Thế giới tuần qua (Mar. 15, 2000)
2000.03.14
Lời giới thiệu: Thế giới tuần qua tại Á châu đã trưng bày hình ảnh cực kỳ phức tạp và đa diện của khu vực này, khi tin tức không vui trên mặt trận kinh tế Nhật Bản đã gây chấn động cho thị trường chứng khoán Âu châu và Hoa Kỳ, và cùng ngày Thứ Hai đó, nạn chứng khoán sụt giá tại Đài Loan đã chẳng trấn an được dư luận. Vụ cổ phiếu Đài Loan sụt giá có liên hệ tới cuộc bầu cử cuối tuần này dưới áp lực rất mạnh của Bắc Kinh. Tại Hoa lục, Quốc hội khóa chín đã họp xong kỳ thứ ba nhưng không trấn an được quần chúng về cả triển vọng kinh tế lẫn quyết tâm bài trừ tham nhũng. Ngược lại, một số dư luận còn cho rằng phe thủ cựu đang có vẻ thắng thế tại Bắc Kinh. Thời sự tuần qua tại Á châu cũng nói tới dù không có nhiều kỳ vọng về chuyến thăm viếng Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.... Do nhiều cây bút phụ trách với phần biên tập của Thành Chung, Thế giới Tuần qua xin điểm lại mấy biến cố trên... Từ 10 năm nay, kinh tế Nhật Bản đã trôi vào giai đoạn trũng, kéo dài quá lâu. Tuần qua, hy vọng phục hồi của kinh tế Nhật đã tan thành mây khói khi Cơ quan Hoạch định Kinh tế Nhật công bố một tin kinh tế mới, theo đó sản lượng kinh tế của tam cá nguyệt cuối đã giảm so với trước đây. Như vậy, Nhật Bản bị sản lượng suy sụp trong hai tam cá nguyệt liền, và theo định nghĩa của giới kinh tế, khi bị như vậy là Nhật đang trôi vào nạn suy trầm kinh tế. Tin vừa được loan ra, thị trường chứng khoán Nhật lập tức tuột dốc, kéo theo sự suy sụp của các thị trường Hong Kong và Singapore tới Âu châu và cả Hoa Kỳ trong mấy ngày liền. Các xứ Á châu đều rất sợ viễn ảnh suy trầm của kinh tế Nhật như vậy. Cùng ngày Thứ Hai, thị trường chứng khoán Đài Loan cũng tuột giá ở mức cao nhất lịch sử xứ này. Lý do lại không đến từ Nhật Bản mà từ Hoa lục. Thoạt đầu, người ta tưởng là cổ phiếu bị sụt giá vì dư luận e ngại một quyết định thô bạo của Bắc Kinh, trước khi dân Đài Loan bầu tổng thống mới vào Thứ Bảy 18 này. Nhưng, sau đó mới được biết thêm dù chưa trọn vẹn vài bí ẩn chính trị bên trong. Bắc Kinh rõ là muốn tác động vào cuộc bầu cử Đài Loan, nhưng tuần qua lại dịu giọng và chỉ muốn dân Đài Loan sẽ bầu lên một vị tổng thống không đòi độc lập. Về vấn đề đó, Đài Loan hiện có ba ứng viên coi như đang dẫn đầu, với mức độ dị biệt rất khít khao. Trước tiên là ứng viên Trần Thủy Biển của đảng Dân chủ Cấp tiến, người được coi là có chủ trương độc lập quyết liệt nhất. Kế tiếp, có hai ứng viên đều từ Quốc dân đảng Trung Hoa ra, là ông Tống Sở Lẫm, cựu tổng thư ký bị khai trừ vì ra tranh cử độc lập, và đương kim phó tổng thống Liên Chiến của Quốc dân đảng. Khi các cổ phiếu sụt giá, người ta phát giác là một số cơ sở kinh tài của Quốc dân đảng đã bán tháo cổ phần và cố tình châm ngòi cho vụ sụt giá để gây tâm lý hốt hoảng. Các phe đối lập phanh phui nội vụ và tố cáo Quốc dân đảng làm thị trường biến động để hăm dọa dân chúng, rằng nếu ông Trần Thủy Biển thắng cử, thì tình hình Đài Loan sẽ bất ổn như vậy vì phản ứng dữ dội của Bắc Kinh. Người ta chưa biết nội vụ đúng hay sai, nhưng, rõ ràng là từ nay đến cuối tuần, tình hình Đài Loan sẽ còn khiến dư luận chú ý, và viễn ảnh Quốc dân đảng có thể mất quyền sau 55 năm lãnh đạo đang thành hiện thực hơn. Việc nhà bác học Lý Viễn Triết, giải Nobel Hóa học năm 1986, vừa từ chức chủ tịch Hàn lâm viện Trung Hoa để qua hoạt động cho ứng viên Trần Thủy Biển đã là biến cố tâm lý rất đáng kể cho sự đổi thay đó. Về phía Trung Quốc, sau khi gay gắt hăm dọa Đài Loan, tuần qua hình như lãnh đạo Bắc Kinh đã có vẻ dịu giọng và tập trung vào các vấn đề nội bộ. Quốc hội Hoa lục đã chấm dứt kỳ họp thứ ba của khóa chín, với một số điểm đáng chú ý. Trong khi Quốc hội nhóm họp, một Phó chủ tịch Quốc hội đã vắng mặt vì bị điều tra tội tham nhũng, và án tử hình về tội tham nhũng của một cựu bí thư kiêm phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Giang Tây đã được thi hành. Trong khi đó, cả Ủy ban Kế hoạch và Phát triển Kinh tế lẫn bộ Tài chánh Trung Quốc đều báo cáo trước Quốc hội những