúm gia cầm tiếp tục tái bùng phát tại nhiều nơi ở Việt Nam. AFP PHOTO

Vai trò của ngành thú y và chính quyền địa phương là hết sức quan trọng nếu muốn diệt dịch thành công. Vì thế một bộ trưởng của chính phủ đã nhập vai thầy thuốc để chẩn bệnh xem mạch ngành thú y thuộc quyền cũng như phê phán sự thờ ơ thụ động của chính quyền địa phương. Đây là đề tài Đọc Báo Trên Mạng tuần này.

5 loại bệnh của ngành thú y

VietnamNet tường thuật Hội nghị thú y toàn quốc diễn ra ngày 11/9 ở Hà Nội với tựa bài ‘Bộ trưởng vào vai bác sĩ cho cơ quan thú y’. Đặt ra yêu cầu cho lãnh đạo các Sở NN-PTNT, cơ quan thú y trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, để chữa triệt để 5 loại dịch trên gia cầm, gia súc như cúm H5N1, lở mồm long móng, liên cầu khuẩn, dịch tai xanh và bệnh dại, việc quan trọng là phải chữa được 5 bệnh của chính cơ quan thú y.

Vẫn theo VietnamNet, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói rằng 5 loại bệnh mà ngành thú y cần sớm chữa là các bệnh: Lơ là chủ quan trong nhận thức, từ cán bộ, nhân viên thú y đến người dân trong công tác phòng chống các lọai dịch bệnh; thứ nhì là bệnh thụ động đợi lệnh trung ương, không chủ động phòng chống nên để bệnh lây lan; thứ ba là bệnh thiếu kiên quyết trong chỉ đạo phòng chống dẫn tới chuyện nơi làm quyết liệt nơi không; thứ tư là tình trạng chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ và thứ năm là bệnh yếu về năng lực chuyên môn ngành thú y.

Nam Nguyên đã tiếp xúc với ông Bùi Quang Anh Cục Trưởng Thú Y Việt Nam để được ông giải thích thêm: “Bộ trưởng khi kết luận là về phòng chống dịch nói chung, hiện còn những tồn tại của các cấp chính quyền, ngừơi chăn nuôi, kể cả lực lượng thú y. Nhưng báo chí hiểu lầm mọi tồn tại là của thú y tất cả. Thí dụ bộ trưởng nói về chăn nuôi nhỏ lẻ, đó là việc của xã hội, của ngừơi chăn nuôi chứ đâu riêng của thú y… Bộ trưởng đã đưa ra những khuyết điểm hiện nay của các địa phương. Riêng thú y có vấn đề năng lực chuyên môn yếu kém thì vừa rồi các nhà tài trợ quốc tế và chính phủ cũng đã hỗ trợ nhiều rồi. Về bệnh thành tích làm ít báo cáo nhiều, chúng tôi khắc phục bằng cách tăng cường kiểm tra. Chắc chắn từ nay tới cuối năm những ‘bệnh’ đó sẽ được khắc phục.”

Riêng thú y có vấn đề năng lực chuyên môn yếu kém thì vừa rồi các nhà tài trợ quốc tế và chính phủ cũng đã hỗ trợ nhiều rồi. Về bệnh thành tích làm ít báo cáo nhiều, chúng tôi khắc phục bằng cách tăng cường kiểm tra. Chắc chắn từ nay tới cuối năm những ‘bệnh’ đó sẽ được khắc phục.

Theo tường thuật của VietnamNet, Bộ trưởng Cao Đức Phát tỏ ra nghi ngờ về bệnh thành tích diễn ra ở một vài địa phương đã gây thiệt hại cho công tác phòng chống dịch.

Tỉnh Quảng Nam được đưa ra làm thí dụ, mỗi khi toàn quốc xảy ra dịch bệnh thì đều có mặt Quảng Nam. Ông Võ Văn Cường Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh thừa nhận, dịch tai xanh xuất hiện từ 25/6, song đến 5/7 lực lượng thú y mới phát hiện và phải đến nửa tháng sau mới tìm ra nguyên nhân làm lợn chết. Khi đó, dịch đã lan ra tới 6 huyện, làm 10 ngàn con mắc bệnh.

Bài học mà Quảng Nam thu được chính là phải xác định ngay được dịch và có quyết sách kịp thời. Ông Cường còn phàn nàn khi phát hiện dịch xuất hiện ở xã Quế Phú Huyện Quế Sơn, thú y tỉnh thấy dịch có dấu hiệu lan mạnh trên diện rộng, nên đã yêu cầu chính quyền huyện khoanh vùng để tiêu huỷ.

Song tất cả lãnh đạo chính quyền địa phương, kể cả cấp cao nhất ở Huyện, đều đứng ngoài cuộc với lý do sợ ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ngoài ra ở địa phương, chuyện lực lượng thú y mỏng, yếu vẫn là thực tế đang tồn tại.

Ở tỉnh Quảng Nam, cấp huyện không có phòng nông nghiệp mà thay thế là phòng kinh tế huyện. Mỗi huyện chỉ có từ 5 tới 7 cán bộ thú y. Còn tại xã chỉ có vài ngừơi mà duy nhất chỉ có một người được Nhà nứơc trả lương.

