Siêu thị vẫn còn được xem là nơi mua sắm xa xỉ đối với người bình dân


2005.12.24

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB cho thấy tại Việt Nam, siêu thị vẫn còn được coi là những nơi mua sắm xa xỉ, xa vời đối với những thành phần lao động bình dân.

MetroShopping200.jpg
Khách hàng tại chợ Metro ở Hà Nội. AFP PHOTO

Đối với thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, đa số vẫn duy trì thói quen mua sắm tại các chợ lớn, nhỏ hoặc các hàng gánh vãng lai, chứ chưa mấy ai ghé đến siêu thị, mặc dù ngày càng có nhiều siêu thị đủ mọi tầm cỡ mọc lên khắp nơi. Trà Mi hỏi thăm một vài người dân trong nước để tìm hiểu thêm.

Một bà nội trợ cư ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM cho biết: “Những người thu nhập khá giả có tiền thường đi siêu thị mua sắm quần áo, đồ đạc. Họ muốn dùng hàng hiệu vậy đó mà. Còn người lao động bình dân thì đi chợ. Ở chợ bán rẻ hơn.”

Ðối với người bình dân

Trà Mi: Đối với chị, chủ yếu chị mua sắm đồ ăn, thực phẩm hàng ngày ở đâu?

Bà nội trợ tại quận Tân Bình: Tôi đi chợ không hà. Tôi chỉ đi siêu thị khi có hàng khuyến mãi thôi, tại vì siêu thị lúc nào cũng bán mắc hơn ở ngoài.

Ở siêu thị quần áo không được trả giá mà lại mắc hơn ở ngoài nên tôi mua quần áo ở chợ không hà. Thực phẩm và nhu yếu phẩm thường tôi cũng mua sắm ở chợ thôi, cái gì cũng rẻ hơn ở siêu thị. Siêu thị đề giá nhiêu bán nhiêu, lại còn không cho đổi. Còn ở ngoài nhiều khi mua vài ngày sau vẫn còn cho đổi.

Ở siêu thị quần áo không được trả giá mà lại mắc hơn ở ngoài nên tôi mua quần áo ở chợ không hà. Thực phẩm và nhu yếu phẩm thường tôi cũng mua sắm ở chợ thôi, cái gì cũng rẻ hơn ở siêu thị. Siêu thị đề giá nhiêu bán nhiêu, lại còn không cho đổi. Còn ở ngoài nhiều khi mua vài ngày sau vẫn còn cho đổi.

Trà Mi: Giá cả siêu thị so với các chợ chênh lệch có nhiều không chị?

Bà nội trợ tại quận Tân Bình: Tuỳ theo. Quần áo thì siêu thị bán mắc tới phân nửa giá lận, thay vì ở ngoài mua 50, ở siêu thị phải mua 100. Còn đồ ăn thì ở ngoài giả tỷ 10 ngàn thì ở siêu thị khoảng mười mấy ngàn vậy đó. Chênh lệch mấy ngàn.

Trà Mi: Chênh lệch về giá cả vậy thì chất lượng có chênh lệch không chị? Có ngon hơn, tốt hơn, đảm bảo hơn không?

Bà nội trợ tại quận Tân Bình: Đúng rồi, hàng siêu thị thì có date đàng hoàng. Còn thực phẩm gì tươi sống thì thà mua ở ngoài ngon hơn, thịt cá tươi về ăn liền. Hàng siêu thị là hàng đông lạnh, họ để lâu mấy ngày.

Trà Mi: Theo chị thấy thì khách đến siêu thị phần đông để mua sắm hay chỉ ngắm nhìn cho thoả thích?

Bà nội trợ tại quận Tân Bình: 10 người đi siêu thị thì chừng 2 người mua thôi, còn lại là đi ngó chơi không hà. Thường ở đây, siêu thị những ngày có khuyến mãi người ta đi nhiều hơn là không có.

Người quản lý siêu thị

Vừa rồi là ý kiến của 1 người lao động bình dân tại quận Tân Bình. Giá cả siêu thị chênh lệch với giá chợ ra sao? Ngoài giá cả, những yếu tố nào khiến cho đa phần dân Việt Nam vẫn chưa mấy mặn mà với các siêu thị? Trà Mi đã trao đổi với một người quản lý của siêu thị Big-C, một tập đoàn siêu thị lớn và có uy tín trong nước.

