Lời giới thiệu: Thờụi sự quốc tế nổi bật tuần này là kết quả bầu cử tổng thống Đài Loan. Mặc dầu có lời đe dọa nặng nề từ phía Bắc Kinh, dân chúng Đài Loan đã chọn ông Trần Thủy Biển làm tổng thống. Ông là ứng viên tổng thống bị Trung Quốc ghét nhất vì đã từng chủ trương Đài Loan độc lập. Tuy nhiên, ngoài mối quan tâm của dư luận quốc về sự căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc sau cuộc bầu cử, một khía cạnh khác cũng được giới quan sát chú ý là nền dân chủ của đảo quốc này đã tiến một bước dài và chứng tỏ rằng trào lưu dân chủ trên thế giới ngày càng vững mạnh. Về khía cạnh này của Đài Loan, mục "Việt Nam, Nhìn từ bên ngoài" có bài nhận định sau đây của Trần Sơn Nam...Ông Trần Thủy Biển, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ Tiến Bộ Đài Loan vừa được tin đắc cử tối Thứ Bẩy 18 tháng 3 thì sáng hôm sau người ta đã dọn sạch cờ quạt, biểu ngữ và khẩu hiệu tranh cử của Quốc dân đảng đương quyền. Đây quả là một sự thay bậc đổi ngôi nhanh chóng, phút chốc đã cuốn sạch thời đại 51 năm thống trị của đảng này, kể từ khi Tưởng Giới Thạch thất trận phải chạy sang Đài Loan. Sự thay đổi này không những nhanh chóng mà lại còn do lá phiếu người dân thể hiện trong trật tự và hòa bình, qua một cuộc tuyển cử tự do. Đây là điểm son làm nổi bật sự khác biệt giữa chế độ độc tài đảng trị tại Hoa lục và chế độ dân chủ tại Đài Loan, tuy non trẻ mà đã đầy hứa hẹn.Ba ngày trước cuộc bầu cử ở Đài Loan, Thủ Tướng Chu Dung Cơ, người được coi là ôn hòa trong hàng ngũ lãnh đạo Bắc Kinh, đã không tiếc lời đe dọa mà giới quan sát quốc tế cho là quá gay gắt. Ông hăm dọa dân Đài Loan là nên thận trọng kẻo về sau có hối thì đã chậm. Ông còn nói thêm là Trung Quốc sẵn sàng đổ máu, nếu cần, để thực hiện thống nhất. Lời đe dọa này có sức nặng của một cường quốc với dân số một tỷ hai trăm triệu người so với gần 23 triệu người dân Đài Loan. Thế mà bất chấp mọi tai họa trước mắt và nguy hiểm trong tương lai, dân Đài Loan đã thản nhiên đi bầu, và bầu cho người mà Hoa lục ghét nhất, là Trần Thủy Biển của đảng Dân Chủ Tiến Bộ, đối lập với đảng cầm quyền. Ông Trần này là người đã từng lên tiếng chủ trương Đài Loan độc lập, vốn là điều cấm kỵ và đi ngược quan niệm của Bắc Kinh rằng Đài Loan chỉ là một tỉnh ly khai của Trung Quốc. Phải chăng, dân Đài Loan không nhìn thấy hiểm họa chiến tranh? Hay là họ bỏ phiếu với tinh thần thách thức? Theo một số quan sát viên quốc tế thì sự thực không hẳn thế. Người dân Đài Loan đã sống mấy chục năm dưới một chế độ đè nén và nhìn thấy cỗi rễ của tệ nạn tham nhũng ăn sâu vào một chính quyền cai trị quá lâu và nắm hết những địa vị then chốt trong xã hội mà không thay đổi. Sau mươi năm hé nhìn được ánh sáng dân chủ, đặc biệt từ khi ông Lý Đăng Huy, một người sinh đẻ tại đảo quốc được lên tổng thống, dân Đài Loan có lẽ đã nghĩ đến việc dùng lá phiếu để trừng phạt đảng cầm quyền về tội trì trệ và tham nhũng, hơn là để khiêu khích Bắc Kinh.Dầu sao với sự đắc cử của ông Trần Thủy Biển, dư luận khắp nơi cũng thấy rõ hai khía cạnh của vấn đề Đài Loan. Trước hết là khía cạnh quốc tế. Về phương diện này thì, dường như trái với nỗi lo ngại của mọi người, ngay sau khi có kết quả bầu cử, mối căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã giảm một mức. Nói cho cùng thì, ngoại trừ thành phần quá khích ở cả hai bên, không một ai muốn chiến tranh. Về phía Đài Loan, ông Trần Thủy Biển lại tỏ ra ôn hòa, không nói gì đến chủ trương đòi độc lập nữa, mà lại còn muốn nối lại đối thoại với lục địa trên căn bản bình đẳng. Về phía lục địa, lập trường mới của họ là chờ đợi hành động và việc làm của người mới đắc cử. Chủ Tịch Giang Trạch Dân cũng tuyên bố rằng sẽ nối lại đối thoại nếu hai bên đồng ý với nguyên tắc "chỉ có một Trung Hoa". Còn về phía Hoa Kỳ, cường quốc bị lôi vào cuộc và đang ở vào thế khó xử, thì sứ giả đã được gửi đến cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc, để cố làm êm dịu tình thế. Trong bối cảnh phức tạp và nguy hiểm này, rồi đây tình thế biến chuyển ra sao là câu hỏi của nhiều người. Nhưng dầu tình thế xoay đổi thế nào đi nữa thì yếu tố nổi bật nhất về cuộc bầu cử ở Đài Loan vẫn là sự thắng thế của trào lưu dân chủ. Phải chống lại một bộ máy chính quyền đã mọc rễ năm chục năm và có trong tay hàng chục tỷ để lũng đoạn chính trường và mua chuộc cử tri, đồng thời lại còn đối phó mối đe dọa Hoa lục hơn một tỷ người, thế mà ông Trần Thụy Biển đã đắc cử. Không có trào lưu dân chủ đẩy mạnh người dân bỏ phiếu ủng hộ lập trường tiến bộ của ông thì làm sao ông vượt được thử thách? Ông chính là một biểu tượng của trào lưu dân chủ đang lên ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở đây người ta lại nhớ đến trường hợp của ông Wahid đắc cử tổng thống ở Indonesia cuối năm ngoái, chấm dứt hơn 30 năm thống trị của chế độ độc tài Suharto. Và quay sang Tây Phi Châu, ngay mấy ngày vừa qua, người ta cũng lại thấy tại Senégal, một thuộc địa cũ của Pháp, sự đắc cử của một ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng đối lập. Tại đây, đảng Xã hội cầm quyền liên tiếp 40 năm kể từ ngày lập quốc, và tổng thống đương nhiệm từ 19 năm qua, là ông Diouf, đã thất cử. Quyền hành được chuyển giao một cách êm thấm cho ông Wade, người vừa mới đắc cử. Quả thực là dưới khắp các vòm trời, trào lưu dân chủ đã thắng thế rõ rệt.Về cuộc bầu cử ở Đài Loan, người ta đã nói nhiều là Bắc Kinh tối kỵ ông Trần Thủy Biển vì ông có khuynh hướng muốn độc lập. Thực ra, Trung Quốc cũng như Việt Nam, hai chế độ Cộng Sản này đều không muốn trả lại cho người dân cái quyền làm dân trong một chế độ dân chủ. Dưới khía cạnh này, sự đắc cử của ông Trần Thụy Biển cũng có thể được coi như một lời cảnh cáo đối với nhà cầm quyền Cộng Sản ở cả hai nước. Trần Sơn Nam