Hoa đào trong thi ca


2004.03.29

Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio

Tại Hoa Thịnh Đốn, nơi Thy Nga làm việc tại đài, mùa Xuân năm nay chính thức bắt đầu vào ngày 20 tháng Ba. Đến hôm qua, ngày 27, thì thủ đô nước Mỹ khai mạc hội Hoa Anh Đào. Lễ hội kéo dài 16 ngày, gồm nhiều tiết mục trong đó có diễn hành xe hoa, bầu hoa hậu cùng 50 công chúa đại diện cho các tiểu bang và vùng đất của Hoa Kỳ, với những sứ giả thiện chí; trưng bày sản phẩm thủ công nghệ Nhật, và trang phục kimono; biểu diễn nhạc cổ truyền Nhật Bản, nghệ thuật cuốn sushi; đô vật, võ judo; các cuộc thi thể thao, thả diều; hòa nhạc; đốt pháo bông, v.v…

Cùng với tiết trời ấm dần lên, hàng chục ngàn cây đào bừng nở quanh hồ Tidal và dọc theo bờ sông Potomac. “Sakura”... (audio clip)

Thưa quý thính giả, như hằng năm, vào cuối tháng Ba sang đầu tháng Tư, hội Hoa Anh Đào tại Hoa Thịnh Đốn lại thu hút đông đảo du khách khắp nơi đến thưởng hoa. Họ lũ lượt dạo quanh hồ dưới tàng cây rợp hoa, cành la đà chao mặt nước. Màu hồng phơn phớt chen với màu trắng của những cánh hoa đào nổi bật trên nền trời xanh. Cảnh sắc êm đềm làm cho mọi người cảm thấy yên lắng tâm hồn, tạm quên những xáo động của thời sự và nỗi âu lo của đời sống hàng ngày.

Những cây anh đào này khởi thủy là quà tặng của Nhật Bản cho thủ đô nước Mỹ vào năm 1912. Bên xứ Phù Tang, đến kỳ hoa đào nở là dân chúng rủ nhau đi ngắm hoa, như trẩy hội vậy. Hoa anh đào, mà người Nhật gọi là "Sakura", đã là nguồn cảm hứng cho biết bao bài thơ, khúc hát, … bao nhiêu áng văn, họa phẩm, … có người ngắm nhìn sự mong manh của đời hoa mà viết nên những câu triết lý sâu xa.

Hoa anh đào từ khi chúm chím nụ xanh tới khi tàn. Khi hoa rụng cũng đẹp, muôn vàn cánh hoa bay là trong không trung rồi rơi nhẹ như bông tuyết xuống thảm cỏ. Sakura (played with flute and T’rưng) (audio clip)

Đôi khi chỉ một nụ hoa cũng đem lại cho ta sự ấm áp, niềm hạnh phúc nhỏ bé như trường hợp đã đưa nhạc sĩ Phạm Ngọc Lân viết nên mấy câu thơ rồi sau đó, phổ thành nhạc: (audio clip) “Cuối đông có nụ hoa đào nở” Ái Vân trình bày "xứ hoa đào". Nhạc phẩm sau đây của Hoàng Nguyên - bản "Ai lên xứ hoa đào", mời quý vị cùng nghe qua giọng hát Anh Khoa. (audio clip)

Và “Bài thơ hoa đào” do Mỹ Thể hát - một ca khúc không thể thiếu khi nói về hoa đào nước mình: (audio clip)

Ngoài bắc, hoa đào là hình ảnh của tết Nguyên Đán, của mùa xuân quê hương.

"Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy ông đồ già Bày mực tàu, giấy đỏ Bên phố đông người qua ...

… Nhưng mỗi năm, mỗi vắng Người thuê viết, nay đâu Giấy đỏ, buồn không thắm Mực đọng trong nghiên sầu ...

… Năm nay, đào lại nở Không thấy ông đồ xưa Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ?”

Cảnh vẫn đó nhưng người xưa đâu? bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên làm Thy Nga liên tưởng đến điển tích “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” của Thôi Hiệu. Chuyện kể rằng:

“Chàng sĩ tử Thôi Hiệu hỏng thi, nhân tiết thanh minh đi du xuân, thấy một trang trại cây cối xanh tươi, ghé lại gõ cửa xin nước uống thì gặp một cô gái dựa cành đào, má ửng hồng tựa màu hoa. Nàng e lệ chẳng nói năng gì trong khi chàng trai ngây ngất nhìn - hoa đẹp mà người còn kiều diễm hơn hoa.

Năm sau, cũng nhân tiết thanh minh, chàng tìm đến Nam Trang mong gặp lại người xưa, thấy cảnh không thay đổi, hoa đào vẫn đùa cợt với gió đông nhưng người thì đâu vắng, cửa đóng then cài. Thôi Hiệu bồi hồi cảm xúc mà đề bài thơ, gài vào liếp cửa.

Một thời gian sau, thương nhớ quá, Thôi Hiệu trở lại chốn cũ thì nghe tiếng khóc vẳng từ trong nhà. Một cụ già bước ra, nhìn chàng, rồi hỏi “Người có phải là Thôi Hiệu không? Con gái tôi đọc bài thơ mà tương tư sầu khổ, đã chết rồi.” Chàng hối tiếc vô cùng nhưng đã muộn màng.”

Câu chuyện tình này được người đời truyền tụng mãi về sau. Nhà thơ Vương Ngọc Long đã dựa theo ý thơ của Thôi Hiệu mà viết nên bài “Hoa đào năm ngoái”, Mai Đức Vinh phổ nhạc, và Tấn Đạt trình bày đến quý vị. (audio clip)

Trong âm thanh ca khúc “Hoa đào năm ngoái” Thy Nga xin tạm biệt quý thính giả và các bạn…

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.