Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam lần thứ 12 tổ chức tại quốc hội Hoa Kỳ


2006.05.12

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam đã diễn ra tại quốc hội Hoa Kỳ sáng thứ Năm vừa qua, đánh dấu 12 năm ngày tổng thống tiền nhiệm Hoa Kỳ là ông Bill Clinton ký ban hành đạo luật chỉ định ngày 11 tháng Năm mỗi năm là ngày nhân quyền cho Việt Nam. Thanh Trúc tường trình chi tiết.

GeorgeAlan200.jpg
Thượng nghị sĩ George Allen tại Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam lần thứ 12. Photo RFA/Thanh Truc >> Xem hình lớn hơn

Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam năm nay được tổ chức hôm thứ Năm 11 tháng Năm tại toà nhà Dirksen thuộc Thượng viện của quốc hội Hoa Kỳ, dưới sự bảo trợ của thượng nghị sĩ George Allen của tiểu bang Virginia.

Theo ông thì dù như Việt Nam có nhiều tiến bộ về mặt nhân quyền, nhưng nhiệm vụ của những người tôn trọng quyền làm người đích thức và những quyền tự do căn bản của con người vẫn phải có tranh đấu sao cho mỗi một người Việt Nam có được quyền tự do thờ phượng, tự do phát biểu ý kiến và tự do chọn cho mình một chính kiến.

Cùng các đại diện dân cử khác như nữ dân biểu Loretta Sanchez bang California, thượng nghị sĩ Sam Brownback bang Kansas.

Các tổ chức đồng bào trợ Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam năm nay là Liên Đoàn Lao Động Hoa Kỳ AFL-CIO, Ân Xá Quốc Tế Amnesty International, Trung Tâm Nhân Quyền Robert Kennedy, Hội Y Sĩ Cho Nhân Quyền, Uỷ Ban Hàn Lâm Quốc Gia Về Nhân Quyền, Tổ Chức Fredom Now, Liên Minh Quốc Gia Đàn Kết Miến Điện, Phong Trào Dân Chủ Lào, bên cạnh các tổ chức của cộng đồng người Mỹ gốc Việt vùng thủ đô và các tiểu bang khác.

Cổ vũ quyền làm người

Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam tại quốc hội Hoa Kỳ là một sinh hoạt thường năm để cổ vũ quyền làm người và các quyền tự do căn bản khác tại Việt Nam, mà tổ chức đứng ra điều hợp là Uỷ Ban Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản do bác sĩ Nguyễn Quốc Quân thành lập để hổ trợ việc đầu tranh tự do dân chủ của bào đệ ông là bác sĩ Nguyễn Đan Quế, cựu tù nhân lương tâm và hiện đang bị quản thúc tại gia ở Việt Nam.

Sau khi ra tù và trong thời gian bị quản chế, bác sĩ bất đồng chính kiến Nguyễn Đan Quế soạn thảo lộ trình dân chủ gồm 9 điểm mà ông yếu cầu nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện. Đó là một trong những lý do khiến tên tuổi ông được các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới biết đến. Tên của ông cũng thường được các đại diện lập pháp Mỹ và người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ đề cập tới như một biểu tượng của sự cổ vũ và đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền trong nước.

LorettaSanchez200.jpg

Tại Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam lần thứ 12 năm nay, một đại diện đọc bức thư do bác sĩ Nguyễn Đan Quế gời từ Việt Nam qua cho Uỷ Ban Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, nội dung kêu gọi người Việt hải ngoại tiếp tục hổ trợ và lên tiếng để chính phủ Việt Nam cải thiện nhân quyền và tôn trọng những quyền cơ bản khác của con người như quyền tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do lập hội, vào khi đất nước trên đà mở rộng cừa và phát triển về mặt kinh tế như hiện nay.

Thượng nghị sĩ Sam Brownback và nữ dân biểu Loretta Sanchez cũng là hai trong những người phát biểu tại Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam năm nay. Tưởng nên nhắc lại bà Loreatta Sanchez và ông Sam Broawback từng đi Việt Nam, từng thăm viếng những nhà lãnh đạo bất đồng chính kiến đang bị sách nhiễu trong nước như linh mục Nguyễn Văn Lý, hoà thượng Thích Quảng Độ, bác sĩ Nguyễn Đan Quế.

