Các tổ chức nhân quyền quốc tế ủng hộ và chúc mừng khối 8406 vừa tròn 1 tuổi


2007.04.08

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Khối 8406, tiếng nói ôn hòa cùa hàng vạn chiến sĩ trong và ngoài nước, đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam, sẽ kỷ niệm một năm đầu tiên thành lập vào ngày chủ nhật, mồng 8 tháng 4 năm 2007.

BradAdams200.jpg
Ông Brad Adams, giám đốc chuyên trách bộ phận Châu Á. AFP PHOTO.

Trong loạt bài nói về hoạt động của khối 8406 do đài Á Châu Tự Do chúng tôi thực hiện, hôm nay xin mời quý vị thính giả nghe lời phát biểu của một số chính khách và nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận thuộc các tổ chức quốc tế ở Hoa Kỳ và Châu Âu.

Từ Luân Đôn, Anh Quốc, ông Brad Adams, giám đốc Human Rights Watch, tức tổ chức giám sát nhân quyền quốc tế, đặc trách Á Châu bày tỏ sự thán phục của ông đối với khối 8406. Ông tin rằng những người khởi xướng phong trào đấu tranh này là những người can đảm, yêu chuộng tự do, không nao núng trước bạo lực, không sợ cảnh tù đày.

Ủng hộ, thán phục

Ông Adams nhấn mạnh rằng, trước sự lớn mạnh nhanh chóng và uy tín của Khối 8406 nên nhà cầm quyền Hà Nội đã tìm cách ngăn chặn, cụ thể là việc kết án linh mục Nguyễn Văn Lý vào tuần trước.

Vẫn theo ông thì nhà nước Việt Nam e ngại những phong trào vận động cho tự do, dân chủ vì họ luôn mong muốn cũng cố và duy trì quyền lực lâu dài. Theo ông thì chỉ có một phương cách duy nhất để xây dựng dân chủ thật sự là nhà cầm quyền Hà Nội phải tổ chức bầu cử tự do, công bằng, để dân chúng có thể chọn lựa người đại diện xứng đáng của mình.

Kế đó, ông Christopher Davies, ủy viên thông tin báo chí thuộc liên đoàn hòa bình thế giới, có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan, chúc mừng sinh nhật một năm thành lập của Khối 8406, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ của tổ chức này đối với công cuộc vận động cho tự do, dân chủ và phát triển xã hội tại Việt Nam.

Trong một chương trình phát thanh trước đây, tiến sĩ Willem Koetsier, tổng thư ký liên đoàn hòa bình thế giới cũng bảy tỏ thiện cảm với Khối 8406 và yêu cầu công luận quốc tế ủng hộ Tuyên Ngôn Tự Do của nhóm này, vì công luận biết rõ nguyên tắc hành động là vinh danh nhân quyền, bảo vệ tự do tôn giáo, tôn trọng tự do báo chí, và chỉ triệt để ứng dụng phương pháp bất bạo động trong việc đòi hỏi dân chủ đích thực cho Việt Nam.

Ông biết Khối 8406 qua lời giới thiệu của một người bạn Việt Nam hiện sinh sống tại Hà Lan.

Một cựu thủ lãnh trong phong trào đấu tranh của công nhân đaòn kết Ba Lan dưới chế độ cộng sản là ông Miroslaw Chojecki, từ thủ đô Warszawa nói với đài Á Châu Tự Do rằng, ông nhất quyết ủng hộ Khối 8406 và tin tưởng vững chắc là với sức mạnh và nguyện vọng thiết tha của tòan dân Việt, chế độ cộng sản sẽ cáo chung trong một thời gian không xa nữa.

Phản đối sự đàn áp, khủng bố

Ông Julen Pain, phụ trách văn phòng Internet của RSF tức Tổ chức Phóng viên Không Biên giới từ Paris Pháp bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với Khối 8406 vì theo ông đây là một nhóm đấu tranh ôn hòa và kiên trì cho quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Việt Nam.

Ông cũng lên tiếng phản đối bản án nặng nề mà Hà Nội dành cho linh mục Nguyễn Văn Lý, một trong những người vận động thành lập khối 8406, cũng như những nhân vật đấu tranh khác cho dân chủ , nhân quyền và tự do tôn giáo còn bị giam cầm hay quản chế.

Mặt khác, trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt Ngữ chúng tôi, ông Michael Marine, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông đã ngợi khen những thành viên của Khối 8406 là những người dũng cảm và đáng kính trọng khi họ dấn thân tranh đấu cho một nền dân chủ đích thực tại Việt Nam.

Cũng trong cuộc tiếp xúc với phóng viên đài chúng tôi, ông Michael Marine tuyên bố, Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho những người đang bị giam giữ vì lý do chính trị và tôn giáo. Theo ông thì dù chỉ có một người còn bị ngồi tù vì đấu tranh cho dân chủ cũng là quá nhiều rồi, cho nên Hà Nội cần phải trả tự do cho họ càng sớm càng tốt.

Tính đến nay sau một năm hoạt động trong những điều kiện cam go nhất, Khối 8406 đã khởi đầu từ 118 chiến sĩ dân chủ, hòa bình trong nước, hiện đã có hàng ngàn người nơi quê nhà và ở hải ngoại ghi tên tham gia.

Những người ủng hộ phong trào này bao gồm các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo tinh thần, chính trị gia, dân cử, chính khách quốc tế từ Úc sang đến Âu, Á và Mỹ Châu.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.