Lời Giới Thiệu: Vụ Đông Timor đã cuốn hút sự chú ý của dư luận thế giới tuần qua khi lực lượng quân sự của Liên hiệp quốc đã được phái tới bảo vệ dân cư tại đây. Nhưng, ngoài cõi Đông Timor, từ nay sẽ bước qua một khúc quanh mới, thời sự thế giới trong tuần cũng để ý tới nhiều tai tiếng như những chấn động ngày càng tiến dần tới tổng thống Boris Yeltsin của Liên bang Nga. Tại châu Á, hội nghị cấp lãnh đạo APEC đã kết thúc, nhưng ngay tại Bắc Kinh, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương vừa nhóm họp để kịp khai thông một số vấn đề về cải cách doanh nghiệp trước khi Trung Quốc đi vào lễ lạc mừng 50 năm thành lập chế độ. Do nhiều cây bút phụ trách với phần biên tập của Thành Chung, mục Thế giới Tuần qua tổng kết về các biến cố kể trên:Sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết với lời lẽ cứng rắn để gửi một lực lượng quân sự vào vãn hồi trật tự và hòa bình tại Đông Timor, Úc đã tình nguyện đưa vào số binh sĩ lớn nhất trong liên quân gồm tất cả bảy nước khác nhau. Chỉ huy 7.500 quân của Liên hiệp quốc là tướng Peter Cosgrove của Úc, và hai ngày qua, hơn 2.000 lính Úc đã tới thủ phủ Dili của Đông Timor. Chỉ huy phó liên quân là một viên tướng Thái Lan, các nước khác, như Anh, Nam Hàn, Singapore, Philippines, Malaysia và cả Trung Quốc cũng đã gửi hoặc binh lính hoặc nhân viên dân sự để hỗ trợ liên quân. Tin tức sơ khởi cho biết liên quân không gặp sự kháng cự nào, nhưng, sứ quán Úc Đại Lợi tại Jakarta thì có bị kẻ lạ bắn một viên đạn làm vỡ kính, mà không gây thương tích cho ai...Điểm chung tình hình Indonesia, nếu vụ Đông Timor có thể đã tạm êm, dư luận vẫn chưa yên tâm về tương lai của quốc gia này. Trong khi kinh tế chưa ra khỏi suy sụp thì tai tiếng tham nhũng tại ngân hàng Bali liên hệ tới giới chức của chế độ Habibie và đảng cầm quyền Golkar đã làm uy tín chính quyền sa sút thêm. Vụ Đông Timor có thể giúp quân đội Indonesia khai thác phản ứng quốc gia và bài ngoại để giữ uy thế bên trong nhưng về mặt quốc tế, quân đội này bị thế giới coi là hoặc bất lực, hoặc phân hóa hoặc chuyên quyền. Và dù khó chịu vì việc quốc tế đưa quân vào can thiệp, dân Indonesia cũng khó quên trách nhiệm của quân đội khi đã bảo vệ chế độ Suharto và bắn chết sinh viên năm ngoái. Chính trường Indonesia vì vậy còn đầy ẩn số bất trắc, trong đó có vai trò của quân đội. Tại Liên bang Nga, tuần qua cuộc điều tra hỗn hợp giữa cơ quan tư pháp Mỹ và Nga về các khoản tài sản khổng lồ được chuyển từ Nga qua ngân hàng Mỹ đã rọi đèn vào giới thân cận của tổng thống Boris Yeltsin khiến tin loan truyền ngày một nhiều là ông sẽ phải từ chức. Tuần trước, tờ Moskovsky Komsomolets tiết lộ là con gái và cố vấn thân cận của ông Yeltsin là Tatyana Dyachenko đã thu thập các văn kiện pháp lý liên hệ đến việc chuyển quyền tổng thống trước khi nhiệm kỳ chấm dứt. Dù ít ai tin là ông Yeltsin sẽ từ nhiệm trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Năm tới, tin đồn này cũng làm suy yếu uy quyền của ông. Ngoài ra, việc ông Yeltsin vừa ký giấy bổ nhiệm Đệ nhất Phó thủ tướng Nikolai Aksyonenko làm bộ trưởng Hỏa xa còn phản ảnh sự vận động ngầm giữa các thế lực quanh ông; cụ thể giữa một bên là Boris Berezovsky và Roman Abramovich; bên kia là Anatoly Churbai và thủ tướng Vladimir Putin, vì Aksyonenko, người của phe tài phiệt Berezovky, sẽ nắm nguồn lợi tài nguyên khoáng sản. Nhưng, tai tiếng về sự liên hệ của Berezovky đến vụ lem nhem tiền bạc, cùng những lợi thế quân sự nhất định tại Dagestan, đã phần nào củng cố uy thế của ông Putin. Cũng liên hệ đến Liên bang Nga, tuần qua, một thỏa ước hợp tác về dầu hỏa đã được ký kết giữa hai tổng thống Kazahkstan và Ukraine và điều đó có giúp cho Ukraine bớt bị lệ thuộc vào dầu hỏa của Nga. Tình hình kinh tế