Việt Nam chuẩn bị sửa luật Lao động về đình công


2006.02.18

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Tình trạng đình công tại các doanh nghiệp khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tưởng chừng được giải quyết xong vào dịp sau Tết. Thế nhưng thực tế không theo như dự kiến. Để tìm hướng đối phó, nhà cầm quyền đang tổ chức lấy ý kiến để sửa đổi luật Lao động, trong đó có điều khoản liên quan đến việc đình công.

StrikeFDI200.jpg
Trong những ngày qua, các vụ đình công của hàng chục ngàn công nhân đã được quan tâm đặc biệt. Photo courtesy of Vietnam Net

Hồi tuần trước, Ủy ban Công nhân Quốc tế phân hội Thụy Điển phổ biến một bản tin đề cập tới các vụ đình công hàng loạt vừa qua tại Việt Nam.

Bản tin nhắc lại lời báo cáo của bà Sonja Grush của Ủy ban Công nhân Quốc tế phân hội Áo, trình bày trước Ủy ban hồi tháng Mười Hai năm 2005 sau khi viếng thăm Việt Nam trở về.

Mối đe dọa

Bà Sonja Grush nói rằng Tổng liên đoàn Lao động là một thành tố của đảng Cộng sản, hơn là một tổ chức đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân. Dù rằng luật lao động Việt Nam công nhận quyền đình công, nhưng các vụ đình công vừa qua liên tục bị quan chức nhà nước kết án là bất hợp pháp.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam rúng động vì những loạt đình công đó, nên đã kiên quyết gia tăng sự hoạt động của họ tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Nhưng dĩ nhiên không phải là để đẩy mạnh việc tranh đấu cho quyền lợi của công nhân, mà lại là nhằm giới hạn không để đình công lan rộng, có thể trở thành mối đe dọa cho sự bền vững của chế độ.

Cái này luật pháp chưa được học nên có theo luật pháp không thì em không biết (cười)...nhưng bộ luật Lao động đã nói là có quyền đình công, thì tụi công nhân chúng em cũng không có sai ạ.

Bà Sonja Grush của Ủy ban Công nhân Quốc tế phân hội Áo nhận định rằng công nhân Việt Nam nay đã nhận thức được sức mạnh tập thể của họ, và điều đó sẽ khiến nhà cầm quyền khó khăn hơn trong ý định chế ngự tập thể nghèo nhất và khổ nhất nước này.

Nhận định của quốc tế không có gì là cá biệt vì chính ngay trong nước đã có nhiều bài báo trên Thời báo Kinh tế Việt Nam, Tuổi Trẻ, Người Lao động....đã đề cập tới những bất công kéo dài đã hàng chục năm nay đè nặng trên vai người công nhân, thành phần nòng cốt của chế độ Xã hội Chủ nghĩa.

Luật Lao động

Tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam cho biết trong gần 1 ngàn cuộc đình công xảy ra trong mấy năm gần đây, chưa có lấy một vụ được xem là đúng luật Lao động. Như vậy tức là luật này có nhiều điểm không phù hợp với thực tiễn trong nước.

Dù vậy, người công nhân lao động ít học, khi uất ức thì vẫn nghĩ lẽ phải ở về phía họ, theo ý nghĩa đẹp nhất, đúng nhất của luật pháp.

“Cái này luật pháp chưa được học nên có theo luật pháp không thì em không biết (cười)...nhưng bộ luật Lao động đã nói là có quyền đình công, thì tụi công nhân chúng em cũng không có sai ạ..”

Luật Lao động thật ra có, nhưng ít ai nắm được. Lý do là khi Quốc hội thông qua luật Lao động vào năm 1994, trong đó có chương 14 quy định về giải quyết tranh chấp lao động. Căn cứ vào đó, Thường vụ Quốc hội ra Pháp lệnh về Thủ tục Tranh chấp Lao động vào năm 1996, trong đó có vấn đề giải quyết đình công.

Kế đến thì Chính phủ, bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng nhiều bộ, ngành liên quan ban hành hơn 30 Nghị định, trên 100 Thông tư để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành bộ Luật Lao động. Chừng đó giấy tờ, nhiều luật sư cho biết chưa chắc chính bộ trưởng lao động nắm hết, nói chi tới công nhân ?