Trà Mi: Giá cả ở siêu thị so với giá bán bên ngoài ra sao?

Bây giờ thành phần công chức người ta đi siêu thị nhiều lắm. Hiện bản thân tôi cũng ít đi chợ, đi siêu thị là chủ yếu, vì ở siêu thị đồ nhiều lắm, tha hồ lựa chọn. Hàng siêu thị giá ổn định khỏi phải mắc công trả giá. Thứ hai, những mặt hàng trong siêu thị là những hàng có chất lượng.

Quản lý siêu thị Big-C: Nó có chênh lệch, cho nên người đi chợ người ta luôn cảm thấy mắc hơn. Vì giá hàng hoá siêu thị đắt đỏ so với túi tiền của người lao động cho nên họ đi nhìn ngắm là nhiều. Chỉ có những ngày lễ, hay cuối tuần, công nhân họ lãnh lương thì họ mới tới mua. Chứ bình thường họ vào xem là nhiều. Thực ra siêu thị vẫn còn dành cho những người có thu nhập cao.

Trà Mi: Theo chị, ngoài giá cả còn có những nguyên do nào khác khiến người tiêu dùng không lựa chọn siêu thị không?

Quản lý siêu thị Big-C: Có lẽ vì mua đồ ở chợ tiện lợi và một phần do thói quen. Còn đi vào siêu thị phải chờ đợi tính tiền, rồi gửi xe..Một mặt do tâm lý người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích trả giá khi mua hàng. Nếu muốn giá rẻ thì mua ở chợ, còn những người muốn chất lượng, muốn đảm bảo vệ sinh thì đi siêu thị, và những ai bận bịu công việc đi làm về ghé cho thuận tiện.

Những người có thu nhập cao

Như vậy, dường như siêu thị tại Việt Nam đối với người bình dân, vẫn còn như một kiểu “nhà trưng bày hàng hoá” để đến tham quan, ngắm nghía, còn với những thành phần có thu nhập cao thì phần nào đã trở nên một điểm mua sắm phổ thông, gần gũi. Trà Mi có dịp hỏi thăm một công chức thuộc thành phần có thu nhập khá tại TPHCM.

Công chức tại TPHCM: “Bây giờ thành phần công chức người ta đi siêu thị nhiều lắm. Hiện bản thân tôi cũng ít đi chợ, đi siêu thị là chủ yếu, vì ở siêu thị đồ nhiều lắm, tha hồ lựa chọn. Hàng siêu thị giá ổn định khỏi phải mắc công trả giá. Thứ hai, những mặt hàng trong siêu thị là những hàng có chất lượng.”

Trà Mi: Nhiều người cho rằng giá cả hàng hoá trong siêu thị luôn đắt đỏ hơn ở ngoài chợ…

Công chức tại TPHCM: Thì nói chung tiền nào của nấy. Nhiều khi đi chợ mua rau rẻ nhưng về còn phải lặt lựa ra. Còn mua trong siêu thị mắc hơn chút xíu nhưng đồ ăn trong đó là đồ tốt, ngon không hà. Thì mình chịu mắc hơn chút xíu nhưng được cái là mua được đồ ngon.

Mắc nhưng so ra là lợi tại vì ra chợ nhiều khi nói giá cao trả bị hớ đâm ra nhiều khi còn mắc hơn trong siêu thị nữa. Vả lại siêu thị có tất cả mặt hàng của nhiều nhà sản xuất, dễ lựa chọn. Hàng hoá để từng khu vực, dễ tìm kiếm.

Bây giờ, ngoài siêu thị ra, còn có những cửa hàng bán đồ ăn cũng tựa tựa như trong siêu thị vậy đó, đóng gói sẵn sạch sẽ. Chiều công nhân viên chức đi làm về, nhiều khi đón con về phải chen chúc vô chợ mệt lắm. Hơn nữa, vô chợ hay bị móc túi giựt dọc. Vô siêu thị sạch, mát, có máy lạnh, lại không có trộm cắp gì trong đó cả.

Trà Mi: Xin cảm ơn chị.

Vừa rồi là vài mẫu đối thoại ngắn giữa Trà Mi với một vài người dân trong nước để tìm hiểu thị hiếu của khách hàng trong việc lựa chọn nơi mua sắm giữa siêu thị và chợ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.