Câu chuyện của Trung tá Hạnh Nhơn, cựu nữ quân nhân VNCH


2005.04.25

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Cuộc chiến Việt Nam đi qua đã để lại những mất mát, đau thương cho hàng triệu phụ nữ Việt. Sự hy sinh của phụ nữ trong thời chiến không chỉ là những người chồng, những đứa con cho chiến tranh, mà nhiều người đã hy sinh tuổi thanh xuân và có khi là cả cuộc đời của mình nữa.

Trung tá Hạnh Nhơn khi còn tại ngũ.

Trong chương trình hôm nay, Trà Mi xin mạn phép giới thiệu đến quý vị một cựu nữ quân nhân của quân lực Việt Nam Cộng Hoà, Trung Tá Trưởng Đoàn Nữ Quân Nhân Không Quân: Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, người đã tham gia và phục vụ quân đội trong suốt 25 năm.

Trung Tá Trưởng Đoàn Nữ Quân Nhân Không Quân

Cô Hạnh Nhơn bước chân vào binh nghiệp năm 1950, khi còn là một cô gái 23 tuổi, đầy sức sống và nhiệt huyết. Trong 7 năm đầu, cô làm việc cho Sở Hành Chánh Tài Chánh, đảm nhiệm việc kế toán lương hướng.

Sau đó, cô chuyển về công tác tại Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương, làm sĩ quan tiếp liệu, lo về y cụ, doanh trại cho quân y trong suốt 7 năm.

Đến năm 1964, người con gái dịu dàng của miền Trung vào Sài Gòn, để giữ chức vụ Trưởng phòng Hành Chánh Trung Tâm Huấn Luyện Nữ Quân Nhân. Sau một năm, cô về Văn Phòng Đoàn Nữ Quân Nhân tại Bộ Tổng Tham Mưu làm trưởng phòng nghiên cứu trong 4 năm, rồi được điều về Bộ Tư Lệnh Không Quân, với vị trí Trung Tá Trưởng Đoàn Nữ Quân Nhân Không Quân.

Cô phụ trách công tác quản lý nữ quân nhân không quân của 4 vùng chiến thuật, coi về kỷ luật, tác phong, tuyển mộ, huấn luyện, thanh tra cho đến ngày miền Nam sụp đổ. Và cuộc đời ngừơi nữ quân nhân tận tuỵ cũng sang trang từ đây.

Mời quý vị tham gia Trang Phụ Nữ. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Lối rẽ cuộc đời đầy nước mắt

Với bề dày hoạt động và những chức vụ quan trọng trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà, ngày quân đội miền Bắc phất cờ reo mừng chiến thắng cũng là lúc Trung Tá Hạnh Nhơn cùng những chiến hữu của cô bị bắt vào các trại cải tạo tập trung, kết thúc quãng đời binh nghiệp, dở dang những lý tưởng, những hoài bão của riêng mình, và bỏ lại sau lưng một gia đình cùng đàn con thơ dại.

Bốn năm trong tù cải tạo đối với người nữ quân nhân bình dị, dễ mến này, là một thời gian đằng đẵng, một lối rẽ cuộc đời đầy nước mắt. Cô đã được chuyển qua rất nhiều trại giam và đã nếm trải bao nhiêu gian khổ, nhọc nhằn của 1 nữ tù nhân chính trị.

Sau ngày ra tù, cuộc đời cô tiếp nối bằng những chuỗi ngày khó khăn, vất vả với hai bàn tay trắng trong cái nhìn khắt khe của 1 xã hội mới đối với những lớp người được coi là chế độ cũ như cô.

Làm việc thiện nguyện

Cho đến thập niên 90, cô Hạnh Nhơn được một người con trai sang Mỹ trước 75 bão lãnh. Là một người từng nếm trải và thấu hiểu những kinh nghiệm đau thương của chiến tranh, nên ngay khi đặt chân tới Mỹ, cô đã tham gia đóng góp vào các hoạt động giúp đỡ anh em cựu tù nhân chính trị trong bước đầu định cư trên xứ ngừơi.

4 năm đầu ở Mỹ, cô là Phó chủ tịch Hội tương trợ Cựu tù nhân Chính trị, tổ chức bảo trợ, giúp đỡ những cựu chiến binh không có thân nhân tại Mỹ sang đây định cư. Hơn 10 năm nay, cô đảm nhiệm vai trò Tổng thư ký của Hội Cứu trợ Thương phế binh và Quả phụ tử sĩ.

Giờ đây, người cựu nữ quân nhân ngày nào tuy đã gần tuổi 80, nhưng ngày ngày vẫn âm thầm, cần mẫn với công việc quyên góp thiện nguyện, gửi về nước giúp đỡ thương binh, những đồng đội trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà cùng gia đình của họ.

Trò chuyện với cô Hạnh Nhơn

Bây giờ, mời quý vị cùng Trà Mi gặp gỡ nữ cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hoà, Trung Tá Hạnh Nhơn.

Trà Mi: Kính chào cô Hạnh Nhơn, nghe qua cô có tới 25 năm phục vụ quân đội là Trà Mi đã hết sức ngạc nhiên rồi, nhưng có một điều mà Trà Mi rất thắc mắc không biết vì sao cô quyết định gia nhập quân ngũ từ hồi còn là một cô gái rất trẻ ở tuổi đôi mươi?

Xin theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh bên trên.

Trang Phụ nữ xin chia tay với quý vị tại đây. Những chuyên đề về nữ giới đã được thực hiện trong thời gian qua được lưu giữ tại trang web của Đài ACTD ở địa chỉ www.rfa.org, để quý vị có thể nghe và xem lại. Hẹn gặp lại quý vị trong một chuyên đề mới trên làn sóng này, vào tuần sau. Trà Mi kính chào.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
16/06/2015 16:07

Cụ bà Hạnh Nhơn quê nội ở bến Tam Thương, Quảng Ngãi?