Theo tường thuật của VietnamNet, chính nhân viên thú y ngoài biên chế đã chất vấn: tại sao họ phải có trách nhiệm khai báo thông tin dịch bệnh khi họ không nhận được bất kỳ phụ cấp gì. Kéo theo đó là tình trạng tiêm phòng không đủ, không đúng kỹ thuật, không phát hiện sớm và kịp thời, dẫn tới dịch bệnh dây dưa kéo dài.

Nhiều loại dịch bệnh liên tục

Hội nghị nhận định, năm 2007 là năm ngành thú y khá vất vả do sự bùng phát đồng thời nhiều loại bệnh trên gia cầm gia súc.

Theo VietnamNet ông Bùi Quang Anh Cục Trưởng Thú Y tổng kết là từ 12/2003 tới nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch. Đợt dịch gần đây nhất là vào tháng 12/2006 và tháng 5/2007, lây bệnh cúm H5H1 cho đàn gia cầm ở 250 xã thuộc 103 quận huyện của 30 tỉnh thành.

Tổng số gia cầm bị chết và tiêu huỷ là khoảng 400 ngàn con. Theo lời ông Quang Anh các đợt dịch ở xã, ổ dịch xảy ra chủ yếu với qui mô nhỏ lẻ, không lây lan nhanh như năm 2004-2005, chủ yếu trên đàn thuỷ cầm chưa tiêm phòng.

Chúng tôi xin thêm rằng ở cao điểm dịch 2004-2005, Việt Nam đã phải tiêu huỷ hơn 40 triệu gà vịt. Về nhân mạng tính chung từ 12/ 2003 tới nay, đã có 46 người chết vì nhiễm H5N1, riêng mùa dịch 2007 có 4 ca tử vong.

Vẫn theo VietnamNet, ông Bùi Quang Anh nhấn mạnh rằng, năm nay đánh dấu sự xuất hiện và bùng phát rộng nhiều loại bệnh mới trên gia súc, điển hình là bệnh tai xanh còn gọi là hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn với 2 đợt vào tháng 3 ở miền Bắc và hồi tháng 6 ở miền trung. Gần 32 ngàn con lợn ở 146 xã thuộc 25 huyện bị bệnh, trong đó có 7.300 con bị chết và xử lý.

Trả lời Nam Nguyên Cục Trưởng Thú Y Bùi Quang Anh cho biết thêm thông tin về những nhận xét của Lương Nông Quốc Tế, đối với khả năng dập tắt dịch tai xanh ở Việt Nam:

“Khi các ổ dịch tai xanh mới xuất hiện là chúng tôi tiêu huỷ ngay đỡ tốn kém và hỗ trợ cho dân , như ơ Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Định. Bước đầu ở bên Mỹ chẩn đoán vi rút này có độc lực cao, nên tiêu huỷ là đúng, chứ còn tiêm phòng hay chữa trị thì bên TQ người ta làm không có kết quả. Chuyên gia FAO sang VN thấy là chúng tôi đã làm nhanh chóng trong vòng 50 ngày đã dập xong dịch này. Họ cho cho rằng nếu VN làm đồng bộ và quyết liệt hơn nữa thì bệnh tai xanh ở VN không là vấn đề đáng ngại.”

Ý thức cộng đồng

Tại Hội nghị, Ông Quang Anh cũng đề cập tới bệnh liên cầu khuẩn lợn cũng đã làm ngừơi chăn nuôi người tiêu dùng hoang mang, vi khuẩn streptococcus suis trong lợn bệnh làm cho ngừơi tiếp xúc có thể bị nhiễm khuẩn và tử vong. Ít nhất đã có 42 trường hợp lây bệnh và 2 ngừơi tử vong.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy dịch lở mồm long móng bớt hơn năm 2006, trong 8 tháng năm 2007, 36 tỉnh có dịch lở mồm long móng, gia súc mắc bệnh gồm 7.500 con trâu gần 11 ngàn con lợn, tiêu huỷ tổng cộng gần 12 ngàn con.

Theo VietnamNet, cục trưởng thú y cũng cho biết là bệnh dại có chiều hứơng gia tăng khi có tới hơn 330 ngàn trường hợp bị súc vật cắn, nhiều nhất là bị chó cắn phải đi tiêm phòng dại. Đã có tới 81 ca tử vong vì bệnh dại.

Thưa quí thính giả, có nhận định cho rằng ý thức cộng đồng chưa cao, khiến cho số ngừơi bị chó dại cắn gây tử vong cao gấp đôi số người chết vì cúm gia cầm H5N1.

Tại hội nghị, bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương cần có một chính sách đồng bộ trong việc khống chế các loại dịch bệnh, vì nguy cơ dịch luôn tiềm ẩn.

Căn cứ từ kết quả mà hội đồng khoa học các ngành chăn nuôi thú y đưa ra thì tiêm phòng vắc xin cho gia cầm vẫn là biện pháp tốt nhất trong điều kiện chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ của Việt Nam.

Vì thế theo Bộ trưởng Cao Đức Phát biện pháp cơ bản vẫn là tiêm phòng đúng, đủ và trung thực, kiểm tra phát hiện sớm, xử lý gọn và kiên quyết.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.