Nhạc bản “Diễm xưa” vào giáo trình về văn hóa Việt Nam tại trường đại học bên Nhật


2004.07.20

Thy Nga Hôm thứ Ba vừa rồi, một tin vui nữa về nhạc Trịnh Công Sơn đến với người Việt chúng ta - đó là tin bài “Diễm xưa” của ông được đưa vào chương trình giáo dục về môn văn hóa Việt Nam tại một trường đại học danh tiếng bên xứ hoa anh đào.

Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio

Đại học đường Kansai Gakuin cũng có một cuốn sách viết về bài “Diễm xưa” và kèm theo DVD cho sinh viên dễ dàng hơn trong việc nghiên cứu. Đây là lần đầu tiên, một nhạc bản của một nước Á châu được vào giáo trình, và là giáo trình bậc đại học Nhật Bản - thật là niềm hãnh diện cho người Việt nói chung.

Nữ ca sĩ Khánh Ly là người đã trình bày bài “Diễm xưa” với khán thính giả Nhật vào năm 1970 tại Hội Chợ Quốc Tế Osaka.

“Diễm xưa” … (audio clip)

Tổng hợp các tin trong và ngoài nước, Thy Nga xin thuật lại cùng quý thính giả là: ngay sau khi được trình bày, nhạc bản “Diễm xưa” trở thành “top hit” và được liên tục phát sóng trên xứ “Mặt trời mọc”.

Đến năm 1980 thì “Diễm xưa” được dịch sang tiếng Nhật là “Utsukushi Mukashi” và đài truyền hình NHK lớn nhất xứ này chọn làm nhạc bản chính cho bộ phim nói về những khác biệt khó thể tránh trong cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông Nhật lấy vợ người Việt.

Nhạc bản “Utsukushi Mukashi” (Diễm xưa) đã trở nên một trong 10 tình ca hay nhất mọi thời đại của Nhật Bản.

Thy Nga điện đến Cerritos ở Nam California, nơi Khánh Ly định cư, để hỏi chuyện. Khánh Ly cho biết là cách nay 3, 4 tháng, chị nhận được tin vui này qua e-mail của ông Kumi Otsuka thuộc Myrica Music, là hãng đĩa đã mời Khánh Ly sang Nhật thâu âm bài “Diễm xưa” và bài “Ca dao mẹ” hồi đó. (audio clip)

Quý vị theo dõi thời sự, chắc đã hay Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được chọn là một trong các nhạc sĩ trên thế giới lãnh “Giải Âm Nhạc Vì Hòa Bình”. Buổi lễ trao giải dự định vào cuối tháng Sáu tại Hà Nội nhưng bị đình lại. Mấy hôm nay, chuyện này lại nổi lên với tin là buổi lễ sẽ được diễn ra ngày 25 tháng 9 tới đây tại Nhà Hát thành phố Hồ-chí-Minh thế nhưng, từ ông đại diện giải này tại Việt Nam, đến trưởng ban tổ chức biểu diễn thuộc bộ Văn Hóa Thông Tin, tới nhân viên nhà hát đều nói rằng không biết.

Thy Nga đã điện, hỏi thăm Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, về vụ này. Theo chương trình dự định trước kia, thì Vĩnh Trinh là người lên nhận giải, thay cho anh cô đã qua đời. Nay thì Vĩnh Trinh nói rằng chương trình làm việc của cô cũng bận lắm, chưa chắc là có thể trở lại Việt Nam để tham gia buổi lễ, nếu thực sự lễ đó có diễn ra.

Vĩnh Trinh kể là đã sẵn sàng mọi thứ vào giữa tháng Sáu, khi mà lễ trao giải bị đình lại. Trong khi đó, bạn bè của cố nhạc sĩ họ Trịnh từ các nơi trên thế giới cũng đã kéo về Hà Nội, chờ dự lễ thì nghe tin là chuyện này không diễn ra. Họ không khỏi than phiền vì đã dành thời giờ và phí tổn hỡi ôi!

- Khánh Ly nghĩ sao về những chuyện xoay quanh việc nhà nước Việt Nam cho tổ chức buổi lễ trao “Giải Âm Nhạc Vì Hòa Bình”. Hơi rối ren phải không? (audio clip)

Cám ơn Khánh Ly đã dành cho Thy Nga buổi nói chuyện này.

“Nennenboya” (“Ca dao mẹ”) … (audio clip)

Trong âm thanh ca khúc “Nenenboya” (Ca dao mẹ) Thy Nga xin chấm dứt chương trình kỳ này. Chào tạm biệt quý thính giả và các bạn ...

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.