suy thoái, tai tiếng về tiền bạc và chính trị cùng với cuộc giao tranh dai dẳng, đã khiến Liên bang Nga hết là thành viên hợp tác kinh tế đáng kể của các lân bang. Mà càng nóng ruột đòi nợ dầu thô của các lân bang Ukraine, Georgia, Abkhazia hay Kazahkstan, Liên bang Nga càng mất dần ảnh hưởng đối với các quốc gia này, và họ đang tìm giải pháp hợp tác với nhau để thay thế dần vai trò của Nga.Tại Trung Quốc, tuần qua, người ta chỉ nghe nói đến Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng mà chưa rõ nội dung thảo luận bên trong. Được triệu tập khá gấp vào cuối tuần, Hội nghị sẽ cố tìm giải pháp cải tổ hệ thống doanh nghiệp nhà nước mà không làm giảm uy quyền và ảnh hưởng của đảng trong kinh tế. Đây là điều khó làm, và thủ tướng Chu Dung Cơ coi như đã thất bại trong mục tiêu đầy mâu thuẫn đó. Tuần qua, giới quan sát cho rằng Chu Dung Cơ sẽ còn tại chức cho đến năm 2003, nhưng thực tế thì quyền hạn của ông đã bị thu hẹp, mấy người cộng sự gần gũi nhất bị mất dần trách nhiệm, trong khi chủ tịch Giang Trạch Dân và ban tham mưu thân tín của ông đang nắm giữ mọi trọng trách về cải tổ kinh tế, kể cả hồ sơ cải cách doanh nghiệp đầy khó khăn.Nhưng, Giang Trạch Dân không chỉ có một hồ sơ cải tổ doanh nghiệp phải lo. Sau khi gặp tổng thống Bill Clinton bên lề hội nghị APEC mười ngày trước, ông đã cho mở lại hồ sơ WTO, là đơn xin gia nhập tổ chức mậu dịch thế giới, vốn bị kẹt sau khi quan hệ hai nước bị căng thẳng vì một loạt vấn đề từ Kosovo tới Đài Loan. Tới nay, hai nước đã qua ba buổi họp kỹ thuật mà chưa ngã ngũ, và trong khi Hội nghị Trung ương đảng đang phân tách mọi khía cạnh lợi hại của hồ sơ đó thì từ phía Mỹ giới lãnh đạo Quốc hội thuộc đảng Cộng hòa lại cho hay là chưa chắc Quốc hội Mỹ đã chấp thuận cho Trung Quốc gia nhập WTO. Y như thủ tướng Chu Dung Cơ sáu tháng trước, lần này chủ tịch Giang Trạch Dân cũng sẽ ở vào thế khó xử và bị trở lực từ cả hai cánh bảo thủ, ở cả Hoa lục và Hoa Kỳ. Thứ Ba tuần qua, Đài Loan đã bị một trận động đất coi như nặng nhất thế kỷ, khiến hơn 1.500 người tử vong và bị thiệt hại kinh tế rất nặng, nhất là trong lãnh vực ráp chế điện toán. Dịp này, Bắc Kinh ngỏ ý sẵn sàng giúp đỡ việc cấp cứu, nhưng cũng nhắc lại quan điểm của mình về vấn đề Đài Loan. Trong nội bộ, tin tức từ tờ Minh Báo tại Hong Kong cũng cho biết là một ủy ban đặc nhiệm đã được Bắc Kinh thành lập để nghiên cứu và khai triển kế hoạch quân sự nếu giao tranh xảy ra với Đài Loan. Tướng Trương Vạn Niên, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, sẽ cầm đầu ủy ban đặc biệt này. Trong khi đó, một phái bộ của quốc hội Mỹ cũng đã tới Đài Loan để khảo sát về khả năng tự vệ của đảo quốc này, trong trường hợp bị Trung Quốc thôn tính bằng võ lực.... Tổng kết về tin tức trong tuần, dư luận nhận xét là tuần qua, một số quốc gia hay tổ chức đã có lập trường đáng chú ý. Thí dụ như Bắc Kinh đã đồng ý với Liên hiệp quốc về việc gửi quân vào Đông Timor. Xưa nay, Trung Quốc rất kỵ việc can thiệp như vậy, vì liên tưởng tới các vấn đề Đài Loan hay Tân Cương hay Tây Tạng của mình. Nhưng, nếu phủ quyết một nghị quyết can thiệp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, họ sẽ mang tiếng bất nhân với nạn dân Đông Timor và phá hoại việc làm của Liên hiệp quốc... Cũng vậy, nhân khóa họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới, khi ngợi khen thành tích cải cách của một số quốc gia Đông Á bị khủng hoảng, lãnh đạo hai tổ chức này có vẻ thông cảm hơn với quyết định kiểm soát tư bản của Malaysia, xưa nay vẫn coi là biện pháp đi ngược tôn chỉ tự do kinh tế của hai định chế trên. Những chi tiết có vẻ rất nhỏ trên đây, thực ra phản ảnh nhiều thay đổi về quan niệm, và sẽ có ảnh hưởng lâu dài hơn tới thời sự thế giới trong tương lai...