khó khăn rất lớn về kinh tế và thất nghiệp. Chung cuộc, chưa có triển vọng tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội thì họ đành tự an ủi bằng biện pháp kỷ luật nặng cho đảng viên cao cấp bị xử về tội tham nhũng. Điều đáng chú ý là ông Hồ Trường Khánh vừa bị tử hình cũng lại là ủy viên Ban Tôn giáo Trung ương đảng, nên không rõ là án tử hình đó có liên hệ gì tới vụ giáo phái Pháp luân công không. Những dư luận có thẩm quyền về tình hình Hoa lục thì cho rằng, thứ nhất vụ xét xử tham nhũng không xoa dịu được sự bất mãn của dân chúng khi kinh tế suy sụp mà thiểu số ăn trên ngồi chốc vẫn tiếp tục trục lợi bất chánh. Thứ nhì, Quốc hội vừa tăng thẩm quyền kiểm soát các hoạt động của chính phủ, nên Chủ tịch Quốc hội Lý Bằng thuộc phe thủ cựu và từng liên hệ đến vụ thảm sát Thiên an môn 10 năm trước, nay đã có thêm quyền hạn để kềm chế hoặc ngăn ngừa kế hoạch cải cách của thủ tướng Chu Dung Cơ. Cũng bên lề kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc, thời sự tuần qua có nói tới những tranh chấp trong hàng ngũ lãnh đạo, với Chủ tịch Giang Trạch Dân đang cố làm vừa lòng cả quân đội, phe thủ cựu lẫn phe cải cách để lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ nữa. Nối tiếp tuần báo Asiaweek cách đây hai tuần, tờ Newsweek cũng nhìn thấy vụ này và tự hỏi là Giang Trạch Dân muốn làm vua hay sao vậy. Người ta chưa thể biết là họ Giang có tiếp tục cầm đầu sau Đại hội đảng tới đây chăng, nhưng đã biết rằng từ nay đến đó Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều biến động xã hội, chủ yếu bùng nổ từ nông thôn. Cuộc khảo sát của một trung tâm nghiên cứu đã báo cáo lên Trung ương đảng viễn ảnh không lạc quan đó về xã hội Trung Quốc. Trong khung cảnh đó, thời sự tuần qua mới để ý tới việc chính quyền Clinton đang vận động các nghị sĩ dân biểu đồng ý thông qua hiệp định thương mại Hoa Kỳ đã ký với Bắc Kinh năm ngoái và cho Trung Quốc được quy chế mậu dịch vĩnh viễn như đa số các nước khác. Trong nội bộ Hoa Kỳ, phe chống đối chủ yếu là cánh tả và đảng Dân chủ, trong khi phe ủng hộ đề nghị của ông Clinton đa số lại thuộc đảng Cộng hòa. Khi gặp hoàn cảnh bấp bênh như vậy, có lẽ Bắc Kinh chẳng muốn khiêu khích chính giới Mỹ bằng áp lực gây hấn đối với Đài Loan. Và bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông William Cohen trong lúc dừng chân tại Hong Kong trước khi vào Việt Nam, cũng nói tới vai trò quan trọng của Hoa lục đối với nền hòa bình của cả khu vực Á châu Thái bình dương. Bộ trưởng Cohen là người đầu tiên lãnh đạo bộ Quốc phòng Mỹ chính thức thăm Việt Nam trong tuần này. Tại đây, ông được đón tiếp trọng thể và có dịp trao đổi với nhiều giới chức quân sự và chính trị Hà Nội. Nhắc tới vai trò của Trung Quốc tại Á châu rồi, ông Cohen bày tỏ ý kiến của phía Hoa Kỳ là thực tâm muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam. Đôi bên đã có một số cử chỉ hợp tác tượng trưng, được Hà Nội dàn dựng công phu, như việc truy tìm hài cốt của 2029 binh lính Mỹ mất tích không dấu vết trên chiến trường Việt Nam. Hà Nội cũng nhân đó yêu cầu Hoa Kỳ quan tâm và chia sẻ một số gánh nặng xã hội do chiến tranh để lại. Ba ngày thăm viếng của ông Cohen chưa thể lập tức cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia, nhưng cũng là một việc phải làm, dù chưa có kết quả ngay. Sau cùng, thời sự tuần qua để ý tới vùng Nam Á, nơi mà tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton sẽ ghé thăm để cố dàn xếp mối tranh chấp giữa Ấn Độ và Cộng hụoà Hồi quốc Pakistan. Ngay sau khi tin ông Clinton vẫn tới Pakistan dù quân đội nơi đây đã đảo chánh chính quyền dân sự của thủ tướng Nawaz Sharif thì một biến cố đã lại xảy ra. Viên luật sư bào chữa cho ông Sharif đã bị ám sát chết ngay tại nhà, khiến luật sư đoàn toàn quốc đã đình công một ngày để phản đối, trong khi bà vợ ông Sharif lại bị chính quyền của quân đội trù rập. Những biến cố đó khiến tình hình Pakistan gặp nhiều biến động và nỗ lực hòa giải với Ấn Độ sẽ còn nhiều bất trắc, là điều chúng ta sẽ còn có dịp nhắc tới trong thời sự mấy tuần tới.