Thời sự trong tuần (Mar. 11, 2000)
2000.03.12
Lời giới thiệu: Tuần qua, dầu thô trên thị trường quốc tế có lúc vọt tới 34 đô la một thùng trước khi trở lại mức 30 đô la. So với giá 10 đô la hồi tháng Hai năm ngoái, thì dầu thô tăng giá 200%, sau khi các nước của hiệp hội OPEC quyết định hạn chế sản lượng để nâng giá bán. Cũng tuần qua, Việt Nam đã quyết định hạ thuế trên xăng dầu để giảm thiểu tác hại bất lợi của việc giá dầu thô tăng vọt cả năm qua. Trong kỳ họp Quốc hội đang tiến hành, giới lãnh đạo Bắc Kinh lại nói tới nhu cầu thiết lập kho dự trữ chiến lược hầu giảm thiểu tác động thăng trầm của giá cả quốc tế trên nền kinh tế. Dầu thô vì vậy đang là nỗi ám ảnh gần xa của rất nhiều quốc gia... Với phần biên soạn của Võ Thành Văn, mục Thời sự Trong tuần xin nói về vụ giá dầu gia tăng này... Tuần qua, khi giá dầu thô trong một ngày có lúc tăng đến mức 34 đôla một thùng, nhiều người đã lo sợ viễn ảnh của một vụ khủng hoảng dầu hỏa như vào đầu thập niên 1970, sau khi các nước xuất cảng dầu thô tại Trung Đông phong tỏa các giếng dầu và gây ra nạn khan hiếm. Thực ra, ở cuối thế kỷ này, một vụ khủng hoảng như vậy khó xảy ra hơn vì nói chung, các nền kinh tế ít lệ thuộc hơn vào dầu hỏa, so với tình hình 30 năm trước. Nhưng việc giá dầu tăng gấp ba trong thời gian thật ngắn cũng gây xáo trộn cho nước nào phải nhập cảng dầu. Chúng ta sẽ tìm hiểu về nỗi khó khăn đó, sau khi biết sơ lược về vụ tăng giá dầu thô đang xảy ra. Sau thế chiến hai, từ 1955 đến khoảng 1975, giá dầu thô thế giới tương đối ổn định, chỉ xê dịch từ khoảng 11 đến 14 đôla một thùng, tính theo giá đôla năm 1992. Nhưng, tới cuối thập niên 1970, vì vụ phong tỏa của các nước trong Hiệp hội các Quốc gia Xuất cảng Dầu hỏa, hay được gọi tắt là OPEC, giá dầu đã tăng vọt và chưa trở lại mức cũ. Song le, cũng do giá dầu tăng, các ngành phải tiêu thụ dầu hỏa đã cố cải tiến kỹ thuật để tiêu thụ ít hơn, hoặc tìm nguồn năng lượng thay thế để ít bị lệ thuộc hơn vào dầu hỏa. Trong khi đó, các công ty dầu hỏa cũng cải thiện công nghệ khai thác nên đã hạ thấp phí tổn sản xuất một cách đáng kể. Số cầu gia giảm, khi số cung gia tăng, mà giá thành lại hạ, là ba yếu tố làm giá dầu sụt tới quãng 10 đôla một thùng vào đầu năm ngoái. Khi đó, các nước trong các-ten OPEC, và cả các nước xuất khẩu dầu thô mà không là hội viên OPEC, mới đồng ý từ tháng Ba năm ngoái về cách đối phó, là cùng bảo nhau tiết giảm sản xuất, hầu hạn chế số cung và làm giá dầu phải tăng. Trong năm qua, biện pháp bơm ít dầu đi như vậy đã có tác dụng làm dầu thô khan hiếm, nên giá mới tăng gấp ba. Và họ cam kết giữ định mức sản xuất đó cho tới 27 tháng Ba này mới họp tại Vienna của Áo quốc để quyết định tiếp về kế sách nối tiếp sẽ thi hành trong tương lai. Thời hạn này chưa tới, 3 nước chủ động nhất trong số các quốc gia xuất cảng, tức là Mexico, Venezuela, và Saudi Arabia đã nhiều lần họp riêng về kế sách sẽ đề nghị. Cả 3 nước này đều có xu hướng mở ống dầu để nới giá, như nhiều viên chức đại diện đã phát biểu từ giữa tháng Hai vừa qua. Trong các xứ còn lại, có Iran và Kuweit thì không mấy vội xả dầu để hạ giá. Một nước có sản lượng thứ nhì sau Saudi Arabia là Iraq thì lại bị Liên hiệp quốc phong tỏa vì tấn công Kuweit năm 1990, và lại không để Liên hiệp quốc giám sát việc tuân thủ lời cam kết không sản xuất võ khí loại tàn sát. Ngoài ra, còn nhiều quốc gia xuất cảng khác, mỗi nước đều lại có hoàn cảnh riêng và tính toán riêng đối với giá cả dầu thô. Nói tới giá dầu thô, người ta có thể nghĩ tới giá bán vào một thời điểm nhất định, như đầu năm hay cuối năm; người ta cũng có thể lấy giá trung bình cả năm để đo lường ảnh hưởng đối với kinh tế. Trong suốt năm 1998, giá trung bình một thùng là 12,9 đô la, qua năm 1999, giá đó lên đến 18,9 đô la, tức là tăng 42%. Rồi giá trung bình trong hai tháng đầu năm nay là 28,9 đô la tức là tăng 52% so với giá 1999. Nhưng, nếu lấy giá của từng thời điểm thì nói rằng từ đầu năm ngoái tới đầu năm nay, dầu thô tăng giá gấp ba, tức là tăng 