Một viên chức thương mại Đài Loan tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Cao Chinmay cho biết trình tự tổ chức một cuộc đình công quá sức phức tạp, nên giới công nhân không đếm xỉa tới và cứ đình công, dù là tự phát.

Quyền lợi của công nhân

Chúng tôi chưa có thông tin chính thức nào về vấn đề này. Nhưng theo tôi thì nếu họ sửa đổi luật Lao động, thì họ nên tham khảo ý kiến giới đầu tư. Không riêng ý kiến phía lao động, mà còn cần nhận định của bên doanh giới nữa.

Nhìn ra vấn đề, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, bà Cù thị Hậu mới tuyên bố rằng "để giảm đình công tự phát, cái gốc là sửa luật". Tổng liên đoàn tổ chức lấy ý kiến nhằm sửa đổi điều 14 của luật Lao động cho phù hợp với thực tế, nhưng không phải ý kiến của công nhân, mà là của quan chức công đoàn miền Đông Nam bộ. Bà nói điều cốt yếu là làm sao cho người lao động có thể đình công được khi quyền lợi của họ bị xâm phạm.

Liệu sau khi sửa điều 14 thì công nhân có thể đình công hay không khi quyền lợi của họ bị chính Nhà nước xâm phạm. Chẳng hạn như việc ông Nguyễn Thiện Nhân, phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh nhắc rằng luật quy định "trượt giá 10% thì mới cho tăng lương", thì nay chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 28% mà không thấy ai nhắc tới điều chỉnh lương bổng ?

Hay vì sao mà bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cứ giữ mãi giá quy đổi đồng đôla Mỹ từ năm 1997 cho tới nay, tức 1 đô ăn 13,910 đồng, mà không chịu tính theo thời giá, khiến lương thực tế của công nhân giảm sút ?

Tại buổi lấy ý kiến các công đoàn tổ chức ở Đồng Nai hôm thứ Năm vừa qua, hầu hết các đại biểu nhận định là nếu dự thảo sửa đổi được thông qua, thì quyền đình công của công nhân càng khó có thể thực hiện được.

Điển hình như điều 173 của dự thảo quy định đến 7 điểm gồm 13 khoản về tính hợp pháp của một cuộc đình công. Chỉ cần vi phạm 1 trong 13 điểm này là bị coi là bất hợp pháp. Đáng lưu ý là điểm đình công phải diễn ra trong phạm vi doanh nghiệp, nếu chủ đóng cổng thì xem như không có đình công hợp pháp vì công nhân phải đứng ở ngoài đường.

Phía chủ nhân các công ty

Phía chủ nhân, đặc biệt là giới đầu tư nước ngoài tuy chưa được tham khảo ý kiến cũng tỏ ra bức xúc. Bà Cao Chinmay của văn phòng Kinh tế Đài Loan ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

“Chúng tôi chưa có thông tin chính thức nào về vấn đề này. Nhưng theo tôi thì nếu họ sửa đổi luật Lao động, thì họ nên tham khảo ý kiến giới đầu tư. Không riêng ý kiến phía lao động, mà còn cần nhận định của bên doanh giới nữa.”

Trong một bài trước, chúng tôi loan báo hồi trước Tết, phòng Thương mại Liên Âu tại Hà Nội đã gởi một bức thư cho Thủ tướng Phan văn Khải yêu cầu giải quyết rốt ráo tình trạng đình công lan tràn. Hôm qua viên chức Kinh tế Đài Loan cho hay mới đây các phòng Thương mại các nước Á châu ở Việt Nam cũng vừa gởi một bức thư chung cho Thủ tướng.

“Thật ra chúng tôi đã làm. Cách nay mấy ngày, phòng thương mại Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan ....cũng vừa gởi một bức thư chung cho Thủ tướng, và đã được trả lời rằng chính phủ đang nghiên cứu xem có cần tham khảo ý kiến doanh giới nước ngoài hay không.”

Trong buổi phúc trình của Ủy ban Công nhân Quốc tế hồi tháng Mười Hai năm ngoái, bà Sonja Grush của Ủy ban Công nhân Quốc tế phân hội Áo, cảnh báo rằng tình hình lao động rối ren như hiện nay còn tiếp diễn, thì cuộc khủng hoảng năm 1997-1998 ở Việt Nam khi các nhà đầu tư tháo chạy hàng loạt, có thể sẽ còn tái diễn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.