Tháng Tư vừa qua, nhà cầm quyền Việt Nam từ chối cấp chiếu khán cho bà Loretta Sanchez đi thăm Việt Nam với lý do là thời điểm bà đến không thuận lợi cho việc tiếp đón vì Việt Nam bận tổ chức đại hội đảng.

Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam

Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do, bà Sanchez nói rằng hôm nay người Mỹ gốc Việt đến quốc hội để kỷ niệm Ngày Nhân Quyến Cho Việt Nam, và ai cũng rõ nhân quyền không chỉ là nhu cầu cho riêng Việt Nam mà là nhu cầu chung đối với mọi quốc gia trên thế giới:

Bà nói trong cương vị một siêu cường của thế giới, Hoa Kỳ có bổn phận phải thúc đẩy tinh thần tôn trọng nhân quyền tại các quốc gia trên thế giới, trong y nghĩa đó Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam hôm nay là cơ hội để cổ vũ cho tình trạng nhân quyền đang thiếu vắng tại Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của đài Á Châu Tự Do, tiến sĩ Richard Saisomorn, đại diện Phong Trào Dân Chủ Lào ở West Virginia, cũng là người lên tiếng trong Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam năm nay, so sánh tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và Lào là hai quốc gia còn nằm trong chế độ độc đảng.

Ông nói nhìn chung thì tình trạng nhân quyền tại Lào hay tại Việt Nam có vẻ nghèo nàn như nhau, thế nhưng nếu phân tích kỹ thì:

VnHumanRigth200.jpg
Các đại diện dân cử như nữ dân biểu Loretta Sanchez bang California, thượng nghị sĩ Sam Brownback bang Kansas tại Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam. Photo RFA/Thanh Truc. >> Xem hình lớn hơn

“Tình trạng nhân quyền ở Việt Nam dầu sao cũng tốt đẹp hơn ở Lào vì Việt Nam mở rộng cửa hơn ra ngoài thế giới và các nước, trong lúc xã hội Lào vẫn còn kín cửa đối với. Tôi có thể nói về mặt nhân quyền thì Việt Nam tiến nhanh hơn Lào.”

Có mặt tại Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam ở Thượng viện Hoa Kỳ, cố vấn thứ trưởng ngoại giao Mỹ chuyên trách Dân Chủ và Toàn Cầu sự Vụ, ông Joseph Murphy Bracken, cho rằng Việt Nam có nhiều tiến triển về nhân quyền.

Thế nhưng những phúc trình nhân quyền mà bộ ngoại giao nhận được dạo gần đây cho thấy quyền con người ở Việt Nam cần phải được cải thiện nhiều hơn nữa, phải đúng với tiêu chẩun quốc tế vào khi Hà Nội tập trung đẩy mạnh đàm phán để gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO.

Nhận xét về Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam lần thứ 12, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, hiện định cư tại bang Virginia Hoa Kỳ, cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Hội thảo về quyền lợi và quyền lập hội của công nhân

Điểm đặc biệt của Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam năm nay là sau buổi lễ kỷ niệm tại toà nhà Thượng viện Dirksen buổi sáng, vào buổi chiều sẽ có buổi hội thảo về Quyền Của Người Công Nhân Và Ủng Hộ Việc Thành Lập Các Nghiệp Đoàn Độc Lập Tại Việt Nam.

Là người giữ trách nhiệm điều hợp buổi hội thảo về quyền lợi và quyền lập hội của công nhân Việt Nam, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích trình bày ý nghĩa và thành phần hội thảo viên: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Hội thảo sẽ kết thúc với một nghị quyết gởi lên quốc hội Hoa Kỳ, mục đích tìm kiếm sự hổ trợ của giới đại diện lập pháp Mỹ cho việc thành lập nghiệp đoàn cho công nhân cũng như cải thiện quyền lợi cho người lao động Việt Nam.

Thanh Trúc tường trình từ Washington DC.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.