200%, là điều cũng không sai. Cho tới nay, giới kinh tế ưa dùng giá bình quân, thay vì giá tuyệt đối ở hai thời điểm, nên mới có cảm tưởng là dù sao giá cả cũng chưa tăng mạnh. Thực ra, các nước Á châu không sản xuất dầu bắt đầu than phiền về hiệu ứng dầu hỏa. Dù là một xứ xuất cảng dầu thô, Việt Nam vẫn là nước nhập cảng vì chưa có khả năng chế biến nên vẫn phải mua xăng, dầu, nhớt, dầu cặn, nhựa đường, đã chế biến... Và giá cả gia tăng cũng gây khó khăn cho kinh tế Việt Nam. Một cách đơn giản, giá dầu tăng làm tỷ giá đồng bạc của quốc gia nhập cảng thuần bị sụt, làm cho loại lạm phát vì phí tổn có cơ gia tăng, làm lãi suất ngân hàng cũng thành đắt hơn, và rốt cuộc làm sản lượng kinh tế có thể suy trầm, hay suy thoái. Trong trường hợp kinh tế suy thoái, nhu cầu xăng dầu sẽ giảm và các nước xuất cảng dầu cũng bị thất thâu, vì khách hàng mua ít hơn. Đó là tình trạng đang có xác suất xảy ra vào mùa Hè tới. Riêng tại Á châu, các nước bị khủng hoảng vừa bắt đầu phục hồi nên rất ngại một vụ suy thoái hay lạm phát gây ra bởi nạn tăng giá dầu. Điều đó mới làm các nước OPEC phải suy tính. Nói chung, các nước xuất cảng này đều hiểu quy luật "già néo đứt giây", tức là nếu ghìm sản lượng để đẩy giá quá cao, họ sẽ bị dư luận công kích, và có khi bị trả đũa ở lãnh vực khác. Thí dụ gần là Indonesia, một xứ xuất cảng dầu và trông cậy nhiều vào lân bang châu Á để có tiền đầu tư và bảo vệ ổn định xã hội hầu tránh cơn khủng hoảng nội bộ. Quốc gia này không thể mãi ghìm ống dầu gây thiệt hại cho các lân bang, nhất là Nhật, vốn là nước viện trợ lớn nhất mà cũng lệ thuộc nhiều nhất vào dầu thô nhập cảng. Thí dụ khác là Mexico hay Venezuela, đồng minh Trung Nam Mỹ của Hoa Kỳ, bán dầu cho Mỹ và nhờ cậy nhiều vào viện trợ Mỹ. Hai xứ này khó giữ thế đồng minh nếu làm dư luận Mỹ khó chịu vì phải trả giá dầu xăng quá đắt, như tình hình vài tuần qua đã bắt đầu cho thấy. Đó là về đối ngoại, bên trong, các nước xuất cảng dầu cũng còn sợ là dầu cao giá sẽ tạo ra sức cám dỗ lớn cho các nước trong các-ten. Đó là sự cám dỗ xé rào bơm lậu ngoài hạn ngạch để kiếm lời phụ trội. Khi giá dầu thô tăng quá 25 đôla, nhóm OPEC đã bắt đầu nói tới nguy cơ này, và họ dự tính là sau thời hạn 27-3 thì sẽ áp dụng kế hoạch khác. Nội bộ các xứ xuất cảng đều biết rằng tỷ lệ vi phạm lời hẹn chung, bằng cách bơm lậu nhiều hơn số lượng cam kết, đang có xu hướng gia tăng, từ 19% vào tháng 9 năm ngoái đã lên đến 24% vào tháng Giêng vừa qua. Nếu sự vi phạm mà xảy ra đồng loạt thì sức mạnh của OPEC coi như tan rã. Cùng vì vậy mà OPEC mới phải nghĩ tới kế hoạch dung hòa. Người ta chưa rõ nội dung chi tiết của kế hoạch này, và cũng chưa biết là OPEC có thể thi hành kế hoạch một cách đồng bộ hay không. Nhưng, các nhà quan sát đã nêu một số dự đoán về kế hoạch trên, nhất là sau khi dư luận các nước lên tiếng phản đối vụ giá dầu gia tăng một cách thiếu tự nhiên như vậy. Các nước có thể bảo nhau sẽ xả ống bơm, nhưng theo từng đợt tiệm tiến để giá không sụt quá nặng hoặc gây đột biến thị trường. Từ nay đến mùa Hè là khi số cầu về xăng dầu lên cao vì nhu cầu di chuyển và du lịch, giá dầu có thể sẽ từ 29-30 đôla sụt xuống khoảng 25-26 đôla một thùng. Sau đó, giá cả còn có thể giảm tới mức 20 đôla mà các nước xuất cảng vẫn còn lời chán vì số cầu sẽ tăng rất lớn vào dịp Hè này. Hôm Thứ Ba tuần qua, bộ trưởng dầu hỏa của hai nước sản xuất lớn nhất thế giới là Saudi Arabia và Iran đã gặp nhau tại Geneva để thống nhất ý kiến về một số đề nghị sẽ trình bày trước thượng đỉnh OPEC ngày 27 này. Người ta được biết là hai nước đã nói tới thời điểm mùng 1-8, là khi họ sẽ áp dụng một hạn ngạch khác, với giá biểu khác. Xét như vậy, người ta mong rằng dù giá dầu không trở lại mức 10 đôla một thùng, tình hình từ nay đến mùa Hè cũng vẫn còn dễ thở hơn cho các xứ tiêu thụ. Giới kinh tế cho là giá cả sẽ có nhiều đợt lên xuống khá mạnh trong những tuần tới, nhưng cuối cùng rồi sẽ ổn định ở mức 20-25 đôla một thùng và nạn lạm phát vì phí tổn gia tăng sẽ không xảy ra.